xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Quản không được nên cấm?

Bài và ảnh: GIA MINH

Đề xuất tạm dừng cấp phù hiệu cho ô tô 9 chỗ trở xuống tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng tại TP HCM tiếp tục gây ra nhiều tranh cãi

Có ý kiến đồng tình nhưng cũng nhiều ý kiến phản đối trước đề xuất trên của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM bởi dưới góc độ pháp lý, hiện chưa có quy định nào áp đặt vấn đề này.

"Chốt" như quy hoạch taxi

Theo Sở GTVT, đề xuất trên được đưa ra trong bối cảnh TP chưa có quy hoạch về số lượng ô tô dưới 9 chỗ tham gia kinh doanh vận tải hành khách (KDVTHK) theo hợp đồng (HĐ). Trong khi đó, chỉ tính riêng số lượng taxi đang hoạt động trên địa bàn đã vượt xa quy hoạch đến năm 2020, thậm chí đến năm 2025. Chưa kể, một lượng lớn ô tô dưới 9 chỗ không đăng ký kinh doanh nhưng đang hoạt động ứng dụng phần mềm của Uber khiến nguy cơ "vỡ trận" xe HĐ nếu không có biện pháp khống chế.

Việc tạm ngưng cấp phù hiệu đối với ô tô dưới 9 chỗ tham gia KDVTHK theo HĐ nhằm mục đích không tăng thêm số lượng trong lúc chờ quy hoạch số lượng của loại xe này để làm cơ sở thực hiện. Đề xuất trên nếu được chấp thuận, sẽ thực hiện tương tự như chốt tạm thời xe taxi từng thực hiện năm 2010. Theo đó, số lượng xe của từng đơn vị vận tải sẽ được chốt lại, sau đó cho phép các đơn vị này thay thế một xe cũ bằng một xe mới hoặc cấp lại phù hiệu khi hết hạn (nằm trong khung đã chốt). Cuối cùng, áp dụng biện pháp giảm dần số xe có niên hạn sử dụng cao cho đến khi đạt tới số lượng xe theo quy hoạch được phê duyệt.

Theo ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, ngoài biện pháp nêu trên, để kiểm soát số lượng xe, đơn vị còn khống chế không cho ô tô dưới 9 chỗ từ các địa phương khác vào TP HCM hoạt động, dù những phương tiện này có phù hiệu của địa phương ngoài TP cấp hay không. Ngoài ra, Sở GTVT cũng sẽ làm việc trực tiếp với các đơn vị cung cấp phần mềm tham gia thí điểm như dạng Grab, V.CAR... để kiểm tra, xử lý phương tiện không đủ điều kiện hoạt động trên địa bàn.

TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, đánh giá hệ thống bến bãi dành cho xe HĐ chở khách cũng như các điểm đón, trả khách đối với loại hình taxi đang thiếu hụt trầm trọng. Vì vậy, các xe đều phải chạy lòng vòng trên đường đón khách hoặc sử dụng cây xăng, lòng, lề đường... làm nơi đậu. Đề xuất trên hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh giao thông hiện nay tại TP HCM. "Đề xuất trên dựa trên nhiều cơ sở, luận điểm cùng đối tượng áp dụng rõ ràng. Là đơn vị quản lý trực tiếp, Sở GTVT được phép căn cứ vào tình hình thực tế, nhu cầu đi lại, hạ tầng giao thông... để điều chỉnh phù hợp" - ông Nguyên nói.

Quản không được nên cấm? - Ảnh 1.

Số lượng xe dưới 9 chỗ tham gia KDVTHK theo HĐ tại TP HCM đang tăng một cách chóng mặt

Phải điều chỉnh quy định

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng hiện chưa có quy định về việc tạm dừng hoặc hạn chế cấp phù hiệu cho ô tô tham gia KDVT. Đề xuất trên của Sở GTVT chẳng khác nào "không quản lý được thì cấm".

"Đề xuất trên nếu được thực hiện sẽ ảnh hưởng đến nhiều yếu tố trong quyền tự do kinh doanh của các cá nhân, doanh nghiệp. Hơn nữa, chưa thể khẳng định việc tạm dừng cấp phù hiệu mới cho ô tô từ 9 chỗ trở xuống tham gia KDVTHK theo HĐ giải quyết được việc giảm ùn tắc giao thông. Về mặt pháp lý, đề xuất trên hiện chưa đủ căn cứ nên nếu muốn kiểm soát vấn đề này, nhà nước cần sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về các điều kiện được cấp giấy phép KDVT cũng như thắt chặt hơn nữa việc cấp phù hiệu nhằm bảo đảm yêu cầu về quản lý, quy hoạch giao thông và quyền tự do kinh doanh" - luật sư Chánh đánh giá.

Luật sư Phạm Hoài Nam (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng đề xuất trên của Sở GTVT được xem là giải pháp tình thế và cần thiết cho thực trạng giao thông hiện nay. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, việc tạm dừng cấp phù hiệu mới đối với xe từ 9 chỗ trở xuống hoạt động theo dạng HĐ cần phải điều chỉnh lại một số quy định. Cụ thể là phải phân loại, áp dụng cho từng loại hình; có những quy định cụ thể về điều kiện KDVT, chính sách về điều chỉnh giá cước theo cơ chế thị trường. Đặc biệt, cơ quan quản lý cần nhanh chóng điều chỉnh quy hoạch theo lộ trình cụ thể với số lượng xe cần thiết trên địa bàn. 

Khó phạt Uber

Theo Thanh tra Sở GTVT TP HCM, số lượng ô tô dưới 9 chỗ dạng Uber không đủ điều kiện KDVTHK theo HĐ trên địa bàn TP rất lớn nhưng từ đầu năm 2017 đến nay, đơn vị chỉ xử phạt được 97 trường hợp. Lý do: Thanh tra Sở GTVT không có quyền dừng xe kiểm tra nếu không có hành vi vi phạm ban đầu, trong khi hầu hết các xe này không có dấu hiệu nhận biết. Mặt khác, để xác định hành vi vi phạm hành chính của xe KDVTHK có sử dụng phần mềm Uber, Grab…, phải có bản tường trình và sự hợp tác của hành khách trên xe. Tuy nhiên, hầu hết người đi xe đều không muốn phiền phức nên đối phó bằng cách trình bày là xe của gia đình, bạn bè…

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo