Cuối tháng 4, trên hành trình khám phá Đông Bắc, chúng tôi có dịp đi trên thủy lộ sông Gâm với hành trình hơn 80 km từ Bắc Mê - Hà Giang đến Na Hang - Tuyên Quang.
Hành trình bắt đầu vào một buổi sáng, trời nắng đẹp, mờ sương. Trên đầu, mây trắng lờn vờn quanh những đỉnh núi, dưới sông, dòng nước xanh biếc chảy chậm.
Cảm giác choáng ngợp đầu tiên là khi thuyền hướng vào khe Núi Đổ, hẻm núi gồm 2 vách núi đá thẳng đứng, cao chót vót khiến những đám mây trắng bồng bềnh sà xuống bủa vây…
Khi thuyền qua những cánh rừng đặc dụng ở Bắc Mê, dòng sông bỗng mở rộng mênh mông. Nếu ở mạn ngược, rừng xanh ngút tầm mắt, núi đá vôi đan xen núi đất, khí hậu ẩm ướt thì càng về Tuyên Quang, núi cao sông rộng, nước xanh ngăn ngắt…
Sông Gâm mùa cạn nước, hai bên bờ để lộ ra những dãy núi đá vôi. Nhiều chỗ là thạch nhũ tạo hình tuyệt đẹp.
Khung cảnh thơ mộng, sông nước, mây trời hòa quyện. Suốt hành trình dài mấy tiếng đồng hồ, thỉnh thoảng mới gặp một chiếc thuyền của người dân bản địa đi ngang qua. Còn lại, không gian cứ như là của riêng mình….
Đến khu vực Na Hang (Tuyên Quang), gần công trình thủy điện Tuyên Quang, 99 ngọn núi đá vôi tạo hình ngoạn mục hiện ra khiến ai nấy ngỡ ngàng tưởng như mình đang lạc vào vịnh Hạ Long. Trong đó có một cột đá sừng sững cao khoảng 100 m tính từ đáy sông với tên gọi Vài Phạ (cọc cột con trâu trời) được kiến tạo bằng tầng tầng lớp lớp những phiến đá mỏng.
Thong dong trên thuyền, hòa cùng trời mây sông nước
Một ngọn núi nhô lên giữa dòng sông với tên gọi Vài Phạ (cọc cột con trâu trời)
Đàn trâu nhởn nhơ gặm cỏ...
... rồi bơi qua sông
Hai bên bờ sông là những dãy núi đá vôi
Hai bên bờ sông là những dãy núi đá vôi
Suốt chiều dài 217 km chảy vào địa phận Việt Nam, sông Gâm không chỉ tạo nên khung cảnh hữu tình mà còn hào sảng ban cho người dân bản địa nhiều mỏ tôm, cá.
Ông Trần Thế Dũng, Phó giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ, đơn vị duy nhất đến thời điểm này đưa sông Gâm vào khai thác tour nối dài từ Hà Giang đến Bắc Kạn, biết trên dòng sông này, đoạn giáp ranh giữa Cao Bằng và Hà Giang xưa kia là vùng tập trung, sinh sống của 5 loại cá quý nhất miền Bắc được dân chài ví là “ngũ quý hà thủy”: Anh vũ, dầm xanh, lăng, bông, chiên.