Nắng vàng lấp lóa. Hoa bằng lăng tím lịm. Gió lao xao trên tán lá. Phượng à! Hàng bằng lăng lớp mình trồng giờ đã lớn. Ngang cửa sổ dãy lớp học tầng hai rồi. Lớp học ngày xưa của chúng mình.
Lớp mười hai, Phượng mặc áo dài trắng, bẽn lẽn ôm chiếc cặp lấp ló ngoài cửa. Đấy là lần đầu tiên mình nhìn thấy một tà áo dài trong sân trường. Tà áo dài đẹp thướt tha. Mình thấy vừa lạ lẫm, vừa thân thiết. Cô bạn nói nhiều, xông xáo đây sao? Ba năm học, chưa lúc nào nhìn bạn dịu dàng đến thế. Có cái gì nhè nhẹ dâng lên, như buổi sớm mở cửa sổ thấy bầu trời trong vắt, xanh thẳm đến vô cùng. Bất giác nhìn sang phía bạn. Mái tóc ngang lưng xõa trên áo trắng. Vài ánh mắt cũng vừa lén nhìn về phía ấy. Mấy bạn trai đỏ mặt cúi xuống trang vở. Thấy tim đập rộn ràng…
Từ hôm sau, bạn không mặc áo dài nữa. Lũ con trai thắc mắc. Bọn con gái xì xào. Đứa bảo, bạn xấu hổ. Đứa bảo, vì bạn bè trêu chọc, vì bạn không tự tin… Kệ! Bạn chẳng bao giờ nhắc đến cái áo dài ấy.
*
Hoa gạo nở đỏ rực soi bóng xuống mặt sông. Sông Miện xanh biếc lững lờ trôi xuôi. Trường tổ chức cắm trại. Trại lớp mình ven gốc gạo già. Thi thoảng hoa rơi lộp bộp xuống mái trại. Cả lớp tranh nhau khều. Và chơi trò bói hoa gạo.
Buổi chiều, trời nổi mây. Vài hạt mưa lất phất. Mọi hoạt động chung của trường đã xong. Các lớp tụ tập trong trại. Thái lôi đàn ghita ra gẩy. Tiếng đàn phừng phừng. Cả lớp cười nghiêng ngả. Phượng bảo như tiếng bật bông. Quang giật đàn. Vài âm thanh chệch choạc vang lên rồi lắng dần. Những nốt nhạc chơi vơi bay lên. Bài "Mong ước kỷ niệm xưa" xua dần tiếng cười, tiếng nói. Cả lớp theo mơ màng theo tiếng đàn. Nghĩ về một ngày rất xa.
Tiếng đàn dứt. Giọng Quang trầm ấm. "Phượng bảo: Nếu Quang đàn được bài này, sẽ có một đặc quyền, đúng không?" Bạn gật đầu. "Tại sao bạn không mặc chiếc áo dài đó nữa?". Bạn chầm chậm đứng dậy. "Mình xin kể một câu chuyện thay cho câu trả lời".
"Bên bờ sông Gâm có một ngôi nhà nhỏ. Ngôi nhà của hai mẹ con người trồng rau. Hàng ngày, người mẹ gánh rau về chợ bán, còn cô bé vượt sông sang bên kia học. Gánh rau chỉ đủ cho hai mẹ con sống tằn tiện qua ngày. Thế nhưng cô bé học rất giỏi. Cô bé thi được vào trường chuyên của tỉnh. Cô bé không muốn xa nhà, xa mẹ. Cô không muốn lưng mẹ còng, vai áo mẹ bạc thêm. Mẹ lại muốn cô học chuyên Văn. Và cô bé phải nghe lời mẹ. Cô đi trọ học. Vẫn tằn tiện, chắt bóp như ngày ở với mẹ nhưng cuộc sống ngày càng khó khăn. Chỉ có điều cô vẫn học rất giỏi. Là một trong hai người đứng đầu lớp. Hết kỳ I năm ấy, nhà trường yêu cầu mặc đồng phục. Mẹ cô bé chạy vạy mãi mà chẳng may nổi cho con một bộ áo dài…"
Trời đổ mưa. Có tiếng loa thông báo dỡ trại. Cả lớp vẫn ngồi im. Phượng nói nhanh. "Chủ nhật tuần này, mình sẽ đến giúp cô bé đó chăm vườn rau. Ai có thời gian thì đến giúp mình nhé!".
Sáng chủ nhật. Trời trong. Bảy giờ. Hai mươi bảy bạn. Hai mươi chiếc xe đạp. Cả lớp đạp xe ngược dòng Gâm. Tiếng cười đùa xen lẫn tiếng gió.
Người đàn bà đang ngồi trên chiếc giường tre. Lưng bà tựa vào vách liếp. Cô bé đang bưng bát cháo trắng bón cho mẹ. Nhìn thấy cả lớp, cô sững người. Phượng cười thật tươi. "Hôm nay nghỉ, lớp chị đến xem giúp được gì cho em không". Không đợi cô bé trả lời. Phượng quay ra phân công mọi người. Ba bạn nữ giúp quét dọn nhà, giặt chăn màn. Những bạn còn lại ra vườn nhổ cỏ, tưới rau. Cả lớp răm rắp nghe lời. Phương len lén đem túi gạo mang theo đổ vào thùng, để thêm vài quyển vở mới vào chồng vở của cô bé. Người mẹ ngồi rưng rưng nước mắt. Cô bé lặng người ngồi bên mẹ. Phượng cười kéo tay em. "Ra chỉ các anh chị chăm rau. Không thì các anh chị phá nát hết vườn rau mất".
Phượng nói vậy chứ lớp mình đều con nhà nông cả. Học trường huyện nhưng toàn học trò ở xã. Sáng đi học, chiều đi làm đồng. Mấy việc chăm sóc vườn rau là chuyện nhỏ. Loáng cái, cả lớp đã nhổ cỏ xong cho mấy luống cải. Thái cùng hai bạn ra bờ sông chặt tre về cắm rèo đậu. Quang đào hố trồng thêm mấy khóm bí. Linh cùng mấy bạn gái làm thêm vài luống đất, bảo để tuần sau sẽ trồng rau muống, rau dền, rau đay, mùng tơi… Phượng vào nhà lấy nước cho các bạn uống. Ngang qua trái nhà, bạn cất chiếc áo dài đang phơi trên mắc. Có vẻ bạn không muốn ai nhìn thấy. Chiếc áo dài trắng tinh khôi, sáng lấp lóa trong nắng…
Sau hôm đấy, sáng chủ nhật là "ngày của lớp". Lúc đến nhà bạn này giúp hái chè, khi đến nhà bạn kia giúp gặt lúa… Đôi lúc lại qua giúp cô bé chăm vườn rau, hay đến một gia đình khó khăn nào đó giúp việc nhà, việc đồng.
*
"Tùng! Tùng! Tùng!...". Hồi trống báo giờ chơi. Học sinh ùa khỏi lớp. Những tà áo dài trắng tung bay trong gió. Cô hiệu trưởng tươi cười tiến tới bắt tay. Chợt cô sững lại:
- Xin lỗi! Anh có phải anh Hưng?
Tôi ngẩn người. Tôi không thể nhớ cô là ai. Cô nắm tay tôi một lần nữa, lắc nhẹ. Miệng cười mà mắt long lanh ngấn nước.
- Em là Hiên, con bé trồng rau bên sông Gâm đây!
Ký ức vỡ òa. Dòng sông Gâm xanh lấp lánh. Và tà áo dài trắng tinh khôi ngày Hiên đến tiễn chúng tôi ra trường.
- Nếu không có chị Phượng và lớp anh, em không có được ngày hôm nay.
Hiên rót nước cho tôi. Giọng cô trầm xuống. Tôi nhìn ra sân trường. Một cây phượng vượt lên trên hàng bằng lăng. Ngày ấy, tôi nghịch ngợm đã lén thay một cây phượng vào hàng bằng lăng ấy.
- Hiên có gặp Phượng trở lại thăm trường không?
- Chị ấy… anh không biết tin gì sao?
- Không! Tôi…
- Chị ấy … làm bác sĩ ở thành phố. Rồi xung phong tăng cường vùng cao hai năm. Một lần vào bản dập dịch tiêu chảy đúng đầu mùa mưa. Chị ấy bị lũ cuốn…
Tôi bàng hoàng. Thấy lòng mình nhói lên. Mắt cay xè. Phượng là vậy. Suốt đời chỉ nghĩ cho người khác. Tôi nhớ đến chiếc áo dài. Phượng quý nó lắm. Phượng đã dành tiền suốt ba mùa hè mò cua bắt ốc. Vậy mà bạn không ngần ngại đem tặng cho Hiên. Phượng bảo. Với bạn, đó chỉ là chiếc áo. Nhưng với Hiên, đó là niềm tin vào tình người…
Tôi đứng dậy bước về phía cửa sổ. Trên cây phượng cao, tiếng ve bắt đầu râm ran. Gió lao xao. Cây phượng đang nở những chùm hoa rực rỡ…