Tổng Giám đốc WHO vừa khẳng định sự xuất hiện của vắc-xin ngừa Covid-19 là "ánh sáng cuối đường hầm" trong nỗ lực chấm dứt đại dịch Covid-19, song nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiến hành tiêm phòng đồng thời tại tất cả các quốc gia.
Nghiên cứu sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 tại Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen - nơi cho ra đời những mẫu vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam
Bình đẳng vắc-xin
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở Geneva mới đây, Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã ca ngợi sự phát triển gần đây của vắc-xin, nhưng ông lưu ý rằng tầm quan trọng của thành tựu khoa học không thể được phóng đại, nếu nó không được phân phối công bằng.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng: "Không có loại vắc-xin nào trong lịch sử được phát triển nhanh như những loại vắc-xin ngừa Covid-19 này. Cộng đồng khoa học đã đặt ra một tiêu chuẩn mới cho việc phát triển vắc-xin".
Tuy nhiên, ông khẳng định cộng đồng quốc tế phải đặt ra một tiêu chuẩn mới để tiếp cận với những loại vắc-xin này và đảm bảo chúng có sẵn cho các quốc gia nghèo nhất trên thế giới, cho những con người dễ bị tổn thương nhất trên trái đất này. Một khi các nhà khoa học hiểu nguyên nhân gây ra dịch bệnh, việc chống lại chúng trở nên dễ dàng hơn nhiều. Tiêm vắc-xin, kháng sinh, cải thiện vệ sinh, và cơ sở hạ tầng y tế tốt hơn đã cho phép loài người chiếm thế thượng phong trước những kẻ săn mồi vô hình.
Còn nhớ, năm 1967, bệnh đậu mùa vẫn lây nhiễm cho 15 triệu người và giết chết 2 triệu người trong số đó. Nhưng trong thập kỷ tiếp theo, một chiến dịch tiêm phòng bệnh đậu mùa toàn cầu đã rất thành công, đến năm 1979, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố rằng nhân loại đã chiến thắng, và bệnh đậu mùa đã bị xóa bỏ hoàn toàn. Năm 2019, không một người nào bị nhiễm bệnh hoặc bị bệnh đậu mùa. Điều quan trọng nhất chính là nếu một người trên toàn cầu không tiêm ngừa, thì không ai dám nói là hết dịch đậu mùa lúc đó.
Xây dựng "trường thành vắc-xin"
Tết Tân Sửu này, nhiều người đã phải hủy bỏ toàn bộ kế hoạch về quê, đi chơi Tết hoặc thậm chí, như chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, đã phải xin phép đóng cửa ở nhà, không đi chúc Tết hoặc đón khách. Một ngôi nhà đóng cửa, một nhà máy đóng cửa, một thành phố bị "cách ly" hay một quốc gia – dù đang là điểm sáng nhất của hoạt động chống dịch Covid-19, xét về dài hạn là gây ra nhiều tổn thất chưa thể tính toán được.
Thực tế, việc bảo vệ người dân trước đại dịch Covid-19 là ưu tiên sống còn ở giai đoạn này, nhưng đưa sinh hoạt trở lại bình thường với ý thức phòng chống bệnh tốt nhất, phục hồi nền kinh tế bằng việc mở cửa đón tiếp nhà đầu tư và khách du lịch nên được xem là một ưu tiên dài hạn trong nghị trình của toàn xã hội. Chúng ta đang làm rất tốt việc phòng chống dịch một cách vô cùng quyết liệt.
Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của việc phòng bệnh chính là "vắc-xin cho tất cả". Khi đó, chúng ta mới có thể hy vọng phục hồi kinh tế bền vững. Nhiều nhà khoa học nhận định rằng: Trong cuộc chiến chống lại vi-rút, các nước cần bảo vệ chặt chẽ biên giới, cần phong tỏa các ổ dịch, với các biện pháp nghiêm ngặt như trong chiến tranh. Tuy vậy, các giải pháp thời chiến bao giờ cũng ngắn hạn. Về lâu dài, cộng động quốc tế cần phải xây dựng đường biên giới giữa thế giới loài người và thế giới vi-rút. Đường biên giới đó chính là một trường thành vắc-xin.
Trong các thông cáo hay lời kêu gọi tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, các cấp chính phủ luôn khuyên người dân… bình tĩnh. Thực tế, giữ bình tĩnh trong đại họa không phải dễ dàng. Đó là thách thức tâm lý mà hầu hết người sống trong vùng dịch khó vượt qua. Không phải chỉ người dân Việt Nam mà cả hàng tỉ người trên thế giới suốt năm 2020 luôn sống trong sợ hãi và lo âu.
Điều này không những làm cho nền kinh tế thiệt hại mà còn đe dọa sự ổn định của xã hội. Lời giải duy nhất cho bài toán "làm sao đưa cuộc sống trở lại bình thường", đó không gì khác hơn là mọi người đều được tiêm vắc-xin. Vắc-xin vẫn là hy vọng!
Bài toán phân phối
Khi chúng tôi viết bài này thì trên thế giới đã có 100 triệu người được tiêm vắc-xin. Trong đó, có hai nước với nền kinh tế lớn nhất, nhì là Mỹ và Trung Quốc, mỗi nước có 41 triệu người đã tiêm ngừa. Ở Đông Nam Á, tại quốc gia giàu nhất như Singapore người dân đã được tiêm vắc-xin rồi.
Ngoại trưởng Mỹ Tony Blinken đã thông báo nước Mỹ sẽ tham gia vào chương trình COVAX – một nỗ lực của WHO và các tổ chức khác nhằm đảm bảo mọi quốc gia đều có thể tiếp cận vắc-xin Covid-19
Các công ty dược phẩm và sản xuất vắc-xin lớn trên thế giới luôn có cam kết cung cấp vắc xin ưu tiên cho một số nước và đa số là các nước giàu. Thế nên, chúng ta cần giải quyết bốn vấn đề chính của phân phối vắc-xin hiện nay: chất lượng, nguồn cung cấp, đối tượng được tiêm chủng và nguồn lực tài chính để thực hiện việc này.
Khi bốn vấn đề này được công khai, minh bạch, nỗi hoang mang vì sự thiếu công bằng trong tiêm ngừa vắc xin mới được giải quyết.Sự phân phối bình đẳng vẫn còn quá xa vời cho người dân những nước nghèo hơn. Chính vì lẽ đó mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành lời cảm ơn chân thành cho Tổng giám đốc WHO khi ông này hứa cấp đủ vắc-xin cho Việt Nam. Theo như cảnh báo của Tổng giám đốc WHO, cả thế giới đang gặp vấn đề lớn là làm sao phân phối vắc-xin cho thật công bằng.