xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ăn là nhớ!

Theo Lê Giang (Phụ Nữ TPHCM)

Chớ không phải ăn là ghiền, không phải ăn là nhâm nhi ngon, cũng không phải hễ ăn là thèm, không phải ăn là quen, ăn hàng, ăn vặt...

Nước mình có hàng trăm câu chữ về ­cái sự ăn, nhưng bài này, người viết chỉ xin có mỗi ăn là nhớ!

Bạn bè tôi nói tôi viết cái gì đâu đâu, ba đồng bảy đỗi cũng nhắc tới cái vụ ăn uống. Lúc thì sáng sớm ngồi tại rẫy bắp bên bờ cù lao Bạch Đằng (Tân Uyên), cả đoàn sưu tầm dân ca như dàn nhạc kèn harmonica, có người quất một hơi năm trái bắp mà còn lận lưng hai trái để dành trưa (nhớ anh chị Phan Nhân - Phi Điểu và bầu đoàn thê tử nhạc sĩ Nguyễn Văn Hoa).

img

Khi thì bày trước mũi vỏ lãi các thứ mua ở chợ Tân Công Sính (Tam Nông - Đồng Tháp), vừa ngắm đàn sếu đầu đỏ vỗ cánh bay lên, vừa hớt cá linh vào mùa vảy bạc đầy sông, vừa lột bánh lá dừa thơm phưng phức, vừa tranh thủ cầm sẵn trên tay cái bánh bò bông, miếng chuối chiên, gói xôi vò, nhéo cái bánh bao...
 
Ngó quanh, ngó quất, đồ ăn mua hồi sáng sớm, đã bị "qua cầu gió bay", gặp mấy chiếc tàu há mồm thì bỗng một trận mưa kéo tới: trời mưa lạnh ướt, cái lò bao tử sôi âm ỉ mau đói bụng quá! (lại nhớ tới ca sĩ Bích Hường, nhớ hai lực sĩ kiêm nhạc sĩ Lưu Hữu Chí và Lê Anh Trung vét láng o bánh trái trong cái túi bàng, rồi nắm hai cái chân con vịt nhét trong túi bàng, kèm củ gừng và bó cải bẹ xanh, nhằm hướng huyện Châu Thành trực chỉ, hẹn hò có lẽ tối nay!).

Tháng này miệt biển cũng vào mùa mưa như ai, đâu có ngán cảnh trời đất u u minh minh, chim chóc mình mẩy lông lá ướt lạnh, còn ướt cả lòng người, ướt đầm đìa nỗi nhớ là đằng khác.

Đã vậy, thằng con trai còn đội mưa mua mấy con cua, mấy con ghẹ cho vợ nó hấp đỏ au màu gạch, rồi vắt miếng chanh vô đĩa muối tiêu.

Lư Nhất Vũ chợt bùi ngùi nhớ cái nết ăn cua, tôm, rùa, ghẹ của anh Ba Xuân Hồng.

- Tàu súp lê một rồi kìa anh Ba!

Anh Ba vẫn phớt lờ cái bọn ăn cua, ăn ghẹ hao quá, ăn đồ này phải ngoáy sạch ngóc ngách mấy cái ngoe, phải móc kẹt hóc trong cái đầu rùa, còn cái sọ rùa trắng hếu mới là biết thưởng thức.

- Tàu súp lê hai rồi kìa anh Ba, anh em ngoài quần đảo Nam Du đang chờ!

- Tàu súp lê ba rồi kìa anh Ba!

Ôi, cái ông già Khốt Ta Bít! Té ra ông để lại cho anh em nhà bếp một đĩa cua ghẹ còn nguyên, kèm theo một mớ càng ngoe xác xơ.

Anh Ba vừa bước xuống cầu tàu vừa cằn nhằn: Ăn uống hoang phí quá!

Tới đây, con trai nhấc bõ Lư Nhất Vũ cụng ly cái cốp: nhớ bác Ba Xuân Hồng mỗi lần hội ngộ với cái màu đỏ gạch tôm cua.

Bạn tôi gọi điện thoại, mắng ghiếc: Mắc gì nhớ nhớ hoài, làm người ta đọc tới đâu phát giận tới đó. Cái số của bà sướng quá, đi sao không gọi tụi này cùng đi. Tụi này cà nanh với bà à nghen!

- Đã nói là trời sanh kẻ lãng mạn may mắn mà lỵ! Tôi nói cho qua tang lề vậy thôi, chớ mấy bà bạn gái của tôi, người nào cũng có số hết rồi, mà số thì đâu có giống nhau!

Làm sao các bà bạn chí cốt của cả đời tôi lại có thể ở không mà ngồi chồm hổm ghế đẩu, lưng tựa gốc dừa, mắt nhìn ra biển, mắt liếc bánh đa nướng và dĩa rau răm, chờ mỏi mòn con gà giò "chỉ" chân đen đang nướng, mùi thơm bay ra toàn cõi đất trời Phú Yên (lại nhớ nhạc sĩ Trương Tuyết Mai nhỏ nhẹ mời mời, lộ vẻ hồ hởi niềm tự hào đặc sản quê mình. Cho nên nhạc sĩ Lư Nhất Vũ bỗng nổi hứng ca lên rằng "Chiều về trên sông Đà Rằng, tình ai còn lưu luyến”... Làm cựu ca sĩ Bạch Yến rưng rưng, chớp chớp mắt).

Ăn là nhớ! Trong nỗi nhớ mùa mưa năm nay, cứ chen vô cái đầu tôi ngổn ngang tình bạn, tình đời, tình người, tình nước tình non... Thật tình là ăn không bao nhiêu mà nhớ quá! Bạn bè ơi!

Nhớ chú em nhà thơ Từ Nguyên Thạch có một chiều nào lặng lẽ tìm hai cô giáo ở trong xóm nhỏ đường đất đỏ, rủ làm bánh xèo, xay bột văng tùm lum còn đọc bài thơ "Kiến cắn"... Để tới bây giờ, mỗi khi thèm bánh xèo lại nhớ ngôi làng xanh lặc lìa, hàng trúc lơ thơ...

Chẳng lẽ đi giáp một vòng khắp lục tỉnh không có quán cháo lòng nào bằng cháo lòng chợ Cái Tắc (Hậu Giang), cháo lòng chợ Đồng Xoài (Bình Phước), cháo lòng ở miệt Bưng Cầu (Bình Dương). Nhưng cháo lòng ngoài ba nơi kể ở trên, không có những sáng tinh sương, đoàn người hăm hở sắp lội qua cánh đồng đang cày ải, hoặc sắp bước xuống xuồng chống sào vô Xóm Góa mà lại có cái dáng ngồi thu lu trên ghế đẩu vừa thổi tô cháo lòng nóng hôi hổi vừa gắp miếng dồi, miệng réo: "Cho xin thêm đĩa tiêu xanh, cô em gì ơi!”. Đó là chàng trai Trần Vương Thạch, vừa tốt nghiệp khoa chỉ huy dàn nhạc giao hưởng, mới về nước đã vội vã sung vô đoàn sưu tầm dân ca, để được gọi nhứt nhựt tiêu xanh, thập nhựt tiêu xanh...

Trong bài giới thiệu cuốn Tạp văn của tôi, Nguyễn Nhật Ánh nói tôi viết gì cũng đều nhắc tới chuyện ăn uống, trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, nhưng Ánh vội thanh minh cho tôi không phải là người phàm ăn mà Ánh cũng giống tôi "ăn để thỏa mãn tình quê". Đúng vậy! Ngày còn xúm xít rủ nhau đi hết tháng này năm nọ thì cái "tình quê" là một cánh chim chiều hối hả bay về tổ, kẻo tối rồi, mẹ và chị đang quơ nồi nấu cơm, cái tình quê còn là những cánh lục bình nước ròng trôi đi, nước lớn trôi về, còn là nơi trú ngụ ắp lẳm, đặc sệt cá tôm, còn là nơi "chém vè" của anh em mình những ngày đánh giặc được an toàn...

Giờ đây, bọn người gặp mưa vuốt mặt, bọn người gặp nắng cháy xém tóc khét da, không biết có còn nhớ nhau được bao nhiêu mà: Ôi, ta buồn ta đi lang thang... mà sao lại có biết bao niềm vui, dù chỉ dám cười khe khẽ suỵt suỵt khi chủ tiệm len lén bưng ra một đĩa, chưa chi tưởng những múi sầu riêng no nưỡng vàng thơm, nào ngờ trứng rắn hổ trâu, thuộc "hàng cấm".

Dọc đường gió bụi mà! Ăn vài trứng rắn hổ trâu cho biết với người ta! Và, mỗi lần cho biết với người ta, tôi lại nhớ đạo diễn Cổ Trường Sinh. Cái tay đạo diễn này hay tìm những đề tài làm phim "cho biết với người ta" mà thôi. Cũng như rùa rắn, cũng như lúa trời, cũng như ruộng bậc thang... để mà "đi ra gặp em bán trầu, đi vô gặp em bán mắm, anh thấy em đằm thắm trong dạ anh thương”... Viết tới đây sao nhớ cả đoàn làm phim dầu dãi bao mùa mưa nắng: hay không bằng hên, kiểu trứng rắn hổ trâu mà ngỡ những múi sầu riêng, chưa ăn gì đã mời tráng miệng!

Nhớ! Đâu có ai bắt mình phải quên, khi nỗi nhớ chỉ là món kho quẹt trong cái ơ của má cho, của hồi môn của má dành cho con gái theo Việt cộng sau ngày giải phóng. Ai dè cái món kho quẹt ấy đã quy tụ biết bao bạn hiền tài. Lại thêm cái món mít non hầm của cô em chồng đã có lúc làm cho các chợ phải hút hàng!

Chẳng nói giấu gì, tôi đang ngồi với gió biển mát quá, trong lành quá! Bờ biển vọng lên tiếng đua lướt sóng của hai chiếc bo bo lẫn vào tiếng Sài Gòn với tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp. Họ đi chơi cuối tuần vô tư và mạnh bạo đâm sầm giỡn sóng (đêm qua Sài Gòn mưa kinh khủng, đường sá ngập nước lênh láng). Đầu tuần họ lại trở về, trước khi về, sáng sớm ra biển, người thì lau lách qua mấy khe thuyền thúng đang nằm phê phê chào mời cá chim, cá nhồng, cá hanh, cá cam; người thì tở mở tiếp nhóm trẻ đang kéo lưới, hỏi thăm cá chình, cá bốp mua cho bà nội, bà ngoại... Tôi cười mãn ý. Khi các chàng trai này tới tuổi mình bây giờ, không biết họ có ngồi viết: Bà nội mình ướp từng lát cá chình với muối ớt, bột nghệ. Cái dáng ngồi một căn hai chái của bà, bà cười khen cháu đi chơi ăn uống phỉ chí, còn nhớ tới bà!

Nhớ các cụ già, nhớ bè bạn đã đành. Còn nhớ các bạn nối khố khoai lang lùi, chuối xiêm chín hườm đem luộc; nhớ hột vịt úp mề, hẹn gặp nhau cười thỏa chí bình sinh.

Thôi, tôi phải vô bếp đây, trưa rồi! Trưa nay ăn canh rau tập tàng, lại nhớ Xuân Hồng. Tối nay ngồi bên cửa sổ ngắm trăng rằm, lại nhớ anh chàng Thế Bảo ngồi trên cánh đồng củ cải ở Trà Vinh, cạp bắp dưới trăng, gió lùa lá cải ngả nghiêng mà tưởng đàn thỏ trắng nô đùa.

Được cái Lư Nhất Vũ còn nhớ hơn tôi. Anh nhớ nhạc sĩ Hoàng Hiệp thích ăn bánh lọt, nhạc sĩ Nguyễn Văn Hoa nhờ ăn mắm bò hóc với đồng bào Khmer nên được đồng bào cho cả trăm bài dân ca Khmer hay đáo để. Anh nhắc nửa đêm rồi mà thằng Nhiều trong đoàn làm phim còn chạy về Lấp Vò đem cả giỏ củ âu má thằng Nhiều luộc, để sáng mai anh em xuống tàu đi Phú Quốc...

Than ôi! Trời sanh cái bếp của tôi bao giờ cũng cách cái bàn viết có một bước. Đang nấu nướng lại nhớ, lại viết... đến nỗi đồ ăn bị khét hoài.

Nhiều lúc, nỗi nhớ có mùi khét ám khói đến mùng mền chiếu gối, ám khói cả không khí trong nhà làm cho phát ghiền hít thở, ghiền đó đây có hình ảnh bạn bè, rồi đem về cho ám khói mà biết chắc chắn không hề ô nhiễm, vì là khói sạch mà!

Ăn là nhớ! Trong nỗi nhớ mùa mưa năm nay, cứ chen vô cái đầu tôi ngổn ngang tình bạn, tình đời, tình người, tình nước tình non...

Thật tình là ăn không bao nhiêu mà nhớ quá! Bạn bè ơi !

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo