xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ông Nguyễn Đức Kiên nói "lạ" thật!

A.Q

Người dân đâu có phản đối hình thức đầu tư BOT, thậm chí họ luôn chia sẻ khó khăn với Nhà nước, họ chỉ phản đối những sự trái ngang và vô lối

Nghe ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, phát biểu tại buổi tọa đàm trực tuyến "Phòng ngừa tham nhũng trong các dự án BOT giao thông?" do Báo Công an Nhân dân tổ chức ở Hà Nội ngày 7-9, tôi giật nảy mình, bèn véo vào đùi một cái, xem có đau không. Thấy đau, biết là mình đang tỉnh táo chứ chẳng phải mơ màng.

Tức là ông có nói như vậy, hoàn toàn không nghe nhầm, không đọc nhầm. Đó là phát ngôn của một tiến sĩ kinh tế.

Cụ thể, tại đây, ông Nguyễn Đức Kiên đề nghị báo chí đừng dùng từ "người dân" khi nói về việc các tài xế phản đối ở một số trạm thu phí BOT.

"Vì dùng từ "người dân" nghe kinh lắm! Nghe có vẻ như là nhân dân cả xã, cả huyện đứng lên phản đối trạm BOT. Phải nói chính xác là những doanh nghiệp vận tải phản đối doanh nghiệp BOT do mâu thuẫn về quyền lợi chứ không phải nhân dân ở vùng đặt trạm BOT ở Cai Lậy phản đối, bởi vì các trạm thu phí đã miễn phí cho tất cả xe máy… Người lao động, người nghèo nhất trong xã hội là dùng xe máy thì đã được miễn, không ảnh hưởng gì đến những người đó" - ông Kiên nói.

"Người dân" là ai mà "nghe kinh lắm", thưa ông? Đất nước này đi qua bao nhiêu cuộc chiến tranh vệ quốc đánh đổi vô vàn xương máu; đi qua bao nhiêu thăng trầm của công cuộc tái thiết và xây dựng nhọc nhằn, nếu không nhờ "người dân", không có "nhân dân", thì nhờ ai?

Các doanh nghiệp vận tải, các nhà xe mà đại diện cụ thể là các tài xế, họ cũng là "người dân", là người lao động chứ là gì mà ông nói là không phải. Ông hiểu thế nào về "người dân", hay là ông tiến sĩ học cao hiểu rộng có định nghĩa khác người về "người dân"?

Ông cho rằng BOT không ảnh hưởng tới người nghèo vì các trạm thu phí đã miễn thu cho tất cả xe máy. Trời đất ơi, nói thế này thì hoặc là ông phải xem lại trình độ lập luận, suy luận của mình; hoặc là ông cố tình không chịu hiểu vì để bảo vệ cho ai đó.

Xin hỏi ông người nghèo có tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ hay không? Trong kết cấu giá thành của đại đa số hàng hóa đều có chi phí vận chuyển. Nhà xe chịu phí BOT hẳn nhiên cộng khoản đó vào giá thành, khiến giá bán đến tay người dùng đầu cuối tăng lên. Cái này ai gánh? Nghèo hay giàu đều chịu và tất nhiên nhà nghèo bị nặng gánh hơn vì túi tiền của họ "hẻo" hơn.

Ông nói như thế cũng là mặc định rằng toàn bộ người nghèo, ở đây tôi khu biệt là nông dân, chỉ dùng xe máy, hoàn toàn không dùng ô tô. Ông Phó Chủ nhiệm có chủ quan không? Bởi có thể họ không trực tiếp sở hữu hay sử dụng phương tiện cơ giới nhưng họ gián tiếp sử dụng qua thuê mướn phương tiện chuyên chở nông sản, vật tư nông nghiệp... Khi qua trạm, chủ đầu tư BOT có miễn phí cho những phương tiện cơ giới này không? Không miễn thì ai chịu. Nông dân nghèo chịu chứ còn ai vô đây nữa.

Và, phát biểu của ông được hiểu là những tài xế, những nhà xe không phải "nhà nghèo". Làm sao ông hiểu được thấu đáo cái thực tế nghèo - giàu của họ. Biết bao người trong số ấy đang phải vay mượn đầu này đầu kia, đang nai lưng làm để trả lãi ngân hàng. Phồn vinh giả tạo đấy!

Tóm lại, chỉ khi nào người dân không ăn gì, không dùng gì hoặc chẳng có cái để mà ăn thì BOT mới "không ảnh hưởng" tới họ thôi.

Tôi muốn nhấn mạnh: Người dân đâu có phản đối hình thức đầu tư BOT, thậm chí họ ủng hộ, họ chia sẻ với khó khăn của Nhà nước. Bằng chứng là 88 trạm BOT mọc lên trên các tuyến Quốc lộ và thu tiền hàng chục năm qua.

Bản chất của vấn đề mà ai cũng đã thấy đó là quá nhiều trạm BOT đặt ở vị trí bất hợp lý, người ta không đi mà bị buộc phải đóng tiền; đó là những công trình "dặm vá" nhưng được xem là "đầu tư xã hội hóa" để đổi lại cái quyền được dựng trạm và thu tiền; đó là chủ đầu tư kém năng lực tài chính nhưng nhờ được chỉ định thầu nên vay được tiền ngân hàng để làm. Người ta gọi là "tay không bắt giặc".

Người dân phản đối là phản đối những chuyện trái ngang đó.

Thế nên, phát biểu của ông khiến người ta hoài nghi ông đứng về phía nào? Phía người dân hay các chủ đầu tư BOT? Tôi còn không quên ông là đại biểu Quốc hội, do cử tri bỏ phiếu bầu lên.

(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Mời bạn đọc tiếp tục trao đổi thêm qua phần Thăm dò ý kiến hoặc Bình luận bên dưới).

Thăm dò ý kiến

Bạn đọc nghĩ sao về quan điểm của ông Nguyễn Đức Kiên?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo