xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Băng cướp anh em họ Phạm khét tiếng đất Cảng

Theo Báo An Ninh Hải Phòng

Lúc đầu với giấc mộng đổi đời, vượt biên sang Hồng Kông, châu Âu, anh em Phạm Văn Động lập băng nhóm để đi cướp...

Vào những năm 80 của thế kỷ 20, tại đất Cảng Hải Phòng, mỗi khi nhắc tới những băng, ổ nhóm cướp của, sát hại dân lành khét tiếng, nhiều người vẫn còn rùng mình khi nhớ lại 4 anh em họ Phạm ở xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên do Phạm Văn Động, sinh 1965 cầm đầu. Cả 3 đều tự trang bị súng, đạn, gặp đâu cướp đó và sẵn sàng nổ súng dằn mặt ai cản đường.

Cướp để có tiền xuất ngoại

Lúc đầu với giấc mộng đổi đời, vượt biên sang Hồng Kông, châu Âu, anh em Phạm Văn Động lập băng nhóm để đi cướp...

Đứng thứ 7 trong gia đình 11 người con, khi đến tuổi trưởng thành, Phạm Văn Động cũng lên đường nhập ngũ như những trang lứa thanh niên khác trong thôn. Vốn sinh ra ở miền quê sông nước, Động rất giỏi bơi lội nên khi vào bộ đội hắn được sắp xếp đào tạo thành lính đặc công.

Sau một khóa huấn luyện khắt khe, đáng lẽ Động đã trở thành người chiến sỹ tinh nhuệ, thiện chiến nhưng với bản tính côn đồ, thích nói chuyện bằng nắm đấm, Động lại dùng những gì được quân đội trang bị để gây sự với đồng đội. Vì thế, hắn nhanh chóng bị tống cổ khỏi quân ngũ, trả về địa phương. Có chút võ, Động là "niềm tự hào" của mấy anh em trong nhà. Hắn giao du với đám thanh niên hư hỏng, kết thành nhóm đi đánh nhau, cướp bóc. Dần dần, Phạm Văn Động đã thành ác mộng với tất cả mọi người trong khu vực.

Ngày đó, ở Hải Phòng, nhất là huyện Thủy Nguyên, Kiến Thụy nổi lên phong trào vượt biên trái phép sang Hồng Kông, các nước châu Âu. Như bao trai làng, anh em Động khao khát trốn đi nước ngoài với giấc mơ đổi đời. Nhưng nhà hắn vốn nghèo lại đông anh em, ăn bữa trước đã phải lo bữa sau thì đào đâu ra tiền. Để biến giấc mơ thành hiện thực, 4 anh em chúng lập băng nhóm để cướp.

Băng của chúng gồm thành viên chủ chốt là 4 anh em ruột: Phạm Văn Động, Phạm Văn Đông, Phạm Văn Hoạt, Phạm Văn Bi và người em họ Phạm Văn Tú. Cả 5 kẻ đều là kẻ bất trị, thích xưng bá xưng hùng. Trong đó, táo tợn, hung hãn nhất phải kể đến Phạm Văn Hoạt là anh trai của Động, con thứ 6 trong gia đình, từng bị đi tù về tội cướp tài sản. Ngày Động còn ở quân ngũ, Hoạt đã kịp tạo được tiếng vang khắp vùng. Dáng người mảnh khảnh, thư sinh nhưng hắn một khi đã ra tay thì rất lạnh lùng, tàn khốc.

Phạm Văn Bi, sinh 1948, là anh thứ hai trong gia đình. Nguyên công nhân bốc xếp ở Cảng Hải Phòng nhưng do dính vào một số vụ ẩu đả, Bi bị cảnh cáo và bỏ việc về nhập hội cùng anh em. Hắn bị chính quyền nhắc nhở nhiều lần về tội trộm cắp gà vịt. Sau chuyển luôn từ trộm cắp sang cướp bóc.

Ban đầu Phạm Văn Đông, người em trai ngay sau Động chưa gia nhập hội. Nhưng sau vài lần làm "diễn viên đóng thế" bất đắc dĩ cho Động thoát thân khỏi lực lượng chức năng, lại nghe anh em rủ rê, hắn vào nhóm luôn. Qua vài lần "cọ xát thực tế", Đông trở thành kẻ cướp máu lạnh không kém người anh Phạm Văn Động.

Là em họ, Phạm Văn Tú rất thân với anh em nhà Động. Thấy các anh mình lập băng cướp, lập tức hắn tham gia ngay. Vốn làm nghề thuyền chài, Tú rất sành sỏi địa bàn khu vực Thủy Nguyên và vùng xung quanh. Mỗi lần đánh quả lớn, Tú chính là hoa tiêu, giúp cả bọn chọn điểm và rút nhanh nhất có thể.

Thời đó, chiến tranh mới kết thúc, các kho vũ khí được đặt rải rác tại Hải Phòng, Quảng Ninh.

Do công việc bề bộn, thiếu người quản lý dẫn đến khâu trông coi khá lỏng lẻo. Phạm Văn Động nhân cơ hội đó đã cùng đồng bọn đột nhập, trộm súng, lựu đạn. Sau này khi đã kiếm được kha khá, chúng vung tiền trang bị thêm. Nhờ đó, tên nào cũng kè kè bên mình hàng "nóng", sẵn sàng gây án.

Sắm được lượng vũ khí lớn, lại sẵn bản tính hung ác, coi trời bằng vung, chỉ cần không vừa ý ai là cả bọn vác súng đi "hỏi tội" hoặc thậm chí ném cả lựu đạn mặc cho hậu quả tàn khốc xảy ra. Tàu bè qua lại khu vực chúng "quản lý", nhận được tín hiệu, nếu không dừng lại, chúng sẽ nổ súng dằn mặt, ra tay cướp luôn toàn bộ tài sản không cần biết tàu đó của ai.

Là anh em, lớn lên cạnh nhau từ tấm bé, 5 tên vô đạo cùng hợp cạ, chỉ cần một cái nhìn, gật đầu chúng cũng hiểu đứa kia cần gì. Cứ vậy băng nhóm Phạm Văn Động như những ác thú sông nước, tha hồ tự tung tự tác. Nhờ sự ăn ý, việc làm ăn của 5 kẻ này vô cùng thuận lợi, vẫy vùng cả một vùng, không coi chính quyền địa phương ra gì. Sự manh động của chúng làm dân trong vùng không ai dám lại gần, cứ nhác thấy bóng của 5 người là lập tức tránh xa.

Lâu dần băng cướp họ Phạm này quên luôn ý định vượt biên ban đầu, quyết ở lại, mở mang thanh thế. Điều này đã thực sự trở thành nỗi bất an lớn cho xã hội, nhất là nhân dân khu vực Thủy Nguyên và các vùng lân cận…

Những kẻ ác thú "gặp đâu cướp đó"

Sau khi gây ra một loạt vụ cướp, bị lực lượng chức năng vây bắt nhiều lần, băng nhóm của Phạm Văn Động cùng đường buộc phải trốn vào rừng sú, nằm yên, chờ sóng gió qua đi. Tuy nhiên, chỉ được thời gian ngắn, hết tiền, lương thực cạn dần, băng cướp "ngũ hổ rặng ổi" rục rịch quay trở lại hoạt động.

Để tăng cường "nhân sự", Động phái anh trai Phạm Văn Bi đi "mời" thêm đồng bọn tay chân. Lúc lần tìm các mối quan hệ, Bi sang nhà gã bạn cũ là Nguyễn Đức Trung. Đang làm xích lô ba gác, nghe bạn tỉ tê tâm sự, thấy bùi tai, lại hám kiếm tiền nhanh, Trung đồng ý ngay. Gã lập tức theo Bi về nhà chơi.

Đến nơi, thấy hai thanh niên ngồi trong và được Bi giới thiệu đó là Động, Đông - hai em của mình, Nguyễn Đức Trung hí hửng ra mặt. Hàn huyên tâm sự, bàn kế hoạch đi cướp đến mãi muộn, cả bọn sau đó ngồi ăn uống, trò chuyện đến 22h thì mang theo súng đạn lên đường.

Khi 4 tên xuất hiện tại bến Phà Rừng, thuộc xã Tam Hưng, Thủy Nguyên, gã em họ Phạm Văn Tú cũng đã đợi sẵn ở dưới thuyền. Lập tức, Động ra lệnh cho tất cả lên thuyền, hướng về phía Hà Nam, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Cách bến đò Chanh khoảng 160m, Động bảo Bi lên bờ, còn 4 tên tiếp tục chèo thuyền một đoạn nữa thì dừng lại. Giao cho Trung coi thuyền, Động, Đông, Tú cầm vũ khí lên bờ.

Băng cướp anh em họ Phạm khét tiếng đất Cảng - Ảnh 1.

Băng cướp "ngũ hổ rặng ổi" đã lấy rừng sú vẹt xã Lập Lễ làm đại bản doanh

Theo đúng mưu đồ từ trước, anh em Động lẻn vào ngôi nhà ngay cạnh rìa làng. Chúng bịt mặt, bẩy cửa xông vào. Giật mình, chủ nhà vội bật dậy nhưng bị 2 tên dí dao vào cổ quát: "Im ngay không chém chết". Sợ bọn cướp xuống tay, người dân không dám kêu, chỉ dám ngồi nhìn chúng vơ vét tài sản. Có được 7 túi chiến lợi phẩm, cả lũ nhanh chóng rút gọn.

Vài ngày sau, chúng tụ nhau tại vườn ổi nhà Bi. Lúc này, Động, Đông đã trang bị cho mỗi tên 1 khẩu súng AK.

Bàn bạc một hồi, cả bọn lại ra bến phà Rừng gặp Tú. 5 con ác thú lại đi thuyền sang Hà Nam - Phong Cốc, tỉnh Quảng Ninh. Tầm 2h sáng, Động, Tú vác mỗi tên 1 khẩu súng AK vào trong làng, cướp thuyền nan của một ngư dân gần đó.

Trở về, Động ra lệnh cho đồng bọn chèo thuyền đến rặng dáy xã Trung Hà, thuộc huyện Thủy Nguyên, để Bi, Trung vào bến Bính đón thêm chiến hữu mới là Nguyễn Thị Tươi, Lê Thị Vân.

Nhậu nhẹt xong, Động, Bi, Tươi, Vân bàn tính đi cướp tại khu vực Tràng Cát. Dù Vân, Tươi đã thám thính trước địa bàn nhưng cả băng "ngũ hổ rặng ổi" vẫn bị lạc đường tại bãi sú rồi nằm chờ thời cơ.

Thật may cho người dân khu vực Tràng Cát bởi khi toán cướp định quay lại nhưng nước cạn, trời tối không biết đâu mà chèo khiến Động bực mình, quyết định cho đồng bọn quay về rặng dáy Trung Hà. Đến gần đến cột đèn hải đăng thuộc sông Ruột Lợn, nhóm cướp thấy mấy người trên 6 thuyền cát đang gọi nhau đánh bạc. Ngay tức thì, Động lệnh cho đồng bọn chèo thuyền áp sát khoảng 200m thì đỗ lại.

2 tiếng sau, Động phân công Bi, Vân đi một thuyền cầm khẩu súng trung liên yểm trợ để Động, Tươi, Tú, Trung, Đông điều khiển 2 thuyền lao vào cướp bạc. Nhảy lên thuyền cát, Động quát: "Tất cả ngồi im, ai chống lại sẽ chết!", rồi quét súng khắp xung quanh, để đồng bọn lục soát lấy tiền. Thấy số tiền kiếm được còn ít, Động còn ra lệnh bắt mỗi thuyền phải nộp 2.000 đồng. Trước khi rút lui, Phạm Văn Động còn bóp cò bắn một tràng súng để thị uy.

Cướp xong, Động cùng chiến hữu hỷ hả về ăn mừng và lại tiếp tục bàn chuyện... đi cướp. Sau khi đã ấm bụng, dưới sự chỉ dẫn của Bi, toán cướp quay lại cống Sơn, xã Lập Lễ. Tại đây, Tươi, Vân trông thuyền, Động, Tú, Đông, Trung vác súng AK vào làng. Đến nhà anh Nguyễn Văn Cạnh, xã Lập Lễ, Động ra lệnh cho Đông, Trung bẩy cửa. Nhưng mãi cả hai không làm được, Tú đành phải ra tay. Cửa vừa mở, cả bọn lao vào, Động quát: "Ngồi im, kêu tao bắn chết!", đồng thời dí súng vào người chồng. Mặc người vợ van xin, Tú dùng dây võng trói giật cánh tay anh Cạnh.

Những kẻ còn lại tiến hành lục soát.

Nhân lúc 5 kẻ mải mê tìm tài sản, chủ nhà tri hô. Cả bọn vội vàng vơ đồ, bỏ chạy. Trước khi đi, chúng còn dùng súng đánh anh Cạnh để dằn mặt. Cùng lúc đó, dân làng hò nhau đuổi theo Động, Tú, Đông đã dùng súng bắn trả lại bằng nhiều loạt đạn. Bi thấy động cũng vác súng từ thuyền lên yểm trợ, mở đường phía sau cho cả bọn rút xuống thuyền.

Sau vụ này, toán cướp "ngũ hổ rặng ổi" ngày càng liều lĩnh, gặp là cướp, sẵn sàng nổ súng khi bị phật ý. Nhiều vụ đã để lại hậu quả thương tâm.

Sau một thời gian nằm im, vào những ngày đầu năm 1984, băng cướp "ngũ hổ rặng ổi" đột nhiên hoạt động mạnh mẽ. Chúng vác súng AK đi gõ cửa từng nhà để tịch thu tài sản. Dọc khu vực bến phà Rừng có mấy chục gia đình bị chúng đột nhập vơ vét.

Ban chuyên án nhận định bọn chúng đang gom tiền bạc một cách liều lĩnh và manh động để trốn ra nước ngoài, nên quyết tâm phải tóm chúng bằng mọi giá. Nếu chúng trốn ra nước ngoài thành công, thì xương máu 5 cán bộ chiến sĩ, và rất nhiều máu, nước mắt của người vô tội đổ xuống một cách vô ích.

Nhận được tin báo đêm giao thừa 1984, Phạm Văn Động sẽ về nhà đón giao thừa, thắp hương cho tổ tiên, ban chuyên án đã quyết định vào cuộc. Một tổ lính đặc công được tăng cường cùng với các trinh sát công an được điều động về làng Kinh Triều bài binh bố trận đón lõng chúng.

Đúng như tin báo, vào thời khắc giao thừa, sau khi cho đàn em đi trước thám sát, ba tên Động, Đông và Tú đã về làng. Tuy nhiên, sau chừng một tiếng án binh bất động ở cánh đồng, chỉ có tên Động lầm lũi vào làng. Đông và Tú tản ra xung quanh để cảnh giới.

Chờ tên Động rơi vào ổ phục kích, các đơn vị sẽ chiếu đèn pin kêu gọi hắn đầu hàng. Tuy nhiên, khi đèn pin vừa bật lên, chưa kịp phát lời kêu gọi, hắn đã rút súng.

Nhưng súng của hắn chưa kịp rời mạng sườn, một viên đạn đã găm trúng đầu, kết liễu tên ác ôn này.

Biết Động đã mất mạng, hai tên Đông và Tú tìm đường thoát thân. Bọn chúng nhảy lên một chiếc xe tải, uy hiếp lái xe chở chúng ra tận Hạ Long. Chúng cướp thuyền của một ngư dân để trốn ra vịnh Hạ Long.

Hai tên sống trên con thuyền này hai ngày liền. Chúng cưỡng ép chủ thuyền nấu nướng phục vụ chúng. Hai tên này còn sử dụng chiếc thuyền đó đột nhập các con tàu tiến hành cướp bóc trên biển.

Khi đã gom đủ tiền, hai tên tính bài vượt biển sang Hồng Kông. Thế nhưng, phía ngoài vịnh Hạ Long, hàng chục con tàu, ca nô của lực lượng cảnh sát, quân đội, biên phòng tuần tiễu ngày đêm.

Không ra biển được, bọn chúng lần mò quay về đại bản doanh của chúng. Quá trình lần theo chúng, lực lượng trinh sát phát hiện hai tên này mò đến nhà người quen của tên Tú ở huyện Yên Hưng.

Tuy nhiên, trong nhà có đông người đang ăn uống, nên lực lượng trinh sát không dám tấn công, mà ém quân chờ thời cơ. Khoảng 10 giờ đêm mùng 3 Tết, Đông và Tú đã mò ra ngoài vườn đi tiểu.

Các trinh sát bố trí ở nhiều điểm bất ngờ trước hành động của chúng, nên cũng đồng loạt nổ súng. Vì đêm tối, nhìn không rõ người, bắn xong, không thấy động tĩnh gì, các trinh sát tiếp cận mục tiêu nhưng không thấy xác hai tên đâu. Các trinh sát lần theo dấu máu truy kích chúng.

Lần dọc cánh đồng thì dẫn đến một túp lều của ông lão trông coi ao cá. Theo lời ông lão, thì hai tên vừa đột nhập vào lều. Một tên bị trúng đạn vào đùi, máu chảy rất nhiều. Trời rét quá, lại bị ướt, nên chúng bắt ông lấy rạ đốt lửa sưởi ấm cho chúng.

Các trinh sát đã bắc loa gọi chúng đầu hàng để hưởng khoan hồng. Tuy nhiên, đáp lại lời kêu gọi là những loạt đạn khô khốc, khạc lửa từ phía căn lều rách.

Biết rằng bọn chúng sẽ cố thủ đến chết, nên ban chuyên án quyết định nổ súng tiêu diệt chúng.

Những tên đầu sỏ của "ngũ hổ rặng ổi" đã bị tiêu diệt. Những tên còn lại, đám lâu la đứa bị bắt, đứa bị bắn chết. Vùng Thủy Nguyên, con sông Bạch Đằng, sông Cấm, cảng Đình Vũ lại bình yên.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo