xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc vây bắt tướng cướp ở Hải Phòng trên sông Bạch Đằng

Theo Thu Ninh (Báo An Ninh Hải Phòng)

Hắn chọn khúc sông Bạch Đằng làm sào huyệt và thường ra tay khi màn đêm buông dần.

Trên chiếc thuyền nan lụp xụp, kẻ thủ ác "máu lạnh" sẵn sàng xả súng, nã đạn không thương tiếc vào những ai cản đường hắn cướp bóc, giết người. Năm 1989. Những trận săn mồi giữa lòng Hà Bá đã khiến hắn trở thành ác mộng của biết bao ngư dân làm ăn lương thiện thời bấy giờ. Hắn là Vũ Văn Thơ, quê ở thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, tên tội phạm khét tiếng một thời, kẻ được giang hồ ngày đó mệnh danh là "thủy quái sông Bạch Đằng".

Tướng cướp "khác người"

Lần theo những trang hồ sơ án đã bị thời gian bào mòn gần 30 năm, chúng tôi dừng lại trước cái tên Vũ Văn Thơ - tướng cướp khét tiếng vùng sông nước giáp ranh giữa Hải Phòng - Quảng Ninh vào những năm 80 của thế kỉ XX. "Bảng thành tích đen" bắt đầu năm hắn tròn 18 tuổi. Ngày ấy, tội danh "Phá hủy công trình phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia" đã khiến gã thanh niên trẻ như Thơ lần đầu nếm vị cơm tù.

Sở hữu vóc người nhỏ thó, gầy guộc, lại lì lợm ít nói, Thơ khiến đám đàn anh trong trại giam  lầm tưởng rằng có thể dễ dàng bắt nạt, trù dập hắn như bắt nạt "cừu non". Thế nhưng sau vài "thử thách" rùng rợn, người ta kể lại, một thằng "trẻ ranh" như Thơ lại khiến không ít "đại bàng" phòng giam phải e dè, kiêng nể.

Chẳng phải mất công sức đi đe dọa, bắt nạt các tù nhân khác, Thơ vẫn khiến nhiều bạn tù ngày ấy phải dè chừng vì tính cách "quái dị", có phần khác người của hắn. Dường như ngoại hình có phần "ẻo lả" của Thơ chỉ là vỏ bọc che dấu đi bản chất lạnh lùng, tàn bạo đã được dung dưỡng từ trong từng thớ thịt gã thanh niên chưa đầy 20 tuổi này.

Mãn hạn tù lần thứ nhất, Thơ tiếp tục đi trộm tài sản ở nhà máy khu Đền Tràng Kênh nên bị bắt lần thứ hai và bị liệt vào danh sách những tội phạm hình sự nguy hiểm, cải tạo tại trại Phi Liệt (Thủy Nguyên). Ở tù nhưng chưa bao giờ Thơ nguôi ngoai ý đồ vượt ngục. Nhiều bạn tù thì tỏ ra thương hại Thơ vì nghĩ hắn còn quá "non", chưa "tường tỏ" nơi đang giam giữ mình nên mới nung ý đồ "ngông cuồng" đến vậy.

Thời bấy giờ, trại Phi Liệt là nơi chuyên giam giữ, cải tạo những tên tội phạm nguy hiểm nhất. Đám phạm nhân thì vô cùng "ngán ngẩm" vì đây là nơi có thể vào nhưng chưa đến ngày mãn hạn thì đừng mơ được ra sớm, cũng đừng "ảo tưởng" đến việc "đào tẩu". Bởi lẽ, trại luôn được canh phòng cẩn mật tuyệt đối, có hệ thống giám sát chặt chẽ trong, ngoài. Thế nhưng ngay đầu năm 1989, Thơ đã khiến nhiều bạn tù phải sững sờ…

Tìm đất "dụng võ"

Đầu năm 1989, Vũ Văn Thơ "bốc hơi" khỏi trại giam Phi Liệt không còn chút dấu tích. Chuyện hắn trốn trại thế nào, chẳng một ai hay biết. Những lời đồn thổi thêu dệt về câu chuyện hắn dùng "khổ nhục kế" tự rạch tay chân để lừa giám thị, rồi chuyện hắn cải trang, trà trộn vào đám thợ xây dựng để tìm lối thoát khỏi trại lan truyền như một "điển tích". Sự thật thế nào thì chưa rõ, nhưng việc Thơ vượt ngục khiến không ít dân anh chị càng thêm "ngán" bản chất tinh ma "hơn người" của hắn.

Những tên tù trốn trại ngày ấy, sau khi thoát khỏi trại giam thì chỉ có nước cao chạy xa bay tới miền đất khác "làm ăn", hoặc là lặn mất tăm một thời gian rồi mới tìm cơ hội quay lại.

Việc phạm pháp ngay sau khi "đào tẩu" dường như là điều "cấm kỵ" với những tên tù trốn trại. Nhưng Thơ lại hoàn toàn khác. Giữa lúc công an và quản giáo trại giam truy lùng ráo riết, hắn ngang nhiên ở lại đất Thủy Nguyên, mảnh đất nơi hắn sinh ra, lớn lên và vô cùng thân thuộc. Có thể đối với hắn, "nơi nguy hiểm nhất lại chính là nơi an toàn nhất".

Cũng bởi ý nghĩ đó mà điều đầu tiên Thơ nghĩ đến khi thoát khỏi trại giam, cũng là con đường duy nhất và nhanh nhất có thể giúp hắn gây dựng "tên tuổi" cho mình trong giới giang hồ chính là đi ăn cướp. Đã có đến 2 tiền án, lại là kẻ đang trốn trại bị truy nã, Thơ biết chắc nếu bị bắt lần nữa, bản án dành cho hắn sẽ vô cùng nghiêm khắc.

Thế nên hắn luôn suy tính "đường đi nước bước" rất kỹ càng, tinh vi, để vừa gây dựng được thanh thế, vừa cướp bóc được của cải làm giàu, lại trốn tránh được vòng vây của lực lượng chức năng.

Sau khi cân nhắc, Thơ quyết định chọn sông Bạch Đằng làm sào huyệt để tiện bề cho việc làm ăn và đối phó với những cuộc truy lùng. Cướp trên sông là điều không đơn giản với dân giang hồ, nhưng với Thơ, một tên tù trốn trại ranh ma và xảo quyệt thì khác. Ban ngày hắn sống ẩn dật trên thuyền như những ngư dân thực thụ, ban đêm mới hành "nghề".

Giúp sức cho Thơ lập thành băng cướp khét tiếng vùng sông Bạch Đằng ngày ấy còn có đám Vũ Văn Nghị, ở xã Thiên Hương, và Vũ Văn Thời, ở xã Minh Tân, cùng huyện Thủy Nguyên. Đây đều là những kẻ giang hồ cộm cán "tiền án nhiều hơn tiền mặt", nhưng lại rất trung thành, luôn nguyện "sống chết" vì Thơ.

Và ít ai biết rằng, đồng hành với Thơ trong suốt quãng thời gian ngang tàng đó còn có bóng hình một người phụ nữ bí ẩn, người Thơ yêu và cũng là người mà đám đàn em của Thơ hay gọi là "cô Đỏ". Trớ trêu thay, một điều mà Thơ có lẽ không bao giờ hay biết, rằng Đỏ lại chính là một trong những nguyên nhân gián tiếp khiến tên tướng cướp "máu lạnh" như hắn lộ diện…

 "Ác mộng" trên sông

Vẫn cay cú sau hai lần bị tra tay vào còng, Vũ Văn Thơ bắt đầu biết rút ra những kinh nghiệm cay đắng cho bản thân. Lần này thoát khỏi trại giam, hắn tìm cách trang bị cho mình đủ thứ "đồ nghề", thậm chí là súng đạn để khi cần thì sẵn sàng liều chết.

Xác định làm cướp trên sông, thế nên vũ khí nóng còn có thể giúp Thơ dễ dàng uy hiếp dân lành, thậm chí là tiêu diệt luôn những ai cản đường hắn. Một khẩu CKC với một thùng đạn còn nguyên đai nguyên kiện là "chiến lợi phẩm" Thơ chôm chỉa được sau một lần lợi dụng sơ hở đột nhập vào một đơn vị quân đội đóng trên địa bàn huyện nhà.

Cuộc vây bắt tướng cướp ở Hải Phòng trên sông Bạch Đằng - Ảnh 1.

Sông Bạch Đằng ngày nay

Thêm nữa, nhờ tài bơi lội cừ khôi như những ngư dân lão luyện thời trai trẻ nên đoạn sông Bạch Đằng trở thành nơi ẩn náu lý tưởng của Thơ. Hắn có thể văng mình xuống sông lặn và trốn mất tăm bất cứ lúc nào nguy cấp.

Máu lạnh, lại sẵn súng đạn bên mình nên Thơ đã ra tay thì vô cùng tàn bạo. Khẩu CKC trên tay hắn thường xuyên nhả những phát đạn điên cuồng để giúp hắn ra oai, uy hiếp dân lành. Cứ lúp xúp trên chiếc thuyền nan, tiếp cận con mồi trong gang tấc rồi bất ngờ xả súng, Thơ đã làm cả khúc sông Bạch Đằng, đặc biệt là cửa Nam Triệu ngày ấy phải rùng mình kinh hãi.

Có lần, vào tháng 8-1989, Thơ cùng đồng bọn mang theo súng CKC áp sát thuyền gỗ của gia đình một người đàn ông ở Quảng Ninh lúc 2h sáng. Trong lúc giằng co, đánh nhau, Thơ lấy súng bắn chỉ thiên lên cột buồm để đe dọa, khiến hai cha con ông chủ thuyền hoảng sợ nhảy xuống sông.

Đến khi cướp xong chiếc tivi trên thuyền, thấy người cha từ dưới sông ngoi lên bám vào mạn thuyền, Thơ lạnh lùng dùng súng chĩa thẳng vào đầu bắn vỡ hộp sọ người đàn ông vô tội. Có một lần khác, sau khi bắn súng vỡ phần bả vai của một thuyền viên bị thương nặng, Thơ còn dùng báng súng đánh đập liên tiếp nhiều nhát thô bạo vào đầu khiến thuyền viên đó ngất đi để cướp chiếc đồng hồ nhập ngoại…

Thời gian đó, những vụ cướp, giết dã man liên tiếp xảy ra trên sông Bạch Đằng đã khiến CAH Thủy Nguyên mất ăn mất ngủ nhiều tháng trời. Đối với các trinh sát, việc xác định ai là kẻ đứng sau những vụ cướp tàn bạo trên quả thực là một bài toán khó.

Cũng bởi Thơ là một kẻ vô cùng xảo quyệt, khôn ngoan khi biết cách xóa mọi dấu vết sau mỗi trận "săn mồi". Mặc dù vậy, các trinh sát vẫn có cơ sở để khoanh vùng đối tượng và đưa ra nhận định: Chắc chắn tên tướng cướp này là người bản xứ, bởi tất cả các nạn nhân bị hắn sát hại không ai là người Thuỷ Nguyên mà đều là người từ nơi khác đến.

Có thể do lo sợ bị người dân địa phương phát hiện thân phận, thế nên Thơ tiến hành các vụ cướp thuyền chỉ vào lúc trời đã về đêm, mặt bịt kín rất khó nhận diện, và chỉ có những chiếc thuyền "xấu số" lênh đênh trên sông thời điểm đó mới dễ dàng lọt vào tầm ngắm của hắn…

Lộ diện "thủy quái"

Giữa lúc mọi việc đang bế tắc thì một manh mối bất ngờ xuất hiện. Số là khi đó trên địa bàn Thuỷ Nguyên xảy ra một vụ trọng án. Từ những thông tin thu được từ vụ trọng án này, bóng dáng Vũ Văn Thơ mới dần lộ diện. Theo đó, anh L. Trưởng CA xã Lập Lễ bị hai đối tượng xách súng đến đe dọa cướp tài sản và qua công tác nắm tình hình, điều tra các trinh sát khẳng định vụ việc trên do 2 tên Vũ Văn Thời và Vũ Văn Nghị gây ra.

Tuy nhiên sau khi gây án, do mâu thuẫn nội bộ, Thời đã bị đồng bọn bắn chết, Nghị bỏ trốn và cũng bị công an Thái Nguyên tiêu diệt trong một lần gây án tại đó. Đồng bọn của Nghị ở Thái Nguyên là Bình "chập" chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào lại dạt về Thuỷ Nguyên ẩn náu, và rất tình cờ, hắn bị bắt ngay tại bến phà Rừng.

Đấu tranh khai thác Bình "chập", các trinh sát được biết, Thời và Nghị từng là tác giả của rất nhiều vụ cướp khác, tài sản chúng cướp được thường được tiêu thụ ở ngay tại xã Lập Lễ, và một số ít được tẩu tán ra ngoài thành phố.

Xuống Lập Lễ, từ nguồn tin của quần chúng, trinh sát đã phát hiện đối tượng tên Chuối thường xuyên có đài, ti vi bán mà không rõ xuất xứ từ đâu. Làm rõ nguồn gốc những tài sản ấy, thì mọi người mới sửng sốt, chúng đều là tang vật của những vụ cướp, giết trên sông Bạch Đằng. Chuối nhanh chóng bị bắt. Và, những gì hắn khai đã làm các trinh sát gỡ được mối bòng bong rối rắm từ mấy tháng nay.

Chuối đã mua lại những tài sản giá trị đó từ hai anh em ruột Đinh Hữu Mai và Đinh Thị Đỏ. Từ đó mới vỡ lẽ, Đỏ chính là "nhân tình" bí ẩn của Vũ Văn Thơ, tên tù trốn trại. Nhiều lần đi cướp được đồ giá trị như đồng hồ, đầu âm li, đài, tivi… Thơ "tuồn" hết cho anh em Mai, Đỏ đem đi bán, tiền lãi chia đôi. Có lần cướp được rất nhiều tài sản quý trên thuyền của đội cán bộ Trường công nhân kỹ thuật đường biển Hải Phòng, Mai và Đỏ bán được hơn 12 chỉ vàng, là một tài sản kếch xù thời đó…

Ngay lập tức, mọi hành động của Đỏ, Mai được các trinh sát cực kỳ "quan tâm". Và, từ hai đối tượng, qua công tác nắm tình hình, các trinh sát khẳng định Vũ Văn Thơ chính là hung thủ của những vụ cướp giết kinh hoàng liên tiếp xảy ra trong mấy tháng qua.

 Cuộc vây bắt ngoạn mục

Sau một thời gian bí mật theo dõi, tiếp cận, các trinh sát dần dần nắm được quy luật hoạt động cũng như vị trí ẩn nấp của Thơ cùng đồng bọn trên sông. Đúng lúc đó, nguồn tin trinh sát nhận được cho biết: Thơ và Đỏ dường như đã "đánh hơi" được sự quan tâm trên mức bình thường của lực lượng công an dành cho chúng. Biết việc tung hoành trên khúc sông Bạch Đằng không thể kéo dài mãi, để tránh phiền phức về sau, Thơ quyết định tính kế rút lui chuyển địa bàn, sau các vụ cướp bóc hơn nửa năm trời đã giúp hắn có một tài sản khấm khá.

Nghĩ là làm ngay, Thơ và Đỏ bàn bạc nhau mua một chiếc thuyền nan và lắp máy để tổ chức vượt biên, dự định vào ngày 2-9-1989 sẽ xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Thế nhưng Thơ không thể ngờ rằng, chỉ 3 ngày trước khi định cao chạy xa bay, lệnh bắt hắn đã được khẩn cấp phê duyệt, một kế hoạch hoàn hảo sẵn sàng đưa tên tướng cướp khét tiếng sông Bạch Đằng chui vào rọ nhanh chóng được triển khai.

Trước khi lên kế hoạch triệt hạ tên trùm cướp biển Vũ Văn Thơ, các trinh sát vẫn trăn trở nhiều ngày đêm bởi theo nguồn tin của quần chúng, Thơ luôn đem theo súng đạn bên mình.

Việc bắt hắn sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu không có một kế hoạch bất ngờ. Trinh sát cũng lường trước khả năng Thơ sẽ điên cuồng nã đạn chống trả hoặc lặn ngụp xuống sông để tẩu thoát. Đến ngày 29-8-1989, nhận được tin hắn cùng người tình đánh thuyền từ Bạch Đằng về Mỏm Giá, ngay cạnh bến Rừng, các trinh sát CAH Thuỷ Nguyên quyết định bắt hắn ngay tại đó.

Buổi chiều định mệnh cuối cùng cũng xảy đến. Đang ngồi trên thuyền, Thơ bất chợt nhìn thấy một chiếc xà lan từ xa nhẹ nhàng lướt tới. Linh tính mách bảo có điều gì đó bất ổn, hắn liếc Đỏ ra hiệu tiếp tục chèo thuyền, mặt khác, tay của Thơ đã nhẹ nhàng đặt vào vị trí khẩu súng đã lên đạn. Nhưng khi chiếc xà lan tiến tới gần, Thơ thở phào nhẹ nhõm thấy mấy người đàn ông làm nghề "cửu vạn" đang ríu rít hỏi nhau mua cá trên mũi thuyền, không "nguy hiểm" như hắn tưởng.

Tuy vậy không muốn dính dáng phiền phức trước ngày "đào tẩu" nên Thơ im lặng và tìm cách đánh thuyền đi nơi khác. Nào ngờ tất cả đã quá muộn. Thuyền chưa kịp đi, mấy ông "cửu vạn" đã nhảy phắt sang thuyền của Thơ để khống chế kẻ cướp khét tiếng này.

Biết là đã bị vây bắt nhưng với bản lĩnh của một tên tướng cướp sừng sỏ, Thơ vẫn bình tĩnh lấy hết sức để nghiêng thuyền hòng hất hai vị khách không mời đang đứng chưa vững xuống sông nhưng vô vọng.

"Tất cả ngồi yên" - tiếng thét ra lửa của trinh sát chưa dứt lời thì Thơ đã vồ lấy khẩu súng và định lao vào một chiến sĩ công an liều chết. Tuy nhiên, một trinh sát đã dùng súng bắn trúng vào bả vai của Thơ và kịp thời khống chế, không để hắn kịp thoát. Thơ bị bắt gọn trong vòng vây của các chiến sĩ công an.

Và rồi điều phải đến cũng đến, với tội ác tày đình, Thơ bị kết án tử hình. Đồng bọn và những kẻ giúp sức cho hắn cướp của, giết người, tiêu thụ tài sản phạm tội mà có cũng phải đền tội trước vành móng ngựa. Sông Bạch Đằng trở lại những ngày tháng yên bình…

Đã gần 30 năm kể từ ngày Vũ Văn Thơ bị bắt, thế nhưng hàng năm, cứ mỗi khi đến ngày truyền thống của lực lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng, người dân thành phố Cảng vẫn không giấu nổi niềm tự hào, xúc động về chiến công xuất sắc, mưu trí, dũng cảm, giỏi nghiệp vụ, vững chuyên môn của lực lượng công an trong vụ bắt gọn tên tướng cướp Vũ Văn Thơ.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo