xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bảo tồn di tích: Nói dễ, làm khó! (*): Đánh thức di tích

THU HỒNG

Thống kê, làm lý lịch cho từng di tích; ban hành quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của các di tích là việc TP HCM sẽ làm trong thời gian tới

Khảo sát thực tế tại một số di tích như Nhà Thiếu nhi TP HCM (quận 3), di tích Dinh Quận Hóc Môn (huyện Hóc Môn), đình Tân Phước (quận Tân Bình), không khó để nhận ra những nơi này thiếu bảng giới thiệu tóm tắt lịch sử của di tích. Trong khi đây là việc cần làm để người dân, du khách dễ tiếp cận và thu hút khách tham quan.

Tăng kết nối, gỡ khó vốn trùng tu di tích

Không chỉ thiếu thông tin, tình trạng xuống cấp, thiếu tính liên kết giữa các sở, ngành và địa phương cũng khiến di tích bị lãng quên hoặc chỉ mang tính địa phương cục bộ, không phát huy hết giá trị tiềm năng vốn có.

Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT), tính đến tháng 9-2019, toàn TP có 172 di tích được xếp hạng, trong đó 2 di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, 56 di tích quốc gia (2 di tích khảo cổ học, 30 di tích kiến trúc nghệ thuật, 24 di tích lịch sử), 114 di tích cấp TP (66 di tích kiến trúc nghệ thuật, 48 di tích - lịch sử) và 100 công trình, địa điểm thuộc Danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh TP giai đoạn 2016-2020.

Với số lượng di tích khá lớn, trải đều 24 quận - huyện nhưng Sở VH-TT thừa nhận các di tích, cơ sở văn hóa hiện nay chỉ dừng lại ở mức độ thăm viếng, giới thiệu cho khách tham quan và trưng bày các hiện vật. Nguyên nhân vì đội ngũ quản lý trực tiếp di tích đa phần được cộng đồng dân cư bầu lên, thiếu trình độ chuyên môn quản lý di sản; hoạt động liên kết giữa các di tích chưa được chú ý; sự kết nối giữa các bảo tàng, nhà văn hóa, di tích lịch sử văn hóa để du khách tham quan và các hoạt động khác như nghiên cứu, sưu tầm chưa thực hiện tốt...

Khắc phục những hạn chế này, Sở VH-TT đang tham mưu UBND TP xây dựng quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn TP. Quy chế này sẽ góp phần quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích, di vật, cổ vật; bảo đảm tuân thủ quy trình tại Luật Di sản văn hóa; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn liên quan; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các ngành, các cấp trong công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là quy trình xin tu bổ các di tích còn nhiêu khê do trình tự thủ tục kéo dài. Do đó, Sở VH-TT cũng kiến nghị Bộ VH-TT và Du lịch xem xét rút ngắn thời gian trình tự thẩm định, phê duyệt các dự án tu bổ, phục hồi di tích sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách và nguồn vốn xã hội hóa; đồng thời, xem xét việc phân cấp đầu tư tu sửa cấp thiết di tích cho địa phương thực hiện theo thẩm quyền quyết định đầu tư.

Bảo tồn di tích: Nói dễ, làm khó! (*): Đánh thức di tích - Ảnh 1.

Chùa Giác Lâm (quận Tân Bình), ngôi chùa cổ nhất TP HCM, đang trong tình trạng bị tranh chấp. Ảnh: TẤN THẠNH

Hài hòa lợi ích cá nhân và bảo tồn

Thừa nhận công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng, nhiều quận - huyện cho rằng nên kêu gọi các nguồn xã hội hóa, bởi thực tế ngân sách địa phương hạn hẹp, phải cân đối ưu tiên các công trình trọng điểm nên di tích xuống cấp thường bị bỏ quên hoặc chỉ làm chắp vá.

Để thu hút nguồn vốn xã hội hóa, bà Nguyễn Thị Hồng Tiến - Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, TP HCM - đề xuất TP nên có cơ chế cho mạnh thường quân như giảm thuế kinh doanh, thuế thu nhập một phần nếu họ có những đóng góp trực tiếp cho việc tu bổ di tích, mua di vật, cổ vật hiến tặng cho bảo tàng nhà nước, tài trợ cho những công trình nghiên cứu về di tích...

Ông Trần Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND quận 3, TP HCM - kiến nghị TP nên có chính sách để chủ sở hữu di tích (ví dụ như chủ biệt thự cổ) không thiệt thòi khi công trình của mình đưa vào diện phải bảo tồn; có cơ chế cho phép họ kinh doanh hoặc sửa chữa dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn của cơ quan thẩm quyền để không ảnh hưởng đến công năng công trình.

Theo bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch HĐND TP HCM, kinh phí bảo tồn di tích, di sản có 2 nguồn: từ ngân sách hoặc xã hội hóa. Địa phương nên linh hoạt trong quá trình tìm nguồn kinh phí để tu bổ di tích. Nếu một khu di tích đủ sức hấp dẫn để đưa các đoàn khách đến tham quan mang lại lợi ích kinh tế thì ngân sách sẵn sàng đầu tư nhưng người làm công tác quản lý phải đề xuất và có kế hoạch rõ ràng. Với các biệt thự cổ được đưa vào dạng bảo tồn, địa phương nên đề xuất cơ chế, bảo đảm hài hòa, cân đối, tránh xung đột giữa lợi ích chủ sở hữu và công tác bảo tồn.

Làm lý lịch cho di tích

Mang nhiều trăn trở đến hội thảo khoa học Di sản đô thị ở TP HCM trong quá trình hiện đại hóa: Bảo tồn, phát triển bền vững để góp thêm một tiếng nói về hướng đi cho công cuộc phát triển đô thị song hành với bảo tồn di sản, tổ chức ngày 18-10, TS Nguyễn Minh Hòa cho rằng quá trình đô thị hóa khiến nhiều công trình di tích, di sản biến mất như: địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại khu vực Ba Son, cầu Ba Cẳng độc nhất vô nhị của Đông Nam Á trên kênh Hàng Bàng, Thương xá Tax, Công viên Chi Lăng, Nhà đèn Chợ Quán, cầu Nhị Thiên Đường... Do đó, TS Hòa đề xuất trong quá trình phát triển đô thị, nếu buộc phải chấp nhận đánh đổi di sản để đem lại lợi ích lớn hơn nhiều lần thì nên làm "phụ lục" di sản bị phá hủy ở ngay cạnh công trình mới thông qua bảng giới thiệu, hình ảnh, các hiện vật còn sót lại, mô hình thu nhỏ của di sản lúc tồn tại... Ngoài ra, theo TS Nguyễn Minh Hòa, để công tác quản lý, bảo tồn hệ thống hơn, cơ quan chức năng không chỉ thống kê mà phải làm lý lịch cho từng di sản. Biết tường tận, ngọn ngành từng di sản sẽ có giải pháp để định hướng bảo tồn và phát huy giá trị bền vững.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 30-10

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo