xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chỉ, tại, bởi, vì, do...

TS Huỳnh Văn Thông (Trưởng Khoa Báo chí và Truyền thông Đại học KHXH-NV)

Chuyện đáng bàn về văn hóa giao thông của người dân là không sợ, không nhường, không xếp hàng, không biết ngại; việc tổ chức, quản lý của nhà chức trách là không khoa học, không nhất quán, không nghiêm và không đàng hoàng

Chuyện giao thông ở các đô thị lớn của Việt Nam hiện nay cứ như là câu chuyện về đứa học trò bị mất căn bản môn toán. Càng nói càng bàn càng rối càng không hiểu nổi. Đã rối rồi mà lại còn phải nhận thêm không biết bao nhiêu lời góp ý, phàn nàn, có khi vô nguyên cớ và không hẳn đã liên quan. Rồi cuối cùng, chúng ta tự khái quát vấn đề thành cái chuyện văn hóa giao thông.

Đừng đổ lỗi, nói chung chung

Cứ mỗi lần có chuyện gì đó không vừa ý khi tham gia giao thông, dù đó là chuyện gì, người ta lại kêu lên “Ôi, văn hóa giao thông của người Việt”. Nhưng trong một chục cái sự kêu tên văn hóa giao thông ấy cũng phải hết hơn một nửa là không liên quan. Cuối cùng thì những chuyện gì được kể ra? Nào là đè đầu xe người khác để vượt đèn, nào là người này chạy xe đàng hoàng nhưng bị kẻ chạy xe ít đàng hoàng hơn chửi, nào là đi bộ nghênh ngang, nào là tạt nước ra đường... Nhất là ở đô thị lớn đất chật người đông xe cộ tấp nập đêm ngày, thực tế càng ngày càng đáng báo động.

 

Leo vỉa hè trong khi dừng chờ đèn đỏ là chuyện diễn ra thường xuyên đến mức trở thành bình thường.  Ảnh chụp tại giao lộ Cao Thắng - Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP HCM)Ảnh: Sỹ Đông
Leo vỉa hè trong khi dừng chờ đèn đỏ là chuyện diễn ra thường xuyên đến mức trở thành bình thường. Ảnh chụp tại giao lộ Cao Thắng - Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP HCM)Ảnh: Sỹ Đông

 

Văn hóa giao thông dường như là câu chuyện liên quan nhiều hơn đến sự kém cỏi trong thái độ ứng xử văn minh với môi trường sống bên ngoài ngôi nhà của mình, chứ không đơn giản là cách chạy xe sao cho đúng luật lệ. Có lẽ không nên tiếp tục nói chung chung và đổ lỗi cho văn hóa giao thông trừu tượng. Không nên cứ từ những chuyện rất cá biệt mà đổ lỗi cho văn hóa giao thông. Phải cố mà chỉ cho đích danh những điều xấu xí trong lối ứng xử của người Việt liên quan đến giao thông. Thêm nữa, lẽ nào cứ nói văn hóa giao thông là chỉ nói đến người dân? Nhà chức trách ở đâu trong câu chuyện này?

Bốn chữ “không”

Chuyện đáng bàn về văn hóa giao thông của người dân là 4 chữ “không”. Một là “không sợ”, hai là “không nhường”, ba là “không xếp hàng”, bốn là “không biết ngại”.

“Không sợ” là vấn đề nhận thức. Không sợ nên chạy xe bạt mạng, lạng lách đánh võng, băng qua đầu xe, quay đầu đột ngột, sang đường bất chợt, uống rượu lái xe...

“Không nhường” là vấn đề thái độ ứng xử. Đường của chung, ai nhanh hơn thì dấn tới, dù chỉ dấn tới để hơn nửa cái bánh xe rồi đè đầu xe người khác mà chạy, bất kể lịch sự, bất kể văn minh. Không nhường cho nên thấy chỗ trống nào cũng cố dí đầu xe vào, cho dù là phần đường bên nào cũng không quan trọng. Kết hợp với cái “không sợ”, thế là sẵn sàng dí đầu xe máy của mình vào ngay trước đầu xe hơi.

“Không xếp hàng” là vấn đề về hành vi. Hệ lụy không xếp hàng kéo dài từ nhà ra phố. Trong nhà mát mẻ, rộng rãi mà còn chưa chịu xếp hàng thì ra đường sẵn sàng tìm cách lấn làn, chèn đầu xe người khác khi chờ đèn đỏ cũng dễ trở nên phổ biến. Thế là xe sau chèn xe trước kiểu cài thế răng lược ở các nút giao thông, kẹt xe chỉ là chuyện trong tích tắc. Đường hẹp cũng kẹt mà đường rộng cũng kẹt.

“Không biết ngại” là vấn đề đạo đức. Chạy xe trời mưa cứ lao vào vũng nước với tốc độ cao, nước bẩn văng tung tóe, ai trúng ráng chịu. Chèn đầu xe lấn làn gây kẹt cho cả đám người, ai nhắc thì quay ra sửng cồ, to tiếng. Đường là của thiên hạ, nên cứ thế mà tạt nước, mà vứt rác, chả chết gì mình... Cái hành vi sai đã đáng phê, cái biểu hiện đạo đức còn đáng phê hơn nhiều.

Nhận thức thế, thái độ thế, hành vi thế, đạo đức thế…, biết làm sao mà gỡ?

Chuyện đáng bàn về văn hóa tổ chức, quản lý giao thông của nhà chức trách cũng là chuyện về 4 chữ “không”: Một là “không khoa học”, hai là “không nhất quán”, ba là “không nghiêm”, bốn là “không đàng hoàng”.

“Không khoa học” thì đã rõ, chỉ cần xem cách sử dụng đèn giao thông ở Việt Nam cũng đủ biết. Đèn xanh, hai dòng xe ngược chiều cùng xông tới, các làn xe rẽ trái, rẽ phải, đi thẳng cùng nhận lệnh xung phong. Xe nọ đè đầu xe kia, cài qua cài lại đến hết lượt đèn chỉ đi được vài chiếc. Trong tình cảnh đó, người tham gia giao thông sẵn sàng chơi trò liều mạng không sợ hoặc láu tôm láu cá bằng mọi cách để qua được nút đèn nhanh nhất.

“Không nhất quán” lại càng rõ. Mỗi chuyện đèn đỏ quẹo phải mà chỗ được phép chỗ không, lúc được phép lúc không, giờ cao điểm được giờ bình thường thì không. Vậy nên dân tình đi xe quen chơi trò hên xui, còn lực lượng làm nhiệm vụ thì tùy cơ hội thuận tiện mà thổi còi làm luật.

“Không nghiêm” là vì muốn nghiêm cũng không nghiêm nổi. Lúc cao điểm là lúc cần người dân tuân thủ luật lệ nhất thì lại là lúc gần như người dân được phép lấn làn xe, rướn đèn, chạy ngược chiều...vì cảnh sát giao thông kẹt nhiệm vụ điều khiển, có bắt có phạt nổi đâu. Thậm chí có trường hợp người điều khiển giao thông còn chủ động chỉ cho người chạy xe đi trái luật.

“Không đàng hoàng” là chuyện đạo đức thực thi công vụ của lực lượng chức năng. Núp và canh bắt những lỗi sơ suất không đáng của người đi đường để làm luật, trong khi những lỗi nghiêm trọng thì lại hầu như không xử lý được.

 

Câu hỏi về giải pháp cho vấn đề này trở nên nhức nhối và làm nản lòng những ai quan tâm nhưng không thể nói là không có câu trả lời. Càng không được nói là không thể trả lời.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo