Luật Tố cáo năm 2011 đã dành hẳn một chương (Chương 5) quy định cụ thể về việc bảo vệ người tố cáo. Song, vấn đề bảo vệ này chỉ dừng lại ở việc người tố cáo yêu cầu người giải quyết tố cáo, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền áp dụng các biện pháp để bảo vệ họ và người thân của mình. Vấn đề được đặt ra: Nếu yêu cầu đó của người tố cáo không được chấp nhận hoặc bị “làm lơ” thì chế tài xử lý là gì? Hai căn cứ xử lý hành vi vi phạm tại điều 46 và 47 Luật Tố cáo năm 2011 có bảo đảm cơ sở pháp lý “cần” và “đủ” để bảo vệ người tố cáo được hay không?
Luật quy định: “Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Như vậy, dựa vào đâu để xác định tính chất và mức độ vi phạm để xử lý cho phù hợp? Một văn bản luật quy định “tùy” thì có giá trị pháp lý thi hành hay không? Nếu không có một cơ chế rõ ràng và một chế tài dứt khoát thì người dân tố cáo chỉ vẫn mãi là những kẻ yếu thế đi chống lại một thế lực mạnh hơn mà thôi.
Trong xã hội phát triển như hiện nay, báo chí có vai trò quan trọng, góp phần giúp người tố cáo mạnh dạn đấu tranh chống tiêu cực. Do đó, nên tuyên truyền rộng rãi nhằm giúp mọi người dân hiểu, nhận biết sâu sắc các điều luật liên quan đến quyền lợi của họ và quy trình xử lý nếu người bị tố cáo làm khó hay đe dọa ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người làm đơn tố cáo. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mấu chốt vẫn nằm ở chỗ các cơ quan có thẩm quyền. Các cơ quan này hướng dẫn cụ thể, giải thích cặn kẽ quy trình thủ tục và những quyền lợi để bảo vệ người làm đơn tố cáo thì hiệu quả sẽ cao hơn nhiều.

Chị Nguyễn Thị Hòa (24 tuổi, nhân viên công ty truyền thông):
Người dân giảm sút niềm tin
Qua các phương tiện truyền thông đại chúng, tôi biết nhiều trường hợp người dân dũng cảm đứng lên tố cáo những sai phạm, tiêu cực nhưng kết quả xử lý lại không như mong đợi. Có người phải theo đuổi một vụ kiện đến cả chục năm mới giành lại được quyền lợi. Nhiều người khác thì bị ém nhẹm đơn thư tố cáo rồi bị trù dập.
Thực tế cho thấy không ít cán bộ thụ lý đơn tố cáo chưa thực hiện đúng chức trách, còn né tránh giải quyết đơn của người dân. Đối với các trường hợp người bị tố cáo không phải xử lý hình sự, cấp trên còn che đậy cho các lỗi vi phạm của cấp dưới. Thậm chí, khi báo chí vào cuộc thì nhiều trường hợp vẫn xử lý mang tính chất hình thức như kỷ luật mức nhẹ, rút kinh nghiệm, thuyên chuyển công tác, thậm chí có trường hợp còn được chuyển qua vị trí cao hơn. Chính những trường hợp xử lý không chặt chẽ, không nghiêm minh này khiến người dân giảm sút niềm tin.
Chị Phạm Lê Thanh Trúc (21 tuổi, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP HCM):
Lo ngại bị trù dập, trả thù
Nhiều người dân vẫn chưa biết tới Luật Tố cáo, còn những người biết thì chưa dám mạnh dạn thực hiện quyền tố cáo của mình và vẫn còn tâm lý lo sợ bị trù dập, trả thù.
Theo luật quy định, người tố cáo phải được bảo vệ nhưng trên thực tế thì cơ quan chức năng chưa làm được điều này. Trong khi đó, những người bị tố cáo có thể có nhiều cách trù dập, trả thù tinh vi đối với người tố cáo như: đe dọa, khủng bố tinh thần, đánh đập, ép buộc rút đơn... Ngoài ra, việc xử lý sai phạm cũng mất nhiều thủ tục, thời gian. Từ đó, nhiều người thấy sai phạm trước mắt mà vẫn thờ ơ hoặc chỉ dám tố cáo nặc danh.
Anh Lương Hoàng Sơn (30 tuổi, nhân viên văn phòng):
Khen thưởng người tố cáo đúng
Để người dân thực hiện quyền tố cáo đúng và hiệu quả, cấp thẩm quyền cần xử lý mạnh tay với cơ quan chức năng không làm tròn trách nhiệm giải quyết tố cáo của người dân. Kết quả thanh tra cũng như giải quyết tố cáo của người dân phải được công khai, minh bạch.
Điều quan trọng là cơ quan chức năng phải có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ được người tố cáo. Để phát huy vai trò giám sát của nhân dân, những người dũng cảm tố cáo trung thực các vụ việc tiêu cực, sai phạm phải được khen thưởng xứng đáng sau khi cơ quan chức năng kết luận, xử lý.
Q.Chiến ghi