xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Có thứ đáng sợ hơn cả Covid-19: Hãy bình tĩnh lại!

TS-BS Lê Quốc Hùng, (Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy)

Trong lúc này, sự bình tĩnh, niềm tin, kiến thức tự phòng bệnh, ý thức vì cộng đồng và sự đoàn kết của mỗi người chính là những viên gạch xây nên sự thành công của cuộc chiến

Hàng ngàn người đổ xô đi mua sắm, dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm. Hàng trăm người đã và đang tính chuyện dọn đồ đi "sơ tán" khỏi vùng "dịch"… Dịch bệnh Covid-19 có đáng sợ không? Đáng sợ. Thế nhưng, sợ cái gì và cái gì làm cho chúng ta sợ?

Sợ chết!

Xin thưa rằng tỉ lệ tử vong chung của dịch bệnh này (theo WHO) chỉ tập trung ở những đối tượng lớn tuổi có nhiều bệnh nền và được can thiệp y tế trễ. Song tỉ lệ này có sự thay đổi ở các quốc gia khác nhau và cũng tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Một quốc gia dù có trình độ y khoa cao nhưng không đủ số giường bệnh, không đủ nhân viên y tế phục vụ trong bối cảnh số bệnh nhân tăng vọt thì khó tránh khỏi tỉ lệ tử vong tăng cao. Một quốc gia không giàu nhưng cương quyết thực hiện những biện pháp phòng chống dịch tốt, không có số bệnh nhân tăng vọt, mỗi bệnh nhân đều được chăm sóc, theo dõi kỹ lưỡng thì tỉ lệ tử vong rất thấp, thậm chí là không có tử vong.

Ở Việt Nam, tỉ lệ người chết do tai nạn giao thông còn cao hơn nhiều do bệnh dịch này. Vậy thì chết do bệnh dịch này không phải cái đáng sợ nhất.

Sợ tốn tiền điều trị, phải nằm viện lâu

Rất mừng là toàn bộ chi phí điều trị cho một bệnh nhân nhiễm bệnh đều được nhà nước chi trả. Đây là điều chúng ta nên mừng vì là công dân Việt Nam. Ở một số quốc gia khác, bệnh nhân phải là người chi trả chi phí điều trị và số tiền này không hề nhỏ.

Nếu bệnh nhân hết triệu chứng bệnh và xét nghiệm vi sinh liên tục âm tính, bảo đảm không còn là nguồn lây bệnh cho cộng đồng thì sẽ được ra viện tiếp tục tự theo dõi tại nhà. Có những bệnh nhân được xuất viện sau 5-7 ngày nằm viện. So với rất nhiều bệnh khác thì đây là thời gian khá ngắn.

Sợ bị cách ly, kỳ thị, xa lánh

Không ai muốn những người thân yêu của mình bị bệnh. Vì vậy, nếu bạn bị một căn bệnh có thể lây truyền cho người khác thì chính bạn phải nên tự cách ly để đầu tiên tránh cho người thân và sau đó là cộng đồng bị lây bệnh. Có gì phải sợ?

Có thứ đáng sợ hơn cả Covid-19: Hãy bình tĩnh lại! - Ảnh 1.

Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) ra Bình Thuận chi viện cho Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận để hỗ trợ chuyên môn điều trị dịch bệnh Covid-19 Ảnh: NGUYỄN THẠNH

Sợ bị nhiễm bệnh trong khu cách ly y tế

Sợ bị lây bệnh trong khi cách ly cùng với những người khác là mối lo của không ít người. Các bạn yên tâm, y tế chúng tôi biết cách và triệt để thực hiện việc phòng ngừa lây nhiễm giữa những người đang được cách ly.

Vậy dịch bệnh rất đáng sợ là sợ cái gì? Tôi sợ bởi vì bất cứ quốc gia nào không kiểm soát tốt để dịch bùng phát trong cộng đồng thì hàng loạt người sẽ mắc bệnh dẫn tới số bệnh nhân tăng vọt vượt qua sự kiểm soát của y tế, khi đó tỉ lệ tử vong sẽ tăng cao. Xã hội bất chợt mất đi một lượng lớn người làm việc, số người bệnh đông làm gia tăng chi phí điều trị, giảm thu nhập quốc gia. Người bị tử vong không chỉ tập trung ở một nhóm đối tượng đặc biệt mà còn lan rộng ở tất cả những người mắc bệnh… Ngoài ra, còn biết bao hệ lụy về chính trị, kinh tế - xã hội và con người sẽ còn ảnh hưởng trong một thời gian dài sau đó.

Hãy nhìn vào TP Vũ Hán - Trung Quốc, sẽ thấy tất cả. Tôi xin chia sẻ nỗi lo của các bạn nhưng sợ như thế nào cho đúng mới là quan trọng.

Thứ nhất, đổ xô đi mua hàng là vô tình đi vào nơi đông người trong một "không gian kín". Ở nơi đó, nếu có một người đang trong giai đoạn ủ bệnh thì khả năng bạn bị nhiễm bệnh sẽ cực cao. Khi đó không biết có bao nhiêu người sẽ trở thành nguồn nhiễm mới.

Thứ hai, nếu mỗi gia đình đều đi mua đồ dự trữ với số lượng lớn và tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu nào đó thì chắc chắn sẽ tạo ra một cái "kho ảo" cực lớn trong xã hội. Các công ty sản xuất đã có kế hoạch sản xuất định kỳ và khả năng cung ứng có giới hạn, khó bù đắp nhu cầu trong thời gian ngắn. Khi đó không ít người "chậm chân" không mua được, không có đồ dùng (trong khi có nhiều người khác quá dư) dẫn tới rối loạn trong xã hội.

Thứ ba, nếu sợ dịch mà tự ý "sơ tán" ra khỏi vùng dịch, có chắc rằng trong số những người "sơ tán" ấy (hay chính bạn) không có người đã nhiễm bệnh trong giai đoạn ủ bệnh? Khi đó vô tình bạn sẽ trở thành một nguồn nhiễm mới, công cuộc phòng chống dịch sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Thứ tư, mặc dù thông tin về triệu chứng khi mắc bệnh, cách phòng ngừa bệnh, cách khai báo và hoạt động phối hợp giữa người dân với các cơ quan chức năng để ngăn ngừa dịch đã được công bố rất rõ ràng trên các phương tiện truyền thông chính thống nhưng vẫn có rất nhiều người nhẹ dạ cả tin vào những tin đồn thất thiệt, vô căn cứ rồi chia sẻ với nhiều người khác, vô tình làm cản trở công tác phòng chống dịch của cả nước...

Chính vì vậy, xin các bạn "Hãy bình tĩnh". Hãy đặt niềm tin vào sự dẫn dắt của y tế, Chính phủ. Trong lúc này đây, sự bình tĩnh, niềm tin, kiến thức tự phòng bệnh, ý thức vì cộng đồng và sự đoàn kết của mỗi người chính là mỗi viên gạch xây nên sự thành công của cuộc chiến.

Covid-19 và những nghịch lý

Sau 23 ngày không có ca nhiễm mới, "đùng một cái", Việt Nam có ca lây nhiễm thứ 17, vừa từ châu Âu về. 16 ca trước, bệnh nhân bất ngờ (không biết mình bệnh) nhưng nhà nước chủ động cách ly, tận tình điều trị nên đều hết bệnh. Lần này, nạn nhân chủ động không khai báo, cộng đồng bị động đối phó vì tốc độ lây lan nhanh với bao hệ lụy khôn lường.

Cả nước phải huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, vẽ bản đồ hành trình của khách đi trên chuyến bay VN0054 của Việt Nam Airlines, đặc biệt là khách VIP, vì họ giao du rộng, dự nhiều sự kiện. Chỉ tội những người bị vạ lây, phải cách ly, xét nghiệm... từ F1 đến F2, F3. Tốn không biết bao nhiêu công sức và tiền bạc.

Việt Nam chưa giàu nhưng chơi đẹp. Miễn phí toàn bộ chi phí điều trị bệnh nhân Covid- 19. Lâu dài, chưa dám nói nhưng trước mắt, khoản điều trị miễn phí và hiệu quả dịch bệnh thì Việt Nam ăn đứt nhiều nước.

Nghịch lý ở chỗ những người phục vụ và điều trị đang còng lưng làm việc, tận tình cứu chữa, nỗ lực hết mình chăm sóc người bệnh, có kẻ còn lên tiếng chê bai điều kiện cách ly ngột ngạt, tù túng, không được như ở nhà. Có vị là chủ tịch HĐQT một công ty đã cho nhân viên "thế mạng" mình đi cách ly. Việc làm tàn nhẫn, vô trách nhiệm không chỉ với nhân viên mà cả cộng đồng...

Dịch bệnh đã làm bật lên phẩm chất tuyệt vời của nhiều người qua việc tặng khẩu trang, nước rửa tay đến vật dụng y tế, thực phẩm... nhưng cũng đã phơi bày bộ mặt đạo đức giả của mấy kẻ giàu có, lợi dụng đầu cơ, nâng giá, lừa bịp, kinh doanh trên nỗi đau đồng loại.

Nhà nước đã làm tất cả trong khả năng của mình vì cộng đồng. Dịch bệnh không phân biệt ai. Hễ lơ là, mất cảnh giác là bị tấn công. Không nên hả hê chì chiết hay nguyền rủa bất kỳ ai nhiễm bệnh. Trước bệnh tật và thần chết, con người đều đáng thương, bình đẳng. Nhưng xã hội có quyền lên án mạnh mẽ những người vô đạo với nhân viên, vô tâm với tha nhân, vô trách nhiệm với cộng đồng.

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo