xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Công khai tiêm chích ma túy: Mô hình cai nghiện nào phù hợp?

TS Nguyễn Văn Viên (Trưởng Phòng Xã hội, Lực lượng TNXP TP HCM)

Sự thấu hiểu, can thiệp và hỗ trợ tích cực từ phía gia đình, người thân có vai trò quan trọng trong việc củng cố niềm tin, ý chí từ bỏ ma túy

Thời gian qua, công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng trên địa bàn TP HCM luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền các cấp. TP đã ban hành đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy giai đoạn từ năm 2014-2020 và hằng năm TP đều có chương trình, kế hoạch công tác để hoạt động cai nghiện ma túy đạt hiệu quả. Tuy nhiên, trên thực tế, việc cai nghiện vẫn rất gian nan.

Phức tạp

Cai nghiện ma túy chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố gia đình và xã hội. Các nhân tố cơ bản tác động trực tiếp đến hiệu quả cai nghiện bao gồm: cắt cơn nghiện, giáo dục phục hồi hành vi - nhân cách, tham vấn điều trị nghiện, học nghề, lao động và dự phòng sử dụng lại ma túy…

Cắt cơn nghiện là một dạng điều trị cổ điển nhất và có lẽ phổ biến nhất trong việc giảm tác hại của ma túy. Biện pháp này thường áp dụng với người nghiện ma túy quá mức, không làm chủ hành vi trong sinh hoạt thường ngày với biện pháp giảm dần liều lượng ma túy, giúp người nghiện tránh xa sự rủ rê, lôi kéo từ bạn bè.

Xa rời ma túy khi đã cắt cơn nghiện và phục hồi hành vi, nhân cách là một công việc phức tạp. Chìa khóa thành công để phục hồi hành vi, nhân cách còn tùy thuộc vào mức độ quyết tâm của người nghiện. Điều quan trọng nữa là xây dựng một nhu cầu khác thay thế cho sức hút của ma túy. Đây có thể là việc làm, hoạt động giải trí, thể thao hoặc là một mối quan hệ tình cảm ràng buộc như lập gia đình… Điều thiết yếu là phải phát triển trong chính người nghiện một thứ gì đó quan trọng hơn sự khoái cảm do ma túy mang lại. Các nhân tố này cùng với việc tham vấn điều trị nghiện, thay đổi về nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi được rèn luyện là phương pháp phòng ngừa tái nghiện. Nếu không, người nghiện sẽ khó tránh khỏi việc tái nghiện.

TP HCM có 12 cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở xã hội; quản lý, điều trị, giáo dục cho 10.091 người nghiện ma túy. Trong đó, 8 cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở xã hội trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, quản lý 6.588 người nghiện; 4 cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở xã hội trực thuộc Lực lượng Thanh niên Xung phong TP, quản lý 3.503 người nghiện. Tổng số người cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng ở các quận, huyện trên địa bàn TP HCM là 678 người.

Công khai tiêm chích ma túy: Mô hình cai nghiện nào phù hợp? - Ảnh 1.

Các học viên cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện thuộc Lực lượng Thanh niên Xung phong TP HCM Ảnh: Văn Viên

Cần sự thấu hiểu, hỗ trợ của gia đình

Từ năm 2016, TP đã có chế độ hỗ trợ đối với người nghiện ma túy cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng theo Nghị quyết 16/2015/NQ-HĐND. Bên cạnh hiệu quả đạt được, công tác quản lý, chữa trị, giáo dục dành cho người nghiện còn gặp nhiều khó khăn. Tình hình tội phạm ma túy và sử dụng ma túy còn diễn biến phức tạp. Cai nghiện hoàn toàn vẫn là một khát vọng trong khi tái nghiện ma túy đang là vấn đề nhức nhối chưa có hồi kết.

Quan điểm hiện nay xem nghiện ma túy là bệnh mạn tính do rối loạn của não bộ, điều trị nghiện là một quá trình lâu dài. Chính vì vậy, gia đình người nghiện cần tìm hiểu về tác hại của ma túy, việc điều trị nghiện ma túy. Đừng ảo tưởng "thần dược" hay liệu pháp mạnh nào chữa khỏi được tình trạng nghiện trong thời gian ngắn.

Kinh nghiệm cho thấy sự thấu hiểu, can thiệp và hỗ trợ tích cực từ phía gia đình, người thân có vai trò quan trọng trong việc củng cố niềm tin, ý chí từ bỏ ma túy. Học nghề, tìm việc làm và có được công việc phù hợp đối với người đã từng sử dụng ma túy là con đường giữ vững sự an vui trong gia đình. Đặc biệt, việc dự phòng tái nghiện phải được thực hiện và duy trì trong suốt cả cuộc đời người sử dụng ma túy. Nếu gia đình củng cố ý chí, quyết tâm của người cai nghiện trong từng giờ, từng giai đoạn thì sẽ giúp loại trừ được nhiều nguy cơ tái nghiện. Kết hợp cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện và cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng là một mô hình cai nghiện phù hợp hiện nay trên địa bàn TP HCM.

Sớm sửa đổi các quy định chưa hợp lý

Từ những bất cập trong công tác cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng ở TP HCM, ông Trần Ngọc Du, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP HCM, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định 94/2010/NĐ-CP cho phù hợp với đặc thù người nghiện ma túy tại Việt Nam; phù hợp với cơ sở vật chất, nhân sự, tâm lý người nghiện, tâm lý gia đình, tâm lý cộng đồng.

Ngoài ra, theo ông Trần Ngọc Du, cần nghiên cứu xây dựng cơ cấu tổ chức, bộ máy nhân sự cụ thể và các chế độ chính sách đặc thù về việc quản lý cai nghiện; nghiên cứu giải pháp để duy trì chống tái nghiện khi hoàn thành giai đoạn cai nghiện; sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan đến công tác quản lý người sử dụng, người nghiện và cai nghiện ma túy cho đồng bộ, đơn giản hóa; sớm nghiên cứu các phương pháp dự phòng, phòng chống tái nghiện và các phác đồ điều trị đối với các loại ma túy mới hiện nay, nhất là ma túy tổng hợp. Nghiên cứu bổ sung tiêu chuẩn chẩn đoán và điều trị các chất ma túy, như: ketamine, cocaine, cần sa, bồ đà và các chất hướng thần khác...

Tr.Hoàng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo