xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi "Bên nhau ngày Tết": Hết dịch mới là Tết

Vũ Thị Minh Huyền

(NLĐO) - Trong những ngày giáp Tết Nhâm Dần, tôi lại nhận kết quả xét nghiệm PCR dương tính ngày 25-1 và bị cách ly y tế tại nhà.

Nếu theo cách suy nghĩ thông thường thì năm nay nhà tôi mất Tết, mọi kế hoạch về quê, mua sắm, đi chúc Tết gia đình, họ hàng, bạn bè… đều bị hủy bỏ. Cả thời gian diễn ra Tết Nhâm Dần đều chỉ ở trong nhà. Nhưng tôi lại đón nhận sự việc này theo một cách bình thản hơn.

Thứ nhất, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, Hà Nội mỗi ngày có gần 3.000 ca nhiễm bệnh mới, tôi chỉ là mắc bệnh nhẹ được điều trị tại nhà, không phải đi bệnh viện cách ly tập trung đã là may mắn hơn so với nhiều người khác.

Thứ hai, tôi được nhận sự hỗ trợ và giúp đỡ nhiệt tình của các nhân viên y tế, đoàn viên ở phường Quang Trung (quận Hà Đông, Hà Nội) trong những ngày tự điều trị tại nhà.

Thứ ba, tôi được đón nhận sự quan tâm, yêu thương và giúp đỡ thiết thực hết lòng của bố mẹ, các em và nhiều người thân trong gia đình; của các anh, chị, bạn, em đồng nghiệp; của hàng xóm láng giềng; của bạn bè thân thiết và tôi đã không bị bỏ lại ở phía sau.

Đón nhận sự quan tâm của gia đình:

Bố mẹ đẻ tôi ngày nào cũng đi chợ mua đầy đủ thức ăn, hoa quả, dừa tươi, cam, bưởi, cá, thịt, gạo, giò, bánh chưng, đến từng quả chanh, củ sả, củ hành, gói bột canh, nước xịt khuẩn…. cũng mua mang sang nhà cho tôi.

Hai vợ chồng hai cô em gái ruột thì sắm đủ các loại bánh chưng, giò, gà làm sạch, nem quấn sẵn, bánh kẹo, rượu, hoa đào, lì xì mừng tuổi năm mới sẵn cho hai con của tôi, đồ ăn vặt cho cả nhà tôi suốt dịp Tết… để mang đến nhà cho tôi chỉ việc bày lên bàn thờ thắp hương mấy ngày tết.

Họ hàng ở Hòa Bình cũng mang rất nhiều quà quê xuống cho tôi đón Tết

Đón nhận sự quan tâm của đồng nghiệp:

Mấy chị em đồng nghiệp thân thiết ở cơ quan vẫn gọi video qua zalo, nhắn tin hỏi han tình hình của tôi hằng ngày cho tôi đỡ buồn, hỏi tôi có cần mua đồ ăn hay thuốc gì thì sẽ mua và mang đến nhà cho tôi, gửi các thông tin về cách tự chăm sóc của F0 tại nhà cho tôi, gửi link cho tôi tham gia vào "Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà", cho tôi số điện thoại của đồng nghiệp là bác sĩ đang tham gia trong mạng lưới đồng hành hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà để tôi có thể xin hỗ trợ nhanh nhất, luôn để điện thoại mở 24h/24h để đêm nếu tôi có vấn đề gì cần gọi thì sẽ đến hỗ trợ tôi luôn.

Cô em đồng nghiệp ngày nào cũng gọi điện kể đủ thứ chuyện cho chị vui, còn phải gọi video call để nhìn thần sắc chị ốm hay khỏe, vẫn nhất định mua bưởi, chuối, giò mang xuống nhà cho tôi để bày bàn thờ thắp hương mấy ngày Tết.

Đón nhận sự quan tâm của hàng xóm láng giềng:

Ngay chiều 26-1, khi UBND phường gửi thông báo tạm thời cách ly y tế vùng có dịch để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đến cụm dân cư của tôi, các bác, các cô, các chú, các anh, các chị ở khu phố Thành Công biết tin đều vào nhóm zalo của khu phố để nhắn tin động viên, hướng dẫn tôi cách tự điều trị tại nhà, chúc tôi mau bình phục và dặn tôi nếu cần đi chợ mua đồ giúp thì cứ bảo cô chú. Nhà cô Nguyệt hàng xóm còn gọi điện bảo mang bánh chưng mới luộc xong cho tôi.

Đón nhận sự quan tâm của bạn bè thân thiết:

Ngay sau khi biết tin, cô bạn thân Nguyễn Thùy Linh sống ở Hà Nội mua ngay một túi táo, dưa to kèm hộp thuốc điều trị Covid-19 mua tận bên Trung Quốc mang đến tận cửa nhà. Bạn nói sợ tôi ốm đau nằm nhà, suy nghĩ nhiều, tủi thân, buồn nên cứ mua đồ mang đến nhà để động viên tinh thần. Cô bạn thân Đỗ Hồng Hạnh đang sống và làm việc ở Trung Quốc xa xôi thì tự tìm số tài khoản và chuyển khoản luôn cho tôi với lý do: "Tao mới có lộc, tao chia sẻ với mày một ít cho vui thôi". Đọc xong tin nhắn cái lý do nó chuyển tiền cho tôi mà tôi vừa buồn cười vừa cảm động vì tấm lòng của bạn mình.

Tôi thầm biết ơn bố mẹ, hai vợ chồng em gái ruột, người thân hai bên nội, ngoại trong gia đình, đồng nghiệp, hàng xóm, bạn bè thân của tôi, tự nhủ sẽ luôn trân trọng những người luôn đồng hành, tự nguyện giúp đỡ ngay cả khi tôi không hề nhờ vả, kề vai sát cánh khi tôi rơi vào khó khăn, hoạn nạn. Tôi thấy làm F0 cũng chưa phải là điều không may mắn, bởi nhờ vậy mà tôi mới nhận ra vẫn còn nhiều người yêu thương tôi và đối xử tốt với tôi đến thế. Thực sự, có những người đã làm tôi rơi nước mắt vì cảm động trước tấm lòng của họ dành cho tôi không phải chỉ bằng lời nói sáo rỗng đầu môi mà thể hiện ở hành động thiết thực. Tôi cảm nhận rất rõ tình yêu thương mà mọi người dành cho mình.

Tình yêu thương là thứ tình cảm thiêng liêng, cao quý mà con người ta dành cho nhau, nó xuất phát từ chính sự chân thành trong mỗi trái tim. Đó là tình cảm yêu quý, gắn bó, vị tha, nhân ái, tương trợ… được vun đắp trong một thời gian dài. Tình yêu thương được biểu hiện cụ thể bằng sự quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau, không vô cảm, thờ ơ, lạnh nhạt trước nỗi đau của người khác.

Tình yêu thương chính là sợi dây vô hình kết nối hàng triệu trái tim lại với nhau, giúp chúng ta dễ dàng vượt qua mọi bão giông của cuộc đời, cuộc sống cũng vì vậy mà trở nên ý nghĩa và đáng sống hơn. Yêu thương là sự cho đi một cách tự nguyện, không mong được người khác ghi nhận cũng không phải để trả ơn, đơn giản là để sưởi ấm lòng nhau.

Cuộc thi Bên nhau ngày Tết: Hết dịch mới là Tết - Ảnh 1.

Các y bác sĩ vẫn trực chiến trong những ngày Tết để chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Ngọc Dung

Thứ tư, những ngày là F0 đã giúp tôi nhận ra một số điều quan trọng mà trước đây tôi không để ý đến.

Thứ năm, tôi nhận ra mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người bên ngoài xã hội. Dù tôi đang là F0, chỉ được ở trong nhà nhưng tôi lại được đón nhận sự quan tâm, yêu thương của tất cả mọi người, vẫn được đón Tết tại nhà cùng gia đình. Trong khi, còn rất nhiều người đã không thể có được điều tưởng chừng như đơn giản ấy. Đó là các y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, là các em nhỏ mồ côi sau đại dịch, là những người lao động tự do xa quê không có đủ tiền về quê đón Tết…

Không cần một lời hiệu triệu nào, hàng ngàn cán bộ y tế cùng xông lên tuyến đầu chống dịch, họ vì thế cũng "bỏ lỡ" khoảnh khắc sum vầy năm mới bên gia đình, người thân. Họ, những con người bình dị đã hy sinh "niềm vui Tết" của cá nhân để trọn vẹn hơn "mùa xuân" của cộng đồng, của đất nước. Đối với các y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, họ còn bận điều trị cho biết bao bệnh nhân nặng trong bệnh viện, đang thiếu nhân lực điều trị, chăm sóc bệnh nhân, họ không có khái niệm Tết, khái niệm đón Tết cùng gia đình của các y, bác sĩ đã chuyển sang hình thức "online". Họ giống như những lá chắn thép ở nơi không có khái niệm Tết. Gia đình, người thân của những y, bác sĩ ấy cũng phải chịu nhiều hy sinh, thiệt thòi khi không thể sum họp cùng người thân trong thời khắc thiêng liêng đón năm mới của cả nước.

Tết là khoảnh khắc để nhà nhà sum vầy, trẻ thơ được mua áo mới, được sắm đồ Tết. Thế nhưng, Tết năm nay với hàng nghìn trẻ em trên cả nước lại là một cái Tết rất khác, có em mất cha, có em mất mẹ, có em mất đi ông, bà, anh chị - người đang trực tiếp nuôi dưỡng và có em không còn cả hai đấng sinh thành do đại dịch Covid-19.

Bên ngoài xã hội, vẫn còn rất nhiều người lao động chân tay đang oằn mình "cõng việc" giữa đêm đông dưới cái rét cắt da cắt thịt của những ngày cuối năm, mong mỏi bán sức lao động để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống sau chuỗi ngày nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong những ngày lạnh giá của Hà Nội, nhiều người lao động vẫn cật lực mưu sinh. Ước mơ của họ chỉ đơn giản là: Điều tôi mong muốn nhất lúc này đó là mọi người được khỏe mạnh, cố gắng giữ gìn để không ai bị mắc Covid-19.

Có lẽ ngoài những điều mong ước cho bản thân và gia đình, chưa bao giờ người dân khắp mọi miền cả nước nói chung lại có chung một mong ước như hiện nay đó là: Mong đại dịch Covid-19 sớm được chấm dứt để cuộc sống trở lại trạng thái bình thường, khi đó tất cả người dân mới thực sự có Tết. Hãy biến khoảng thời gian ngày Tết bằng cách quây quần đầm ấm bên gia đình nhỏ của mình - điều giản dị đó lại mang đến một ý nghĩa lớn, bởi gia đình khỏe mạnh, an vui, tình thân gắn bó bền chặt mới là niềm hạnh phúc lớn nhất.

Chỉ khi nào dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, cuộc sống trở lại như bình thường thì đó mới là Tết!

Hà Nội, ngày 30 tháng 1 năm 2022


Cuộc thi Bên nhau ngày Tết: Hết dịch mới là Tết - Ảnh 2.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo