xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Điêu đứng với nắng hạn

Nhóm phóng viên

Miền Trung và ĐBSCL đang phải gồng mình chống chọi với nắng hạn, khô khát. Người dân đang đối diện với một mùa gieo trồng khó khăn, thất bát

Liên tục nhiều tháng không có mưa khiến hạn hán diễn ra nghiêm trọng ở các tỉnh miền Trung, từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Nếu không có biện pháp kịp thời, vụ lúa tới sẽ không thể gieo trồng.

Miền Trung: Hoang hóa ruộng đồng

Hiện tại, các cánh đồng ở huyện Quảng Trạch, Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch... của tỉnh Quảng Bình đang khô cháy. Vụ lúa đông xuân rơi vào cảnh thiếu nước trầm trọng. Để cứu những ruộng lúa đang lả dần vì nắng, người dân phải thức dậy từ 3-4 giờ sáng, lần mò ra các con kênh để tát nước vào ruộng. Nhưng thời gian gần đây, nắng nóng kéo dài khiến nhiều đập nước cạn trơ đáy, không có nước để dẫn về các kênh, mương.

Ông Nguyễn Văn Khương - nông dân xã Lâm Trạch, huyện Bố Trạch - buồn bã: “Hoa màu tại hàng chục xã của huyện đã khô héo. Riêng gia đình tôi có 7 sào lạc chưa đến ngày thu hoạch nhưng nắng đã làm chết khô. Còn một ít đang héo hắt, tôi phải thu hoạch non để vớt vát phần còn lại”.

 

Gấp rút xây trạm bơm để đối phó với hạn hán, nhiễm mặn ở Cà Mau Ảnh: DUY NHÂN
Gấp rút xây trạm bơm để đối phó với hạn hán, nhiễm mặn ở Cà Mau Ảnh: DUY NHÂN

 

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Trị, tổng lượng mưa năm 2014 chỉ đạt 1.690 mm, bằng 67,6% so với lượng mưa trung bình cùng kỳ nhiều năm, thấp hơn 133 mm so với tổng lượng mưa năm 1997 (đã gây ra đợt hạn lịch sử năm 1998). “Để giảm thiệt hại, vào vụ hè thu, tỉnh phải chuyển đổi 5.400 ha lúa sang trồng ngô và trên 5.000 ha lúa khác có nguy cơ phải bỏ hoang vì thiếu nước” - ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Quảng Trị, cho biết.

Nhìn nhận tình hình hạn hán tại địa phương, ông Trần Kim Thành, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng tổng dung tích nước tại các hồ chứa của tỉnh là trên 800 triệu m3. Tuy nhiên, lượng nước này chỉ phục vụ cho các vùng đồng bằng, hạ nguồn của các hồ chứa lớn; còn những vùng đồi cát, trung du thì nguy cơ trên 1.000 ha thiếu nước nghiêm trọng vào vụ hè thu.

Tình hình nắng nóng tại tỉnh Quảng Ngãi cũng rất gay gắt. Mực nước các sông đang xuống từng ngày, nhiều dòng sông trơ đáy. Tại các cánh đồng ở xã Phổ Cường, Phổ Khánh, Phổ Phong (huyện Đức Phổ), Tịnh Ấn, Tịnh Thọ, Tịnh Bình (huyện Sơn Tịnh)… thiếu nước nghiêm trọng, đành phải bỏ hoang. Tương tự, tại xã Phổ Cường vì hồ Liệt Sơn không có nước tưới nên hơn 200 ha đất trồng lúa cũng không được gieo sạ.

Trong khi đó, tại huyện đảo Lý Sơn hiện có gần 130 ha hành, tỏi đứng trước nguy cơ mất mùa do nắng hạn. Hiện hồ chứa nước duy nhất trên đảo (nằm trên núi Thới Lới) đang ở mực nước chết.

Miền Tây: Nhiễm mặn nặng

Tỉnh Cà Mau có 120.000 ha vùng ngọt khép kín, tập trung ở 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời. Nắng nóng kéo dài trong những ngày qua khiến lượng nước ngọt dự trữ cạn dần, thấp hơn nhiều so với mực nước biển, dễ dàng bị xâm mặn. Theo ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau, trong thời gian tới, việc xâm nhập mặn chắc chắn diễn ra rất phức tạp.

Các cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu cho biết nắng hạn diễn ra sớm hơn mọi năm đã gây ra hiện tượng thiếu nước tại vùng sản xuất lúa đông xuân muộn ở các huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phước Long, Hồng Dân và Giá Rai. “Ở bờ Bắc kinh Quản Lộ Phụng Hiệp có hơn 65.000 ha nuôi tôm nên cần nước mặn, còn phía Nam kinh Quản Lộ Phụng Hiệp có hơn 80.000 ha trồng lúa. Nếu đủ nguồn nước mặn cho thủy sản thì lại thiếu nước ngọt cho vùng trồng lúa và ngược lại. Để cân đối nguồn nước, ngành thủy lợi Bạc Liêu phải chiết nguồn nước ngọt ở các tỉnh lân cận như Sóc Trăng, Hậu Giang thông qua hệ thống cống thủy lợi” - ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu, phân tích.

Trong khi đó, tại Hậu Giang, tình trạng xâm nhập mặn diễn ra sớm hơn so với những năm trước. Nước mặn từ hướng Bạc Liêu xâm nhập vào sông Ngan Dừa rồi chảy vào huyện Long Mỹ khiến độ mặn ở khu vực này rất cao, khoảng 3 phần ngàn. Tương tự, mặn từ hướng Kiên Giang xâm nhập vào TP Vị Thanh làm cho độ mặn tại khu vực này cũng đang ở ngưỡng báo động.

Trên dòng chính sông Vàm Cỏ (Long An), độ mặn lớn nhất trong tháng 2 tăng 1,4 g/lít so với cùng kỳ năm 2014 và tăng 2,1 g/lít so với bình quân cùng kỳ nhiều năm (2002-2014). Trên sông Cổ Chiên (thuộc hệ thống sông Tiền), độ mặn lớn nhất tháng 2 tăng từ 4,9-10,4 g/lít so với cùng kỳ năm 2014 và tăng từ 2,7- 5,0 g/lít so với bình quân cùng kỳ nhiều năm...

Thiếu kinh phí

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, 2 yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến nguồn nước, xâm mặn ở ĐBSCL là lượng nước trữ trong Biển Hồ (Tonle Sap) và dòng chảy đến Kratie (đầu châu thổ Mekong). Mùa khô năm 2014-2015 là năm có dòng chảy về đồng bằng thấp hơn mùa khô năm 2013-2014 nên xâm mặn trên sông, kênh vùng ven biển ĐBSCL trong những tháng đầu mùa khô cao hơn so cùng kỳ năm 2014.

“Giải pháp cho vùng ngọt khép kín là tăng cường kiểm tra, giám sát chặt các hệ thống cống, đập, đê điều… không để nước mặn rò rỉ xâm nhập. Đối với vùng hở, phải nạo vét kênh mương, bơm nước ngọt để chống mặn. Tuy nhiên, việc này rất tốn kém và khó khăn vì hệ thống kênh mương ở Cà Mau chạy dài đến 10.000 km. Trong khi đó, đặc điểm vùng sông nước Cà Mau là phù sa bồi lắng quanh năm nên cứ từ 3-5 năm phải nạo vét một lần. Cá biệt có nơi 1-2 năm phải nạo vét” - ông Nguyễn Long Hoai cho hay.

Để đối phó với hạn hán và nhiễm mặn ở Kiên Giang, UBND tỉnh này đã chỉ đạo ngành chức năng chủ động vận hành các công trình ngăn mặn, giữ ngọt ở vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc các huyện Giang Thành, Hòn Đất, Kiên Lương và TP Rạch Giá. “Toàn bộ tuyến ven biển này hiện cần nguồn vốn khá lớn để xây dựng 27 con đập ngăn mặn. Nếu không xây được các con đập này thì người dân trong vùng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là không thể trồng lúa cũng như thiếu nước sản xuất và sinh hoạt” - ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, đề xuất.

 

Báo động cháy rừng

Ông Bành Thanh Hùng, Trưởng Phòng Bảo vệ rừng - Bảo tồn thiên nhiên thuộc Chi cục Kiểm lâm An Giang, cho biết hiện An Giang có gần 9.000 ha rừng thuộc các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn và TP Châu Đốc đang ở mức báo động cháy cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm).

Do nguồn nước suối đã khô cạn nên lực lượng kiểm lâm phải trữ nước bố trí cho các phương tiện chữa cháy tại nhiều địa phương. Ngoài ra, cơ quan này cũng tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không chặt phá rừng bừa bãi; chú ý trong sử dụng lửa, thắp hương cúng bái ở những nơi dễ xảy ra cháy lan như khu vực ven rừng, trong các hốc đá khi vào rừng hành hương, du lịch.a

 

Thiếu nước trên diện rộng đến tháng 9

Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, trong 2 tháng đầu năm 2015, mực nước trên các sông ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên tiếp tục xuống; lượng dòng chảy trên phần lớn các sông đều thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 30%-70%; riêng sông Cái Nha Trang hụt trên 80%, gần đạt mức thấp nhất lịch sử.

Tổng lượng mưa tháng 1 và tháng 2 ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ thiếu từ 20% đến 70%; khu vực thiếu hụt nhiều nhất là các tỉnh Nam Trung Bộ, thậm chí một số nơi không có mưa. Lượng mưa từ tháng 3 đến tháng 9 ở các tỉnh ven biển Trung Bộ và lượng mưa từ tháng 3 đến tháng 5 ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

 

Người dân ở huyện đảo Lý Sơn ngày đêm tưới nước để cứu cánh đồng tỏi Ảnh: VĂN MỊNH
Người dân ở huyện đảo Lý Sơn ngày đêm tưới nước để cứu cánh đồng tỏi Ảnh: VĂN MỊNH

 

Tình trạng khô hạn, thiếu nước sẽ xảy ra trên diện rộng ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận và có khả năng kéo dài tới tháng 9; ở khu vực Tây Nguyên kéo dài đến đầu tháng 5.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo