xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đối phó rác ngoại cỡ

Di Lâm

Phân loại rác tại nguồn là bài toán giải quyết mọi vấn đề. Người dân làm quen với việc ký hợp đồng, thanh toán chi phí khi xử lý rác không phải là rác thải sinh hoạt…

Sau bài viết "Đau đầu với rác ngoại cỡ" của bạn đọc Phạm Nguyễn Quỳnh Thư đăng trên Báo Người Lao Động ngày 25-6, nhiều bạn đọc cũng bày tỏ sự đồng tình về nỗi bức xúc đó.

Cực chẳng đã

Ông Phan Nhật Quynh (ngụ phường 7, quận 8, TP HCM) cho hay gia đình ông vừa xây nhà mới. Muốn nhà cửa khang trang, ông bỏ hết bàn ghế cũ, sắm nội thất mới. "Lúc đó, tôi không biết cách giải quyết đống bàn, ghế hư hỏng ra sao vì mấy người thu gom rác từ chối nhận. Cực chẳng đã, tôi vứt đại ra đầu hẻm" - ông Quynh nhớ lại.

Bà Tô Mai Lan (ngụ quận 5, TP HCM) cũng cho biết thông thường, người dân chọn cách "bỏ ở đầu hẻm hoặc đường lớn" những loại rác "quá khổ" dù biết làm vậy là sai quy định, gây mất mỹ quan đô thị. Bà Lan chia sẻ: "Chỉ mỗi việc vứt rồi thu dọn rác mà liên hệ cơ quan chức năng thì không chỉ phiền hà mà còn tốn thời gian đôi bên. Cứ bỏ ngoài đường tự khắc có xe thu dọn".

Ngay cả Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, ông Nguyễn Đăng Sơn, cũng gặp khó khăn khi muốn bỏ rác thải ngoại cỡ. Ông Sơn cho biết mỗi lần cần bỏ cành cây khô, ông bó cẩn thận rồi bỏ vào túi ni-lông, xếp chung với rác thải sinh hoạt nhưng người thu gom rác chỉ lấy rác sinh hoạt còn cành, lá cây thì "an vị" trước cổng nhà từ ngày này qua ngày khác. Sau đó, nghe hàng xóm "mách nhỏ", ông bồi dưỡng cho người thu gom rác 20.000 đồng/bó cây nên mới giải quyết dứt điểm loại rác này.

Theo ghi nhận, đa phần người dân không biết hoặc biết rất ít về thông tin liên quan đến câu chuyện xử lý rác không phải là rác thải sinh hoạt, trong đó có rác ngoại cỡ.

Đối phó rác ngoại cỡ - Ảnh 1.

Nhiều người dân chọn cách bỏ rác ngoại cỡ ở đầu hẻm hoặc đường lớnẢnh: Hoàng Triều

Đóng phí, ký hợp đồng

Trên thực tế, để dọn dẹp rác ngoại cỡ và vô chủ "ngự trị" trên các tuyến đường, nhiều địa phương trên địa bàn TP HCM đã phải sắp xếp phương tiện, nhân sự để rà soát, thu gom, xử lý rác.

Hằng ngày, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích (DVCI) quận 3 bố trí một xe tải và công nhân thu gom rác (không nằm trong nhóm rác sinh hoạt) mà người dân đổ ngoài đường, đầu hẻm để xử lý theo quy định đối với phế thải vô chủ. Trong đó, đồ dùng sinh hoạt, nội thất, xà bần… chiếm số lượng áp đảo.

Một lãnh đạo Công ty DVCI quận 3 cho biết chi phí cho công việc trên do UBND phường chi trả. Cụ thể, trong quá trình thu gom, khi nhìn thấy rác không phải là rác thải sinh hoạt, công nhân báo về UBND phường. Sau khi UBND phường liên hệ, công ty sẽ mang xe tải đến thu gom và chở về nơi xử lý theo nguyên tắc rác vô chủ.

"Muốn xử lý những loại rác ngoại cỡ, người dân có thể liên hệ tổ chức, doanh nghiệp có thẩm quyền, điển hình là Công ty DVCI, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP. Hai bên sẽ ký hợp đồng, người dân có trách nhiệm thanh toán chi phí dựa trên khối lượng, kích cỡ rác cần thu gom. Ngoài ra, mỗi công ty đều có đường dây nóng hướng dẫn, tiếp thu mọi vấn đề liên quan đến rác thải. Từ lâu, doanh nghiệp công khai số điện thoại, địa chỉ cần liên hệ. Song, rất ít người dân để ý" - vị cán bộ Công ty DVCI quận 3 cho biết.

Đóng góp về giải pháp, ông Nguyễn Đăng Sơn cho rằng đời sống người dân ngày một nâng cao, kéo theo đó là sự xuất hiện của nhiều loại rác đặc biệt. "Phân loại rác tại nguồn vẫn là bài toán giải quyết mọi vấn đề. Cơ quan chuyên môn xếp rác ngoại cỡ vào nhóm rác thải sinh hoạt. Người dân đồng thuận đóng thêm phí khi xử lý loại rác trên. Như vậy, doanh nghiệp dễ dàng thu gom; đồng thời, người dân cũng thấy thoải mái, tiện lợi" - ông Sơn nói. 

Học hỏi cách làm tiên tiến

Theo ông Nguyễn Đăng Sơn, không chỉ Việt Nam mà hiện nhiều nước khu vực ASEAN vẫn chưa tìm ra quy trình giải quyết tận gốc rác ngoại cỡ. Tại Malaysia, người dân phân nhỏ đồ đạc "quá khổ" so với xe rác, bỏ vào bao ni-lông rồi để ở đầu đường.

Một số quốc gia tiến bộ thì triển khai bài bản và có những quy định khắt khe đối với người vứt rác bừa bãi. Đơn cử, chính phủ Nhật Bản quy định người dân muốn bỏ rác có kích cỡ quá lớn phải thông báo trước với nhà cầm quyền, thanh toán đầy đủ khoản phí phục vụ việc di dời, xử lý rác.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo