xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lắng nghe người dân hiến kế: Đừng quên vai trò của thủy lợi!

Kỹ sư Nguyễn Anh Tuấn (Hội Khoa học Kỹ thuật Thủy lợi TP HCM)

Sự phối hợp giữa ngành thủy lợi và xây dựng trong quản lý thoát nước đô thị là cần thiết, đặc biệt là áp dụng nhuần nhuyễn kiến thức tiêu thoát nước của ngành thủy lợi vào công tác quản lý thoát nước đô thị

GS-TS Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), từng đặt vấn đề: Cấp thoát nước ở đô thị phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa 2 ngành thủy lợi và xây dựng. Có thể nói rằng ý kiến đó có cơ sở cả về pháp lý và thực tiễn.

Sự cần thiết phối hợp thủy lợi và xây dựng

Cụ thể, về mặt pháp lý, Luật Thủy lợi giải thích: "Thủy lợi là tổng hợp các giải pháp nhằm tích trữ, điều hòa, chuyển, phân phối, cấp, tưới, tiêu và thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối; kết hợp cấp, tiêu, thoát nước cho sinh hoạt và các ngành kinh tế khác; góp phần phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh nguồn nước".

Về mặt thực tiễn, các trạm bơm tiêu nước vòng ngoài cho Hà Nội đều do ngành thủy lợi (nay nằm trong Bộ NN-PTNT) lập quy hoạch và dự án đầu tư; Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP HCM do Bộ NN-PTNT lập; Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) được UBND TP HCM ủy quyền cho Sở NN-PTNT thẩm định, phê duyệt…

GS-TS Đào Xuân Học viết: "Trong ngành thủy lợi luôn luôn có một nguyên tắc bất di bất dịch: Cao tiêu cao, thấp tiêu thấp, không để nước ở nơi cao dồn về nơi thấp"; có thể kể thêm các nguyên tắc "Tiêu làm từ dưới lên", hoặc "nước phải được dẫn đến nguồn tiếp nhận càng sớm càng tốt". 

Nhưng trên thực tế, các nguyên tắc này chưa được tuân thủ triệt để. Hễ cứ bị ngập nước ở đâu là ngành thoát nước đầu tư nâng cao trình đường hoặc mở rộng cống thoát nước ở đó; nước cứ được dẫn đi theo đường phố chính tới bờ sông, trong khi nguồn tiếp nhận có khi lại ở ngay bên cạnh. 

Kết quả là nâng cao đường thì đường hết ngập nhưng nhà dân biến thành hầm và bị ngập nặng hơn; làm to, mở rộng cống thoát nước trong nội đô nhưng kênh tiêu sau nó lại vẫn không được nạo vét, mở rộng nên nước vẫn bị dồn ứ, không thoát đi được; nước bị dẫn đi theo đường dài, không đi theo đường ngắn nhất nên thoát nước kém hiệu quả và gây lãng phí.

Cho nên, sự phối hợp giữa ngành thủy lợi quản lý tiêu úng và ngành xây dựng quản lý thoát nước đô thị trong công tác chống ngập úng đô thị là rất cần thiết. Tuy nhiên, không dừng lại ở chỗ ai làm cái gì, mà quan trọng hơn là áp dụng nhuần nhuyễn các kiến thức tiêu thoát nước của ngành thủy lợi vào công tác quản lý thoát nước đô thị (bao gồm từ quy hoạch, thiết kế, thẩm định, phê duyệt… cho đến quản lý khai thác).

Lắng nghe người dân hiến kế: Đừng quên vai trò của thủy lợi! - Ảnh 1.

Tình hình ngập nước tại TP HCM đang ngày càng diễn biến phức tạp Ảnh: Anh Vũ

Sử dụng máy bơm là yêu cầu tất yếu

Cần phải nói ngay rằng việc rà soát tiêu chuẩn thiết kế hệ thống thoát nước không phải là hướng để giải quyết vấn đề ngập úng do mưa, vì bất kỳ một tiêu chuẩn thiết kế hệ thống cống thoát nước nào cũng hướng dẫn xác định quy mô cống thoát nước với một trận mưa thiết kế nhất định nào đó. 

Nếu gặp trận mưa lớn hơn, cống thoát nước được thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn sẽ không thoát được hết, khả năng xảy ra ngập úng là luôn có. Việc ngập úng do mưa ở đô thị bao giờ cũng có thể xảy ra nên khi thực hiện việc rà soát tiêu chuẩn thiết kế thoát nước, không nên coi việc thay đổi quy mô trận mưa thiết kế như là một cứu cánh để giải quyết vấn đề ngập úng đô thị.

Xây hồ đa mục tiêu có chức năng điều tiết là một giải pháp thông minh nhưng có cái khó: sự can thiệp của các nhóm lợi ích (ao, hồ, kênh, rạch thường dễ bị san lấp để thực hiện các dự án bất động sản, làm đường giao thông nhằm nâng giá bất động sản)… 

Bên cạnh đó, yêu cầu tỉ lệ diện tích mặt nước tới 10% cũng có trở ngại bởi diện tích mặt nước hiện được quy đổi nằm trong diện tích cây xanh tại QCVN 01:2021/BXD (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BXD). Trong khi đó, thực tế và quy định hiện hành về diện tích cây xanh ở Việt Nam còn rất thấp.

Việc sử dụng máy bơm trong các công trình thuộc hệ thống thoát nước là một yêu cầu tất yếu. Bởi hồ có chức năng điều tiết nhằm giảm ngập do mưa luôn đòi hỏi phải bố trí máy bơm hỗ trợ thoát nước ra khỏi hồ; cống thoát nước, các công trình xử lý nước thải luôn đòi hỏi phải dùng máy bơm; khi có một khu vực bị ngập úng thường xuyên, chỉ có 2 cách giải quyết là tăng tiết diện cống thoát nước hoặc sử dụng máy bơm hỗ trợ… 

Dù đây là giải pháp đòi hỏi ít vốn đầu tư hơn và sớm đem lại hiệu quả thoát nước, phù hợp với tình trạng đô thị mở rộng nhưng đầu tư hạ tầng thoát nước không theo kịp do thiếu nguồn vốn, việc sử dụng máy bơm trong các dự án đầu tư xây dựng hệ thống cống thoát nước hoặc giải quyết các trường hợp ngập úng còn khá hạn chế (Hà Nội chỉ có 10 trạm bơm cố định + 15 tổ máy bơm di động; TP HCM có 3 trạm bơm lớn + khoảng trên dưới 20 trạm bơm tạm).

Tóm lại, sự phối hợp giữa ngành thủy lợi và ngành xây dựng trong chống ngập, thoát nước cho đô thị đã có và việc đưa một số nguyên tắc về tiêu thoát nước của ngành thủy lợi đi vào chiều sâu trong quản lý thoát nước đô thị là cần thiết và cấp bách. 

Bên cạnh đó, phương hướng rà soát thiết kế thoát nước nội đô phải bám sát thực tế, đánh giá đúng hiện trạng, nguyên nhân, bắt đầu từ các khái niệm (ngập nước, chống ngập, công trình chống ngập, thoát nước…) và có đối chiếu, áp dụng những nguyên tắc tiêu thoát nước của ngành thủy lợi để đề xuất biện pháp giải quyết ngập úng hiệu quả, phù hợp với nguồn lực hiện có và không mâu thuẫn về đầu tư ngắn hạn với lâu dài.

Muốn tiêu thoát phải trữ nước

Hết mưa rồi lại triều cường. Tình trạng này được dự đoán sẽ kéo dài ít nhất 20 năm nữa. Đáng nói trong khi tình hình ngập nước tại thành phố đang ngày càng diễn biến phức tạp thì các dự án chống ngập trọng điểm lại... tắc.

Theo thông tin từ Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố, quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP HCM đến năm 2020, khu vực trung tâm cần có 6.000 km cống các loại nhưng hiện nay hệ thống cống chỉ đạt gần 70%, tương đương 4.176 km.

Thành phố mới hoàn thành cơ bản 2 nhà máy xử lý nước thải trên tổng số 12 nhà máy theo quy hoạch, thực hiện được khoảng 64/149 km đê bao ven sông Sài Gòn và 1/10 cống kiểm soát triều lớn (cống Nhiêu Lộc - Thị Nghè), các hạng mục khác đang triển khai.

Chống ngập phải bảo đảm nguyên tắc muốn tiêu thoát phải trữ nước. Mạng lưới sông ngòi, kênh rạch là lợi thế có sẵn để thành phố tận dụng trở thành những hồ điều tiết tự nhiên khổng lồ, dung tích lớn để trữ nước, tạo bậc thang hồ chứa để trữ và điều tiết thoát nước. Cần xây dựng một trục thoát nước ngầm đường kính khoảng 3 m dọc các tuyến đường, đi qua tất cả các điểm ngập như hầu hết các thành phố lớn trên thế giới đều có.

Từ thời Pháp thuộc, người ta đã cho vét kênh để thoát nước, lấy đất đắp cao thành phố, hệ thống cống dùng để thông nước ra kênh, kênh thì dẫn nước ra sông. Vì sao họ không dùng hệ thống cống mà phải đào kênh? Thứ nhất kênh rộng hơn cống, khi mưa to, kênh có thể dẫn nước tràn cả trên mặt, lúc này kênh có thể "nở" được trên bề mặt để tải nước, trong khi cống phải đợi nước chảy hết bên trong, mới thoát tiếp được.

Thứ hai, bề mặt kênh luôn thông thoáng, là điều kiện để dẫn gió từ ngoài sông và biển vào, làm mát thành phố, tạo hơi ẩm cần thiết vào mùa độ ẩm không khí thấp. Tóm lại, có thể hiểu rằng cống như những "mao mạch" nối các khu dân cư nhỏ ra kênh; còn kênh xem như "động mạch" dẫn nước nhanh đổ ra sông, biển.

Thứ ba, tính toán tỉ lệ dẫn nước khi vét kênh sao cho độ dài kênh từ trung tâm thành phố ra đến sông lớn càng xa thì độ rộng kênh phải tỉ lệ thuận theo (ở trung tâm thì nhỏ, càng ra sông, độ rộng phải càng lớn).

Nói tóm lại, để chống ngập cho các khu trung tâm, cần đưa tiêu chí kênh, rạch vào các khu dân cư. Trước mắt, cần làm xong và đưa vào sử dụng các đập ngăn triều cường. Tiếp đến, quy trách nhiệm cụ thể đối với những người chịu trách nhiệm chống ngập. Cuối cùng, tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân để họ biết quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc chống ngập.

Việc nâng tầm TP HCM là điều mà ai cũng mong muốn nhưng để thực hiện cần sự đồng bộ từ các ban, ngành, sự đồng lòng của người dân thành phố.

Hải Đăng

Lắng nghe người dân hiến kế: Đừng quên vai trò của thủy lợi! - Ảnh 3.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo