xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gia đình tôi, giữa thủ đô, thời bao cấp

Hoàng Lan Anh

Thời bao cấp, người ta không được buôn bán cho người này, người kia, tất cả - từ gạo, rau, vải, phụ tùng xe đạp, phích nước...

Những đứa trẻ tuổi lên 6 bây giờ không bao giờ hiểu được “nỗi buồn mất sổ gạo” là gì.

Hết chiến tranh, bố tôi trở về. Tôi ra đời sau những tháng ngày ngập tràn niềm vui của sự đoàn tụ. Nhưng niềm vui ấy có lẽ không kéo dài vì bị sự khó khăn, thiếu thốn của cả một thời lấn át. Bốn tuổi, năm 1980, trí nhớ non nớt của tôi đã kịp ghi lại những ký ức mong manh về những ngày theo mẹ xếp hàng đi khắp thủ đô mua thực phẩm. Trong cái vùng lờ mờ của ký ức ấy, mẹ đặt tôi lên chiếc ghế mây sau xe, đạp ngược chiều gió, rồi chúng tôi cùng đợi nhau ở cửa hàng,  đợi trong dòng người chen chúc mãi không thôi.

Sáu tuổi, mẹ đưa cái can nhỏ đen đúa, bảo tôi giúp mẹ xếp hàng mua nước mắm ở chợ Ngã Ba. Tôi đi bộ từ dốc Tập Lái cuối phố Đội Cấn lên Liễu Giai, một tay nắm chặt cái túi, một tay nắm cái mẩu phiếu con con ghi rõ suất mua là một lít nước mắm. Tôi không phải là đứa trẻ duy nhất đứng mỏi chân ở cái cửa hàng thực phẩm ấy.

Bạn bè trong khu tập thể Bộ Tư lệnh Pháo binh của tôi ai cũng phải làm việc này. Những bữa cơm trệu trạo với gạo độn bắp hoặc sắn đã giúp chúng tôi ý thức được việc mình phải làm từ khi còn rất nhỏ. Có tháng mùa đông trời mưa, rét như cắt thịt, tôi cầm cái can nhỏ cắm cúi đi trên con đường, vừa đi vừa khóc; mà đến nơi, xếp hàng mãi, đến lượt cái con bé 6 tuổi, cô mậu dịch viên đóng sập cánh cửa, bảo hết hàng.

 


Tác giả và bố. (Ảnh chụp năm 1986)

Tác giả và bố. (Ảnh chụp năm 1986)

 

Tôi về nhà, mách với mẹ để trút ra những nỗi hờn uất, tủi thân. Nhưng chỉ là khóc thế thôi, rồi tháng sau và những tháng sau nữa, mua nước mắm, việc nhỏ nhất, vẫn là nhiệm vụ của con út. Các chị và bố mẹ tôi phải thay phiên xếp hàng từ 2-3 giờ sáng ở các cửa hàng lương thực, chất đốt. Có đêm cả khu tập thể của chúng tôi cùng nhau đi xếp hàng mua những cân gạo hẩm. Không dám mang sổ gốc đi xếp hàng vì sợ mất cắp, tất cả các gia đình đều phải làm một cuốn sổ kích cỡ như thật rồi điền tên, trang trí cho giống cuốn sổ lương thực nhà mình. Đứng mãi mỏi chân, nhiều nhà đành xếp bằng những cục gạch, tấm bìa, cái làn đi chợ... để đánh dấu đã có người ở vị trí đấy. Đến sáng, một nhà mất sổ, tuy chỉ là cuốn sổ giả, thế là náo loạn, chửi bới, cuối cùng là suýt đánh nhau dù tất cả đều là hàng xóm.

Những đứa trẻ tuổi lên 6, lên 10 bây giờ không thể hiểu nổi tại sao thời ấy người ta không mua gạo bằng tiền mà lại bằng tem phiếu. Chúng cũng không bao giờ hiểu được “nỗi buồn mất sổ gạo” dù tôi có giải thích thế nào. Nỗi ám ảnh về những cơn đói triền miên, nhất là với những gia đình đông con, đã khiến con người ta coi cái cuốn sổ ấy là bảo bối trong nhà. Mất là đói, đói cả tháng. Cái đói gặm nhấm tâm can hàng triệu người suốt cả chục năm khiến mọi thứ đều quy về miếng ăn. Hơn ai hết, mẹ tôi thấm điều ấy.

Khi bố tôi đóng quân ở đơn vị, một mình mẹ tôi phải xoay vần để nuôi 4 đứa con, đứa lớn nhất 15, đứa nhỏ một tuổi. Ban ngày làm việc ở HTX Đóng sách Liên Minh trên phố Cửa Nam; đêm đêm, khoảng 2-3 giờ sáng, khi đàn con đi ngủ, mẹ tôi thức dậy mang chồng sách chở về nhà từ chiều tiếp tục cặm cụi khâu đến sáng. Vai mẹ tôi bị tê và lưng bà còng vì ngồi khâu sách suốt ngày đêm nhưng dù có thế thì bà vẫn quần quật đêm ngày, cốt sao lũ trẻ có thể sống được.

 

img

 

Những năm mới lấy nhau, bố mẹ tôi sống trong căn hộ nhỏ trên phố Đặng Trần Côn. Vì nhà nhỏ quá nên không có bếp, việc nấu ăn trông chờ cả vào tổ phục vụ. Tiếc số dầu hỏa được mua mà không có bếp để nấu, mẹ đạp xe chở cả con lẫn dầu hơn 40 cây số về quê, lén bán cho người này, người kia rồi đổi ra những mớ tôm, con cá cho bọn tôi ăn dần. Lén là vì thời bao cấp, người ta không được buôn bán cho người này, người kia, tất cả - từ gạo, rau, vải, phụ tùng xe đạp, phích nước... - đều do nhà nước phân phối.

Bố tôi là bộ đội, cái sĩ diện và danh dự của một quân nhân khiến ông phản đối dữ dội việc mẹ tôi mang dầu về quê trao đổi đồ ăn. Bố bảo không muốn mẹ là “con buôn” nhưng mẹ tôi khóc, bảo tiêu chuẩn lạng rưỡi thịt/tháng/đứa con thì làm sao chúng nó sống nổi! Và thế là mẹ tôi lại tìm đủ mọi cách để giấu bố mang đồ về quê bán lấy tiền chênh lệch mua con gà cho chúng tôi “cải thiện”. Lén lút cắt tiết gà vì sợ hàng xóm nhìn thấy, đến bữa ăn, mẹ cũng không dám dùng đến dao thớt mà phải lấy kéo cắt từng miếng nhỏ.

Mẹ nhìn các con ăn rồi lẩy Kiều, rằng “Ở đây tai vách mạch rừng/ Xin đừng động thớt, chớ đừng khua dao”. Cái bữa ăn ấy cứ mãi ám ảnh tôi, vừa vì cảm giác sung sướng được ăn một bữa ngon vừa vì tâm trạng ăn uống giấu giếm vụng trộm. Mà không phải chỉ gia đình tôi mới vụng trộm như thế. Cất giấu là phản xạ tự nhiên của cả xã hội thời bấy giờ...

Bây giờ, mỗi khi nghĩ về những ngày tháng ấy, tôi lại thấy nhớ thương bố vô cùng. Bố sống đơn giản kiểu quân nhân, lúc nào cũng lạc quan, giặc ta còn thắng, huống chi khó khăn này. Trong đêm giao thừa đã xa lắm, ông vẫn lạc quan ngồi hát với các con dù mâm cúng giao thừa nhà tôi chẳng có gì!

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo