xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gom rác để "săn quà"

Bài và ảnh: Lê Phong

Gom rác để đổi lấy tiền, gạo, dầu ăn, đường, nước tương... là cách làm được nhiều quận - huyện và các khu dân cư tại TP HCM đang áp dụng

Mỗi cuối tuần, bà Trần Kim Chi (65 tuổi) lại đẩy chiếc xe ba gác chất đầy rác tái chế đến trước trụ sở UBND phường 4, quận 5 để đổi lấy thực phẩm. Số ve chai này do bà xin được từ những tiệm tạp hóa và hộ gần nhà. "1 kg chai nhựa được 1 kg gạo, 3 kg giấy quy ra nước tương, dầu ăn… Tuần trước, tôi được 7 kg gạo và rất nhiều thực phẩm ăn kèm. Tuần này nhiều hơn, ước chừng 10 kg gạo, về ăn được nửa tháng" - bà Chi khoe.

Thay đổi nhận thức, thói quen

Mô hình này được UBND phường 4, quận 5 phát động và hiện dấy lên phong trào nhiều khu phố cùng phân loại rác tại nguồn, tận dụng rác tái chế để đổi lấy thực phẩm. Bà Lê Tú (49 tuổi; ngụ hẻm 59 Trần Phú, quận 5) cho biết bấy lâu nay, chai nhựa, hộp giấy cứ vứt vào thùng rác bởi để ở nhà vừa bẩn vừa chật chội; đem đi bán chỉ được vài ngàn đồng, chẳng đáng là bao. Từ khi có phong trào đổi rác lấy gạo, cả xóm đã thay đổi nhận thức, dần hình thành thói quen tiết kiệm, phân loại rác tại nguồn.

"Tại hẻm nhà tôi còn có một thùng rác công cộng. Ai có chai nhựa, giấy hoặc đồ tái chế thì bỏ vào, cuối tuần sẽ cử người chở đến trụ chở UBND phường đổi lấy quà. Quà có được sẽ chia cho một số hoàn cảnh nghèo trong xóm và những người già bán vé số" - bà Tú kể.

Gom rác để săn quà - Ảnh 1.

Người dân đến UBND phường 4, quận 5, TP HCM để đổi rác lấy quà vào ngày cuối tuần

Tương tự, tại khu dân cư Trung Sơn (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh), một vài hộ cũng xây dựng điểm đổi rác tái chế lấy tiền mặt. Mỗi sáng chủ nhật sẽ kêu gọi mọi người mang giấy, chai nhựa, băng đĩa… đến điểm hẹn. Giá trị mỗi loại dao động từ 10.000 - 30.000 đồng/kg. Bà Trọng Thị Phúc (51 tuổi) cho biết hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, vừa bán vé số vừa nhặt ve chai kiếm sống nuôi con tật nguyền. Từ khi được nhóm tình nguyện tại khu dân cư Trung Sơn hỗ trợ bằng cách trao lại toàn bộ số rác tái chế, mỗi tháng bà có thêm 1-2 triệu đồng.

Là người phát động phong trào đổi rác lấy tiền, bà Vũ Thị Thanh chia sẻ mỗi thành viên trong nhóm góp nhau 200.000 đồng/tháng. Số tiền này dùng để trả cho các hộ có rác tái chế đến đổi và phần còn lại tặng cho người khó khăn. "Thay vì mình cho tiền trực tiếp thì thông qua phong trào này, vừa giúp được người cần giúp vừa xây dựng được tính tiết kiệm cho người dân. Hơn nữa, người được giúp đỡ cũng cảm giác được trân trọng và có công sức trong việc nhận quà" - bà Thanh bày tỏ.

Tiếp tục nhân rộng

Ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường 4, quận 5 - cho biết theo kế hoạch ban đầu, địa phương chỉ phát động phong trào đổi rác lấy quà trong 1 tháng nhưng do được người dân hưởng ứng nhiều nên tiếp tục duy trì. Đến nay đã có trên 5 tấn gạo, hàng trăm chai dầu ăn, nước tương và các thực phẩm khác trao đến tay người dân. Số ve chai sẽ được bán để tạo thêm nguồn kinh phí nhằm kêu gọi người dân tham gia. "Mục tiêu là nâng cao tinh thần tự giác, tạo lập thói quen phân loại chất thải rắn tại nguồn. Ngoài ra, người dân sẽ hạn chế xả rác ra đường và kênh rạch" - ông Nguyễn Văn Hưng nói.

Anh Nguyễn Vạn Tiến, chủ mô hình "Ve chai chú Hỏa", cho biết từng phối hợp nhiều địa phương để vận động người dân thu gom rác tái chế nhằm tạo ý thức giữ gìn môi trường sống trong cộng đồng. Quan sát cho thấy không những người khó khăn đem ve chai đến đổi lấy quà mà còn có cả những người điều kiện khá giả vì muốn thông qua đó dạy con trẻ tiết kiệm và biết cảm thông, chia sẻ khi lấy phần quà nhận được tặng cho người khó khăn khác.

Bà Phạm Thị Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận 1, thông tin địa phương đang tổ chức vận động người dân đến nộp các loại rác thải nhựa và rác tái chế để đổi lấy gạo, nước mắm và chậu cây xanh… mà nếu bán ve chai chỉ được từ 3.000 - 4.000 đồng/kg. Để có nguồn lực hoạt động, phải kêu gọi sự tài trợ của tổ chức, doanh nghiệp. Hiện đã có hơn 4 tấn gạo phát đến tận tay người dân. "Các loại rác sau khi gom lại sẽ được chuyển đến những địa điểm tái chế, qua đó tạo thêm nguồn tiền. Mới triển khai thời gian ngắn nhưng sự ủng hộ và tham gia từ người dân rất nhiều nên sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng hơn để phát động phong trào mạnh mẽ hơn" - bà Phạm Thị Ngọc Minh nói.

Định kỳ tổ chức tuần lễ thu đổi rác thải

Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM, thông tin mỗi ngày TP thải ra 9.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt và có đến 1.500 tấn là rác thải nhựa (có khả năng tái chế). Hiện đơn vị đang phối hợp với Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Trước mắt sẽ thực hiện thí điểm tại trạm trung chuyển rác ở quận Gò Vấp và quận 11. Ngoài ra, phối hợp chính quyền địa phương, cơ quan, đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức tuần lễ thu đổi rác thải tái chế định kỳ hằng tuần, hằng tháng. Dự án cũng đề ra hình thức thu gom rác thải tái chế bằng cách đổi quà và tiền (theo giá thị trường) nhằm thu gom và xử lý 200 tấn rác thải tái chế/ngày.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo