xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Làm sao để trở thành bạn đồng hành thân thiết của con? (*): Biến yêu thương thành hành động cụ thể

Hoàng Lan Anh ghi

Đừng ngại khi nhí nhố, vui tươi, hồn nhiên cùng con. Bởi thứ đi theo con chính là kỷ niệm đẹp từ những lần cùng cha mẹ chơi đùa, xem phim, đi du lịch... Đó là ký ức tươi đẹp để con trưởng thành

GS NGUYỄN LÂN DŨNG, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn giáo dục của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam:

Điều con cần là tình yêu và người đồng hành

"Nhân chi sơ tính bản thiện". Con người sinh ra bản tính ban đầu vốn tốt lành và lương thiện, khi lớn lên do các yếu tố ngoại cảnh: con người, xã hội, môi trường tác động mà tính cách thay đổi, tính ác có thể phát sinh. Do vậy, cần phải luôn được giáo dục, rèn luyện, sống lành mạnh thì tính lành mới phát triển, tính ác sẽ không có điều kiện nảy sinh. Gia đình chính là trường học đầu tiên hình thành, phát triển nhân cách của mỗi người. Thông qua hành vi bắt chước hành động của người lớn, trẻ bắt đầu thu nhận các tương tác nhân - sinh - quan để hình thành nhân cách của mình. Vậy nên, bố mẹ đừng chỉ quan tâm đáp ứng cái ăn, cái mặc cho con mà còn phải quan tâm đến trí tuệ, đạo đức của con. Muốn con trở thành người tử tế, bố mẹ cũng phải tử tế.

Thầy cô cũng vậy, không phải chỉ dạy chữ mà tấm lòng người thầy thương yêu học sinh sẽ hình thành cho trẻ sự tử tế.

Làm sao để trở thành bạn đồng hành thân thiết của con? (*): Biến yêu thương thành hành động cụ thể - Ảnh 1.

Những lần cùng cha mẹ chơi đùa, xem phim, đi du lịch là những ký ức tươi đẹp để con trưởng thành. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nhiều cha mẹ than phiền con trẻ quá đắm đuối vào mạng xã hội, vào thế giới ảo. Thực ra, không nên cấm đoán trẻ dùng mạng xã hội vì trẻ lớn lên không phải lúc nào bố mẹ cũng luôn ở cạnh. Nên việc cần làm là hướng con vào mục tiêu, mục đích sống, biết gì nên và không nên, biết đúng - sai... Mà để làm được điều đó, bố mẹ phải làm gương để các con theo.

Một đứa trẻ sống trong một gia đình luôn được tôn trọng, được yêu thương thì đứa trẻ đó sẽ biết tôn trọng và yêu thương bản thân và những người xung quanh. Nếu bố mẹ chỉ lo kiếm tiền, bỏ quên con của mình thì các con sẽ học theo những điều không lành mạnh. Lúc đó, bố mẹ thấy con không được như mình kỳ vọng, sinh ra tâm lý chán nản, không ngừng ghen tỵ với con của những gia đình khác, dần dần bố mẹ, con cái càng xa cách, không hiểu nhau, tệ hơn nữa là những cảm xúc tiêu cực. Nên nhớ điều một đứa trẻ cần không phải là tiền mà là tình yêu và người đồng hành: cùng ăn, cùng chơi, cùng học, cùng chia sẻ và thấu hiểu.

Chuyên gia tâm lý ĐINH ĐOÀN:

Dạy con biết đối mặt với áp lực cuộc sống

Để làm bạn với con, điều quan trọng nhất là cần tạo ra tình yêu đối với con.

Trong cuộc sống, tình yêu giúp chúng ta khôn ngoan hơn, nhạy cảm, tinh tế hơn. Nếu một đứa trẻ hồn nhiên, vô tư bỗng dưng mặt vô hồn, ánh mắt thiếu sức sống, chúng ta là phụ huynh có thể đủ tinh tế để nhận ra con đang có gì đó không ổn chứ không cần đến những dấu hiệu lâm sàng như stress, trầm cảm. Khi đó, con sẽ vui lắm vì được bố mẹ - người thân nhất của chúng - hỏi rằng: "Con khỏe chứ", thay vì buông những lời trách móc, tra hỏi sao con thay đổi lạ thường.

Đừng bắt trẻ em lớn lên bằng chúng ta mà phải hạ thấp chúng ta bằng trẻ. Đó là lý do người lớn khi nói chuyện với trẻ con thường cúi hoặc ngồi xuống để thủ thỉ, nói chuyện thân mật.

Để cuộc sống gia đình hạnh phúc, phải tạo ra những niềm vui, niềm vui kiểu của con trẻ chứ không phải niềm vui của người lớn. Đừng ngại khi nhí nhố, vui tươi, hồn nhiên cùng con. Bởi thứ đi theo con chính là kỷ niệm đẹp, ký ức từ những lần cùng cha mẹ chơi đùa, xem phim, đi du lịch, hay cha mẹ đáp chuyến bay sớm nhất để trở về với con sau chuyến công tác. Biến tình yêu thương từ lời nói thành hành động cụ thể. Đó là ký ức tươi đẹp để con trưởng thành.

Có câu nói nổi tiếng rằng "Nhún càng sâu thì nhảy càng cao". Đây là kinh nghiệm sống rất quý báu và hữu ích. Trong gia đình, nhiều khi chúng ta biết cách nhún mình, hạ mình để đề cao con lên trong từng hành động nhỏ của cuộc sống. Thay vì tẩy chay mạng xã hội, hãy chuyển hóa và tận dụng mặt tích cực của chúng, đẩy thông tin lên các kênh để trò chuyện với nhau. Khi cuộc sống vui vẻ, nhẹ nhàng, đó là cách để phòng tránh trầm cảm hiệu quả nhất.

Trẻ con hiện nay đang phải đối mặt với nhiều áp lực, đặc biệt là từ chuyện học hành. Tuy nhiên, trong cuộc sống, chúng ta rất cần thành tích. Bất cứ công việc gì, hành động nào đi chăng nữa, đã làm thì phải cần có mục tiêu. Áp lực và thành tích là thứ quan trọng để thúc đẩy chúng ta đi lên, làm động lực để con người lao động, cống hiến cho xã hội, cho cộng đồng, từ đó đạt được những thành tựu, thành công trong cuộc sống. Vậy nên, phải dạy con không được sợ áp lực mà phải làm sao để không cho áp lực đó trở nên quá lớn đến mức không chịu đựng được và buông tay. Đừng sợ thành tích mà nên cần thành tích nhưng phải là thành tích thật, thành tích đặt ra theo năng lực thật của con.

Nghe trẻ nói, nói trẻ nghe

Không ai sinh ra đã có sẵn kiến thức làm cha mẹ. Thế nhưng, liệu chúng ta đã bao giờ chịu học cách làm làm phụ huynh, trước khi yêu cầu trẻ học cách làm con, làm học trò, làm những người có ích cho xã hội?

Điều đầu tiên trong khóa học làm phụ huynh chính là học cách lắng nghe trẻ. Tạm ngưng mọi phán xét, hãy cho trẻ cơ hội để nói, cha mẹ đóng vai trò lắng nghe, dẫn dắt để con thổ lộ, tự tìm câu trả lời cho vấn đề của con. Khi trẻ không còn sợ hãi bị la rầy vì nói thật, mà được giãi bày, được tôn trọng và được phép đưa ra giải pháp cho vấn đề của mình thì sau này có vấn đề khác xảy ra, trẻ sẽ biết bày tỏ cảm xúc, nhìn nhận vấn đề và tìm cách giải quyết. Điều này rèn cho trẻ cách diễn đạt ý muốn của bản thân, sự tự tin, độc lập và bản lĩnh.

Cha mẹ cũng cần "lắng nghe" cả những thứ công nghệ đem lại mà trẻ dễ dàng tiếp cận, như mạng xã hội, các trào lưu... Trẻ đang lớn lên trong thế giới phẳng, phụ huynh phải có đủ tầm nhìn để giáo dục con cách vươn ra thế giới. Nên nhớ rằng điều con cần là một người cha, người mẹ chịu học, chịu tìm tòi và nguyện ý chia sẻ cùng con những thứ con hứng thú, dù không thực sự hiểu rõ cái đó. Làm được như vậy, trẻ sẽ cảm thấy cha mẹ luôn dõi theo, đồng hành với mình.

Việc tiếp theo là nói làm sao để trẻ nghe với một tâm thái tiếp thu tích cực. Muốn vậy, đừng keo kiệt lời khen ngợi. Hãy tiếp cận vấn đề từ mặt tốt để có hướng giải quyết cái chưa tốt, đó chính là một cách để trẻ chịu "nghe" phụ huynh nói.

Một điều quan trọng nữa là cẩn trọng trong cách dùng từ. Trẻ em rất nhạy cảm, khi trẻ làm sai, phân tích cho trẻ hiểu, kết luận là "hành vi, suy nghĩ, lời nói" đó của con sai, không phải "con sai, con hư, con chẳng được tích sự gì". Giữa việc làm sai và bản thân trẻ sai là 2 khái niệm cần phải tách biệt. Nếu không, cha mẹ sẽ vô tình xây sẵn lồng sắt để nhốt sự phát triển của con mình.

Và cuối cùng, các bạn trẻ ạ. Không ai sinh ra đã làm cha, làm mẹ. Vì vậy, khi yêu cầu sự thấu hiểu từ cha mẹ thì chính các bạn cũng hãy thấu hiểu cho sự khác biệt về môi trường sống của cha mẹ. Hãy cho cha mẹ chút thời gian và cơ hội để "học" cách làm phụ huynh đúng cách.

Nguyễn Trần Thanh Trúc

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-4

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo