xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Làm sao để trở thành bạn đồng hành thân thiết của con? (*): Đừng đặt gánh nặng lên vai con!

ThS Tâm lý học Huỳnh Trần Hoài Đức (Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP HCM)

Hiểu đúng về khả năng và xu hướng phát triển của trẻ để có những mong đợi phù hợp, hơn là gia tăng những kỳ vọng phức tạp dẫn đến áp lực hay những cảm xúc tiêu cực

Khi tiếp cận những thông tin về các sự việc đáng buồn gần đây, có lẽ mỗi chúng ta đều cảm thấy chạnh lòng thương tiếc. Nhưng hơn ai hết, những bậc phụ huynh trong các tình huống trên là người phải chịu đựng nỗi đau khôn xiết từ sự mất mát. Họ rất cần được quan tâm, an ủi và nâng đỡ tinh thần trong lúc này.

Đồng thời, đây cũng là hồi chuông báo động về những vấn đề liên quan đến các khó khăn tâm lý và sức khỏe tâm thần của học sinh hiện nay.

Mệt mỏi do căng thẳng, áp lực

Ở độ tuổi mới lớn, các em phải đối diện những thay đổi phức tạp về tâm sinh lý, chịu nhiều ảnh hưởng từ các tác động bên ngoài đến những thách thức, khó khăn trong học tập, cuộc sống và các mối quan hệ. Theo các nghiên cứu về yếu tố nguy cơ và động cơ dẫn đến mưu toan tự tử ở trẻ vị thành niên, hầu hết các em đều có dấu hiệu bệnh trầm cảm ở các cấp độ khác nhau, từ nhẹ đến mức vừa và nặng. Một trong những hậu quả của tình trạng trầm cảm là việc các em có xu hướng tự tử, dọa tự tử, thường ở độ tuổi từ 15 - 24.

Trầm cảm và sự thất bại, bế tắc trong học tập, cuộc sống đối với trẻ thường đi cùng nhau. Trẻ trầm cảm thường thấy mình không có khả năng đương đầu với những yêu cầu của đời sống xã hội, gia đình và học đường. Đôi khi, trẻ nghĩ đến việc tự tử khi không tìm ra được cách giải quyết vấn đề, có thể từ lý do rất đơn giản.

Sự mất niềm tin vào bản thân, nghĩ mình không có giá trị cũng là những động cơ khiến trẻ không tha thiết để sống và tìm đến cái chết để giải thoát mình khi bất ngờ gặp khó khăn hay một áp lực lớn nào đó.

Tình trạng mệt mỏi do căng thẳng, áp lực trong một thời gian dài nhưng không có nhiều nguồn lực và cách thức để ứng phó và vượt qua, trẻ sẽ không còn cảm nhận được sự hứng khởi khi đạt được thành tích như mong đợi nữa. Thậm chí, căng thẳng, áp lực gia tăng khi cộng hưởng với việc chưa đáp ứng được những mong đợi, kỳ vọng từ người lớn có thể dẫn đến sức khỏe tâm thần của trẻ có dấu hiệu đi xuống. Ngoài ra, một phần còn do số lượng kích thích căng thẳng tăng nhưng thiếu nguồn lực và kỹ năng xoay xở với tình huống có vấn đề.

Làm sao để trở thành bạn đồng hành thân thiết của con? (*): Đừng đặt gánh nặng lên vai con! - Ảnh 1.

Nuôi dạy con theo hướng tích cực sẽ giúp con cải thiện các kỹ năng nhận thức xã hội và giải quyết vấn đề ở trẻ . Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Hiểu nguyện vọng và tâm tư của con

Để có thể nhận diện tốt hơn khi trẻ đang gặp những áp lực hay khó khăn về tâm lý, trước tiên cha mẹ cần khắc phục những khó khăn trong giao tiếp với trẻ. Nói cách khác, quan tâm và cải thiện chất lượng giao tiếp giữa cha mẹ và con cái là việc làm cơ bản và cần thiết. Ở độ tuổi này, giữa trẻ và cha mẹ thường xuất hiện nhiều mâu thuẫn trong giao tiếp, như: mâu thuẫn trong nhận thức và nhu cầu của trẻ, giữa sự phát triển nhanh về thể chất, tâm lý với nhận thức và cách cư xử của người lớn chưa theo kịp sự thay đổi đó hay chưa đáp ứng được sự mong đợi của trẻ...

Trẻ luôn mong muốn được tôn trọng, lắng nghe và thấu hiểu; cần sự quan tâm, động viên hơn là sự đặt nặng bởi những kỳ vọng và áp lực; mong muốn được hợp tác hơn là chịu sự áp đặt... Trong giao tiếp giữa cha mẹ và con cái cần có sự đồng cảm, tôn trọng, nhất là sự lắng nghe tích cực để thấu hiểu những cảm xúc, nhu cầu và những nguyện vọng chính đáng nhưng đôi khi khó giãi bày, tâm sự của trẻ. Một vài lời động viên, hỏi han về cảm nhận của con đôi khi lại đắt giá và kịp thời hơn là việc thắc mắc về đề thi, điểm số hay thứ hạng. Hiểu đúng về khả năng và xu hướng phát triển của trẻ để có những mong đợi phù hợp hơn là gia tăng những kỳ vọng phức tạp dẫn đến những áp lực hay những cảm xúc tiêu cực.

Cha mẹ, thầy cô có thể quan tâm và nhận diện những dấu hiệu cơ bản sau đây để phát hiện trẻ có đang có những áp lực về tâm lý hay có nguy cơ trầm cảm: Xuất hiện những dấu hiệu mệt mỏi, căng thẳng; đau đầu, chóng mặt, cảm giác tức ngực, mất ngủ, rối loạn tiêu hóa... Về mặt tâm lý, trẻ khó tập trung, giảm trí nhớ, sợ và lo âu, dễ bị kích động, dễ cáu giận, tâm trạng có vẻ ấm ức hoặc mặc cảm tội lỗi về một vấn đề nào đó.

Tóm lại, để có thể ngăn ngừa và giúp hạn chế những tình huống thương tâm đáng tiếc, cha mẹ cần quan tâm, bày tỏ tình yêu thương đến con nhiều hơn, không dò xét, đánh giá hay đặt quá nhiều kỳ vọng lên vai con khi chưa thực sự hiểu được nguyện vọng và tâm tư của con. Nên trò chuyện với con, gợi mở để con có thể chia sẻ những gì đang trải qua; thực sự lắng nghe, sẵn sàng giúp đỡ con giải quyết những rắc rối trong học tập và cuộc sống là những giải pháp cơ bản hữu hiệu giúp nâng đỡ tinh thần của trẻ, giúp con trưởng thành và vượt qua những khó khăn trong giai đoạn đầy biến động và thách thức.

Để con được là chính mình

Không ít cha mẹ có thói quen so sánh con mình với "con nhà người ta" mà không biết rằng lắm khi con mình cũng đang là "con nhà người ta" trong mắt một ai đó. Thực tế cho thấy chẳng có "con nhà người ta" nào hoàn hảo cả nhưng chính lối so sánh này dễ làm con mình mất tự tin về bản thân, dễ tổn thương, khó khăn trong việc kết nối với bạn bè do tự ti hoặc nảy sinh lòng ganh ghét, đố kỵ.

Ở góc độ giáo dục, lâu nay nhà trường và gia đình quá chú tâm dạy trẻ chiến thắng, thành công mà quên dạy các em biết đương đầu với thất bại, chấp nhận những thử thách để cố gắng vươn lên... Việc học không chỉ đơn giản là học kiến thức và đo bằng điểm số. Học để hiểu biết, để làm việc, để sống chung với cộng đồng xã hội và quan trọng nhất, học để làm người. Vậy nên, đừng ép buộc con học thật giỏi mà phải trang bị cho con các kỹ năng cần thiết và thái độ sống đúng đắn. Hãy để con là chính mình, không sống thay con cũng không biến con thành món đồ trang sức để khoe khoang. Điều cha mẹ có thể và nên làm cho con là chuẩn bị sẵn sàng nếu chẳng may con vấp ngã, trở thành một bờ vai, điểm tựa để con nương vào, mạnh mẽ đứng dậy thay vì xây rào quanh con... Trong mọi hoàn cảnh, cha mẹ phải luôn là người bạn thân thiết, thực sự đồng hành với con để lắng nghe, thấu hiểu và soi đường con đi.

Ngọc Diễm

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-4

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo