“Tùy hành vi, mức độ cụ thể sẽ căn cứ vào Nghị định 171/2013/NĐ-CP để xử lý hành chính, mức xử phạt có thể lên đến 20 triệu đồng đối với cá nhân. Còn nếu việc dựng rạp lấn ra giữa đường dẫn đến tai nạn chết người, tùy trường hợp sẽ có mức xử lý khác nhau. Chủ nhà, người dựng rạp có thể sẽ bị xử lý hình sự về hành vi lấn chiếm, chiếm dụng lòng đường được quy định tại điều 203 Bộ Luật Hình sự về tội cản trở giao thông đường bộ” - luật sư Trạch cho biết.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông TP HCM, việc dẹp lấn chiếm lòng đường đã được UBND TP giao cho chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm chính. Nếu địa phương nào để xảy ra trình trạng lấn chiếm lòng lề đường, chủ tịch địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND TP.
Ông Tường cũng cho biết hiện Ban An toàn giao thông TP đang tiến hành tổng kết tình hình lấn chiếm lòng lề đường tại 159 tuyến đường để báo cáo UBND TP.
Ông Nguyễn Đỗ Vũ, Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Bình Dương:
Kịp thời vận động
Từ khi Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ký văn bản yêu cầu cơ quan chức năng tỉnh khẩn trương ngăn ngừa, khắc phục tình trạng nhiều hộ dân che rạp, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây mất an toàn giao thông, ùn tắc giao thông, tình trạng lấn chiếm lòng đường đã giảm hơn trước. Đến nay, chúng tôi chưa xử phạt trường hợp vi phạm nào nhưng vận động, yêu cầu người dân tháo dẹp rạp ngay thì rất nhiều. Đối với các vụ che rạp lấn chiếm để tổ chức tiệc tùng, chúng tôi yêu cầu dỡ bỏ tức khắc nhưng đối với các rạp đám ma, đám cưới thì đấy là chuyện tế nhị, phải tìm cách phối hợp với cán bộ khu phố hoặc MTTQ lựa lời vận động khéo léo. Nhiều lúc chúng tôi yêu cầu dỡ bỏ phần lấn chiếm, có gia chủ năn nỉ: “Đời người làm có một lần, để yên giùm cho” nhưng cũng không ít gia chủ phản ứng gay gắt với lực lượng thi hành công vụ. Vai trò của lực lượng chức năng cấp xã, phường rất quan trọng. Rạp vừa dựng lên, cán bộ ở phường, xã phải phát hiện và thông báo, chúng tôi đến xử lý, vận động liền chứ để gia chủ tổ chức, mời khách hết rồi thì thành ra phức tạp.
Ông Nguyễn Văn Canh, Trưởng Ban Điều hành KP 6, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM:
Cần hỗ trợ người dân
Nhu cầu tổ chức tiệc liên hoan, cưới xin, ma chay… của người dân là chính đáng. Vì vậy, các địa phương cần phải có nhà văn hóa, chính quyền phải đứng ra tổ chức để bảo đảm an toàn, trật tự. Tại khu phố 6, nếu người dân tổ chức tiệc, khu phố cho mượn hội trường miễn phí, chỉ thu tiền điện và nước (100.000 đồng).
Với các đám tang, do phường không có nhà tang lễ, Ban Điều hành khu phố 6 thông báo đến người dân trong tổ dân phố đến thăm hỏi; vận động người dân ở tuyến đường lớn tổ chức đơn giản trong phạm vi vỉa hè để bảo đảm an toàn giao thông. Nếu ở trong hẻm nhỏ hoặc đường nội bộ, sẽ có bảo vệ dân phố hướng dẫn người dân đi đường tránh.
Chị Nguyễn Bảo Nghi (quận 7, TP HCM):
Phải mạnh tay xử lý
Việc một số hộ dân lấn chiếm lòng đường để tổ chức cưới, hỏi, thôi nôi, đầy tháng thậm chí là đám tang có thể do một số nguyên nhân sau: Thứ nhất, diện tích nhà ở nhỏ nên không thể tổ chức đám tiệc ở trong nhà. Thứ hai, một số người dân có quan niệm là tổ chức tiệc ở nhà sẽ được nhiều người xung quanh cùng tham gia hoặc như đám tang tổ chức ở nhà cũng là phong tục của người Việt. Thêm vào đó, việc tổ chức đám tiệc ở nhà ít tốn kém…
Tuy nhiên, cách sống theo kiểu làng xã này khiến người xung quanh phải bị “vạ lây” bởi âm thanh đinh tai nhức óc dồn dập phát ra từ những chiếc loa công suất lớn; việc lưu thông trên tuyến đường này gặp nhiều bất tiện dẫn đến hàng xóm mâu thuẫn nhau là khó tránh khỏi.
Muốn hạn chế tình trạng này, tôi nghĩ không khó. Luật đã có, cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Tất nhiên, song song đó, nhà nước cần xây thêm nhà tang lễ, nhà sinh hoạt cộng đồng để khi có việc, người dân có nơi chốn tổ chức đàng hoàng, lịch sự, văn minh.