xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lối ra cho công viên cây xanh trong đô thị

Sỹ Đông - DI LÂM

TP HCM cần có cơ chế khuyến khích chủ đầu tư xây thêm tầng; đổi lại, chủ đầu tư bỏ ra quỹ đất tương ứng để trồng cây xanh, công viên

Dù mỗi năm TP HCM trồng trung bình thêm 7.000 cây xanh (CX) nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu của một đô thị trên 10 triệu dân.

Thước đo TP sống tốt

Theo kiến trúc sư (KTS) Khương Văn Mười, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, do những năm qua, dân số TP HCM tăng chóng mặt nhưng các công viên (CV) mới không được xây dựng kịp nên CV, CX ngày càng thiếu. Nguyên nhân thì nhiều nhưng chủ yếu là không có đủ kinh phí thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, CV, CX là những công trình phúc lợi, phục vụ cộng đồng nên các nhà đầu tư không mặn mà.

Một lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM cũng cho rằng ngoài nguyên nhân ngân sách khó khăn thì quỹ đất khu vực nội thành hầu như không còn. Trước mắt, TP tập trung phát triển mảng xanh ở các dự án nhà ở nhưng vấn đề này phụ thuộc rất lớn vào sự "tử tế" của các chủ đầu tư. Trên thực tế, rất nhiều dự án nhà ở, dự án phát triển đô thị không xây dựng mảng xanh hoặc có nhưng cắt xén diện tích đất dành cho CX để xây dựng các công trình khác nhằm kinh doanh...

Trong khi đó, KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định nguyên nhân các quận ngoại thành thiếu CV là do sự phát triển tự phát, không theo quy hoạch. Còn ở các quận nội thành thiếu CV là do tình trạng cao tầng hóa, tăng diện tích xây dựng nhưng diện tích CX mặt nước lại không tăng.

Từng nghiên cứu về không gian công cộng, ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, cho rằng cần bảo đảm có mạng lưới mảng xanh, không gian mở xung quanh khu ở và bảo đảm yêu cầu vui chơi giải trí của người dân bởi chính không gian công cộng quyết định chất lượng sống đô thị, là thước đo TP sống tốt.

Lối ra cho công viên cây xanh trong đô thị - Ảnh 1.

Trong khi công viên, cây xanh của TP HCM còn thiếu thì đất nhiều nơi lại bỏ hoang. Trong ảnh: Phần đất dự kiến trồng cây ở khu dân cư Bắc kênh Lương Bèo (quận Bình Tân) bỏ hoang nhiều năm nay Ảnh: Sỹ Đông

Trả lại diện tích cây xanh

Để tăng mật độ CV, CX, KTS Khương Văn Mười nhận định giải pháp khả thi nhất là chia theo từng khu vực để bổ sung cho hợp lý. Cụ thể, đối với các khu dân cư hiện hữu có mật độ cao thì khi làm đường, TP mở rộng ranh bồi thường để trồng CX ở dải phân cách hoặc trên vỉa hè. Khi làm các dự án về chỉnh trang đô thị thì bổ sung diện tích CX như dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tàu Hủ - Bến Nghé.

Riêng các dự án xây dựng khu dân cư mới, phải giám sát chặt chẽ chỉ tiêu về diện tích CX để không bị thiếu hụt cho chính cư dân thuộc khu đô thị đó. Ngoài ra, TP cũng cần có cơ chế khuyến khích chủ đầu tư xây thêm tầng; đổi lại, chủ đầu tư bỏ ra quỹ đất tương ứng để trồng CX, CV.

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, cần phải chấn chỉnh lại để bảo đảm sự hài hòa giữa diện tích xây dựng với CV, CX. Cụ thể, ở các khu chỉnh trang lớn, phải trả lại diện tích CX. Tuy nhiên, một số diện tích có thể trả lại thì TP lại không làm mà tiếp tục phát triển dự án, điển hình là khu Ba Son, cảng Sài Gòn.

"Khu vực quận 1, quận 3 đã thiếu CX nên nếu có thêm các mảng xanh ở dọc sông Sài Gòn là điều quá tốt. Cùng với đó là phải định hướng CV, CX bù lại cho phần diện tích đã san lấp, chứ không chỉ phục vụ cho khu vực mới phát triển. Ví dụ, khu vực cảng Sài Gòn chưa phê duyệt thì trước khi cấp phép xây dựng nên quy định một tỉ lệ khá cao cho CX, có thể lên đến 50% để bù lại cho mấy chục năm phát triển không có CX" - ông Ngô Viết Nam Sơn nêu ý kiến.

Về các quy hoạch CV chưa thể thực hiện do thiếu ngân sách, KTS Sơn nhận định việc thiếu tiền không quan trọng. Điều quan trọng là phải khoanh vùng những khu đất đã được chọn làm CV, không cho những công trình khác xen cài vào. Khi làm CV thì những ô đất lân cận có xu hướng tăng giá trị. Do đó, TP cần có chính sách khuyến khích nhà đầu tư có ô đất giáp ranh CV, cho phép họ xây cao hơn nhưng bù lại, họ phải có trách nhiệm đóng góp trong việc xây dựng CV.

"Không gian cạnh CV là không gian thoáng, xây dựng thêm 3-5 tầng thì cũng không phá vỡ cảnh quan. Ví dụ, với tòa nhà City Bank ở New York - Mỹ, khi cấp phép xây nhà cao tầng, họ chuyển đổi phần đất phía trước thành quảng trường, CV thì chính quyền cho họ làm cao hơn. Dù đó là đất tư nhân nhưng họ mở cửa như một CV phục vụ cộng đồng, cả nhà nước và doanh nghiệp đều được hưởng lợi" - ông Ngô Viết Nam Sơn dẫn chứng.

Theo ông Nguyễn Đăng Sơn, TP HCM là đô thị sông nước. Vì thế, cần sự kết hợp giữa CX và mặt nước để tạo nên dòng sông cảnh quan sinh thái bên trong TP. 

Quan tâm khu chợ Sense Market

Trước thông tin Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong vừa yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất - Sở Tài nguyên và Môi trường phải chấm dứt, không gia hạn hợp đồng cho thuê đối với các đơn vị đang sử dụng mặt bằng tại CV 23-9, dư luận đặc biệt quan tâm đến khu chợ Sense Market (dưới lòng đất), nơi đã trở nên quen thuộc của người dân TP và du khách gần 2 năm nay.

Theo tìm hiểu, khu chợ Sense Market do Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Cửu Long xây dựng trên phần đất rộng 10.490 m2, trước đây là tầng hầm cũ được sử dụng làm nơi giữ xe. Trong một công văn gửi UBND TP HCM hồi tháng 5-2018 về quản lý, chỉnh trang CV 23- 9, đối với khu vực này, Sở Giao thông Vận tải TP đề xuất tiếp tục cho khai thác nhưng phù hợp với chức năng của đồ án quy hoạch. Vừa qua, Chủ tịch UBND TP đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP phối hợp với các đơn vị liên quan lập quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực CV 23- 9 trước quý III/2018.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo