Mỗi lần đi chợ Tết, tôi đều chứng kiến cảnh tương phản nhau...!

24 Tháng 01, 2020 | 04:29

(NLĐO) - Cứ mỗi dịp Tết đến, từ chợ truyền thống đến các siêu thị, đô thị đến miệt vườn sông nước, đâu đâu cũng tràn ngập hàng hóa, người bán kẻ mua tấp nập.

Thế nhưng, trong cái không khí tưng bừng náo nhiệt của ngày Tết, bên cạnh những gian hàng hoành tráng, hàng hóa cao cấp, còn không ít tiểu thương và người mua bán nhỏ lẻ vẫn âm thầm thức khuya dậy sớm gánh hàng ra chợ, chắt chiu từng đồng để lo cho cái Tết cổ truyền.

Mỗi lần đi chợ Tết tôi đều chứng kiến cảnh tương phản nhau, một bên hàng đắt tiền như bánh kẹo, dưa hấu, bông hoa, cây cảnh, áo quần may sẵn… người mua nườm nượp; một bên là hàng rẻ tiền như đồ cúng, đồ chưng Tết, như: xoài, mãng cầu, đu đủ, dừa, trái sung… loại trái dùng đơm mâm ngũ quả truyền thống. Ngoài ra, có người còn bày bán bùa dựng nêu, bao lì xì, đồ thờ ông Táo và thờ Bà mẹ sanh, kèm thêm trầu cau. Đây là những mặt hàng rẻ tiền lại ít người mua vì thời công nghệ 4.0 hầu như không còn ai mặn mà nữa, trừ những người lớn tuổi ở nông thôn.

Mỗi lần đi chợ Tết, tôi đều chứng kiến cảnh tương phản nhau...! - Ảnh 1.

Bà cụ chắt chiu từng đồng với rổ trầu cau không đáng là bao

Đặc biệt, chợ Tết hiện nay vẫn còn một mặt hàng tuy quen mà lạ, năm nào cũng có hằng mấy chục người bày ra dọc hai bên lề đường đón khách, đó là vòng dưa hấu (cái gối để chưng dưa hấu cho vững). Bình quân mỗi người mang ra chợ hàng ngàn cái vòng màu sắc hấp dẫn, công sức bỏ ra hàng mấy tháng lao động nhọc nhằn, nhưng ít người mua, mặc dù giá rất rẻ.  

Không những thế, giữa chợ Tết phồn hoa vẫn còn hình ảnh của những cụ già buôn gánh bán bưng, những phụ nữ lao động nặng nề và những em bé lang thang kiếm sống bằng nghề bán vé số và bánh kẹo. 

Mỗi lần đi chợ Tết, tôi đều chứng kiến cảnh tương phản nhau...! - Ảnh 2.

Một phụ nữ bán trái cây chưng Tết, tiền lời rất khiêm tốn

Tất cả các mặt hàng kể trên, nếu có bán được, thu nhập cũng chỉ khoảng vài chục ngàn đến một trăm ngàn đồng/buổi chợ. Với số tiền ít ỏi đó không đủ cho bữa ăn sáng của một gia đình khá giả. Nhưng nếu không làm, họ không còn công việc gì để mưu sinh. Ai cũng biết bán Tết là một công việc vô cùng vất vả. Có người mệt mỏi ngủ gà ngủ gật giữa phố sá đông người qua lại. Vậy mà họ vẫn bám víu và vui vẻ chấp nhận.  

Mỗi lần đi chợ Tết, tôi đều chứng kiến cảnh tương phản nhau...! - Ảnh 3.

Những người bán vòng dưa hấu, suốt ngày chờ khách nhưng chẳng mấy người mua

Một chị phụ nữ đang ngồi sau những rổ trái sung và trái dư vừa thấy tôi đã cất giọng ngọt ngào:  

- Mua đi anh! Mua giúp em, sớm mai đến giờ chưa ai mở hàng. Mua sung và trái dư về chưng trên bàn thờ, năm mới anh sẽ phát tài và dư dả.

Tôi động lòng móc ra 10.000 đồng đưa cho chị. Chị đưa cho tôi một chùm sung trái nỏn nà trông thật ấn tượng. Trước khi đi, tôi hỏi:

- Sao chị không mua bán các mặt hàng khác mà bán ba cái thứ nầy đâu có lời bao nhiêu? 

Chị buồn bã tâm sự:

- Biết vậy nhưng em không có vốn lấy gì mà kinh doanh như người ta.

Vừa đi tôi vừa ngẩm nghĩ quy luật muôn đời của cuộc sống là thế đó. Nơi nào trên hành tinh nầy cũng vậy. Xã hội bao giờ cũng có người giàu kẻ nghèo. Chúng ta hy vọng một ngày không xa, kinh tế phát triển, đất nước mình sẽ giảm bớt những người vất vả mưu sinh.

Hoài Vũ

Viết bình luận

CHUYÊN TRANG PHỤ NỮ

Email: phunu@nld.com.vn

NHẬN EMAIL MỚI HÀNG NGÀY

Đăng ký nhận tin mỗi ngày từ chuyên phụ nữ

Giấy phép số 115/GP- BTTTT cấp ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Tổng Biên tập: TÔ ĐÌNH TUÂN
Địa chỉ: 123 - 127 Võ Văn Tần, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3 - TPHCM, Điện thoại: 028-3930.6262 / 028-3930.5376, Fax: 028-3930.4707. Email: toasoan@nld.com.vn
Bản quyền thuộc về Báo Người Lao Động. Các website khác đã được chúng tôi đồng ý cho khai thác thông tin, khi đăng lại phải ghi rõ nguồn: Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).