Đủ dấu hiệu của tội làm nhục người khác
Theo TS- Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP HCM), hành vi bắt một cô giáo, người trực tiếp thực hiện hoạt động giảng dạy cho học sinh, phải quỳ trước mặt mọi người là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức, lảm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự của cô giáo, cũng như uy tín của ngành giáo dục.
Về khía cạnh pháp luật, hành vi này có đủ dấu hiệu của tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.
Theo đó, dù cô giáo đã nhận sai về hành vi của mình nhưng phụ huynh vẫn ép cô giáo quỳ để nhằm thỏa mãn bản thân mình là không thể chấp nhận được, việc này xảy ra trước mặt nhiều phụ huynh khác.
Trong trường hợp cô giáo có hành vi không chuẩn mực thì phụ huynh có quyền khiếu nại, kiến nghị nhà trường có biện pháp xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, người phụ huynh ép cô giáo quỳ từng học luật, trên hết phải có trách nhiệm tuân thủ pháp luật, có tinh thần thượng tôn pháp luật và luôn rèn luyện, tu dưỡng đạo đức nhưng lại có hành vi này là đáng lên án, không thể chấp nhận được.
Căn cứ theo quy định tại Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sự việc được lan truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan có thẩm quyền cần tiến hành xác định để làm rõ hành vi bắt cô giáo quỳ có dấu hiệu tội phạm hay không, xác định ý chí của người bị hại (có tự nguyện hay không) để tiến hành khởi tố vụ án theo đúng quy định pháp luật.
Sự việc này được xem là chưa từng có, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự và sự an toàn của các giáo viên, nhà giáo nói chung. Cơ quan có thẩm quyền cần phải nghiêm túc điều tra, xử lý đến nơi đến chốn để bảo đảm tính răn đe, đảm bảo tình hình trật tự và an toàn xã hội
Trong khi đó, LS Hà Hải (Đoàn LS TP HCM) cho rằng cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét tính chất, mức độ hành vi và hậu quả ảnh hưởng như thế nào đối với xã hội mà quyết định nên hay không nên xử lý hình sự. Theo LS Hà Hải,chỉ nên nhắc nhở là đủ.