xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Rác ngoại cỡ bạ đâu vứt đấy

Thu Trang - Trường Hoàng

Cuối năm, nhu cầu đổ xà bần, thay bàn, ghế, giường, nệm, tủ... cũ tăng, người thu gom rác không nhận nên nhiều khu đất trống, góc công viên, chân cầu trở thành nơi bỏ rác

Trên nhiều tuyến đường ở TP HCM, như Nguyễn Thị Minh Khai (phía chân cầu Thị Nghè, quận 1), Trường Sa (quận Phú Nhuận và Bình Thạnh), Võ Văn Kiệt (quận 1), Nguyễn Văn Linh (quận 7)…, không khó để ghi nhận nhiều loại rác quá cỡ được vứt bên lề đường, tại các chân cầu, khu đất trống.

Không biết gọi ai, bỏ ở đâu?

Điển hình ở khu đất trống cạnh số 2A Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), vỉa hè cạnh Rubik Zoo (1Bis Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1), chân cầu Thị Nghè, lề đường trước chung cư 518 Võ Văn Kiệt (quận 1), cạnh số nhà 90A Trường Sa (quận Bình Thạnh)… tồn tại bãi rác tự phát gồm nhiều bao lớn, những mảnh bạt, ghế, bồn cầu hư, ghế sofa…

Nói về nhu cầu bỏ các loại rác ngoại cỡ, ông Trần Nguyên Trung (ngụ đường Võ Văn Kiệt, quận 1) cho biết rất nhiều gia đình có nhu cầu thay đổi giường tủ, bàn ghế cũ, bàn thờ ông Địa… nhưng không biết đem đi đâu, cho thì không ai lấy, người thu gom rác không nhận, đốt càng không thể vì nhà ở TP không có sân vườn. "Chúng tôi không biết làm sao, đành phải đem ra những khu đất trống để vứt bỏ hoặc thuê người chở đi dù biết họ cũng đem bỏ ở khu đất nào đó. Làm vậy thôi chứ trong thâm tâm cũng rất khó chịu" - ông Trung nói.

Cũng theo ông Trung, TP cần có biện pháp xử lý loại rác ngoại cỡ này. Có thể mỗi quận, huyện dành riêng một khu đất trống để người dân vận chuyển những vật dụng không dùng bỏ ở đó, ai có nhu cầu thì có thể tận dụng, đem về sử dụng. Hoặc có đội thu gom rác ngoại cỡ để người dân có thể điện thoại gọi đến lấy và trả phí. Bà Trương Thị Hồng (ngụ quận 8) kể năm ngoái, gia đình bà thay bộ sofa mới. Do bộ cũ vẫn còn dùng được nên bà phải đi hỏi những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong xóm. "May có một gia đình đồng ý đem về dùng. Riêng kệ tivi và một số ghế gỗ hư, không ai lấy, tôi đành nói chồng chở ra chỗ cầu Tạ Quang Bửu để dưới chân cầu, ai lấy về sửa lại dùng được thì dùng, còn không thì để nó mục nát ở đó" - bà Hồng nói.

Có nhà gần cầu Thị Nghè, bà Đinh Thị Ni (ngụ đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1) lâu lâu lại thấy ở chân cầu hiện diện bồn cầu hư, bàn, ghế sofa, nệm cũ bị vứt ở đó. Cứ qua một đêm đến sáng hôm sau là bỗng dưng thấy xuất hiện. "Chúng tôi mong TP có biện pháp xử lý đối với những loại rác này vì đó là nhu cầu có thật của người dân. Nếu không sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị của TP" - bà Ni đề xuất.

Rác ngoại cỡ bạ đâu vứt đấy - Ảnh 1.

Ghế sofa vứt bừa bãi trên đường Trường Sa, quận Phú Nhuận, TP HCMẢnh: Thu Trang

Đã có quy định quản lý rác thải cồng kềnh

Về công tác quản lý chất thải rắn cồng kềnh, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho biết Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình UBND TP quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP HCM. UBND TP cũng đã thông qua quy định này. Theo đó, hiện công tác quản lý chất thải rắn cồng kềnh được thực hiện như sau: cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải có thể tự vận chuyển hoặc tự thỏa thuận với chủ thu gom, yêu cầu dịch vụ thu gom, vận chuyển đến nơi tiếp nhận (trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt hoặc vị trí do UBND quận, huyện quy định). Chất thải rắn cồng kềnh có thể được tháo rã và giảm thể tích trước hoặc sau khi chuyển đến nơi tiếp nhận và được vận chuyển xử lý như chất thải rắn sinh hoạt. Chi phí tháo rã và giảm kích thước chất thải rắn cồng kềnh được tự thỏa thuận giữa các bên theo cơ chế giá dịch vụ.

Cũng theo bà Mỹ, công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn cồng kềnh từ các vị trí do UBND quận, huyện quy định đến cơ sở xử lý chất thải được thực hiện định kỳ ít nhất 1 lần/tháng và công tác quản lý nơi tiếp nhận chất thải rắn cồng kềnh được UBND quận, huyện đưa vào nội dung đấu thầu, đặt hàng cung ứng dịch vụ vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quận, huyện. Cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải phải trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn cồng kềnh theo giá do UBND quận, huyện quy định dựa trên tính chất giá và cơ chế giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt do UBND TP ban hành. Hiện sở đang phối hợp với các cơ quan có liên quan để hướng dẫn các quận, huyện thực hiện quy định này. 

Tăng cường tuyên truyền, tuần tra, xử phạt

Đề cập đến tình trạng người dân lén bỏ rác ngoại cỡ ở khu vực công cộng, đại diện UBND quận Tân Phú, TP HCM cho biết địa phương tập trung nhiều cơ sở gia công, may mặc. Những ngày cuối năm, tình trạng đổ trộm vải vụn, rác công nghiệp thường xuyên diễn ra. Hễ thấy khu đất trống, nơi góc khuất, nhiều xe ba gác, xe tải sẵn sàng đổ rác xuống mặt đường. Ngoài việc áp dụng biện pháp tuần tra, bắt quả tang, UBND cấp phường còn thưởng cho người dân nếu bắt quả tang người xả rác bậy.

Phó Chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải cho biết quận đã chỉ đạo các phường tăng cường tuần tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm. Tuy nhiên, ông Hải cũng nhìn nhận công tác xử lý gặp nhiều khó khăn vì thường xảy ra vào đêm khuya. Ngoài giải pháp tuần tra để phát hiện, xử lý, quận sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân không bỏ rác nơi công cộng.

L.Phong - P.Anh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo