xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sống đẹp nơi công cộng

TS NGUYỄN HOÀNG KHẮC HIẾU (Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP HCM)

Ứng xử văn hóa nơi công cộng được xem là một kỹ năng cần có của một xã hội văn minh

Những ngày thời tiết ở TP HCM nóng nực, phố đi bộ Nguyễn Huệ là nơi được nhiều người lựa chọn bởi không gian thoáng đãng và có đài phun nước. Tuy nhiên, hình ảnh nhiều trẻ nhỏ lao mình vào giữa đài phun nước, được cha mẹ khuyến khích cởi quần áo để tắm như đang ở công viên nước đã gây ra nhiều tranh luận trái chiều.

Hành vi thể hiện tầm văn hóa

Bên cạnh một số ý kiến cho rằng đây là chuyện bình thường, rất nhiều ý kiến phản đối, bởi từ những chuyện tưởng chừng nhỏ nhưng nếu không uốn nắn, giáo dục ý thức tôn trọng không gian chung của cộng đồng sẽ nảy sinh những chuyện lớn hơn sau này.

Nơi công cộng là một nơi đặc biệt, giống như một căn phòng chung vậy, khi một người khạc nhổ, xì mũi là lập tức làm "ô nhiễm" không gian của rất nhiều người. Do đó, khi bước vào không gian ấy, người ta cần học cách tiết chế sự tự do của mình để khỏi ảnh hưởng đến mọi người, khả năng tiết chế càng tốt, văn hóa thể hiện càng cao. Một "hot-boy" với hàng nghìn người hâm mộ, đăng một dòng "rác" ngôn từ lên mạng xã hội, liệu bao nhiêu người sẽ vỗ tay khen? "Xả rác cá nhân" giống như nắm một nắm bùn ném ra nơi công cộng, người dơ tay đầu tiên chắc chắn sẽ là người ném.

Văn hóa ứng xử nơi công cộng thể hiện qua từng hành vi rất nhỏ. Mỗi hành vi đó là biểu hiện của cả một "nền ý thức" được hình thành một cách lâu dài bên trong mỗi con người, mỗi dân tộc. Chính "nền ý thức" ấy giúp một dân tộc biết tôn trọng kỷ luật, tôn trọng người khác, giúp xã hội luôn trật tự và ổn định dù bất cứ hoàn cảnh nào. Thế giới luôn ngưỡng mộ người Nhật Bản biết tôn trọng cái chung, kiên nhẫn xếp hàng, luôn luôn trật tự... trong thời bình. Lối cư xử ấy đã giúp họ giữ được an ninh, cư xử vẫn rất văn minh khi xảy ra trận động đất sóng thần tàn khốc vài năm trước, không hề có một vụ cướp bóc xảy ra. Thế cho nên, hành vi ý thức nhỏ thường ngày mà thể hiện cả một văn hóa lớn.

Bên cạnh đó, ý thức cộng đồng sẽ không bao giờ trở thành thói quen chung nếu không được 100% tuân thủ, hoặc ít ra là 80%-90%. Nếu không, ý tưởng "họ làm được thì tôi cũng làm được" sẽ nảy sinh ngay lập tức. Bảy người đến đúng giờ phải ngồi chờ 3 người đến trễ, lần sau 7 người kia cũng sẽ đến trễ để khỏi phí thời gian chờ đợi của mình. Do đó, nếu vài người thiếu ý thức khơi mào, sẽ kéo theo hàng loạt những hành vi bắt chước khác.

Sống đẹp nơi công cộng - Ảnh 1.

Trẻ nhỏ được cha mẹ cởi quần ảo tắm ở đài phun nước phố đi bộ Nguyễn Huệ tự nhiên như ở công viên nước Ảnh: Hoàng Triều

Không thỏa hiệp với hành vi thiếu văn minh

Hễ nhắc đến giải pháp cho thói quen ứng xử nơi công cộng, hầu như ai cũng nghĩ đến 2 từ "ý thức". Tôi nghĩ, nếu cứ trông mong vào ý thức của mọi người, thì không thể. Tốt nhất tự mỗi người nên chủ động khêu gợi ý thức đã bị chôn vùi đâu đấy trong sâu thẳm bằng cách kiên quyết đấu tranh với những hành vi lệch chuẩn. Giả sử vào siêu thị xếp hàng thanh toán, một người chen ngang vào, bạn không dám nhắc nhở thì kiên quyết không mua hàng nữa nếu nhân viên thu ngân không tuân theo thứ tự trước sau. Đấy là hành động chứng tỏ bạn không thỏa hiệp với hành vi phá hàng thiếu văn minh ấy.

Dù nói trực tiếp hay bằng phản ứng, điều quan trọng là phải biết lên tiếng vì quyền lợi chính đáng của mình và những người xung quanh. Còn những nhà quản lý công sở, những người bán hàng, phải quyết liệt trong việc bài trừ bằng việc không phục vụ cho những thành phần thiếu lịch sự. Một cửa hàng kiên quyết không bán nếu khách không chịu xếp hàng, lãnh đạo công ty kiên quyết trách phạt nhân viên hay trễ họp... thì chắc chắn ý thức cá nhân buộc phải được nâng lên.

Ngoài ra, ở nhiều nước, pháp luật quy định những khoản phạt rất nặng cho các hành vi vi phạm văn hóa, xâm hại đến quyền lợi của người khác và cộng đồng. Việc xử phạt các vi phạm sẽ góp phần tạo ra thói quen sống có nền nếp, tôn trọng người khác, vì ít ra nhiều người cũng còn sợ luật. Hơn nữa, các băng-rôn biểu ngữ thay vì để những câu sáo rỗng, hãy thay bằng những hướng dẫn cụ thể và hình vẽ minh họa định hướng cho lối sống văn minh. 

Trong khi chờ giáo dục thay đổi để tốt hơn, chờ cha mẹ có thời gian giáo dục con trẻ thì giải pháp trước tiên phải trông chờ vào luật. Đó sẽ là que diêm mồi lên rộng rãi ý thức của cộng đồng.

Cần có quy ước hành xử nơi công cộng

Tháng 4- 2015, phố đi bộ Nguyễn Huệ được đưa vào sử dụng, trở thành điểm hẹn mới của người dân TP, du khách trong và ngoài nước. Vui nhiều nhưng thật sự vẫn có không ít bực mình khi nhiều người xem không gian công cộng như nhà riêng: người lớn hút thuốc, nói chuyện ồn ào, mở nhạc inh ỏi; trẻ nhỏ chạy skateboard, scooter loạn xạ, cởi quần áo vào tắm giữa đài phun nước...

Phố đi bộ hay không gian công cộng các nước cũng có trẻ con chạy skateboard, scooter nhưng không làm phiền người khác. Còn chuyện trẻ em cởi quần áo tắm hay người lớn rửa chân ở đài phun nước thì tuyệt nhiên không. Điều này có lẽ do giáo dục gia đình và văn hóa Việt Nam. Tương tự như chuyện không chịu xếp hàng, sử dụng công cụ chung ở công viên như của riêng mình, bất chấp người khác đang chờ… Chưa kể rác có mặt khắp nơi, luôn tỉ lệ thuận với đám đông. Xe cộ vẫn xé rào vào khu vực cấm. Đội quân hàng rong không ngừng được bổ sung…

Những vấn nạn ở phố đi bộ Nguyễn Huệ nói riêng và cả nước nói chung là văn hóa ứng xử nơi công cộng. Lỗi từ phía người dân, du khách lẫn các cấp quản lý. Người dân và một số du khách kém văn hóa, xem chốn công cộng như nhà riêng, hành xử tùy tiện. Các cấp quản lý thường ngồi phòng lạnh, thiếu sâu sát và không kiên quyết xử phạt. Việc xử phạt cũng tùy hứng và chưa đủ răn đe. Nhiều nơi ban hành quy ước "ứng xử nơi công cộng dành cho du khách". Việc này, đáng lẽ, người dân tại chỗ, là chủ nhân, càng phải gương mẫu. Do vậy, gọi chung là "Quy ước hành xử nơi công cộng" là đầy đủ.

Kinh nghiệm các nước, phố đi bộ phải được quy hoạch và quản lý chặt chẽ, người dân và du khách tự giác chấp hành. Có khu vực biểu diễn tập thể, có khu vực cho các nghệ sĩ đường phố. Tất cả đều phải đăng ký với những quy định cụ thể. Các phố đi bộ châu Âu, Nhật Bản… đều không dùng âm thanh điện tử vì sợ làm phiền người khác. Hàng rong được chọn lọc và sắp xếp tự nhiên chứ không tự phát. Trước khi muốn người dân và du khách có ý thức thì phải xử phạt nghiêm minh mọi hành vi vi phạm ngay tại chỗ, để răn đe và nhắc nhở người khác.

Về phía người dân và du khách, hãy hành xử theo phương châm "Không làm phiền người khác" và "Điều gì mình không muốn thì cũng đừng làm như vậy với người khác".

Nguyễn Văn Mỹ

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo