xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tâm thức nhà quê

Trần Nhã Thụy

"Ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê", đó là lời của nhà phê bình Hoài Thanh được viết trong cuốn "Thi nhân Việt Nam" (1932-1941).

Thực ra thì đó là những lời mà Hoài Thanh dùng để nói về trường hợp thơ Nguyễn Bính: "Ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê. Cái nghề làm ruộng và cuộc đời bình dị của người làm ruộng cha truyền con nối từ mấy nghìn năm đã ăn sâu vào tâm trí chúng ta. Nhưng khôn hay dại, chúng ta ngày một lìa xa nền nếp cũ để hòng đi tới chỗ mà ta gọi là văn minh. Dầu sao, những tính tình tư tưởng ta hấp thụ ở học đường cám dỗ ta, những cái phiền phức của cuộc đời mới lôi cuốn ta, nên ở mỗi chúng ta người nhà quê kia vốn khiêm tốn và hiền lành ít có dịp xuất đầu lộ diện".

Tâm thức nhà quê - Ảnh 1.

Ảnh: Trần Chí Kông

Tuy viết về Nguyễn Bính nhưng những dòng của Hoài Thanh lại thấy "ở mỗi chúng ta", ngay cả với những người dầm dề đời sống thị dân. Đôi khi tôi thầm nghĩ rằng quê hay phố, nông thôn hay thành thị cũng chỉ là một giả lập, ước định mà thôi. Nếu nhìn bao quát hết quả địa cầu này thì nó chính là một ngôi làng khổng lồ, nơi có sông hồ, biển cả, đồng bằng, cánh rừng, muông thú… Nơi mà con người sống hòa cùng thiên nhiên, với những loài động vật khác. Đôi khi tôi cũng thầm nghĩ rằng nếu như chúng ta trả những con đường nhựa về lại con đường đất, trả những tòa nhà cao tầng về lại ao hồ, trả những động cơ xe máy về lại bộ hành, trả bầu trời mịt mờ khói bụi về lại trong xanh… thì thành phố cũng chính là một ngôi làng.

Và, có lẽ tôi không được thực tế cho lắm khi cứ mãi mơ về một giấc thiên nhiên cho đô thị hôm nay. Nhưng, tôi cũng xin nói rõ một điều này, ngày nay ranh giới giữa nông thôn và đô thị bị thu ngắn lại rất nhiều. Xưa, cô gái trong thơ Nguyễn Bính chỉ xê dịch một chuyến lên tỉnh thôi, mà khi về thì "Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều" rồi. Có nghĩa là cái bầu sinh quyển làng quê ngày ấy vốn thanh khiết như hoa chanh hương bưởi, chỉ cần búng vào đó chút "mùi" thị thành là thấy "chỏi" ngay lập tức. Nhưng nay, một người ở nông thôn vẫn ăn bận, son phấn, nước hoa sành điệu y chang người thành thị. Một người ở miệt vườn xa xôi vẫn có thể dùng smartphone để order (đặt hàng) từ Sài Gòn hay tận Mỹ ship (gửi) về. Đường nông thôn hôm nay cũng bê-tông hóa gần như toàn bộ. Hình ảnh con đường đất, lũy tre làng, đã thưa vắng đi rất nhiều. Tôi lo, đến một lúc nào đó, hình ảnh này chỉ có thể tìm thấy trong bảo tàng hoặc phải đi về một vùng quê thăm thẳm nào đó.

Vậy thì, rốt cuộc chúng ta chạy đuổi theo điều gì để từ bỏ cái chân quê mộc mạc của mình? Chúng ta chạy đuổi theo điều gì để nhận về những không gian bị xếp vào hàng ô nhiễm nhất nhì thế giới? Nói như Hoài Thanh thì chúng ta xa lìa cái nền nếp cũ để đi tới cái chỗ là văn minh nhưng cái văn minh đó nhiều khi phải trả một cái giá quá đắt. Và, những cái "nền nếp cũ", cũng không hẳn là lạc hậu hết xài.

Trả nước mắm về lại con cá ướp muối. Trả bao gia vị hóa chất về lại cho hành, tỏi, tiêu, nghệ… Có những thứ rất cũ mà muôn đời vẫn mới. Như chén nước mắm thì dằm trái ớt. Thịt gà thì lá chanh. Cá đồng thì kho nghệ. Nước xả thì bồ kết, nước gội thì lá bưởi. Cứ như là hiển nhiên vậy. Nhưng có đôi khi tôi lại băn khoăn thầm nghĩ, ai là người đầu tiên nghĩ ra những điều này mới thật là vĩ đại. Vĩ đại từ những điều nhỏ bé. Nhưng chắc là không có một ai duy nhất đầu tiên, không có một nhà bác học nào sinh ra ở làng quê để sáng chế ra những điều ấy. Đây chính là kinh nghiệm dân gian đúc kết truyền đời. Và, tất cả lắng đọng lại thành một tâm thức làng quê, mà biểu hiện của nó được gửi gắm qua cách ăn, cách mặc, cách sống.

Vậy chẳng phải là chúng ta đã và đang sống trên những "nền nếp cũ", trên những tinh hoa cũ đó sao? Đến mức tôi nghĩ rằng chúng ta chẳng nghĩ ra được gì mới hay ho, như có một người xa xưa nào đó từng nghĩ lấy quả gấc để nấu xôi. Màu gấc rất đẹp, mà hương lại rất thơm. Tôi chưa từng nghĩ, từng khám phá ra một điều gì tương tự như thế, dù đã sống hơn nửa đời người.

Dông dài như thế, rốt cuộc cũng là muốn nói một ý này: "Chúng ta cứ nhân danh những điều văn minh hiện đại nhưng đôi khi lại ứng xử lại tệ hơn những điều cũ xưa".

Chúng ta khinh chê nhà quê, đua chen thị thành nhưng ở thị thành lại lập giả cảnh quê mùa. Cái ao sen, chiếc cầu tre, chum nước mưa, vạt mạ xanh, bầy heo, đàn gà… là những tiểu cảnh trang trí vẫn thường thấy ở đô thị. Nhưng dường như hành xử của người nông thôn lại có vẻ văn minh hơn người thành thị? Vì họ không bao giờ che lấn giẫm đạp nhau để "cướp" hoa mang về nhà. Ở nhà quê, khi nấu một món ăn ngon họ mang mời cả xóm ăn gọi là lấy thảo. Còn ở thành phố, nếu mang đồ ăn cho ai đó thì gọi là… làm từ thiện. Cùng là hành động đẹp nhưng tâm thế khác nhau. Một đằng sống giữa thiên nhiên, một đằng mang thiên nhiên về đặt bên cạnh. Một đằng xem việc đó là tự nhiên. Một đằng cho rằng đó là một đóng góp.

"Ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê". Tôi cũng là một người nhà quê mặc dù đã có nhiều năm sống ở thành phố. Tôi vẫn nhìn công viên như một khu rừng nhỏ, nhìn con kênh như một dòng sông, vẫn thích ngắm cảnh bình minh và hoàng hôn mỗi ngày. Từ độ xa quê đến nay ngót ba mươi năm, tôi vẫn sống với tâm thức nhà quê như thế và điều ấy còn thể hiện trong nhiều trang viết. Tôi không ngờ rằng đến một lúc, những trang văn của mình được lọt vào mắt của các nhà phê bình sinh thái (ecocriticism). Nhưng đó là công việc của các nhà phê bình, còn thì chúng ta cứ sống như những người nhà quê với niềm yêu thương và tôn kính thiên nhiên vô bờ bến.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo