xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thành phố rất... quê

HỒ PHI

Buổi sớm, trên đường phố đông đúc xảy ra một vụ va quệt giao thông. Anh chàng đi xe máy biển số Thái Nguyên bị một cô gái đi xe máy biển số Quảng Bình tông phải.

Cả hai bị trầy xước nên ghé vào quán bún bò Huế ven đường chăm sóc. Lát sau, một anh CSGT đến đưa xe vào lề.

Vụ va quệt không nặng, cô chủ quán bún bò người Huế hỏi thăm rồi mang ít thuốc sát trùng cho cả hai. Khi cô gái với giọng Quảng Bình đặc sệt xin lỗi chàng trai Thái Nguyên, anh CSGT chợt hỏi: "Em quê Quảng Bình à, huyện nào? Anh người Quảng Trạch đây"...

Trong vụ va quệt trên, chỉ mỗi chiếc môtô của anh CSGT là mang dấu ấn TP HCM qua biển số xe. TP HCM thật lạ. Vùng đất này đón nhận mọi người và chính sự hồ hởi này, TP HCM mới đặc trưng - cực kỳ hiện đại nhưng cũng rất quê nhà. Nam, Trung, Bắc..., ai cũng có thể tìm thấy mình, tìm thấy nét thân quen quê mùa ngay cuộc mưu sinh xa xứ.

Thành phố rất... quê - Ảnh 1.

Muốn có đặc sản Bình Định, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phan Thiết... thì đến chợ Bà Hoa. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Một nét rất quê nhà ở TP HCM chính là ẩm thực. Trong tràn lan trà sữa, bánh mì, hủ tiếu... của vùng đất này lại cực kỳ dễ dàng gọi một tô mì Quảng rất Quảng Nam, kêu một bát phở rất Hà Nội, thưởng thức cuốn nem rất Bình Định hoặc cay xé miệng với món bánh tráng mì cuốn cá nục chấm mắm cái Quảng Ngãi...

Nào phải bây giờ, những quán ăn nổi tiếng của từng vùng quê đã có mặt ở Sài Gòn từ hơn nửa thế kỷ trước. Nó theo lớp người di cư mưu sinh rồi truyền lại đến đời con, đời cháu. Chậm hơn, có quán mở cửa cũng vài chục năm, chẳng cần quảng cáo, rao bán gì ầm ĩ nhưng dần dần ai cũng biết. Người nào nhớ quê thì hỏi bạn nơi nào bán món quê, ăn được rồi hồ hởi rủ người khác đến thưởng thức. Kẹt lắm thì cũng kể, cũng giới thiệu tỉ mỉ cứ như quán nhà mình vậy.

Lâu dần thành quen, rảnh rỗi là mấy anh Quảng Nam lại ghé Tân Bình lai rai vài chai bia với món lòng xào nghệ, hến xúc bánh tráng. Có chàng trai Huế mỗi khi nhớ cô người yêu cũ ở quê nhà lại xách xe lòng vòng rồi ghé quán bún bò Huế có mặt gần như khắp TP HCM, vừa ăn vừa hít hà chảy nước mắt...

Nhớ quê biết làm sao đây? TP HCM có chợ Bến Thành đắt đỏ nổi tiếng, có chợ An Đông hàng hóa dồi dào, có chợ Tân Bình vải vóc tràn đường. Nhưng TP HCM cũng có chợ Bà Hoa lúp xúp sạp tre, bán từng muỗng tiêu, lon nén, bịch ớt bột... - dù nhỏ mà món Quảng nào cũng có. Ở đây còn cả quán mì bán nửa cái bánh tráng, nửa nải chuối. Không cần phải mua gì, chỉ dựng xe bên chợ nhìn cũng thấy đỡ nhớ quê. Chợ lập hơn 50 năm nhưng cách bán vẫn vậy, món quê vẫn vậy và cả dáng người ngồi trên sạp cũng dường như không đổi.

Bình Định, Quảng Ngãi, Phan Thiết..., quê ai ở đâu không ngại, lúc nào cũng có quán của quê nhà. Con cá, con tôm, con gà... không có hộ khẩu nhưng ăn vào là người quê nào nói trúng phóc món quê đó (không trúng cũng đâu có sao!). Vả lại, chủ quán đáng tin, thậm chí trình CMND gốc. Nhiều món cũng dễ phân biệt, như người Phú Yên thì nói gà Tuy Hòa kêu "cục téc", còn người Quảng Trị thì nói gà Đông Hà thì kêu "cục tạc". Nói vui vậy thôi, chứ ở TP HCM nhớ quê thì ăn cái gì cũng ngon, cũng cảm, cũng có chút trẻ con để khỏi sợ mình xa quê lâu quá.

Nhà ở TP HCM đắt đỏ, kiếm được chỗ chui ra chui vào là mừng lắm rồi. Vậy mà nhiều người vẫn trồng đủ thứ cây trái. Mái nhà bé xíu cũng làm sân thượng trồng cây, ban công chỉ 2 gang tay vẫn đặt thùng đổ đất, cửa sổ thì lủng lẳng chậu.

Nói cho ngay, nhiều người trồng cây bởi nhớ quê, tiếc vườn, cho đỡ thấy mình thừa thãi. Cả bờ tre ven sông sao mang vô thành thị, đành trồng dăm ba cây trúc phật bà lóng ngắn, dịp mưa về cũng có lá đổ nghiêng chiều. Nhớ bờ sông hoa súng thì dựng chậu thả vài cành sen, mùa thu cũng lá tàn, xuân sang nảy lộc. Có ai chê trồng cây đâu mà lo. Có anh trồng cây nhưng hàng xóm không có khoảng không trồng trọt, mỗi sáng cũng nấu trà sang nghêu ngao vài hơi thuốc, ngắm mặt trời lên qua kẽ lá. Mỗi dịp chủ nhà về quê, bạn lối xóm cũng qua tưới nước, săm soi.

Tôi có anh bạn làm báo quê gốc Quảng Trị, sau đó di cư vào Hàm Tân - Bình Thuận. Đậu đại học, anh vào TP HCM từ đó. Nay một vợ, 3 con, nhà lầu sân gạch nhưng anh vẫn nhớ mảnh vườn cháy nắng với tuổi thơ khó nhọc. Nhà anh thì trước bụi trúc che sân, hoa chen lủng lẳng; trên sân thượng cóc ổi, rau muống, rau mùng tơi, ớt... kín cả. Anh còn làm sách về hoa, về cây (tất nhiên cả về người nữa) và lập trang web Thích trồng cây. Chỉ vài năm, thành viên của nhóm này đã lên đến hơn 200.000 người. Thời gian ngắn thì họ lại gặp nhau tổ chức phiên "chợ 0 đồng" để tặng giống hoa, giống cây và chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt. Bởi số lượng người tham gia đông, có người gợi ý hợp tác quảng cáo, kiếm tiền, anh gạt phăng: "Thôi, dẹp!".

Thành phố rất... quê - Ảnh 2.

Ở TP HCM, nhiều tuyến đường đặt thùng trà đá miễn phí giúp cho bao người tha hương đỡ khát trên bước đường mưu sinh. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Du nhập người tứ xứ, TP HCM cũng cưu mang người tứ xứ. TP dễ sống, miễn đừng làm biếng. Ruộng đất ở quê ngày càng ít, nhiều người chọn nơi đây lập nghiệp. Còn thiếu thốn thì vợ phụ giúp quán ăn, chồng làm công nhân, bảo vệ cũng đắp đổi qua ngày. Có người đặt vài chiếc bàn nhựa ven đường, sáng bán vài món ăn điểm tâm, dăm ly cà phê cũng sống được. Gầy dựng rồi cũng nên, thiếu gì người được Sài Gòn cưu mang nay đã là tỉ phú rồi lại chung tay giúp kẻ còn cơ nhỡ.

Ở TP HCM, nhiều tuyến đường đặt thùng trà đá miễn phí. Trà đá thì không thể "ngon hơn người yêu cũ" như nhiều quán cà phê, trà sữa của lớp trẻ bây giờ nhưng nó đủ làm bao người tha hương đỡ khát trên bước đường mưu sinh. Nó thường gợi cho mọi người nhớ lại lu nước ở hiên nhà ngày xưa. Anh nông dân ghé ngang buổi trưa uống vài hớp, múc một gáo dội lên đầu chống nóng. Chị hàng xén ngồi nhấp giọng, trước khi đi nhúng khăn dấp lên trán cho da thêm mát. Bác buôn ve chai lỡ đường cũng hì hà tạt vào giải khát, tiện tay bẻ vài trái ớt cho thêm vị bữa trưa mang theo. Nhà thì dùng được mấy nhưng lúc nào cũng đổ nước đầy lu để ai cần luôn có mà dùng.

Khi bầy con xa quê vào thành thị, những bà mẹ lúc nào cũng canh cánh sợ chúng bơ vơ. Con cái dần lớn tuổi, có con, thậm chí có cháu nhưng dăm bữa nửa tháng mẹ lại gửi vào vài nải chuối, con gà, bó rau. Hầu như địa phương nào cũng có những chuyến xe riêng đến TP HCM. Những món quà quê cứ thế hằng ngày theo các chuyến xe được chăm chút gửi vào cho những đứa con xa. Mấy người gốc quê - mà TP HCM hầu hết cũng là gốc quê - gặp nhau cứ hỏi có món nào ngon từ quê không. Anh thì khoe cá diếc sông, gà thả vườn; chị thì nói có thịt heo nuôi rau, dăm con cá lóc đồng. Mở tủ lạnh lúc nào cũng thấp thoáng vài bó rau muống, cái bắp chuối, quày chuối chát xanh... phòng khi có khách.

TP HCM phồn hoa nhưng cũng rất tình cảm. Đến một ngày nào đó, chúng ta cũng không ngạc nhiên khi thấy trên các chuyến xe điện cao tốc, có anh chàng diện bộ vest, đeo cà vạt, miệng nhồm nhoàm gói xôi mẹ gửi vào tối qua. Ừ, thì xa quê chứ đâu có ai dứt lòng!

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo