xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tiếng ồn karaoke : Lẽ nào "bó tay"!

ThS Trần Thị Mai Khanh (gửi từ Singapore)

Cơ quan chức năng xem đó là chuyện cỏn con, không kiên quyết xử lý trong khi người hát thiếu ý thức, còn người xung quanh thì cả nể, sợ mất lòng hàng xóm... Vì vậy, "chương trình ca nhạc không theo yêu cầu" cứ hiển nhiên tồn tại

Từ mùng 1 đến mùng 3 Tết vừa qua, 3 gia đình sát vách nhà tôi thi nhau hát karaoke. Không chịu nổi, tôi phải ra quán cà phê ngồi đến nửa đêm. Vậy mà lúc tôi về, có nhà vẫn miệt mài hát. Âm thanh chói tai cứ đập chan chát vào tường khiến tôi không thể ngủ. Trở về sau 4 năm học tập, nghiên cứu ở Singapore, những ngày nghỉ quý giá của tôi bên gia đình bỗng trở thành nỗi ám ảnh bởi tiếng hát karaoke.

"Không phải Singapore"!

Đêm giao thừa, cả xóm thi nhau hát. Hình như loa nhà này to lên một chút thì nhà khác nhất quyết không thua. Thôi thì, năm mới ai cũng vui nên chấp nhận.

Sang mùng 1 đến mùng 3 Tết, nhiều gia đình lại tụ tập, thi nhau hát karaoke. Nghe tôi phàn nàn, mẹ động viên: "Ba mẹ quen rồi, mỗi tuần đều có liveshow karaoke mà. Đây không phải Singapore!".

Tôi đem bức xúc giãi bày với một người bạn làm ở UBND phường. Anh giải thích rằng xử phạt những người gây tiếng ồn ảnh hưởng đến những người xung quanh là chuyện không hề dễ dàng. Nếu có phản ánh, UBND phường lập đoàn kiểm tra liên ngành. Kế tiếp, đoàn kiểm tra cần có phương tiện đo tiếng ồn thì mới có bằng chứng xác thực rồi ra quyết định xử phạt. Trong khi đó, những người hát karaoke có thể vặn nhỏ loa nếu thấy bóng dáng lực lượng chức năng. Vì vậy, khu phố hay cảnh sát khu vực thường dùng cách nhắc nhở khi nghe hoặc tiếp nhận phản ánh. Dịp Tết, không những người có chức vụ mà cả người dân cũng ngại đụng chạm đến chuyện này. Không ai muốn mất láng giềng vì những chuyện cỏn con…

Nghe bạn nói, tôi không đồng ý và phản bác thì nhận câu trả lời không khác mẹ tôi là bao: "Đây không phải Singapore!".

Đúng, chúng ta chưa đuổi kịp nước bạn về nhiều mặt. Dù vậy, "chuyện cỏn con" như mọi người thường nhìn nhận lẽ nào khó xử lý đến vậy?

Tiếng ồn karaoke : Lẽ nào bó tay! - Ảnh 1.

Minh họa: KHỀU

Cần cứng rắn xử lý

Ở nhiều quốc gia, nhà chức trách đưa ra những biện pháp cứng rắn và hiệu quả. Tại Singapore, Bộ Môi trường trực tiếp tiến hành đánh giá độc lập về mức độ tiếng ồn nếu nhận khiếu nại từ người dân. Nếu tiếng ồn vượt quá mức cho phép, người gây ra có thể chịu mức phạt cao nhất là 2.000 USD; nếu tái phạm thì phạt thêm 100 USD.

Ở Anh, Luật Bảo vệ môi trường nêu rõ người gây tiếng ồn vượt quy định từ 23 giờ đến 7 giờ hôm sau có thể chịu trách nhiệm hình sự. Tại Trung Quốc, từ năm 2013, TP Thượng Hải thi hành đạo luật bao gồm rất nhiều hình phạt chi tiết đối với đối tượng gây tiếng ồn. Đơn cử, cơ quan chức năng cho phép người dân sử dụng những nhạc cụ, thiết bị khuếch đại âm thanh tại khu vực công cộng từ 10-18 giờ hằng ngày. Công an địa phương chịu trách nhiệm giám sát. Những người, nhóm người hát karaoke vượt quá âm lượng cho phép sẽ bị nhắc nhở hoặc phạt hành chính 30-72 USD/lần vi phạm.

Như những quốc gia trên, Việt Nam có hẳn quy định về xử phạt cá nhân, tổ chức gây tiếng ồn ảnh hưởng đến người xung quanh. Theo Luật Bảo vệ môi trường 2014 và nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này, hành vi gây tiếng ồn vượt quá giới hạn tối đa cho phép là vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, phải chịu xử phạt hành chính. Mức phạt có thể lên đến 160 triệu đồng.

Thực tế, những quy định pháp luật này chưa có "đất dụng võ". Nguyên nhân không khó để chỉ ra: Nhà chức trách xem đó là chuyện cỏn con nên không kiên quyết xử lý (thực tế, không ít gia đình cán bộ cũng tổ chức hát karaoke ầm ĩ trong các dịp nghỉ lễ, Tết); người hát thiếu ý thức, cho đó là chuyện riêng của gia đình họ, không liên quan đến hàng xóm dù tiếng loa chát chúa từ đầu đường đến cuối hẻm; người xung quanh cả nể, sợ mất lòng hàng xóm... Do đó, "chương trình ca nhạc không theo yêu cầu" cứ hiển nhiên tồn tại từ ngày này qua tháng nọ.

Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Việc hát hò là sở thích và nhu cầu của cá nhân nhưng việc mở loa lớn, bắt mọi người phải "thưởng thức" giọng ca của mình dù họ không có nhu cầu, hơn nữa ảnh hưởng đến sự nghỉ ngơi của người khác, là không thể chấp nhận được. Quy định đã có, vướng mắc chỗ nào thì cần có ngay biện pháp tháo gỡ. Chỉ khi cơ quan quản lý nhà nước quyết liệt vào cuộc và cứng rắn xử lý thì mới mong giải quyết triệt để tình trạng này. 

Mời tham gia diễn đàn

Trong thời buổi nhà nhà thi nhau hát, người người muốn làm ca sĩ, ắt hẳn rất nhiều người trong chúng ta đang là nạn nhân của "chương trình ca nhạc không theo yêu cầu" kiểu này. Thực tế, đã có không ít án mạng xảy ra liên quan đến karaoke tự phát.

Ý kiến của bạn về việc này ra sao? Bạn có đề xuất giải pháp gì để xử lý dứt điểm tiếng ồn tại khu dân cư, trong đó có tình trạng karaoke tự phát...? Mời bạn đọc gửi ý kiến về địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn. Trân trọng cám ơn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo