xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tin giả gây hậu quả thật: Phải chặn đứng!

Lê Phong - Chánh Trung - Sỹ Hưng

Nếu biết sử dụng các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền dân sự của bản thân thì chúng ta sẽ hạn chế được tình trạng xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác qua việc tung tin thất thiệt

Liên quan đến câu chuyện "hai nữ sinh hiếp dâm bạn nam đến chết", ngày 11-7, nữ sinh N.T.T.H (một trong hai nạn nhân) đã gửi đơn nhờ luật sư (LS) Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn LS TP HCM) tham gia bảo vệ quyền lợi cho mình. Theo LS Thảo, vài ngày tới, sẽ gửi đơn tố cáo đến Công an huyện Tánh Linh. Hiện tại, LS đã thu thập đầy đủ chứng cứ và việc điều tra, xử lý là nghiệp vụ của công an.

Trò đùa tai hại

Số là, tấm hình được hai nữ sinh chụp chung cách đây vài tháng tại TP HCM bỗng dưng bị một số trang tin đăng tải với nội dung cả hai đang bị công an tạm giữ vì hiếp dâm 1 nam thanh niên đến chết. Vụ việc xảy ra tại huyện Tánh Linh (Bình Thuận).

Thông tin bịa đặt trên khiến 2 nữ sinh sống trong cảnh hoảng loạn, không dám bước ra đường, thậm chí nghĩ đến việc tự tử vì không chịu nổi búa rìu dư luận.

Với cách thức tương tự, mới đây, một số trang tin lại đăng tải nội dung: "Hot girl 21 tuổi Tuyên Quang hiếp dâm ông lão 80 tuổi cho đến chết" kèm hình ảnh và tên của một cô gái trẻ gây xôn xao cộng đồng mạng.

Tìm hiểu về nguồn gốc của những tin, bài thất thiệt được chia sẻ trên mạng xã hội thời gian qua, có thể thấy đa phần có nguồn gốc xuất phát từ trang web cho phép người dùng có thể tự tạo các bản tin như một bài báo thật sự với đầy đủ hình ảnh, từ ngữ rồi chia sẻ lên mạng xã hội. Theo các chuyên gia công nghệ, đây là một trang web được tạo ra với mục đích giải trí, "troll" (đùa) người khác nhưng tại Việt Nam, nó biến tướng thành một trò đùa tai hại khi một số người sử dụng hình ảnh của người khác tạo bản tin giật gân, sốc mà không quan tâm đến hậu quả.

"Những tin đồn vừa qua xuất phát từ một trang web nước ngoài, mục đích là một trò đùa giả tin tức. Trang web ghi rõ: "Trang web không ủng hộ đăng tin giả mà đây chỉ là trò chơi khăm…". Bất kỳ ai cũng có thể lấy hình và đăng lên cùng tin thất thiệt nào đó để chơi khăm người khác. Trong trường hợp này, người dùng Facebook vì ham vui hoặc không đọc kỹ tin tức nên đã chia sẻ tràn lan làm ảnh hưởng đến nhiều người không quen biết" - ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc Công ty Bảo mật Nam Trường Sơn TP HCM, cho biết.

Còn theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo An ninh mạng ATHENA TP HCM, hiện nay với hàng chục triệu người sử dụng internet và mạng xã hội thì khi một tin tức, sự kiện được đưa lên, ngay lập tức khả năng lan truyền đến hàng trăm, hàng ngàn người biết. Nếu những tin đồn, thông tin giả mạo được đưa lên, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người. Ông Thắng đã gặp một số trường hợp, nạn nhân bị tung tin giả trên mạng nhưng không biết cách xử lý đã rơi vào khủng hoảng trầm trọng, đã có trường hợp nạn nhân tự tử hoặc có những phản ứng bất thường.

Tin giả gây hậu quả thật: Phải chặn đứng! - Ảnh 1.

Một trang tin giả mạoẢnh: Chánh Trung

Dùng biện pháp pháp lý để tự bảo vệ

Cảnh báo về tình trạng này, ông Ngô Trần Vũ cho biết các tin đồn thất thiệt do các trang web giả mạo tạo ra rất nhiều, khi tham gia mạng xã hội, hãy đọc thật kỹ trước khi chia sẻ thông tin bởi nếu thông tin chia sẻ làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự người khác thì bản thân cũng liên đới chịu trách nhiệm về các thiệt hại gây ra. "Hãy chỉ đọc các thông tin tại các địa chỉ tin tức tin cậy mà thôi. Nếu bạn bị thu hút vào một liên kết lạ, đó có thể là một tin tức có cài sẵn virus để lây nhiễm vào máy tính của bạn. Hơn nữa, các tin đồn được tạo ra có chủ ý gây hại cho người khác đều có thể bị các cơ quan chức năng xử lý để bảo vệ người bị hại" - ông Ngô Trần Vũ lưu ý.

Đối với các nạn nhân, ông Võ Đỗ Thắng khuyên khi bị các tin giả mạo, tin đồn thất thiệt tấn công, không được hoang mang, phải bình tĩnh để tìm cách xử lý; đặc biệt không nên có những hành vi bất thường, kích động. "Thời gian qua, nhiều người đã nhờ chúng tôi trợ giúp khi gặp phải những tin đồn ác ý. Tình trạng này ngày càng nhiều, chúng tôi đã phải tiến hành sử dụng bằng biện pháp nghiệp vụ kỹ thuật và kể cả đấu tranh pháp lý để hỗ trợ nạn nhân" - ông Võ Đỗ Thắng thông tin thêm.

Dưới góc độ pháp luật, LS Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM) cho biết hiện pháp luật Việt Nam đã có những quy định để bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, tổ chức bị xâm phạm thông qua việc tạo ra các tin đồn, tin giả mạo thất thiệt trên mạng xã hội (Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013; Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013; Bộ Luật Hình sự; Bộ Luật Dân sự…).

"Chúng ta khó có thể chủ động tránh được các tin tức giả mạo, tin đồn thất thiệt vì không thể biết được khi nào một tin đồn liên quan đến bản thân bị tạo ra. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc hạn chế chia sẻ các thông tin cá nhân, hình ảnh của mình, người thân, gia đình một cách công khai là điều cần thiết. Bên cạnh đó, nếu phát hiện có những tin tức, hình ảnh mang tính chất xuyên tạc, vu khống, giả mạo, làm xúc phạm đến danh dự, uy tín, hình ảnh của mình, người dân hãy mạnh dạn tố cáo đến cơ quan công an hoặc khởi kiện tại tòa án. Nếu không xác định được người đã đưa tin, có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng. Nếu người dân sử dụng các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền dân sự của mình, tôi tin rằng tình trạng xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác thông qua việc tung các tin đồn thất thiệt sẽ ngày càng bớt đi" - LS Hậu tư vấn.

Ngoài ra, LS Hậu đề nghị để ngăn chặn tình trạng vi phạm trên mạng xã hội, các cơ quan chức năng cần có quy định riêng áp dụng đối với người sử dụng mạng xã hội thay vì quy định chung đối với tất cả đối tượng như hiện nay.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần có hướng dẫn hoặc xây dựng hệ thống để tiếp nhận thông tin từ người dân và tiến hành xác minh, điều tra, xử lý cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Lên phương án ngăn chặn

Đại diện Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) Công an TP HCM cho biết gần đây rất nhiều trang tin giả mạo, có tên miền giống với một số báo, điển hình: channel24hnews.com, Tamsucongai…, tinsochomnay… Hầu hết các trang này có máy chủ đặt ở nước ngoài nên khó xác định chính xác đối tượng. Tuy nhiên, để hạn chế các website có thông tin độc hại, PC50 sẽ phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) lên phương án ngăn chặn hoạt động tại Việt Nam.

Những nạn nhân của tin giả

Hơn 1 năm trước, trên mạng xã hội xuất hiện tấm hình chụp 2 phụ nữ đứng tuổi, ngồi hút thuốc, bên dưới kèm nội dung: "Hai người phụ nữ Trung Quốc chuyên bắt cóc trẻ em, ai thấy mong báo công an, mọi người chia sẻ để đề phòng". Câu chuyện trở thành tâm điểm của dư luận.

Hai người phụ nữ bỗng dưng mang tội bắt cóc bởi sự đùa vui của người em họ là bà Nguyễn Thị Ngà (52 tuổi) và Hồ Thị Tuyết Trinh (42 tuổi; cùng ngụ phường 1, quận 5, TP HCM). Suốt mấy tháng liền, cả hai đối mặt hàng loạt phiền phức: bị đuổi đánh, đòi giữ lại để giao nộp công an... Gặp lại chúng tôi, bà Ngà vẫn còn hoảng sợ khi nhắc đến chuyện cũ. "Từ một trò đùa trên mạng mà cuộc sống chúng tôi bị đảo lộn, bước chân ra đường phải luôn đeo khẩu trang, giờ nhắc lại cũng còn sợ" - bà Ngà nói.

Cũng năm ngoái, chị Võ Thị Tú Mi (ngụ quận 7, TP HCM) trở thành nạn nhân của tin giả "Cô gái chết thảm do ngủ trước quạt máy" khi người lạ sử dụng hình ảnh cá nhân thêu dệt câu chuyện kinh hoàng rồi đăng tải trên các trang mạng để câu "like" và kêu gọi giúp đỡ.

"Một lần tôi ngủ trưa, bị bạn chụp hình và đăng lên Facebook để "dìm hàng". Chuyện đùa vui nghĩ cũng bình thường thôi không ngờ mấy trang mạng điện tử lấy hình rồi đăng tin sai sự thật. Hôm đó, tôi nhận hàng chục cuộc gọi của người thân, bạn bè hỏi thăm thực hư, có người còn nghi ngờ tôi câu kết với các trang mạng để lừa đảo. Vừa giận vừa lo, tôi tìm mọi cách liên hệ đến chủ trang mạng để phản ánh nhưng mấy trang này không có địa chỉ, số điện thoại. Muốn kiện cũng không biết kiện ai nên chỉ biết cầu mong cho mọi việc trôi qua nhưng đến giờ hình ảnh tôi vẫn còn đầy rẫy trên mạng" - chị Mi bức xúc.

Trước đó, giữa năm 2015, chị L.T.K.H (SN 1985) cầu cứu đến Báo Người Lao Động về việc chị bị nhiều người sử dụng tấm hình chị cùng người thân đi phát tờ rơi quảng cáo quán kem mới mở gán ghép là nhân vật Hương "mắt lồi". Lo sợ, chị không dám dùng xe máy đã bị chụp biển số đăng trên mạng vì sợ bị đánh hội đồng, phải đến Công an phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP HCM trình báo sự việc và cầu cứu báo chí.

Lê Phong

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo