xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tuyên chiến với nạn xâm hại trẻ em

Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP HCM)

Cần quy định cụ thể, rõ ràng về loại tội phạm; có biện pháp chế tài nghiêm khắc; hình phạt bổ sung phải phát huy được giá trị, giúp ngăn ngừa các hành vi xâm hại tình dục trẻ em tái diễn

Trước những sự việc xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây, nhiều người lo lắng, đặt ra câu hỏi: Vì sao XHTDTE ngày một tăng trong khi xã hội đang ngày càng phát triển?

Dễ thực hiện, khó xử

Có một thực tế, hành vi thú tính để lại hậu quả rất khủng khiếp, không chỉ vài vết thương xây xát trên thân thể mà gây tổn thương sâu sắc về tinh thần, khiến trẻ luôn tự ti, sợ hãi, mất niềm tin vào con người và cuộc sống. Trong thực tế lâm sàng, nhiều trẻ bị rối loạn stress sau sang chấn. Các hình ảnh sang chấn sẽ gắn sâu vào cảm xúc và luôn tồn tại trong tiềm thức của trẻ. Đối với các trường hợp này, rất khó điều trị vì trẻ không cởi mở, chia sẻ với bác sĩ.

Trong khi đó, việc thực hiện các hành vi dâm ô với trẻ là rất dễ dàng, bất cứ ở đâu, lúc nào trẻ cũng có thể trở thành nạn nhân của những tên "yêu râu xanh". Thực tế này đòi hỏi luật phải có những biện pháp chế tài nghiêm khắc để giáo dục răn đe và phòng ngừa chung. Các văn bản pháp luật hiện đang điều chỉnh các mối quan hệ liên quan trực tiếp đến trẻ em bao gồm: Hiến pháp 2013, Luật Trẻ em 2016, Bộ Luật Hình sự (BLHS) 2015... Tuy nhiên, để hiện thực hóa, áp dụng biện pháp chế tài cao nhất là BLHS 2015 vào thực tiễn đời sống xã hội đối với loại tội danh dâm ô trẻ em thật không dễ bởi vẫn còn nhiều hạn chế. Cho nên, vẫn có những tên "yêu râu xanh" nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, nạn nhân và gia đình thì uất ức, còn xã hội bất bình, phẫn nộ.

Tuyên chiến với nạn xâm hại trẻ em - Ảnh 1.

Một bé gái 9 tuổi bị xâm hại tình dục đến rạn xương tay ở huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội Ảnh: Huy Thanh

Phải điều chỉnh luật

Đối chiếu các quy định của pháp luật hình sự về "Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi" thì BLHS 2015 đã có những quy định chi tiết về tính chất, mức độ phạm tội, làm căn cứ xác định trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với người phạm tội so với các quy định BLHS 1999. Thế nhưng, về mặt khách quan của tội phạm, BLHS 2015 không mô tả cụ thể các hành vi khách quan (HVKQ) thực hiện tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Đây là một trong những vướng mắc khi xác định, phân tích cấu thành tội phạm để cấu thành tội danh theo đúng quy định của pháp luật hình sự (PLHS).

Đối với các văn bản dưới luật hướng dẫn xác định HVKQ của loại tội danh này chỉ có Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BNV ngày 2-1-1998 quy định: dâm ô là hành vi sờ, bóp,… vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em hoặc buộc trẻ em phải có hành vi như sờ, bóp…. vào những bộ phận kích thích tình dục của người đó. Văn bản trên hiện nay đã hết hiệu lực pháp luật vào ngày 18-1-2018. Điều này có nghĩa, để xác định HVKQ của tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi được quy định tại điều 146 BLHS 2015 là khó khăn, mơ hồ. Bên cạnh đó, việc xác định chứng cứ, thu thập lời khai của người bị hại khi chưa đủ năng lực hành vi làm căn cứ để truy cứu TNHS luôn gặp khó khăn do bị can, bị cáo chối tội, quanh co...

PLHS đã quy định rõ về loại tội phạm nhưng cơ chế áp dụng pháp luật còn lỏng lẻo, chưa sát sao đối với các hành vi phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Vì vậy, PLHS cần có những quy định cụ thể, rõ ràng về loại tội phạm, cần có các văn bản hướng dẫn về HVKQ của loại tội phạm. Việc quy định chi tiết về các HVKQ của phạm tội phải dựa trên lợi ích và sự an toàn tuyệt đối của trẻ, hướng đến sự bảo vệ cao mà trẻ em được thụ hưởng. Theo pháp luật Mỹ, tội phạm XHTDTE được chia làm 4 cấp độ và hành vi dâm ô trẻ em được định nghĩa trong luật Mỹ là "sự động chạm có chủ ý vào bộ phận nhạy cảm hoặc vùng vải vóc che phủ bộ phận nhạy cảm của người khác". Điều này cho thấy HVKQ của của tội phạm được mô tả một cách ngắn gọn, dễ hiểu, hướng đến sự an toàn tuyệt đối của trẻ em làm trọng điểm.

Về TNHS và hình phạt của cả 2 BLHS đều có khung hình phạt giống như nhau. Với tình hình, diễn biến của tội phạm dâm ô với người dưới 16 tuổi có xu hướng tăng đột biến, hậu quả để lại nặng nề, thì đây là hành vi đặc biệt nguy hiểm cần phải có biện pháp chế tài nghiêm khắc. 

Đeo thiết bị giám sát

Các hình phạt bổ sung quy định tại điều 146 BLHS là "cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm" chưa thể hiện được tính răn đe, phòng ngừa chung; sự an toàn của trẻ vẫn không được bảo đảm một cách tuyệt đối.

Đây là một dạng hành vi phạm tội xuất phát từ xu hướng tính dục không kiểm soát. Do đó, việc tái diễn là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Hơn nữa, rất khó phát hiện để truy cứu TNHS, nên các hình phạt bổ sung áp dụng với loại tội phạm này cần phải phát huy được giá trị, giúp ngăn ngừa các hành vi XHTDTE tái diễn.

Với pháp luật Mỹ, những người phạm tội XHTDTE ngoài hình phạt tù còn phải đeo thiết bị giám sát hoặc sẽ không được tiếp cận trẻ em. Thiết nghĩ, PLHS Việt Nam cần quan tâm nghiên cứu và áp dụng trên thực tế để bảo đảm tính phòng ngừa chung.

TP HCM lập đoàn giám sát công tác phòng chống xâm hại trẻ em

Từ ngày 16 đến 26-4, Ban Văn hóa - Xã hội (VH-XH) HĐND TP HCM tổ chức giám sát tình hình triển khai thực hiện Luật Trẻ em - công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn TP HCM.

Theo đó, HĐND TP sẽ giám sát các nội dung như: tình hình triển khai thực hiện công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn TP; thực trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại trên địa bàn TP; công tác phòng ngừa tội phạm, phát hiện hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; công tác tuyên truyền...

Trưởng Ban VH-XH HĐND TP HCM Thi Thị Tuyết Nhung cho biết năm 2018 có những vụ việc trẻ em bị xâm hại nhưng chứng cứ để buộc tội yếu, không đủ cơ sở pháp lý để cơ quan chức năng xử lý khiến dư luận bức xúc, hoài nghi. "Có những vụ báo chí đưa tin, chúng ta tưởng chừng như đã có đầy đủ chứng cứ, hành vi vi phạm đã rõ. Thế nhưng, đến giai đoạn điều tra thì chứng cứ rất yếu. Chính vì vậy, Ban VH-XH tổ chức giám sát các đơn vị trong việc triển khai Luật Trẻ em để biết được những kết quả, thuận lợi, khó khăn và kiến nghị để thực hiện Luật Trẻ em tốt hơn. HĐND TP sẽ có tiếng nói để các cơ quan chức năng, các tổ chức, hội đoàn trong việc tuyên truyền cho người dân để thực hiện tốt Luật Trẻ em hơn. Đồng thời, qua giám sát sẽ thấy những bất cập để đề xuất, kiến nghị giải quyết nhằm bảo vệ trẻ em tốt hơn" - bà Thi Thị Tuyết Nhung nói.

Về tình trạng trẻ em bị xâm hại trong thời gian qua, bà Nhung nhận định hầu hết trẻ bị xâm hại rơi vào trường hợp cha mẹ thiếu quan tâm, mất cảnh giác. "Nhiều phụ huynh cứ nghĩ người quen, người thân nên chủ quan. Thực tế, nhiều trẻ bị chính những người thân, quen đó xâm hại. Vì vậy, phụ huynh phải đặc biệt quan tâm đến con, đừng để con ở nhà một mình hoặc đi một mình nơi công cộng, chơi ở những vị trí không an toàn. Trẻ em lúc nào cũng cần phải được người lớn giám sát" - bà Nhung cảnh báo.

Để bảo vệ trẻ em, theo bà Nhung, luật đã có, các quy định hướng dẫn cũng đã có, cái cần làm chính là sự vào cuộc đồng bộ hơn của các cơ quan hữu quan. Đặc biệt, cơ quan bảo vệ pháp luật phải vào cuộc ngay khi xảy ra vụ việc để bảo vệ người bị hại, bảo vệ chứng cứ nhằm đấu tranh với tội phạm xâm hại trẻ em.

Bàn về vấn đề này, đại biểu HĐND TP Phan Thị Hồng Xuân cũng cho rằng để hạn chế việc xâm hại trẻ em, ngoài việc phải trang bị camera an ninh, cần có sự quan tâm của phụ huynh đối với con em mình. Ngoài ra, cần tuyên truyền về nếp sống văn minh, các quy định pháp luật cho người dân biết; pháp luật cần chế tài nghiêm khắc, mạnh hơn đối với hành vi xâm hại trẻ em.

T.Hoàng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo