xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vì sao người dân ngại tố cáo?

Luật sư NGUYỄN VĂN ĐỨC (Đoàn Luật sư TP HCM)

Trong các vụ việc người tố cáo bị hành hung, đe dọa, phần nhiều là thông tin cá nhân của họ không được giữ bí mật, để người bị tố cáo biết và sự vào cuộc chậm trễ của chính quyền địa phương…

Tình trạng người khiếu nại, tố cáo hay phản ánh, kiến nghị liên quan đến việc khiếu nại tố cáo bị hành hung, đe dọa hành hung hoặc bị hủy hoại tài sản không còn là cá biệt. Điều này ít nhiều làm cho người dân ngại gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền để phản ánh những vấn đề bức xúc trong cuộc sống vì sợ bị trả thù.

“Rước họa vào thân”?!

Trong lĩnh vực quản lý nhà nước hay phòng chống tham nhũng, người bị tố cáo hầu hết là có chức vụ nên người dân càng dè dặt hơn. Họ lo sợ cho sự an toàn tính mạng, sức khỏe của bản thân và người thân trong gia đình không được bảo vệ. Thực tế, một số trường hợp người dân tố cáo tiêu cực như “cát tặc” lộng hành, game bắn cá bủa vây trường học, khu dân cư... đã bị hành hung, thậm chí bị khởi tố ngược, làm cho công tác vận động nhân dân phản ánh, tố giác tội phạm, tiêu cực bị ảnh hưởng. Vừa qua, chuyện một công dân tố cáo “cát tặc” ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai bị lực lượng kiểm lâm bắt, trói, đánh, sau đó người này bị cơ quan chức năng huyện Nhơn Trạch khởi tố, bắt tạm giam là một điển hình. Rất may nhờ sự vào cuộc kịp thời của báo chí, của cơ quan có thẩm quyền nên công dân này được trả tự do.

Nhóm “đầu gấu” xông vào nhà hành hung bà Trần Thị Sen, quận 12, TP HCM vào tháng 7-2016 vì bà đã tố cáo sự hoạt động không an toàn của một cơ sở sản xuất nước đá. (Ảnh cắt từ camera của gia đình)
Nhóm “đầu gấu” xông vào nhà hành hung bà Trần Thị Sen, quận 12, TP HCM vào tháng 7-2016 vì bà đã tố cáo sự hoạt động không an toàn của một cơ sở sản xuất nước đá. (Ảnh cắt từ camera của gia đình)

Vào đầu tháng 3-2016, trên các tờ báo đã thông tin về vụ một người dân ở Hà Tĩnh tố cáo “cát tặc”. Ngay sau khi thông tin tố cáo được công bố, người tố cáo không chỉ bị bọn “cát tặc” đánh gây thương tích mà còn dọa giết cả gia đình. Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền đến ghi nhận thông tin và hứa sẽ có biện pháp xử lý.

Trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, người đứng ra tố cáo rất dễ “rước họa vào thân” hoặc bị chụp mũ “gây mất đoàn kết nội bộ”. Còn nhớ, vào năm 2014, Báo Người Lao Động từng phản ánh tình trạng một cán bộ Trung tâm Thể dục Thể thao Rạch Chiếc thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP HCM (nay là Sở Văn hóa - Thể thao) tố cáo cấp trên đã bị giáng chức, treo lương, liên tục bị trù dập. Trước nữa, ông Lê Xuân Mậu, Tổng Công ty Dâu tơ tằm Việt Nam, người được tuyên dương về thành tích chống tham nhũng, đã từng ngồi chơi xơi nước trong thời gian dài, bị đồng nghiệp chỉ trích vì cái tội “phá hoại đoàn kết nội bộ”. Rất may, các cơ quan phòng chống tham nhũng trung ương kịp thời vào cuộc, những nội dung tố cáo của ông được làm sáng tỏ và bản thân ông được tuyên dương về thành tích chống tham nhũng.

Làm lộ bí mật, chậm trễ và tắc trách

Từ khi Luật Tố cáo 2011 có hiệu lực thi hành, đến nay, có hàng trăm trường hợp người tố cáo có yêu cầu được bảo vệ. Điều này cho thấy yêu cầu được bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và tài sản của người tố cáo và người thân của họ là hết sức cần thiết. Thế nhưng, chỉ một số ít yêu cầu của người tố cáo là được đáp ứng. Điều này phần nào lý giải vì sao một bộ phận người tố cáo bị hành hung, đe dọa bị “xử” cả nhà, như trường hợp báo đã đăng.

Không chỉ yêu cầu được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, người tố cáo còn cần được bảo vệ bí mật thông tin cá nhân. “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi tiếp nhận tố cáo, giải quyết tố cáo, khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu do người tố cáo cung cấp có trách nhiệm giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của người tố cáo; đồng thời phải áp dụng biện pháp cần thiết theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có biện pháp cần thiết để giữ bí mật thông tin và bảo vệ cho người tố cáo” (điều 36 Luật Tố cáo).

Trong các vụ việc người tố cáo bị hành hung, bị đe dọa, phần nhiều là do thông tin cá nhân của họ không được giữ bí mật, để người bị tố cáo biết và sự vào cuộc chậm trễ, thậm chí là có dấu hiệu lơ là, tắc trách từ phía chính quyền địa phương. Một số nơi “giao khoán” việc bảo vệ tính mạng, tài sản của người tố cáo cho công an. Sự chồng chéo về trách nhiệm của các cơ quan cũng là nguyên nhân làm cho việc bảo vệ người tố cáo không được thực thi hiệu quả. Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra, người dân sẽ không dám đứng ra tố cáo, ảnh hưởng đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

Vì vậy, để giải quyết tình trạng này, Chính phủ cần có văn bản quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiếp nhận thông tin tố cáo, nếu để xảy ra tình trạng người tố cáo bị lộ thông tin, bị đe dọa hành hung thì người đứng đầu tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiếp nhận thông tin tố cáo phải bị xử lý kỷ luật. Dứt khoát không thể để như tình trạng hiện nay, mọi thiệt hại đều đổ vào người tố cáo còn các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền không thực thi đúng quy định về bảo vệ người tố cáo không bị ảnh hưởng gì.

Làm gì để dân không e ngại tố cáo cũng như bảo vệ người tố cáo, Báo Người Lao Động mở diễn đàn để rộng đường dư luận và đưa ra những giải pháp tốt hơn. Trân trọng mời bạn đọc góp ý qua các bình luận sau các bài viết hoặc gửi về địa chỉ: bandoc@nld.com.vn; toasoan@nld.com.vn.

Pháp luật quy định khá rõ

Hiện nay, pháp luật về khiếu nại, tố cáo đều có những quy định chi tiết về việc cơ quan nhà nước có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo và người thân của họ. Điều 5 Luật Tố cáo năm 2011 nêu rõ: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tiếp người tố cáo, tiếp nhận và giải quyết tố cáo theo đúng quy định của pháp luật; xử lý nghiêm người vi phạm; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín, việc làm, bí mật cho người tố cáo; bảo đảm quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo được thi hành nghiêm chỉnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định xử lý của mình”.

Luật Tố cáo 2011 dành hẳn một chương (chương V - từ điều 34 đến điều 40) bảo vệ người tố cáo. Theo quy định của chương này, người tố cáo được quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ họ và người thân thích của họ; bảo vệ tại nơi cư trú và nơi làm việc hoặc nơi có tài sản. Để được bảo vệ, người tố cáo phải làm đơn gửi đến người giải quyết tố cáo hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo. Trong trường hợp khẩn cấp, có thể gặp trực tiếp hoặc thông qua các hình thức thông tin khác để yêu cầu được bảo vệ ngay. Nghị định 76/2012/NĐ-CP ngày 3-10-2012 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Tố cáo cũng dành hẳn chương III từ điều 12 đến điều 18 quy định chi tiết về các biện pháp bảo vệ người tố cáo, bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo. Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 cũng quy định tại khoản 2 điều 65: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi nhận được tố cáo hành vi tham nhũng phải xem xét và xử lý theo thẩm quyền…; áp dụng kịp thời các biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố cáo khi có biểu hiện đe dọa, trả thù, trù dập người tố cáo hoặc khi người tố cáo yêu cầu”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo