xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Việt Nam đâu có tục đốt vàng mã!

Lê Phong - Phạm Dũng

Đại đức Thích Lệ Minh khuyến cáo thay vì mua giấy cúng, đốt vàng mã thì người dân nên dùng tiền giúp đỡ người kém may mắn thì sẽ tạo phước lớn, tâm tịnh, tạo được điều lành

Việc đốt vàng mã trong cúng bái đang trở thành chủ đề tranh cãi trong những ngày qua. Đại đức Thích Lệ Minh - Ủy viên Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Thiện Mỹ (TP HCM) - cho biết việc này có nguồn gốc từ thời nhà Hán của Trung Quốc chứ tín ngưỡng Việt Nam và đạo lý nhà Phật không đề cập.

Chỉ do truyền miệng

"Thuở ấy, khi vua băng hà thì sẽ cho vàng bạc, thực phẩm vào cùng thi hài rồi chôn. Sau đó, quan lại và giới giàu có làm theo. Tuy nhiên, do xảy ra tình trạng kẻ gian đào mộ trộm tài sản nên mọi người đổi sang việc lấy giấy làm tiền giả, vàng giả mang đốt và điều này ngày càng phổ biến" - đại đức Thích Lệ Minh lý giải.

Nói về việc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa yêu cầu không lạm dụng việc đốt vàng mã, đại đức Thích Lệ Minh tỏ ra rất ủng hộ. Đại đức khuyến cáo thay vì mua giấy cúng, người dân nên dùng tiền vào chuyện từ thiện, giúp đỡ người kém may mắn thì sẽ tạo phước lớn, tâm tịnh, tạo được điều lành.

Đồng quan điểm, thượng tọa Thích Duy Trấn, trụ trì chùa Liên Hoa (quận 11, TP HCM), nhấn mạnh rằng kinh Phật không nhắc phật tử phải đốt vàng mã. Mua giấy cúng mang đốt là gây lãng phí. 20 năm qua, phật tử đến chùa Liên Hoa thay vì đốt vàng mã cho người thân thì chùa vận động dùng số tiền đó mua tập sách cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn.

"Những ngày đầu rất khó khăn trong vận động, nhiều phật tử bất đồng, mang tro cốt của người thân về nhà hoặc sang chùa khác thờ tự" - thượng tọa Thích Duy Trấn kể. Ông cho biết năm 2016, thay vì đốt vàng mã thì phật tử chuyển thành 2 tỉ đồng và đến năm 2017 tăng lên 3,7 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền này được chùa mua tập sách tặng trẻ hiếu học, ở vùng sâu, vùng xa và mua nhu yếu phẩm tặng đồng bào khó khăn, vùng lũ lụt, thiên tai.

Thượng tọa Thích Duy Trấn phân tích: "Quan niệm trần gian như thế nào thì âm cảnh như vậy, không đốt vàng mã, tiền bạc thì người thân đã khuất sẽ thiếu thốn… chỉ là do truyền miệng từ đời này sang đời khác. Đốt vàng mã là không nên bởi không mang ý nghĩa gì cả".

Trong khi đó, luật sư Huỳnh Công Thư, Đoàn Luật sư tỉnh Long An, nhìn nhận tinh thần công văn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ là khuyến khích, hướng dẫn trong phạm vi các cơ sở Phật giáo, phật tử chứ không phải với quảng đại nhân dân và cũng không cấm hẳn. Hiện tại, những người "lương giáo", tức đạo thờ cúng ông bà, chiếm tỉ lệ rất nhiều trong xã hội nên tục đốt vàng mã cho người chết sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Dù vậy, nếu lạm dụng sẽ trở nên phung phí, nảy sinh tệ mê tín dị đoan và không còn là nét văn hóa trong thờ cúng ông bà nữa. Theo luật sư Thư, nên quy định quy mô, nơi đốt và cách đốt sao cho văn minh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, khuyến khích tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan là hay nhất chứ không nên cấm hẳn.

Việt Nam đâu có tục đốt vàng mã! - Ảnh 1.

Nhiều người thắp hương, đốt vàng mã ở chùa rất dễ gây ra nguy cơ cháy nổ và lãng phí Ảnh: Lê Phong

Vẫn tấp nập người mua

Mặc dù việc đốt vàng mã được khuyến cáo không nên nhưng tại chợ Bình Tây (quận 6) - nơi cung cấp vàng mã lớn nhất TP HCM - vẫn tấp nập người mua.

Bà Trần Thanh Trang, chủ sạp Ngọc Kiều ở chợ Bình Tây, cho biết: "Hai năm nay, rất nhiều người thích mua vàng mã hình điện thoại, nhà lầu, ô tô. Tôi không chỉ bán mà còn nhận đặt hàng theo yêu cầu của khách. Nhu cầu của họ bao nhiêu thì phải đáp ứng".

Về việc nếu cấm đốt vàng mã, bà Trang phản ứng, cho rằng không nên vì không vi phạm pháp luật. Theo bà, chuyện mua vàng mã là quyền của người dân. Hơn nữa, nghề làm vàng mã đang nuôi sống nhiều gia đình khó khăn, cấm là phi lý.

Phật tử Nguyễn Ngọc Lan (ngụ phường 9, quận 5, TP HCM) cho hay hiện nay, nhiều chùa ở trung tâm TP nói không với việc đốt nhang, vàng mã và bà ủng hộ chuyện này. "Ở những chùa lớn như Ngọc Hoàng và Vĩnh Nghiêm, dù khuyến cáo hạn chế đốt nhang, vàng mã nhưng nhiều người vẫn ào ào đốt, buộc những người làm công quả phải bỏ để bớt tránh gây ngột ngạt và hỏa hoạn" - bà Lan nói.

Gần 10 vụ cháy nhà, 20 người thiệt mạng

Cảnh sát PCCC TP HCM cho biết năm 2017, trên địa bàn TP có gần 10 vụ cháy nhà do đốt vàng mã. Trong đó, 20 người đã thiệt mạng và nhiều người bị thương. Hằng năm, lực lượng PCCC tốn rất nhiều công sức về việc tuyên truyền người dân hạn chế đốt vàng mã; nếu đốt phải có người trông coi, bỏ vào các vật chứa như thùng, chậu không bắt lửa.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo