xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xây dựng văn hóa giao thông: Không thể chần chừ (*): Mỗi người hãy là một tuyên truyền viên

Trần Quốc Hùng (chuyên viên Chính Ban ATGTTP, Điều phối viên sáng kiến "Vì ATGTĐB toàn cầu" tại TP HCM giai đoạn 2015 - 2025)

Phát động phong trào "Mỗi công chức - viên chức - công nhân - đoàn viên - thanh niên... là một tuyên truyền viên về văn hóa giao thông" qua đó động viên (và giám sát) nhau để mỗi cá nhân luôn nêu gương ở mọi lúc, mọi nơi

Xây dựng văn hóa giao thông là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì và nhiều sáng tạo, trong đó biện pháp cơ bản vẫn là sử dụng pháp luật vì nó phù hợp với xu thế xây dựng nhà nước pháp quyền và xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật.

Then chốt là ý thức

Song song với việc xây dựng khung pháp luật hữu hiệu, một yếu tố không thể thiếu để hình thành văn hóa giao thông văn minh, đó là ý thức tự giác chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông. Xây dựng khung luật pháp trong lĩnh vực giao thông không khó bằng xây dựng văn hóa thực thi luật giao thông và xây dựng ý thức tự giác của người tham gia giao thông. Đó là khâu then chốt trong quá trình xây dựng văn hóa giao thông nói chung.

Khái niệm "Văn hóa giao thông" có 2 lĩnh vực: văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Văn hóa vật chất gồm hạ tầng kỹ thuật giao thông, như: cầu, đường, đèn tín hiệu, biển báo... và phương tiện giao thông như: ôtô, xe máy, xe đạp... Văn hóa tinh thần gồm luật giao thông, văn hóa thực thi luật pháp, văn hóa chấp hành pháp luật và những hành vi ứng xử trong tham gia giao thông.

Xây dựng văn hóa giao thông phải xây dựng văn hóa vật chất trước ở một mức độ nhất định để tạo tiền đề và làm cơ sở cho sự thay đổi về tinh thần. Việc cải tạo, chỉnh trang, hoàn thiện, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông là biện pháp mang tính căn cơ, lâu dài; còn việc xây dựng khung luật pháp, cùng với việc giáo dục, tuyên truyền, phổ biến và vận động ý thức tự giác chấp hành các quy định pháp luật về giao thông đô thị phải được tiến hành thường xuyên, liên tục.

Trên thực tế, việc soạn thảo khung pháp luật không là vấn đề quá khó khăn, hiện tại Việt Nam cũng đã có những quy định pháp luật về giao thông đường bộ khá đầy đủ và tương đối chặt chẽ. Thế nhưng, kết quả điều tra xã hội học cho ra số liệu thống kê sau đây: Với các hành vi vi phạm thường xuyên như vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều, lấn làn, lấn tuyến, chạy vào đường cấm, chạy quá tốc độ quy định, lái xe sau khi uống rượu, bia thì kết quả có 71,8% số người được hỏi đã trả lời lý do vi phạm là "không nhìn thấy CSGT"; 55% trả lời "làm theo người khác"; 54,3% trả lời "do công việc gấp"...

Như vậy, các nguyên nhân chính đều thuộc về ý thức của người tham gia giao thông. Đó là một thực tế đáng quan tâm, nhất là thói quen "không thấy CSGT" là cứ chạy và tâm lý "làm theo người khác".

Xây dựng văn hóa giao thông: Không thể chần chừ (*): Mỗi người hãy là một tuyên truyền viên - Ảnh 1.

Xe máy dừng dưới cầu vượt trên xa lộ Hà Nội thay vì dừng trước vạch đèn giao thông. Ảnh: ANH VŨ

Bắt đầu từ giáo dục và nêu gương

Muốn xây dựng văn hóa giao thông nên bắt đầu từ đâu và từ ai? Đầu tiên, phải từ giáo dục và nêu gương. Trẻ em, học sinh học về luật giao thông chỉ có thể có kết quả tốt khi người lớn xung quanh, nhất là người thân nêu gương tốt.

Còn đối với người dân, việc tuyên truyền thường xuyên và trang bị kiến thức về luật giao thông là rất cần thiết bởi dù đã được học luật, được cấp giấy phép lái xe, nhiều người vẫn không nắm luật hoặc "quên", lúc đó CSGT là "thầy giáo" cho họ. Tư cách và "phương pháp sư phạm" của "người thầy" sẽ quyết định thái độ học tập và khả năng tiếp thu của người học - người tham gia giao thông.

Xây dựng văn hóa giao thông cho mọi người không chỉ có mục đích duy nhất là giảm thiểu tai nạn giao thông, mà còn là để xây dựng con người của thành phố văn minh cho hiện tại và tương lai.

Hành vi ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông chỉ có thể có được khi nó được tập luyện, nhắc nhở và thực hành thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, việc phải làm gương cho người khác về những chuẩn mực văn hóa, tự giác chấp hành các quy tắc khi tham gia giao thông cũng rất cần thiết. Trước hết, bằng những việc thật cụ thể, đơn giản, như: đội mũ bảo hiểm đúng quy cách, tôn trọng tín hiệu đèn giao thông, không chạy xe lấn làn, lấn tuyến, vi phạm tốc độ, chuyển hướng không đúng quy định, đi bộ băng sang đường không đúng quy định, không lái xe sau khi đã uống rượu, bia...

Những việc này tất cả mọi người đều có thể dễ dàng thực hiện, nhất là đối với cán bộ, công chức - viên chức, đoàn viên - hội viên các tổ chức chính trị xã hội...

Bên cạnh việc tự giác chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông, sự nhường nhịn cũng rất cần thiết và là yếu tố giúp bảo đảm an toàn. Nhường nhịn giúp người ta biết kiềm chế, tránh được những va chạm không đáng và là yếu tố cấu thành nên tên gọi văn hóa, văn minh giao thông.

Nên chăng, các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, trường học và các cơ quan báo chí... cùng liên kết, phối hợp phát động và duy trì phong trào "Mỗi công chức - viên chức - công nhân - đoàn viên - thanh niên... là một tuyên truyền viên về văn hóa giao thông", qua đó, cùng động viên (và giám sát) nhau để mỗi cá nhân luôn nêu gương ở mọi lúc, mọi nơi!

Những giải pháp cần thực hiện

Ngay từ bây giờ, ngoài việc thường xuyên cải thiện, nâng cao cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông, đầu tư cho thông tin, tuyên truyền (kể cả quảng cáo) bằng công nghệ thông tin kỹ thuật số là một trong những giải pháp đầu tư thuận tiện nhất (hình ảnh, màu sắc và âm thanh), tốc độ chuyển tải thông tin nhanh nhất, rẻ nhất (chia đều cho nhiều người), lưu trữ tư liệu lâu nhất.

Song song đó, phải xử phạt nghiêm minh, tăng nặng mức xử phạt gấp 2- 3 lần so với mức phạt hiện nay. Xử lý nghiêm những cá nhân trong lực lượng các cơ quan chức năng không làm tròn nhiệm vụ thực thi công vụ.

Nói mãi nhưng không thể không nói

Từ ngày 22-6 đến nay, diễn đàn "Xây dựng văn hóa giao thông: Không thể chần chừ!" đã nhận được rất nhiều ý kiến, bài viết của bạn đọc gửi đến. Nói như bạn đọc Ngoc Le: "Chuyện này nói hoài, nói mãi nhưng không thể không nói. Phải nói cho đến khi văn hóa giao thông thật sự tốt lên, làm sao để những điều văn minh trở thành thói quen, thành chuyện tất nhiên chứ không phải khẩu hiệu".

Ngoài việc chỉ ra những thói xấu khi tham gia giao thông, như: thản nhiên vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, leo vỉa hè, nghe điện thoại khi chạy xe, phóng từ đường hẻm ra đường chính mà không nhường đường, vượt đèn đỏ để rẽ phải - trái khi không được phép..., bạn đọc đã phân tích và cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này.

Bạn đọc Nguyen, Hương, Nguyễn Phương, Sao Khuê... chỉ ra rất nhiều người chỉ biết leo lên xe máy rồi chạy, không cần quan tâm luật lệ, không ý thức được phần đường mình được phép lưu thông, muốn rẽ trái hay phải phải chạy ở phần đường nào, cứ thấy chỗ trống thì chạy vào, không nhường đường cho ai, sẵn sàng cúp đầu xe khác để rẽ, mọi người đã dừng đèn đỏ đúng vạch từ đầu nhưng một vài người lao như tên bắn vượt lên đứng trước mọi người ngay vạch dành riêng cho người đi bộ, rồi đèn tín hiệu màu xanh không đi mà đứng "buôn dưa lê" với nhau...

"Vô trật tự, hỗn loạn, nguy hiểm..., nhất là xe máy. Vì sao? Đơn giản vì họ chưa/không bị xử phạt khi vi phạm. Tôi chắc chắn 100%, bị phạt nặng 1- 2 lần, họ sẽ không dám tái phạm..." - bạn đọc Penalty007 nói thẳng.

Bàn về giải pháp, bạn đọc Ngọc Mai, Diep Minh, Phan Bảo... cho rằng xây dựng văn hóa giao thông cần có sự phối hợp của nhiều ngành, từ gia đình đến xã hội. Thói quen tốt cần phải được giáo dục, rèn luyện từ nhỏ, lặp đi lặp lại. Đẩy mạnh tuyên truyền trên phương tiện thông tin cũng là phương pháp hay thay cho những game show vô bổ, phim Trung Quốc tràn lan. Tập trung vào phạt nguội, phạt tối đa, cương quyết không thỏa hiệp, không du di. CSGT làm đúng trách nhiệm của mình, phân luồng cho xe chạy, chống kẹt xe ngay từ đầu; không lập chốt mà tuần tra liên tục trên các nẻo đường để xử phạt các trường hợp vi phạm. Quản lý đô thị phạt thật nặng những người lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán...

"Chế tài mạnh, đánh đúng vào túi tiền thì mới đủ sức răn đe. Ngay cả quốc gia như Mỹ, lỗi vi phạm giao thông bị phạt rất cao mới lập được trật tự giao thông" - bạn đọc Phan Quang Nhựt đề xuất.

Với bạn đọc Lê Minh: "Phải xem đã đủ luật cho người tham gia giao thông chưa (người đi bộ, xe đạp, xe máy, ôtô...)? Nếu chưa đủ luật thì phải bổ sung cho đủ. Nếu luật có rồi thì cần rõ ràng, chi tiết các tình huống để có vấn đề thì có thể tìm đọc, áp dụng luôn. Khi mọi người tham gia giao thông đúng luật, tự khắc sẽ có văn hóa giao thông".

H.Hiếu

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-6

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo