bạn đọc viết

Xây thêm thủy điện, không thể không lo

14 Tháng 07, 2017 | 22:00

Bảo đảm an toàn các công trình thủy điện chính là bảo vệ cuộc sống người dân, sự bình yên của xã hội và hiệu quả hoạt động của chính doanh nghiệp đầu tư.

UBND tỉnh Quảng Nam vừa có tờ trình gửi HĐND tỉnh đề nghị bổ sung 4 dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn Nam Trà My. Theo tờ trình, việc xây dựng 4 dự án là cần thiết và ít ảnh hưởng đến môi trường, đất rừng nên cần được xem xét.

Tỉnh Quảng Nam hiện có 42 dự án thủy điện. Không phủ nhận đây là những công trình mang lại nguồn năng lượng rất lớn, đồng thời góp phần đầu tư cở sơ hạ tầng cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, thủy điện cũng đã để lại quá nhiều hậu quả mà người dân sống gần khu vực các công trình thủy điện phải hứng chịu, như: lũ, động đất, mất diện tích đất sản xuất, nhà cửa hư hại...

Kể sơ sơ, năm 2009, khi thủy điện A Vương (huyện Đông Giang) xả lũ đột ngột, cộng với mưa lớn, nhiều xã ở hạ du vùng Đại Lộc bị lũ kép gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Năm 2012, thân đập thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My) rò rỉ, động đất xảy ra liên tục khiến hàng ngàn người dân Bắc Trà My đứng ngồi không yên, nhiều nhà cửa người dân xã Trà Đốc, gần chân đập thủy điện nứt toác. Tiếp đến, năm 2013, thủy điện Đắk Mi (huyện Phước Sơn) xả lũ gây xói lở đất, cuốn trôi nhiều tài sản của dân… Tháng 9-2016, sự cố vỡ cống dẫn dòng đập thủy điện Sông Bung 2 (huyện Nam Giang) khiến 28 triệu m3 nước đổ xuống hạ du cuốn trôi nhà, người dân phải tháo chạy lên núi trú tránh.

Quả thật, từ khi các dự án thủy điện được triển khai tại Quảng Nam, người dân nơi đây ăn ngủ không yên. Các hồ, đập thủy điện như những "quả bom nước" treo trên đầu người dân ở nhiều khu vực dân cư. Hàng ngàn hộ dân các huyện miền núi Quảng Nam phải nhường nhà cửa, đất sản xuất cho thủy điện, đến tái định cư ở những nơi khó khăn, không có đất sản xuất, tái nghèo và nhiều hệ lụy khác. Ngoài ra, tính đến tháng 4-2017, Quảng Nam đã mất 1.420,73 ha diện tích rừng để chuyển mục đích sử dụng phục vụ cho thủy điện. Rừng mất nhưng việc trồng rừng thay thế thì chỉ tồn tại trên giấy vì không tìm đâu ra diện tích để trồng rừng.

Có thể thấy việc xây dựng ồ ạt nhiều công trình thủy điện nhưng chủ đầu tư tắc trách, chính quyền địa phương không làm tốt công tác quản lý quy hoạch, thiếu sâu sát đã dẫn đến quá nhiều hệ lụy. Vì thế, nay nghe tỉnh Quảng Nam đề nghị bổ sung 4 thủy điện, người dân không thể không lo. Thiết nghĩ, với từng dự án thủy điện, rất cần phải thẩm định chặt chẽ, có báo cáo tác động môi trường, sinh thái do cơ quan chuyên môn thực hiện và đặc biệt là lấy ý kiến người dân - những người hứng chịu hậu quả trực tiếp nếu xảy ra sự cố. Bảo đảm an toàn các công trình thủy điện chính là bảo vệ cuộc sống người dân, sự bình yên của xã hội và hiệu quả hoạt động của chính doanh nghiệp đầu tư.


Phạm Nguyễn Quỳnh Thư

Viết bình luận

CHUYÊN TRANG PHỤ NỮ

Email: phunu@nld.com.vn

NHẬN EMAIL MỚI HÀNG NGÀY

Đăng ký nhận tin mỗi ngày từ chuyên phụ nữ

Giấy phép số 115/GP- BTTTT cấp ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Tổng Biên tập: TÔ ĐÌNH TUÂN
Địa chỉ: 123 - 127 Võ Văn Tần, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3 - TPHCM, Điện thoại: 028-3930.6262 / 028-3930.5376, Fax: 028-3930.4707. Email: toasoan@nld.com.vn
Bản quyền thuộc về Báo Người Lao Động. Các website khác đã được chúng tôi đồng ý cho khai thác thông tin, khi đăng lại phải ghi rõ nguồn: Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).