xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xe buýt như thế, ai dám đi!

Nhóm phóng viên

Chen lấn, mất an ninh, chờ đợi lâu, đi bộ xa, xe bỏ trạm, chạy không đúng giờ... là những nguyên nhân khiến người dân không chọn xe buýt làm phương tiện đi lại

Gọi đến đường dây nóng của Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Thành Khôi (70 tuổi, quê Tây Ninh) trình bày: “Tôi hay đi khám bệnh ở Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM. Thông thường, sau khi đi xe khách từ Tây Ninh xuống Bến xe An Sương, tôi đón xe buýt số 66 để tiếp tục đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Tôi mới “gặp” lại cô gái lần trước móc túi lấy tiền của tôi trên tuyến xe buýt này. Đi xe buýt nhiều chuyện bực mình lắm. Nhà báo thử đi thực tế coi sao”.

Mất an ninh

Theo ông Khôi, lần trước ở trên xe, khi đang loay hoay với giỏ đồ để nhập viện, có cô gái nói giọng Huế đến bắt chuyện làm quen. Khi cô ta xuống trạm, ông Khôi thấy một số tờ tiền rớt ra ghế. Kiểm tra, ông phát hiện mất tiền nhưng nghĩ mình xui nên không báo công an.

Lần này, ông lại đi xe buýt số 66 để xuống TP tái khám và gặp lại “cố nhân” đang bắt chuyện với một phụ nữ khuyết tật. “Thấy tôi nhìn, cô ta trợn mắt nói: “Nhìn gì mà nhìn”. Khi xuống xe, cô ta sấn tới chỉ vào mặt tôi đe dọa: “Đi xe ai làm gì thì kệ nha, coi chừng đó!”. Nhìn thấy có 2 thanh niên xăm đầy người đi cùng cô ta, tôi không dám nói gì, chỉ bỏ đi thật nhanh”.

Ngoài chuyện bị móc túi trên xe buýt, Báo Người Lao Động còn nhận được phản ánh của bạn đọc về việc một số đối tượng lợi dụng sự cả tin của hành khách để mồi chài xin tiền. “Có lần, tôi ngồi trên xe buýt (tuyến qua đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh), một thanh niên khoảng 25 tuổi, ăn mặc lịch sự đến nài nỉ xin ít tiền về Đồng Nai vì “bị kẻ gian móc bóp lấy hết tiền”. Lần sau đi, tôi lại gặp anh ta xin tiền cũng với lý do cũ” - chị Nguyễn Thị Hương (ngụ quận Bình Thạnh) nhớ lại.

Còn theo chị Hà Thị Thương (ngụ quận 10), trên xe buýt sợ móc túi, lừa đảo, ở nhiều bãi, trạm dừng xe buýt cũng không tránh khỏi móc túi, xin “đểu”, như bãi xe buýt trong Công viên 23 Tháng 9, khu vực gần vòng xoay Cống Quỳnh (quận 1), trạm xe buýt đoạn gần Bệnh viện Ung Bướu (quận Bình Thạnh)...

Với chị Lê Thị Tuyết (sinh viên), đi xe buýt còn có một nỗi lo “khó nói”. “Chiều 1-4, làm thêm xong, tôi bắt xe buýt số 19 để về ký túc xá khu B ĐHQG TP HCM. Khi tôi đang thiêm thiếp ngủ thì giật mình tỉnh dậy, phát hiện bị một người đàn ông đang động chạm vào cơ thể. Bị tôi phản ứng, ông ta còn chửi mắng, dọa đánh” - chị Tuyết kể.


Sinh viên Trường ĐH Nông Lâm phải vượt dải phân cách, xe cộ tấp nập để tới trạm xe buýt. Ảnh: Quốc Chiến

Sinh viên Trường ĐH Nông Lâm phải vượt dải phân cách, xe cộ tấp nập để tới trạm xe buýt. Ảnh: Quốc Chiến

Tài xế vừa lái xe vừa nghe điện thoại Ảnh: Phạm Dũng
Tài xế vừa lái xe vừa nghe điện thoại Ảnh: Phạm Dũng

Trạm dừng không hợp lý

Sáng 5-4, chiếc xe buýt số 55 xuất bến ở chung cư Man Thiện (quận 9). Chúng tôi lên xe khi bên trong rác vương vãi đầy sàn. Nội thất, kính xe buýt cũng bám đầy bụi bẩn. Máy lạnh, đèn xe “biến mất”. Tương tự, những chuyến xe buýt 76, 12, 99 cũng nhếch nhác, máy lạnh không mở. Bà Nguyễn Thị Lành, một hành khách thường xuyên đi xe buýt số 76, cho biết: “Máy lạnh hư hết rồi, mà không hư thì nhân viên cũng không mở. Đi hết đường lớn, người ta cho mình mở cửa sổ”.

Không chỉ xe buýt cũ kỹ, hư hỏng, nhiều trạm xe buýt, bến xe buýt cũng sơ sài, xuống cấp. Tại xa lộ Hà Nội, đoạn trước cổng Trường ĐH Công nghệ Thông tin, Suối Tiên, Ngã ba 621 là trạm xe buýt có nhiều người dân và sinh viên đi lại nhưng không có nhà chờ, mái che, hàng rong đầy rẫy. Trời nắng gắt, đứng đón xe buýt nơi đây thực sự là cực hình.

Nói về lý do không muốn đi xe buýt, anh Lê Văn Bình (ngụ quận 9) còn cho biết thêm: “Việc bố trí các trạm dừng không hợp lý, phải đi bộ cả cây số, ai chịu cho nổi. Rồi nhiều tuyến đường xe cộ qua lại rất đông, người đón xe buýt phải băng ngang qua đường, nguy cơ bị tai nạn rất cao. Đã vậy, những giờ cao điểm, kẹt xe, nhiều xe buýt vô tư bỏ chuyến, bỏ trạm khiến hành khách khốn đốn”.

Có mặt tại chân cầu Sài Gòn (quận 2), nơi có 2 trạm xe buýt đông đúc hành khách lên xuống, chúng tôi ghi nhận do nút giao thông cách đó khoảng 500 m nên để đến trạm đón xe buýt, nhiều hành khách phải băng qua đường, leo dải phân cách bất chấp mối nguy hiểm từ xe cộ qua lại. Cũng vậy, tại khu vực trạm xe buýt Suối Tiên, Quốc lộ 1 đoạn Trường ĐH Nông Lâm, nhiều người phải leo rào, rẽ lối cắt đường để đến được trạm xe buýt.

Tài xế làm “xiếc”

Khoảng 14 giờ ngày 5-4, chiếc xe buýt 65 mang BKS 53N-6400 bắt đầu di chuyển từ Công viên 23 Tháng 9 về Bến xe An Sương. Khi đến trạm Bến Thành, tài xế đón nam hành khách mang theo một giỏ gà sống và ra giá 25.000 đồng cho cả người và gà. Người này chỉ chấp nhận trả 10.000 đồng, tài xế quát: “Bình thường chở một con gà chọi là 70.000 đồng rồi”, sau đó thả nam hành khách xuống trạm kế tiếp. Trên đường đi, tài xế liên tục cười nói, trò chuyện qua điện thoại rồi lạng lách. Đi được nửa đường, xe đón một người mặc thường phục để thay nhân viên xé vé, thu tiền xe buýt. Gặp một ông lão đưa CMND để miễn phí vé xe buýt, người này hằn học quay đi, không thèm đưa vé xe.

Thỉnh thoảng đi xe buýt, chị Ngọc Lan (ngụ quận 12) kể: “Có lần, tôi lên một xe buýt từ bến Tham Lương để ra Bến Thành, hơn phân nửa hành trình, tài xế sử dụng điện thoại để nói chuyện với bạn bè. Xe qua ngã ba, ngã tư đông người mà tài xế chỉ lái một tay còn tay kia cầm điện thoại. Tôi gọi lên đường dây nóng dán trên xe nhưng bên đó không ai nghe máy”.

Câu chuyện của chị Ngọc Lan không phải là duy nhất, anh Minh Phi (ngụ quận 11, thường xuyên đi xe buýt từ Đầm Sen ra Bến Thành) kể câu chuyện khác “hãi hùng” hơn: “Hôm đó, sau khi rời bến ở Đầm Sen, tài xế vừa lái xe vừa đếm tiền và vừa cắn hạt dưa. Tôi thót tim khi lâu lâu có xe máy cúp đầu xe buýt mà bác tài vẫn vô tư ăn hạt dưa. Ngồi trên mấy xe như vậy, chắc có ngày lên máu”.

Sợ chờ đợi, kẹt xe

Một điều nữa khiến người dân ngại đi xe buýt là tốn quá nhiều thời gian vì chờ đợi và kẹt xe. Chị Trần Thị Hà (ngụ phường Linh Trung, quận Thủ Đức; thường xuyên lên chuyến xe buýt số 19 đi ĐHQG - Bến Thành) cho biết: “Tuyến này xe đi lòng vòng, mất nhiều thời gian, từ khu vực gần Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên lên đến bến xe Bến Thành mất hơn 1 giờ, bữa nào kẹt đường thì mất 2 giờ mới tới nơi. Đó là chưa nói sau khi về bến, tôi phải mất 15.000 đồng xe ôm nữa mới đến chỗ làm việc được. Bất đắc dĩ mới phải đi xe buýt”.

Anh Lê Văn Quỳnh (sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn; đi tuyến xe buýt số 8 ĐHQG - Bến xe quận 8) phải đến trạm xe buýt từ 5 giờ để đi học không bị trễ giờ do tuyến này liên tục kẹt xe. “Không có xe máy nên phải chọn xe buýt làm phương tiện chứ thật sự bất tiện lắm” - Quỳnh nói.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo