xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đổi thay ở vùng biển anh hùng

Bài và ảnh: TRƯƠNG THANH LIÊM

Từ vùng quê biển anh hùng bị bom đạn cày xới, Đảng bộ và nhân dân huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế biển vừa làm tốt công tác quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo

Tôi vốn là người dân xứ biển Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Tuy xa quê hơn 40 năm nhưng mỗi khi nghe ai nhắc đến vùng quê biển, nơi chôn nhau cắt rốn, cảm xúc của tôi luôn dạt dào.

Cuộc hy sinh to lớn

Thạnh Phú là 1 trong 3 huyện tiếp giáp với biển Đông của tỉnh Bến Tre, cùng với Bình Đại và Ba Tri. Bờ biển Thạnh Phú dài hàng chục km đi qua 2 xã Thạnh Hải và Thạnh Phong (được tách ra từ xã Thạnh Phong cũ).

Đây là mảnh đất anh hùng, đi vào huyền thoại với rất nhiều câu chuyện bi hùng về đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; là nơi tiếp nhận 56 lượt tàu " không số" vào ra vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam. Ở khu vực ngã ba Mũi Tàu, giao nhau giữa xã Thạnh Hải và xã Thạnh Phong, giờ là Khu Di tích lịch sử văn hóa quốc gia "Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam". Cách đó không xa là bia tưởng niệm 21 nạn nhân bị bom Mỹ tàn sát dã man, trong đó có 2 phụ nữ mang thai.

Để ngăn chặn sự tiếp tế vũ khí của miền Bắc vào bãi biển Thạnh Phú, từ ngày 31-12-1963 đến 22-1-1964, Bộ Tổng Tham mưu quân lực Việt Nam Cộng hòa đã mở chiến dịch "Phượng Hoàng TG1" quy mô lớn, đánh vào xã Thạnh Phong. Bằng ý chí kiên cường, các lực lượng vũ trang, quân và dân ta đã làm nên nhiều chiến công hiển hách như: Vàm Rỗng, Trảng Băng, Bến Mong, Khâu Băng,… bẻ gãy chiến dịch Phượng Hoàng TG1.

Thật khó diễn tả cảm xúc khi vào thăm Khu Di tích lịch sử văn hóa quốc gia "Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam". Thắp nén nhang tưởng nhớ đồng đội đã ngã xuống, ông Nguyễn Văn Đức, một trong những thuyền trưởng của những con tàu "không số", nhớ lại: "Trước khi xuất phát ra Bắc, chúng tôi luôn nhớ lời dặn của chị Ba Định (bà Nguyễn Thị Định, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân) là phải bảo vệ cho bằng được lãnh hải quốc gia, không để địch đánh chiếm, kiểm soát vùng biên giới biển của 3 huyện Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại. Từ đó, anh em hạ quyết tâm dù có hy sinh vẫn quyết lòng giữ được con đường "Hồ Chí Minh trên biển" góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước".

Từ năm 1945 đến 1975, quân và dân Thạnh Phong đã đánh địch trên 200 trận lớn nhỏ, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng bảo vệ vững chắc quyền kiểm soát tuyến đê biển xung yếu, bảo vệ, lai dắt an toàn hàng chục con tàu vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Toàn xã hiện có 450 gia đình liệt sĩ, 200 thương binh, hàng trăm gia đình nuôi chứa cách mạng đủ để minh chứng cho một cuộc hy sinh to lớn để giữ vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 Đổi thay ở vùng biển anh hùng - Ảnh 1.

Khu Di tích lịch sử văn hóa quốc gia “Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam” ở huyện Thạnh Phú trở thành điểm đến tham quan lý tưởng của du khách

Đổi thay nơi bom đạn cày xới

Khép lại quá khứ, trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng bộ và nhân dân huyện Thạnh Phú, các xã Thạnh Hải, Thạnh Phong đã và đang nỗ lực thực hiện mục tiêu “kép”: Vừa phát triển kinh tế biển trên nền tảng du lịch và khai thác thủy sản vừa làm tốt công tác quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Ông Lê Văn Tiến - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạnh Hải - nhìn nhận từ vùng đất anh hùng trong kháng chiến, Thạnh Hải giờ là xã anh hùng trong công cuộc kiến thiết quê hương; trở thành điểm sáng của tiểu vùng, của huyện, tỉnh trên lĩnh vực du lịch, năng lượng sạch. Trong xây dựng nông thôn mới, Thạnh Hải thực hiện đạt 19/19 tiêu chí, được công nhận là xã an toàn khu. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 45 triệu đồng/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 3%.

Đứng trên biển cồn Tra, xã Thạnh Hải giữa nắng ban mai của một ngày cuối tháng 7-2020, ông Võ Hữu Trí, 80 tuổi, chỉ tay về con đường láng vo, thẳng tắp mới hoàn thành rồi đưa mắt nhìn ra khơi xa, nơi đang hình thành những trụ điện của nhà máy điện gió đầu tiên trên vùng quê biển gian lao mà anh dũng. Ông Trí nói: "Đời sống người dân quê biển Thạnh Phú giờ sung túc; điện, đường, trường, trạm, điện thoại đều có đủ hết, bù lại trước đây khổ cực trăm bề, bị bom giặc cày xới".

Về thăm lại quê biển Thạnh Phú, tôi cũng như rất nhiều du khách ngạc nhiên trước sự phát triển du lịch biển rất thành công của huyện nhà, ấn tượng trước nhiều bãi biển vẫn còn giữ nguyên nét hoang sơ, dân dã gắn với những rừng cây nước mặn đặc trưng xứ biển như dương, phi lao.

Một lợi thế khác mà Thạnh Phú đang khai thác hiệu quả cho phát triển du lịch về nguồn, du lịch tâm linh, đó là xây dựng các tour, tuyến du lịch kết nối với các thắng cảnh, khu di tích lịch sử cấp quốc gia: "Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam", "Đường Hồ Chí Minh trên biển", miếu thờ bà Chúa Xứ…

Từ trung tâm tỉnh Bến Tre đến Thạnh Hải chỉ khoảng 60 km trên con đường to rộng, phẳng lì nên chỉ mất xấp xỉ 60 phút là du khách đã có mặt ở Thạnh Hải. Từ khi cầu Rạch Miễu, Cổ Chiên, Hàm Luông thông xe thì biển Thạnh Hải lại càng gần hơn, thuận lợi hơn với du khách TP HCM, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Từng là nơi bom đạn cày xới, cuộc sống của người dân Thạnh Phú đang thay đổi từng ngày. 

Nối tiếp nhau canh giữ biên cương Tổ quốc

Chúng tôi theo con tàu đánh bắt của ông Trí ngược ra phía vàm Khâu Băng để tiến ra phao số 0, nơi đánh dấu hải phận Việt Nam với vùng biển quốc tế. Qua những câu chuyện rất đời thường được nghe các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thạnh Phú kể lại, chúng tôi cảm nhận được sự vất vả, hy sinh để canh giữ đường biên, bảo vệ chủ quyền biển đảo, giúp bà con ngư dân an yên đánh bắt, làm giàu từ vùng biển thân yêu của mình.

Chiều xuống. Biển Thạnh Phong đẹp rực rỡ. Những chiếc tàu tuần tra của Bộ đội Biên phòng Thạnh Phú đang hối hả ra khơi mang theo những ánh mắt, nụ cười rất " lính" và rất " biển". Chúng tôi hiểu trên vùng quê biển anh hùng với bao câu chuyện bi hùng đã có nhiều thế hệ nối tiếp nhau canh giữ biên cương Tổ quốc, ngày đêm lênh đênh trên sóng biển muôn trùng để giữ mãi chủ quyền biển đảo thân yêu.

Mời bạn đọc dự thi viết về chủ quyền biển đảo

Với mục đích đẩy mạnh tuyên truyền, lan tỏa truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết "Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm" năm 2020-2021.

Phạm vi đề tài:

- Các tác phẩm dự thi phải đề xuất ý tưởng, giải pháp có căn cứ khoa học trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam; cũng như góp phần phát triển kinh tế biển, văn hóa biển và bảo vệ môi trường biển Việt Nam.

- Cảm nhận về biển đảo; tình yêu đối với biển đảo Tổ quốc Việt Nam.

- Sự hy sinh, không ngại khó, ngại khổ của người chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển… đang ngày đêm canh giữ biển khơi cho Tổ quốc.

- Lực lượng ngư dân có quá trình bám biển lâu dài, không quản gian lao, thậm chí hy sinh tính mạng để ngoài nhiệm vụ làm kinh tế, họ còn là những cột mốc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…

Thể loại:

- Bút ký, phóng sự, ký sự, tường thuật, ghi nhanh...

. Yêu cầu:

- Tác phẩm dự thi phải bảo đảm tính chân thực, khách quan; chưa đăng/phát trên bất kỳ phương tiện đại chúng nào, kể cả trang cá nhân.

- Tác phẩm tham dự cuộc thi không quá 1.700 chữ. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi.

Đối tượng dự thi:

- Tất cả công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.

- Đơn vị tài trợ và phóng viên, cộng tác viên cơ hữu của báo không được tham gia.

Thời gian:

- Bắt đầu nhận bài từ ngày 1-8-2020 đến hết ngày 15-5-2021.

- Dự kiến trao giải vào ngày 1-6-2021 (nhân dịp kỷ niệm 2 năm chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển").

Giải thưởng:

- Giải nhất (1 giải): 50 triệu đồng;

- Giải nhì (1 giải): 30 triệu đồng;

- Giải ba (1 giải): 20 triệu đồng;

- Giải khuyến khích (2 giải): 10 triệu đồng/giải.

- Tác phẩm dự thi đăng báo được trả nhuận bút theo quy định của Báo Người Lao Động.

Địa chỉ nhận tác phẩm:

- Tòa soạn Báo Người Lao Động: 123-127 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM.

- Điện thoại: 028.3930 5376 - 0903.343439.

- Email: chuquyenbiendao@nld.com.vn

- Bài dự thi ghi rõ "Bài dự thi viết về chủ quyền biển đảo trên Báo Người Lao Động".

Tòa soạn

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo