xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết về chủ quyền biển đảo: Vạch trần các luận điểm sai trái của Trung Quốc

VIỆT HOÀNG

Từ nhiều năm nay, Trung Quốc tìm mọi cách dựng nên các bằng chứng, tạo ra các luận cứ để cố chứng minh 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của mình, bất chấp luật pháp quốc tế công nhận 2 quần đảo này thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam

Gần đây, Trung Quốc gia tăng các hoạt động phi pháp trên biển Đông, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam và nhiều nước phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc nhưng họ vẫn bất chấp. Các phân tích dưới đây phần nào lộ rõ mưu đồ của Trung Quốc.

Thế nào là thụ đắc chủ quyền?

Ngày 30-1-1980, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lần đầu tiên đưa ra văn kiện, tuyên bố: "Chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa và Nam Sa là không thể tranh cãi được".

Khi đòi hỏi chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc luôn luôn đưa ra lập luận rằng các quần đảo này là đất đai của họ từ lâu đời. Nói khác đi, Trung Quốc có danh nghĩa thụ đắc chủ quyền đối với một lãnh thổ vô chủ (tức là một lãnh thổ chưa thuộc quyền quản lý của bất cứ một quốc gia nào khác) trước Việt Nam từ rất lâu. Họ trích dẫn các ghi chép trong các thư tịch cổ để đi đến kết luận là người Trung Quốc đến biển Đông sớm nhất và do đó, họ là người chiếm hữu đầu tiên ở đây. Điều này cũng được bổ sung bởi các di vật khảo cổ mà họ khẳng định là tìm thấy trên một số thực thể thuộc Hoàng Sa, Trường Sa.

Nhưng liệu đó có phải là sự thật?

Trước khi xem xét lập luận của Trung Quốc, chúng ta cùng nhau điểm lại những quy định của luật quốc tế liên quan đến việc thụ đắc một lãnh thổ vô chủ như thế nào.

Cần biết, quyền phát hiện đầu tiên và chiếm cứ thực sự là 2 phương pháp chủ yếu tạo ra danh nghĩa đối với các lãnh thổ vô chủ vào thời kỳ đó.

Cuộc thi viết về chủ quyền biển đảo: Vạch trần các luận điểm sai trái của Trung Quốc - Ảnh 1.

Đảo Đá Lớn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam Ảnh: QUANG LIÊM

Từ cuối thế kỷ thứ XV, luật quốc tế công nhận các hành vi tượng trưng của việc sáp nhập lãnh thổ do quốc gia phát hiện, được thực hiện như là danh nghĩa nguyên thủy của việc chiếm hữu. Nhưng danh nghĩa phôi thai này sẽ biến mất, trừ trường hợp nó được hoàn thiện sau đó và có sự chiếm hữu, quản lý hành chính thực sự của lãnh thổ vô chủ được quốc gia phát hiện trong một khoảng thời gian hợp lý. Nguyên tắc này của luật quốc tế cho việc thiết lập chủ quyền lãnh thổ đã được khẳng định bởi các án lệ quan trọng trong các tranh chấp tương tự, ví dụ như vụ đảo Palmas giữa Mỹ và Hà Lan ngày 4-4-1928; vụ đảo Clipperton giữa Mexico và Pháp ngày 28-1-1931; vụ quy chế pháp lý của Đông Groenland giữa Đan Mạch và Na Uy ngày 5-4-1953; vụ đảo Min-quiers và Ecrehous giữa Anh và Pháp ngày 17-1-1953; vụ đảo Lipadan và Sipadan giữa Malaysia và Indonesia ngày 17-12-2002; vụ các đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks và South Ledge giữa Malaysia và Singapore ngày 23-5-2008...

Giáo sư J.P. Ferrier - nhà sử học, luật gia người Pháp - nhận xét: “Cho đến trước năm 1946 (năm Trung Quốc cho quân ra chiếm đóng trái phép một số hòn đảo ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa), không có một dấu vết nào về một sự chiếm hữu của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; trong khi đó, các luận cứ của Việt Nam nhằm chứng minh rằng họ chiếm hữu thực sự 2 quần đảo này vừa nhiều vừa có tính thuyết phục”.

Như vậy, nếu một quốc gia khẳng định quyền chiếm hữu một lãnh thổ vô chủ thì cần phải chứng minh được rằng việc chiếm hữu là rõ ràng, hòa bình, liên tục và không có tranh cãi, được củng cố bằng sự chiếm cứ thực sự. Còn nếu chỉ phát hiện thôi thì không được coi là đủ để bảo đảm quyền chiếm hữu xác định. Việc phát hiện cũng như chiếm hữu đòi hỏi đồng thời 2 điều kiện corpus (yếu tố vật chất) và animus (yếu tố tinh thần). Chúng phải được thực hiện bởi nhà nước chứ không phải các cá nhân bình thường.

Xác lập chủ quyền nhờ... bút ký, sách hàng hải

Các bằng chứng lịch sử mà phía Trung Quốc trưng ra để khẳng định luận điểm "Chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa và Nam Sa là không thể tranh cãi được" phần lớn là các sách ghi chép những hiểu biết của người Trung Quốc đương thời về địa lý, lịch sử, phong tục... của nước khác như: chuyện về nước Bồ Nam ("Phù Nam truyện"); về các nước phiên thuộc ("Chư phiên chí"); về những điều tai nghe mắt thấy ở các nước ngoài biển ("Hải quốc kiến văn lục"), các nước bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc ("Lĩnh ngoại địa").

Bên cạnh đó là một số sách dạng bút ký khác ghi lại hành trình của một vài nhân vật Trung Quốc đi ra nước ngoài như: "Sử Bật truyện", "Vũ bị chí", "Doanh hoàn chí lược"; các sách hướng dẫn hàng hải, địa lý hàng hải như: "Đông Tây dương khảo", "Chỉ nam chính pháp", "Đông Dương", "Nam Dương hải đảo đồ"... Nội dung được trích dẫn từ các sách này nói chung chỉ là sự miêu tả địa lý vùng biển, đảo hoặc những điều các tác giả nhận biết được trên đường hàng hải từ Trung Quốc đi ra nước ngoài. Đại loại như: "Đi về hướng Đông Bắc, có những mỏm núi rất lớn, lô nhô, đi ra Trướng Hải nước nông vừa phải, có nhiều từ thạch..."; "Trong bản đồ có vẽ những chỗ nguy hiểm gọi là thạch sàng"; "Qua Thất Châu Dương, Vạn lý Thạch Đường là biên giới giữa đất Giao Chỉ và Chiêm Thành"...

Trong tất cả các đoạn trích dẫn trên, không có một câu nào nói lên được mối quan hệ về địa lý hành chính giữa các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với lãnh thổ Trung Quốc, cũng không có một câu nào thể hiện chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo này. Chưa kể, nhiều tài liệu đã bị thay đổi, cắt xén để phục vụ cho tham vọng của họ.

Người Trung Quốc không phải là những người đầu tiên và duy nhất đến biển Đông. Từ xưa, ngoài ngư dân Việt Nam, còn có người Indonesia, Ả Rập, Ba Tư, Ấn Độ đã đi lại tại vùng biển này. Việc người dân nước này sang làm ăn sinh sống trên lãnh thổ một nước khác vốn là một điều bình thường và phổ biến trong quan hệ quốc tế. Những kiều dân đó dù đông mấy cũng không thể làm thay đổi chủ quyền của nước sở tại. Luật pháp quốc tế không coi thành phần dân cư là một tiêu chuẩn để xác định chủ quyền lãnh thổ. Chưa kể việc các nhà khảo cổ học biển còn phát hiện các di chỉ tàu đắm xuất hiện sớm nhất tại biển Đông từ thế kỷ thứ IV là của các nước Đông Nam Á, còn di chỉ tàu đắm sớm nhất của Trung Quốc lại xuất hiện ở thế kỷ XII. Bằng chứng đó cho thấy người Trung Quốc tới biển Đông rất muộn, chứ không phải như họ khẳng định.

Biến trắng thành đen

Chính quyền Bắc Kinh cũng rêu rao việc họ tìm thấy một số đồ vật khảo cổ của người Trung Quốc trên các đảo tại Hoàng Sa, Trường Sa.

Việc tìm thấy vài đồng tiền cổ, vài mảnh bát vỡ trên một số thực thể cũng không thể là bằng chứng để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với 2 quần đảo này. Xưa nay, việc giao lưu, thông thương giữa các nước là chuyện bình thường. Các nhà khảo cổ đã từng đưa lên khỏi lòng đất của đất nước họ những di vật của các nước khác. Những đồng tiền cổ, đồ dùng bằng bạc nạm vàng, đồ dệt của Vương quốc Ba Tư cổ đại đã được phát hiện khá nhiều trên đất Trung Quốc. Trống đồng Đông Sơn của Việt Nam cũng đã tìm thấy ở 130 địa điểm trên đất nước Trung Quốc; tiền cổ Tây Ban Nha, tiền La Mã từ thế kỷ II tìm thấy ở Việt Nam. Nhưng những điều đó không làm thay đổi được chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc trên đất nước Trung Quốc, cũng như chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên đất nước Việt Nam. Vì thế, xưa nay khảo cổ học không hề đóng một vai trò gì về mặt pháp lý trong việc khẳng định hoặc phủ định chủ quyền của một quốc gia đối với một vùng lãnh thổ.

Đó là chưa nói đến việc các hoạt động tư nhân của các ngư dân Trung Quốc không thể mang lại hiệu lực pháp lý của "quyền phát hiện" và nó không thể được đánh đồng với quyền chiếm hữu, vì nó không đại diện cho hoạt động của nhà nước theo quy định của luật quốc tế về chiếm hữu lãnh thổ.

Điểm quan trọng nhất là làm sao chứng minh nhà nước Trung Quốc đã chiếm hữu 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ bao giờ và đã cai quản 2 quần đảo đó như thế nào. Tuy nhiên, với cả một chiến dịch tuyên truyền rùm beng, với biết bao công sức tìm tòi, cắt xén, lắp ghép các tài liệu, xây dựng lý lẽ, biến trắng thành đen trong mấy chục năm qua, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã không thể chứng minh được rằng Trung Quốc đã chiếm hữu các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ bao giờ, đã thực hiện chủ quyền ở đó như thế nào. Đó là điều họ không bao giờ có thể làm được, bởi một lý do đơn giản: Từ trước tới nay, quần đảo Hoàng Sa (phương Tây gọi là Paracels) và quần đảo Trường Sa (phương Tây gọi là Spratly) mà Trung Quốc gọi là "Tây Sa" và "Nam Sa" chưa bao giờ được công nhận là lãnh thổ Trung Quốc. 

Mời bạn đọc dự thi viết về chủ quyền biển đảo

Với mục đích đẩy mạnh tuyên truyền, lan tỏa truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết "Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm" năm 2020-2021.

Phạm vi đề tài:

- Các tác phẩm dự thi phải đề xuất ý tưởng, giải pháp có căn cứ khoa học trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam; cũng như góp phần phát triển kinh tế biển, văn hóa biển và bảo vệ môi trường biển Việt Nam.

- Cảm nhận về biển đảo; tình yêu đối với biển đảo Tổ quốc Việt Nam.

- Sự hy sinh, không ngại khó, ngại khổ của người chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển… đang ngày đêm canh giữ biển khơi cho Tổ quốc.

- Lực lượng ngư dân có quá trình bám biển lâu dài, không quản gian lao, thậm chí hy sinh tính mạng để ngoài nhiệm vụ làm kinh tế, họ còn là những cột mốc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…

Thể loại:

- Bút ký, phóng sự, ký sự, tường thuật, ghi nhanh...

Yêu cầu:

- Tác phẩm dự thi phải bảo đảm tính chân thực, khách quan; chưa đăng/phát trên bất kỳ phương tiện đại chúng nào, kể cả trang cá nhân.

- Tác phẩm tham dự cuộc thi không quá 1.700 chữ. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi.

Đối tượng dự thi:

- Tất cả công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.

- Đơn vị tài trợ và phóng viên, cộng tác viên cơ hữu của báo không được tham gia.

Thời gian:

- Bắt đầu nhận bài từ ngày 1-8-2020 đến hết ngày 15-5-2021.

- Dự kiến trao giải vào ngày 1-6-2021 (nhân dịp kỷ niệm 2 năm chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển").

Giải thưởng:

- Giải nhất (1 giải): 50 triệu đồng;

- Giải nhì (1 giải): 30 triệu đồng;

- Giải ba (1 giải): 20 triệu đồng;

- Giải khuyến khích (2 giải): 10 triệu đồng/giải.

- Tác phẩm dự thi đăng báo được trả nhuận bút theo quy định của Báo Người Lao Động.

Địa chỉ nhận tác phẩm:

- Tòa soạn Báo Người Lao Động: 123-127 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM.

- Điện thoại: 028.3930 5376 - 0903.343439.

- Email: chuquyenbiendao@nld.com.vn

- Bài dự thi ghi rõ "Bài dự thi viết về chủ quyền biển đảo trên Báo Người Lao Động".

Tòa soạn

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo