xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc vẫn có HĐND, UBND?

Thế Dũng

(NLĐO)- Dự thảo Luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đề xuất chính quyền địa phương đặc khu gồm có HĐND đặc khu, UBND đặc khu do HĐND đặc khu bầu; có chủ tịch, 2 phó chủ tịch và bỏ chức danh trưởng đặc khu.

Sáng nay 4-4, đã diễn ra hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách cho ý kiến vào dự thảo Luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

Đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc vẫn có HĐND, UBND? - Ảnh 1.

Sơ đồ đặc khu kinh tế Vân Đồn

Đặc khu vẫn có HĐND, UBND và bỏ chức danh trưởng đặc khu

Tiếp thu góp ý của ĐBQH, lần này, tên gọi của luật đã được bổ sung tên các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, thành: Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Đáng chú ý, trong các quy định cụ thể của dự thảo luật, cụm từ "đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt" được gọi tắt là "đặc khu".

Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại đặc khu, báo cáo giải trình nhắc lại 2 phương án đề xuất của Chính phủ (phương án 1: không tổ chức HĐND, UBND mà thực hiện Thiết chế trưởng đặc khu do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm và phương án 2: tổ chức một cấp chính quyền đầy đủ với HĐND, UBND) và trình bày phương án chốt lại.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xác định việc chỉnh lý, hoàn thiện mô hình chính quyền đặc khu cần đảm bảo chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với Hiến pháp; bảo đảm tinh gọn đầu mối, phân cấp, phân quyền mạnh; phân định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, có cơ chế giám sát, kiểm soát chặt chẽ để phòng ngừa sự lạm quyền.

Từ đó, UBTVQH đề nghị QH cho tiếp thu chỉnh lý quy định về mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu theo hướng kết hợp ưu điểm của cả phương án 1 và phương án 2 do Chính phủ trình và hoàn thiện để khắc phục các hạn chế, phát huy những điểm mạnh của cả hai phương án.

Cụ thể chính quyền địa phương ở đặc khu là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND đặc khu và UBND đặc khu với những đổi mới cơ bản về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và cách thức hoạt động nhằm bảo đảm tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả.

HĐND đặc khu có tổng số đại biểu không quá 15 người, trong đó đa số hoạt động chuyên trách. HĐND đặc khu không tổ chức thường trực và các ban; giúp việc HĐND, đại biểu HĐND có văn phòng HĐND đặc khu.

Đặc biệt, UBND đặc khu do HĐND đặc khu bầu, chỉ bao gồm chủ tịch và 2 phó chủ tịch. Chủ tịch UBND đặc khu có những thẩm quyền vượt trội được phân quyền từ chính quyền Trung ương và cấp tỉnh, dự thảo luật quy định: Chủ tịch UBND đặc khu do HĐND đặc khu bầu theo giới thiệu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trên cơ sở thống nhất với chủ tịch UBND cấp tỉnh, được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn.

Trong đặc khu có các khu hành chính do trưởng khu hành chính đứng đầu. Trưởng khu hành chính là do chủ tịch UBND đặc khu bổ nhiệm.

Một nội dung quan trọng là cơ chế giám sát quyền lực tại đặc khu, báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật cũng cho biết, ngoài các cơ chế giám sát theo quy định của pháp luật hiện hành (của QH, Đoàn ĐBQH, HĐND, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội khác), dự thảo luật đã bổ sung một điều quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền địa phương ở đặc khu.

Theo đó, quy định trách nhiệm của các cơ quan chính quyền địa phương ở đặc khu phải công khai hoạt động của mình, nội dung công khai, hình thức công khai; trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin phù hợp với quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin.

Góp ý dự luật, ĐBQH Bùi Văn Phương (Quảng Bình) nói: "Hôm trước chúng ta sợ giao quá nhiều quyền cho Trưởng đặc khu thì sợ lạm quyền, sợ không có cơ chế giám sát nên lại quay lại mô hình HĐND, UBND. Tôi cho là không phù hợp và không sát với tinh thần vì đây là đơn vị hành chính đặc biệt. Nó đặc biệt thì đặc biệt chỗ nào, chứ vẫn cấu trúc mô hình bình thường thì không phải đặc biệt".

Cũng theo ông Phương, đặc biệt của đặc khu chính là tính vượt trội của ở thẩm quyền được giao, vượt trội ở cơ chế đặc biệt. 

"Tôi cho rằng chính sách ưu đãi thì quản lý và điều hành phải thể hiện sự thông thoáng. Tôi đề nghị không tổ chức HĐND ở đây, chỉ tổ chức cơ quan là UBND, chúng ta không sợ không kiểm soát được. Lâu nay, chúng ta không công khai, không minh bạch cho nên mới dẫn đến sai phạm, không có sự kiểm soát, giám sát. Tôi cho rằng, cái gốc vẫn là công khai, minh bạch. Vừa rồi BOT cũng có điều khoản bảo mật nên bây giờ mới vỡ ra như vậy"- ông Phương kiến nghị.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP HCM, ông Phan Nguyễn Như Khuê (TP HCM) đặt vấn đề": "Có cần thiết ban hành 1 luật cho 3 đặc khu không? Có nên chăng là quy định luật chung về đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, còn QH ban hành nghị quyết cho 3 đặc khu riêng vì mỗi khu có những ưu thế riêng". 

Ông Khuê kiến nghị có thể điều chỉnh bằng nghị quyết QH, chứ không phải sau này xem xét điều chỉnh luật. 

"Tôi thấy rằng, chúng ta cần tạo ra sự đột phá, nhưng đột phá đó không phải là dễ dãi. Chúng ta giao đất quá rộng cho nhà đầu tư nước ngoài, đi liền với giao quyền sử dụng đất 90 năm trở lên. Vậy sau này con cháu chúng ta sẽ xử lý như thế nào nếu có liên quan đến vấn đề quốc phòng, an ninh? Cử tri TP HCM rất lo lắng. Cần phải quan tâm đến chủ quyền khi thực hiện việc ưu đãi"- ông Khuê quan ngại.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân nhìn nhận 3 địa điểm được lựa chọn (Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc - PV) là vị trí đặc biệt, nhạy cảm về quốc phòng, an ninh. 

"Chúng ta lại sống cạnh quốc gia có tư tưởng bá quyền, có nhiều hành động xâm lấn biển đảo. Thế giới cũng cảnh báo rằng đang có xu hướng thay đổi từ quyền lực cứng sang quyền lực mềm, đó là mua chuộc, chi phối cán bộ và xâm lấn thông qua sở hữu đất đai, đầu tư kinh tế. Với những ưu đãi như vậy, tôi rất lo lắng" - ông Vân thẳng thắn.  

Đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc vẫn có HĐND, UBND? - Ảnh 2.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm

Có nên thêm cấp "quản lý" - Ban Tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu?

Dự thảo luật cũng bổ sung quy định về Ban Tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu do Thủ tướng thành lập nhằm thiết lập cơ chế kiểm soát đặc thù của Trung ương đặt tại từng đặc khu để tăng cường kiểm soát đối với hoạt động của các cơ quan chính quyền địa phương ở đặc khu, đặc biệt là trong việc thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước cấp trên được luật này phân quyền cho chủ tịch UBND đặc khu.

Cơ chế kiểm soát này được thực hiện thông qua việc tư vấn cho UBND, chủ tịch UBND đặc khu trước khi quyết định những vấn đề quan trọng; cảnh báo các cơ quan chính quyền địa phương ở đặc khu về những rủi ro, hạn chế, bất cập trong hoạt động của các cơ quan này.

Ban Tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu giúp Thủ tướng theo dõi, đánh giá hoạt động của UBND, chủ tịch UBND đặc khu, kiến nghị với Thủ tướng về những vấn đề có liên quan đến phát triển của đặc khu.

UBTVQH lý giải thích việc bổ sung cơ chế này cũng là tiếp thu kinh nghiệm của các nước, nhằm thử nghiệm phương thức kiểm soát quyền lực mới, đặc thù, tương xứng với thẩm quyền vượt trội của chính quyền địa phương ở đặc khu.

Chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của Ban Tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu không trùng lặp với chức năng tham mưu, giúp việc của các cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền đặc khu, chức năng giám sát của HĐND đặc khu cũng như công tác chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Góp ý về quy định Thủ tướng lập Ban Tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu, ĐBQH Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng cơ chế đó sẽ giúp tránh tình trạng phải xử lý cán bộ làm sai khi "việc đã rồi". Tuy nhiên, theo ông Hàm, ban này không nên hoạt động thường xuyên mà chỉ thực hiện giám sát theo chuyên đề…

ĐBQH Hoàng Quang Hàm cũng băn khoăn về quy định ngân sách đặc khu (Điều 39). Theo dự thảo luật, đặc khu là đơn vị hành chính tương đương cấp huyện, cơ bản thực hiện theo Luật Ngân sách Nhà nước.

Ông Hàm lo ngại quy định này sẽ rất khó triển khai trong thực tiễn vì nhiệm vụ thu chi của đặc khu sẽ phụ thuộc UBND cấp tỉnh nhưng việc sử dụng nguồn lực có được như nào lại hoàn toàn do đặc khu quyết định.

"Một ông là người lo nguồn trong khi ông khác lại toàn quyền tiêu. Quy định này sẽ không phát huy được quyền, không cân đối được ngân sách tỉnh, ngân sách đặc khu" – ông Hàm "mổ xẻ".

ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) nhìn nhận dự thảo luật mới lần này xác định đặc khu là một cấp chính quyền địa phương, có cả HĐND và UBND là phù hợp. Song, đại biểu Tô Văn Tám băn khoăn về quy định đại biểu HĐND đặc khu có 15 người nhưng lại không rõ về tỉ lệ hay số lượng tuyệt đối số đại biểu chuyên trách mà chỉ quy định chung chung "đa số là chuyên trách" dẫn đến khi có thể gây lúng túng.

Bên cạnh đó, việc duy trì cả 2 cơ quan Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND tại đặc khu là không đúng với chưa phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy đang triển khai.

"Ban Tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu được giao quyền quá lớn khi dự luật quy định một loạt đầu việc mà chủ tịch UBND đặc khu phải xin ý kiến Ban Tư vấn này"- ông Tám lo ngại.

Làm rõ thêm, ĐBQH Tô Văn Tám phân tích chủ tịch UBND đặc khu được bổ nhiệm thẳng từ Thủ tướng xuống thì việc có Ban Tư vấn này đúng là rất cần nhưng dự luật cũng quy định đặc khu đã có HĐND cùng cấp, lại có rất nhiều cơ quan giám sát khác ở tỉnh thì việc có thêm Ban Tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu do Thủ tướng thành lập như vậy vô hình trung lại thêm ràng buộc với chủ tịch UBND đặc khu.

"Vì vậy không cần thiết có Ban Tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu vì theo hệ thống chính trị đã có rất nhiều thiết chế kiểm tra, giám sát hoạt động đặc khu" – ông Tám kiến nghị.

Tán đồng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Lan cũng cho rằng quy định về chức năng nhiệm vụ Ban Tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu như dự thảo luật là chưa hợp lý vì luật đã chỉnh lý, xác định đặc khu là một cấp chính quyền có HĐND.

Theo bà Lan, dự luật quy định UBND tỉnh và chủ tịch UBND tỉnh thực hiện thẩm quyền quản lý tại đặc khu theo luật này và các luật khác, nghĩa là cấp tỉnh vẫn thực hiện đầy đủ quyền chỉ đạo với đặc khu như một cấp chính quyền trực thuộc. Điều này khẳng định đã đủ sức kiểm soát các hoạt động tại đặc khu theo các luật hiện hành.

Mặt khác, việc lập thêm Ban Tư vấn là chưa phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy, phát huy hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính tại đặc khu.

"Có thêm ban này là chồng chéo chức năng vì UBND đặc khu đã chịu sự giám sát, điều hành của nhiều cấp rồi, lại thêm một cơ chế khác, sẽ thành bó buộc"- bà Lan nhấn mạnh.



Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo