xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đại sứ Việt Nam nói về quan hệ Việt-Trung và vấn đề biển Đông

Dương Ngọc (ghi)

(NLĐO)- Bên lề hội nghị ngoại giao lần thứ 30 đang diễn ra tại Hà Nội, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi đã trao đổi về quan hệ Việt-Trung và vấn đề biển Đông, chiến tranh thương mại và ảnh hưởng đến Việt Nam

- Phóng viên: Xin đại sứ cho biết đánh giá về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc thời gian qua?

• Đại sứ Đặng Minh Khôi: Thời gian qua, quan hệ giữa 2 nước đã phát triển mạnh mẽ trên tất cả lĩnh vực, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Điều có thể thấy rõ là các chuyến thăm cấp cao hai nước đã được tổ chức thường xuyên. Trong 2 năm vừa qua, hầu như năm nào lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc cũng thăm Việt Nam, đặc biệt là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình ngay sau khi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX được tổ chức thành công đã sang thăm cấp Nhà nước Việt Nam và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC.

Đại sứ Việt Nam nói về quan hệ Việt-Trung và vấn đề biển Đông - Ảnh 1.

Đại sứ Đặng Minh Khôi

Thứ hai là trong hơn 2 năm qua, hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc phát triển sâu rộng trên tất cả lĩnh vực. Trong 2 năm liên tục gần đây, Việt Nam đã vươn lên thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và ta là đối tác thương mại lớn thứ 7, thứ 8 của Trung Quốc trên toàn thế giới. Quy mô hợp tác giữa 2 nước đang ngày càng được mở rộng và tỉ trọng của ta ngày càng cao hơn trong toàn bộ thương mại của Trung Quốc trên toàn thế giới. Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất thế giới của Việt Nam. Có một điều tôi rất mừng là trong những năm gần đây tốc độ tăng trưởng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc tăng nhanh hơn và tốc độ tăng nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc cũng tăng nên quy mô nhập siêu dù vẫn còn lớn nhưng đang giảm dần. Đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam cũng tăng khá nhanh dù chất lượng đầu tư có thấp hơn. 

Hiện nay Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư ở nước ngoài nên vấn đề quan trọng nhất là ta thu hút được đầu tư chất lượng cao từ Trung Quốc, đảm bảo chất lượng môi trường. Đây là nhiệm vụ hàng đầu của các bộ, ngành của chúng ta.

Thứ ba là giao lưu nhân dân tăng trưởng rất nhanh. Rõ ràng trong những năm vừa qua, vấn đề biển Đông có ảnh hưởng nhất định tới tâm tư tình cảm của người dân nhưng với nỗ lực và quyết tâm của cả hai bên thì giao lưu nhân dân giữa hai nước đang mở rộng rất mạnh. Khách Trung Quốc vào Việt Nam tăng trưởng rất nhanh. Người dân Trung Quốc đã chọn Việt Nam là điểm đến du lịch yêu thích thứ 2, chỉ sau Thái Lan. Ở chiều ngược lại, người dân Việt Nam sang Trung Quốc cũng rất nhiều, năm ngoái là gần 4 triệu.

Đại sứ Việt Nam nói về quan hệ Việt-Trung và vấn đề biển Đông - Ảnh 2.

Đại sứ Đặng Minh Khôi (giữa) trong một hoạt động đối ngoại tại Trung Quốc

Về biên giới lãnh thổ thì vấn đề biên giới trên bộ đã được triển khai rất tốt, đường biên giới trên bộ thực sự hòa bình, hợp tác. Còn vấn đề biển Đông, chúng ta thường xuyên duy trì cơ chế trao đổi, đàm phán với Trung Quốc. Bất cứ lúc nào, cả trong các chuyến thăm của các lãnh đạo cấp cao của chúng ta hay tại các diễn đàn hợp tác quốc tế và khu vực, chúng ta đều nêu lên những quan tâm, quan ngại của chúng ta về vấn đề biển Đông. 

Trong trao đổi với Trung Quốc, chúng tôi luôn nói rất rõ là vấn đề biển Đông là vấn đề hết sức hệ trọng, có liên quan đến chủ quyền, lãnh thổ. Trong vấn đề này hai bên phải tăng cường trao đổi, đàm phán và không nên làm thêm bất cứ vấn đề gì làm phức tạp thêm tình hình. Những hành động gần đây rõ ràng của Trung Quốc trên biển Đông đã làm gia tăng căng thẳng ở biển Đông và nhất định ảnh hưởng đến sự tin cậy hai bên, đặc biệt đến lòng tin của nhân dân.

- Trung Quốc và ASEAN mới đây có thống nhất văn bản duy nhất về đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Ông đánh giá như thế nào về triển vọng về đàm phán COC?

• Đại sứ Đặng Minh Khôi: Trong đàm phán phải có thiện chí của tất cả các bên, ở đây là thiện chí và nỗ lực của cả ASEAN và Trung Quốc. Việc đạt được văn bản duy nhất làm cơ sở cho cả hai bên tiếp tục trao đổi về vấn đề COC là một tiến triển tích cực. Tất nhiên quá trình đàm phán còn rất là lâu dài vì nó liên quan đến nhiều nước và tình hình ở biển Đông không chỉ liên quan trực tiếp đến các nước trong khu vực mà còn liên quan đến hòa bình ổn định ở biển Đông, liên quan đến an ninh, an toàn hàng hải cho nên bất cứ văn bản nào đều cần phải chuẩn bị kỹ càng. Nhưng dù sao tôi cho rằng đây là một việc rất tích cực giữa Trung Quốc và ASEAN.

- Về vấn đề biển Đông, ông kỳ vọng Hội nghị Ngoại giao toàn quốc lần thứ 30 này sẽ giải quyết vấn đề gì?

• Đại sứ Đặng Minh Khôi: Trong hội nghị ngoại giao, chúng tôi trao đổi tất cả vấn đề, quan trọng nhất là các vấn đề liên quan đến tình hình quốc tế và khu vực, thứ hai là đường lối chủ trương sách lược của Việt Nam về đối ngoại. Đương nhiên dịp này chúng tôi sẽ thảo luận sâu hơn về các vấn đề an ninh, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và phát triển của Việt Nam trong đó có vấn đề biển Đông.

- Xin đại sứ cho biết vai trò của Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc trong điều kiện hiện nay?

+ Vai trò, nhiệm vụ đại sứ của Việt Nam tại các nước, trong đó có Trung Quốc, là làm sao tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và các nước được phái cử đến, thông qua đó tăng cường hơn nữa hợp tác trên tất cả các lĩnh vực giữa Việt Nam với các nước và củng cố quan hệ với các bên. Với vai trò Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, tôi ý thức được rằng vai trò quan trọng nhất của mình là làm cầu nối giữa Việt Nam và Trung Quốc, làm sao chuyển tải chính xác nhất tới các lãnh đạo Trung Quốc, các bộ, ngành và người dân Trung Quốc chủ trương, đường lối nhất quán của Việt Nam là hết sức coi trọng quan hệ với Trung Quốc. 

Thứ hai là tìm kiếm những cơ hội tốt nhất để mở rộng hơn nữa hợp tác cùng có lợi giữa Việt Nam với Trung Quốc trên tất cả lực từ chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, kinh tế khoa học thương mại đến giao lưu nhân dân.

Thứ ba là bảo vệ tốt nhất lợi ích của đất nước Việt Nam. 

Thứ 4 là bảo vệ hỗ trợ cho công dân Việt Nam ở nước ngoài, bảo vệ các lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp, các tổ chức của Việt Nam ở nước ngoài.

Đừng đặt vấn đề chiến tranh Mỹ - Trung sẽ dồn nguồn đầu tư vào Việt Nam

Trả lời câu hỏi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có ảnh hưởng đến thương mại Việt Nam và Trung Quốc, ví dụ hàng Trung Quốc có vào Việt Nam nhiều hơn thay vì vào Mỹ? Đại sứ Đặng Minh Khôi cho rằng vì đây là hai nền kinh tế lớn số một thế giới và là hai nền kinh tế duy nhất có thể có tổng GDP trên 10.000 tỉ USD cho nên nếu xảy ra cọ xát thương mại hay chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thì tác động sẽ có quy mô trên toàn thế giới và khu vực, liên quan đến tất cả các nước, trong đó có Việt Nam.

Đối với Việt Nam, ảnh hưởng càng sâu rộng hơn vì cả Mỹ và Trung Quốc đều là các đối tác kinh tế thương mại rất quan trọng với Việt Nam. Ảnh hưởng đến mức nào, ra sao còn phụ thuộc vào nội lực của Việt Nam. Điều quan trọng là chúng ta củng cố được nội lực của mình, tăng cường tự chủ của mình thì sẽ giảm bớt được ảnh hưởng tiêu cực của cọ xát thương mại Mỹ chung đối với nền kinh tế Việt Nam.

Chúng ta cũng kỳ vọng rằng có đầu tư vào Việt Nam nhưng vấn đề là chúng ta có đủ nguồn nhân lực, có đủ nội lực để tiếp nhận nguồn đầu tư này hay không. Rõ ràng trong đầu tư và dịch chuyển trên toàn thế giới thì nước nào có thể chế kinh tế tốt nhất, có nhân lực tốt nhất và có điều kiện tốt nhất thì người ta sẽ đến chứ không liên quan đến cuộc chiến tranh thương mại Mỹ, nên đừng đặt vấn đề là chiến tranh Mỹ - Trung sẽ dồn nguồn đầu tư vào Việt Nam.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo