Đề nghị kéo dài Nghị quyết 54 đến hết năm 2023
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết tại phiên họp thứ 16, UBTVQH sẽ cho ý kiến về phương án điều chỉnh tiền lương cơ sở. Đây là chủ trương vừa được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất. Lần này, ngoài khu vực kinh tế tư nhân, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang… sẽ xem xét điều chỉnh tiền lương với khối doanh nghiệp Nhà nước.
UBTVQH cũng cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội quy định những giải pháp đặc thù, đặc cách, đặc biệt cho Chính phủ trong công tác phòng chống dịch và báo cáo tổng kết Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP HCM (Nghị quyết 54).
Theo Chủ tịch Quốc hội, Nghị quyết 54 sẽ hết hiệu lực trong năm nay. Hiện Chính phủ đã có báo cáo đánh giá tổng kết và đề xuất cơ chế chính sách mới thay cho Nghị quyết 54 nhưng do nguyên nhân khách quan và chủ quan, đến nay Chính phủ chưa chuẩn bị kịp.
Do vậy, tương tự Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, Chính phủ đề xuất kéo dài Nghị quyết 54 đến hết năm 2023. Trong thời gian đó, Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định những nội dung mới thay Nghị quyết 54 và khi đó nghị quyết này hết hiệu lực.
"Nhanh chậm thế nào tùy thuộc vào sự nỗ lực, cố gắng của TP HCM và các cơ quan của Chính phủ. Đây là xử lý tình huống. Nếu chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm, từ xa thì sẽ đánh giá tổng kết và đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết mới. Nhưng do Chính phủ chuẩn bị chưa kịp nên trình ra xin UBTVQH cho ý kiến"- ông Vương Đình Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề nếu nội dung này được chấp nhận thì UBTVQH cho ý kiến nên xử lý theo hình thức pháp lý nào, nên ban hành nghị quyết riêng hay có một phần trong nghị quyết chung của Quốc hội đối với nội dung này. Trong đó, đánh giá tổng kết, kéo dài thời gian có hiệu lực của nghị quyết và giao cho Chính phủ tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế mới cho TP HCM.
Đáng chú ý, phiên họp của UBTVQH cũng cho ý kiến về việc tháo gỡ vướng mắc cho một số dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Ông Vương Đình Huệ đề nghị UBTVQH cần cho ý kiến kỹ lưỡng về cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và thẩm quyền trong vấn đề này; căn cứ vào Luật Đối tác công tư và hợp đồng giữa một bên là Chính phủ, một bên là các nhà đầu tư.
"Giờ giải quyết vướng mắc thì phải căn cứ vào hợp đồng, quyền hạn của Chính phủ đến đâu, UBTVQH đến đâu và Quốc hội có thẩm quyền này không? Thẩm quyền này thì giải quyết như thế nào? Cái này còn nhiều ý kiến khác nhau nên cần cho ý kiến kỹ lưỡng trên tinh thần sâu sát với thực tế"- ông Vương Đình Huệ nêu vấn đề.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng về nguyên lý, trước hết phải xem xét hợp đồng các bên thực hiện thế nào. Vướng mắc này do bản thân phía đại diện Nhà nước, doanh nghiệp hay trách nhiệm của nhà đầu tư ra sao. Nếu nhà đầu tư thực hiện không nghiêm hợp đồng mà đẩy trách nhiệm cho Chính phủ, Quốc hội quyết định thế này có hợp lý không, vì xử lý với những dự án này còn những dự án khác nữa? Còn nếu có chủ trương dùng ngân sách các cấp xử lý cũng không có vốn để bố trí ngay.
Tuy nhiên, ông Vương Đình Huệ khẳng định tinh thần chủ động tháo gỡ tồn tại, vướng mắc nhưng phải bàn thảo kỹ lưỡng để đạt lý, thấu tình vì trước hết, khi trình ra Quốc hội phải đúng luật.