xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Việt Nam - Ấn Độ tăng cường hợp tác về bảo vệ bờ biển

Tin-ảnh: D.Ngọc

(NLĐO)- Việt Nam và Ấn Độ chia sẻ quan điểm về tự do hàng hải trong khu vực và trên Biển Đông. Hợp tác an ninh, trong đó có an ninh hàng hải, giữa Việt Nam và Ấn Độ là nhân tố có tính thiết yếu và sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ trong năm nay.

Tại cuộc họp báo chiều 17-1 về chuyến công du Ấn Độ sắp tới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Harish Parvathaneni cho biết trong chuyến công du tới Ấn Độ dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm quan hệ ASEAN-Ấn Độ và Ngày Cộng hòa của Ấn Độ từ ngày 24 đến 26-1 tới, dự kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Narendra Modi sẽ có cuộc hội đàm song phương. Hai bên kỳ vọng sẽ ký các hiệp định quan trọng để tăng cường hơn nữa Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trong các lĩnh vực quan trọng.

Việt Nam - Ấn Độ tăng cường hợp tác về bảo vệ bờ biển - Ảnh 1.

Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Harish Parvathaneni tại buổi họp báo

Đại sứ khẳng định hợp tác an ninh giữa Việt Nam và Ấn Độ là nhân tố có tính thiết yếu trong quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Hai nước đang tăng cường hợp tác về lĩnh vực bảo vệ bờ biển, đào tạo nhân lực. Tháng 9 năm ngoái, Ấn Độ bắt đầu đóng cho Việt Nam 12 tàu tuần tra cao tốc, trị giá 100 triệu USD. Trước đó Ấn Độ cấp thêm 500 triệu USD tín dụng quốc phòng cho Việt Nam. Ấn Độ cũng hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo lực lượng gìn giữ hòa bình.

Trả lời câu hỏi về chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, Đại sứ Ấn Độ khẳng định Việt Nam và Ấn Độ cùng có chung nhận định tự do hàng hải trong khu vực là vấn đề quan trọng, đem đến lợi ích cho các quốc gia trong khu vực. "Tôi cho rằng chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do là điều mà lãnh đạo Ấn Độ và các nước ASEAN sẽ thảo luận khi gặp gỡ sắp tới"- Đại sứ Parvathaneni nói

Đại sứ khẳng định cả Ấn Độ và Việt Nam đều thể hiện rõ quan điểm rằng tự do lưu chuyển hàng hoá, dịch vụ, tự do đi lại ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương cần được bảo đảm. Điều đó là nhân tố thiết yếu không chỉ cho Ấn Độ, Việt Nam mà còn cho tất cả các nước ASEAN.

Về vấn đề Biển Đông, Đại sứ cho hay cả Ấn Độ và Việt Nam đều thống nhất quan điểm tự do hàng hải có vai trò hết sức quan trọng trong đảm bảo hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển cho khu vực. Việt Nam nhiều lần nhấn mạnh cần giải quyết các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Đều là thành viên của UNCLOS, Việt Nam và Ấn Độ sẽ tiếp tục thúc giục tất cả các nước thể hiện sự tôn trọng tối đa với UNCLOS.

Theo ông Harish, với vai trò là điều phối viên giữa Ấn Độ và ASEAN, Việt Nam đã giúp thúc đẩy mối quan hệ giữa hai bên chặt chẽ hơn. Chính sách hướng Đông của Ấn Độ là một trụ cột để mở rộng quan hệ của nước này với ASEAN về hợp tác quốc phòng và an ninh.

"Trong năm mới, xu hướng hợp tác mạnh mẽ trong lĩnh vực an ninh giữa hai nước sẽ được thúc đẩy"- Đại sứ nói.

Việt Nam là trọng tâm trong chính sách "Hành động Hướng Đông" của Ấn Độ

Đại sứ Ấn Độ khẳng định ASEAN rất quan trọng với Ấn Độ trong mối quan hệ về lịch sử, khoảng cách địa lý, văn hoá và không gian chiến lược mà hai bên cùng chia sẻ. ASEAN là láng giềng thân thiết của Ấn Độ. Việt Nam là một thành viên tích cực của ASEAN, đồng thời là trọng tâm trong chính sách "Hành động Hướng Đông" của Ấn Độ. Đóng góp của Việt Nam với vai trò là điều phối viên giữa Ấn Độ và ASEAN đã giúp thúc đẩy mối quan hệ giữa hai bên chặt chẽ hơn. Chính sách "Hành động Hướng Đông" của Ấn Độ là một trụ cột quan trọng cho việc mở rộng quan hệ của Ấn Độ với ASEAN đến hợp tác quốc phòng và an ninh. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, bà Sushma Swaraj đã xác định các mốc quan trọng trong quan hệ Ấn Độ - ASEAN là 3C - Thương mại, Kết nối và Văn hóa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu một phái đoàn cấp cao từ Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm quan hệ ASEAN - Ấn Độ (25 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN - Ấn Độ) tại New Delhi vào ngày 25-1-2018, cùng dự có 9 vị lãnh đạo khác của các quốc gia thành viên ASEAN. Chủ đề của Hội nghị là "Chia sẻ giá trị, cùng chung vận mệnh".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phái đoàn sẽ ở Ấn Độ từ ngày 24 đến 26-1. Ông sẽ là khách mời danh dự cho bữa tiệc được Tổng thống Ấn Độ, ông Ram Nath Kovind chủ trì. Tiếp đó là một Hội nghị hẹp giữa nguyên thủ các quốc gia thành viên ASEAN với Thủ tướng Ấn Độ. Sẽ có một phiên họp toàn thể của Hội nghị Cấp cao kỷ niệm quan hệ Ấn Độ-ASEAN, sau đó là một buổi tiệc do Thủ tướng Ấn Độ, ông Narendra Modi tổ chức.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo các quốc gia ASEAN sẽ là khách danh dự trong Ngày Cộng hòa của Ấn Độ sau đó (26-1) và sẽ có mặt tại sự kiện tên là "At Home" do Tổng thống Ấn Độ tổ chức.

Trước Hội nghị, sẽ có một Cuộc gặp gỡ ASEAN-Ấn Độ cấp Bộ trưởng về Thương mại và Đầu tư từ ngày 22 đến 23-1, một cuộc họp Hội đồng Doanh nghiệp các nước ASEAN-Ấn Độ, Hội nghị Hợp tác Kinh doanh Mê Kông-Sông Hằng, sự kiện Dệt may ASEAN-Ấn Độ và buổi trao Giải thưởng Thanh niên tiêu biểu ASEAN - Ấn Độ vào ngày 23-1.

Dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Narendra Modi cũng sẽ có cuộc hội đàm song phương và hai bên kỳ vọng sẽ ký các hiệp định quan trọng để tăng cường hơn nữa Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trong các lĩnh vực quan trọng như hợp tác trong sử dụng hòa bình không gian vũ trụ và năng lượng nguyên tử. Đặc biệt, phía Ấn Độ mong muốn ký kết Thoả thuận thực hiện giữa Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ và Cục Viễn thám Quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam để thành lập Trạm tiếp nhận và theo dõi dữ liệu và cơ sở xử lý dữ liệu tại Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình hợp tác Không gian ASEAN-Ấn Độ.

Theo số liệu của Ấn Độ, thương mại song phương giữa hai nước đã vượt mức 10 tỉ USD và cả hai nước vẫn cam kết cố gắng đạt được mục tiêu đặt ra bởi các nhà lãnh đạo là 15 tỉ USD vào năm 2020. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ trong các nước ASEAN và Ấn Độ nằm trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ là cuộc gặp thứ năm giữa hai vị Thủ tướng sau chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Modi đến Việt Nam vào tháng 9-2016, Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Viêng Chăn và Manila. Đây sẽ là cơ hội cho hai nhà lãnh đạo nhìn lại toàn bộ các vấn đề của mối quan hệ song phương và tiếp tục đề ra lộ trình tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo