Theo ông Andy Ho - giám đốc điều hành VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) thuộc Tập đoàn VinaCapital, dù vẫn cần thông tư hướng dẫn cụ thể để những quy định mới đi vào thực tiễn, nhưng việc cho phép NĐT nước ngoài sở hữu tối đa 100% các doanh nghiệp niêm yết (trừ một vài ngành kinh doanh có điều kiện) là một thông tin rất tích cực đối với thị trường.
“Việc nới room đã được NĐT nước ngoài, trong đó có VinaCapital, kỳ vọng từ rất lâu. Khi hạn chế về room được tháo gỡ, NĐT trong và ngoài nước chắc chắn sẽ tham gia tích cực hơn trước, cải thiện tính thanh khoản cho thị trường” - ông Andy Ho nhận định.
Ngoài chuyện nới room, theo ông Lê Hải Trà - phó tổng giám đốc thường trực HoSE, việc cho phép giao dịch trong ngày (dự thảo thông tư 74 về việc cho phép giao dịch trong ngày và bán trước mua bù sau) cũng sẽ tác động tích cực đến chứng khoán VN trong thời gian tới.
“Việc cho phép giao dịch trong ngày thay vì phải chờ ba ngày như hiện nay sẽ giúp vòng quay dòng tiền nội bộ ở sàn chứng khoán nhanh hơn, lượng tiền được nhân lên, giúp tăng thanh khoản và thị trường sôi động hơn” - ông Trà nhận định.
* PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN (hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing):
Ba lợi và một lo khi nới room
Việc nới room cho NĐT ngoại sẽ xuất hiện ba điểm lợi và một điểm lo. Điểm lợi thứ nhất là thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) vào thị trường tài chính VN, qua đó thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Việc nới room cho NĐT nước ngoài, thu hút dòng vốn FII sẽ làm tăng nguồn cung ngoại tệ, giúp ổn định tỉ giá.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, việc nới room cũng xuất hiện nỗi lo. Đó là nghị định 60 quy định trường hợp doanh nghiệp không thuộc đối tượng bị giới hạn về tỉ lệ sở hữu, sẽ không hạn chế tỉ lệ sở hữu cho NĐT nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp tốt, kinh doanh hiệu quả có khả năng sẽ bị NĐT nước ngoài thâu tóm, nền kinh tế sẽ bị phụ thuộc NĐT nước ngoài.
Do đó, theo tôi, nên giữ lại tỉ lệ nhất định ở những doanh nghiệp nào đóng vai trò chủ lực, giải quyết những vấn đề mang tính an sinh xã hội, có tính lan tỏa, có vị trí và vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
Trong giai đoạn hiện nay, những lĩnh vực liên quan đến đời sống của người dân như điện, nước, xăng dầu, kênh phân phối trên thị trường, nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu... cần phải giữ tỉ lệ phần trăm nhất định để giữ an sinh xã hội.
Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý có danh mục rõ ràng những doanh nghiệp nào cần giữ tỉ lệ sở hữu nhất định, doanh nghiệp nào không cần phải giữ. Có những danh mục mở 100% nhưng cũng có những danh mục không mở room hoặc mở có giới hạn...
A.HỒNG ghi