Chứng khoán
05/08/2016 15:22

Nhà đầu tư tháo chạy khỏi TTF

“Cú sốc TTF trên TTCK khiến nhiều “con cáo” khuynh gia, bại sản” - nhà đầu tư Phạm Đình tại Công ty Chứng khoán Đông Á chua xót nói.

Giá cổ phiếu TTF giảm sàn liên tiếp 13 phiên liền và chưa có dấu hiệu dừng lại…

Mất niềm tin, ai hiểu thấu nỗi đau cho nhà đầu tư?

Cổ phiếu TTF của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành giảm 60,3%, từ 43.600 đồng/CP xuống 17.300 đồng/CP, sau khi Công ty bị phát hiện thiếu 980 tỉ đồng hàng tồn kho, dẫn đến khoản lỗ hơn 1.100 tỉ đồng trong quý II/2016.

Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có thông tin về kết quả điều tra và trách nhiệm của các bên liên quan đến khoản thiếu hụt 980 tỉ đồng hàng tồn kho của TTF. Trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư vẫn đang tháo chạy khỏi cổ phiếu TTF khi phiên hôm 4-8 có lượng dư bán giá sàn gần 9 triệu đơn vị, trong khi chỉ có 10 cổ phiếu được đặt mua.

Nhìn lại báo cáo tài chính hợp nhất của TTF từ năm 2010 đến nay, hàng tồn kho của Công ty luôn ở mức cao và có xu hướng gia tăng. Chiếm tỉ trọng lớn trong hàng tồn kho là nguyên liệu, vật liệu và sản xuất - kinh doanh dở dang (Xem đồ thị). Phát hiện hàng tồn kho bị thiếu 980 tỉ đồng là E&Y khi kiểm toán báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016 của TTF (báo cáo tài chính năm 2010 do DTL kiểm toán; giai đoạn 2011 - 2015 do DFK Việt Nam kiểm toán).

Được biết, giai đoạn trước năm 2010, TTF có các khoản vay ngân hàng để đầu tư vào hàng tồn kho, cụ thể là gỗ Teak, một loại gỗ thuộc phân khúc cao cấp, do nhu cầu thị trường ở mức cao và liên tục có xu hướng tăng giá. Sau đó, nhu cầu của thị trường chuyển sang phân khúc gỗ bình dân, chủ yếu do khủng hoảng kinh tế, cộng thêm câu chuyện “lấy ngắn nuôi dài”, nên TTF bắt đầu trượt dài trong câu chuyện hàng tồn kho và trả lãi vay.

Giai đoạn 2010 - 2012, hàng tồn kho của TTF tăng dần, doanh thu ở mức cao, nhưng lợi nhuận giảm mạnh, từ mức lãi 52,2 tỉ đồng năm 2010 giảm xuống 9 tỉ đồng năm 2011 và 2,5 tỉ đồng năm 2012.

Giai đoạn 2013 - 2014, doanh thu của TTF giảm gần một nửa do Công ty luôn trong tình trạng phải làm để trả nợ.

Đáng chú ý, trong bối cảnh doanh thu giảm, chịu gánh nặng lãi vay, nhưng tồn kho của TTF tiếp tục tăng, chủ yếu ở nguyên liệu, vật liệu đầu vào, còn tồn kho biến động không đáng kể. Nguồn tiền để gia tăng hàng tồn kho đến từ đâu khi mà lượng tiền mặt của Công ty không nhiều; khoản phải thu ở mức thấp so với giá trị của hàng tồn kho? Trong khi đó, nợ phải trả của Công ty duy trì mức cao, xấp xỉ 2.300 tỉ đồng/năm giai đoạn 2013 - 2015 và tăng lên 1.777 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2016; trong đó, trên 90% đến từ vay nợ ngắn hạn.

Theo một số chuyên gia, tài sản đảm bảo của TTF với các ngân hàng là hàng tồn kho, nên việc gia tăng giá trị hàng tồn kho là một cách để doanh nghiệp có thể gia tăng hạn mức vay vốn. Tuy nhiên, sự gia tăng hàng tồn kho tại TTF là “thực” hay là “ảo”, câu trả lời chính xác nhất chỉ lãnh đạo doanh nghiệp biết.

Cũng phải nhìn nhận thực tế là hàng tồn kho của TTF có khá nhiều chủng loại, bởi hoạt động của doanh nghiệp không chỉ sản xuất, mà còn trồng rừng; trong sản xuất lại dự trữ nhiều loại gỗ, nguyên liệu, phụ liệu, chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang. Vì vậy, việc kiểm kê hàng tồn kho trở nên phức tạp, nếu không cẩn thận, không chuyên nghiệp thì khả năng ghi nhận sai giá trị hàng tồn kho là dễ xảy ra.

Liên quan đến xác định giá trị hàng tồn kho, một kiểm toán viên chia sẻ, công tác kiểm kê tại các công ty kiểm toán thường được thực hiện theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên, có xem xét đến các mặt hàng trọng yếu, từ đó ước tính giá trị tổng thể gần với con số ghi trong sổ sách của doanh nghiệp. Chỉ có một số trường hợp đặc thù như mua bán, sáp nhập, công ty kiểm toán mới kiểm kê từng món, còn với kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm thì rất ít công ty kiểm toán thực hiện từng món như vậy, vì rất mất thời gian và chi phí đội lên cao.

“Con số kiểm kê giữa các công ty kiểm toán có thể sai lệch vì phương pháp kiểm kê khác nhau, nhưng lệch tới 980 tỉ đồng là không thể chấp nhận được”, vị kiểm toán viên trên nói.

Nhiều năm, số dư hàng tồn kho đầu kỳ và cuối kỳ bất nhất!

Dù phía Công ty Kiểm toán E&Y hầu như không điều chỉnh số dư hàng tồn kho của TTF vào thời điểm cuối năm 2015, nhưng lần giở lại báo cáo tài chính của Công ty từ 2007 tới nay, có nhiều dấu hỏi về chất lượng hàng tồn kho cũng như chất lượng báo cáo tài chính của TTF.

Chưa xét đến nghịch lý gia tăng hàng tồn kho trong khi áp lực nợ vay đè nặng, TTF phải thực hiện tái cấu trúc nợ vay, chỉ xét trên bề mặt báo cáo tài chính của TTF các kỳ kế toán trước, đã có những dấu hiệu bất thường trong khoản mục hàng tồn kho của TTF.

Trong báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm 2009 của TTF, kiểm toán viên DTL còn ngoại trừ khoản mục hàng tồn kho với lý do: “Để quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh cuối năm 2009 được đảm bảo liên tục và kịp thời nên tập đoàn chưa tổ chức kiểm kê đầy đủ với nguyên vật liệu và bán thành phẩm phục vụ cho quá trình sản xuất. Chúng tôi cũng không thể thực hiện được các thủ tục kiểm toán thay thế khác để có thể cho ý kiến đối với hàng tồn kho nêu trên của Tập đoàn”.

Cần lưu ý rằng, khoản mục hàng tồn kho tại thời điểm cuối năm 2009 được TTF ghi nhận lên tới 984 tỉ đồng, chiếm trên 44% tổng tài sản của doanh nghiệp (2.176 tỉ đồng). Việc Công ty không kiểm kê và phía kiểm toán không thực hiện được các thủ tục thay thế, liệu báo cáo tài chính còn đảm bảo tính trung thực, hợp lý?

Tình huống ngoại trừ khoản mục hàng tồn kho trên báo cáo tài chính 2009 của TTF gợi nhớ đến câu chuyện của CTCP Tập đoàn Thái Hòa. Cụ thể, trên báo cáo tài chính bán niên 2013, kỳ báo cáo trước khi Thái Hòa chính thức hủy niêm yết, “mất hút thông tin”, đơn vị kiểm toán ngoại trừ nhiều khoản mục như hàng tồn kho, tài sản cố định, nợ phải thu, nợ phải trả; trong đó số dư hàng tồn kho lên tới trên 500 tỉ đồng, chiếm trên 50% tổng tài sản cuối tháng 6/2013. Câu chuyện ngoại trừ khoản mục hàng tồn kho của đơn vị kiểm toán đã gợi mở về tình trạng hàng tồn kho “ảo” của Thái Hòa.

Không chỉ lưu ý về khoản mục hàng tồn kho, đơn vị kiểm toán DTL cũng liên tục lưu ý người đọc báo cáo tài chính TTF 2008, 2009 về việc báo cáo tài chính chỉ được hợp nhất giữa công ty mẹ - CTCP Tập đoàn Đầu tư Gỗ Trường Thành - Bình Dương với 2 công ty con là CTCP Trường Thành (Đaklak 1) và CTCP Chế biến Gỗ Trường Thành (Đaklak 2), nhiều công ty con và công ty liên kết còn lại không được hợp nhất với báo cáo.

“Soi” kỹ vào diễn biến số dư hàng tồn kho của TTF, có thể nhận thấy một điểm bất thường: có tới 3 báo cáo tài chính sau kiểm toán (các năm 2010, 2012 và 2015) có số dư đầu kỳ của hàng tồn kho không khớp so với số dư cuối kỳ kế toán năm trước. Trong khi trước đó, TTF không công bố thông tin về việc điều chỉnh số liệu kế toán trong kỳ.

Đáng chú ý, đầu kỳ kế toán 2010, số dư hàng tồn kho tăng so với số dư cuối kỳ kế toán 2009 tới 223 tỉ đồng (từ 984,136 tỉ đồng cuối kỳ 2009 lên 1.207 tỉ đồng đầu kỳ 2010). Hay số dư hàng tồn kho cuối kỳ 2014 lệch so với số dư đầu kỳ 2015 là 150 tỉ đồng.

Việc lệch số dư hàng tồn kho năm 2009 và 2010 diễn ra trong giai đoạn DTL làm kiểm toán. Còn số liệu hàng tồn kho năm 2012 và 2011, 2014 và 2015 diễn ra trong giai đoạn DKF Việt Nam thực hiện kiểm toán.

Báo cáo kiểm toán lâu nay vốn được xem là căn cứ tin cậy cho nhà đầu tư, bởi được kiểm toán viên soi chiếu qua các chuẩn mực kế toán, kiểm toán, đảm bảo cho tính trung thực và hợp lý của các thông tin tài chính. Vậy nhưng, việc báo cáo tài chính sau kiểm toán có sai lệch, vi phạm nguyên tắc sơ đẳng của kế toán là số dư đầu kỳ này được xác định bằng số dư cuối kỳ kế toán liền trước nhưng kiểm toán viên vẫn không phát hiện ra? Điều này khiến cổ đông, nhà đầu tư không chỉ đặt dấu hỏi với chất lượng báo cáo tài chính tự lập của TTF cũng như chất lượng của báo cáo kiểm toán.

Chọn đầu tư, đừng chỉ để tâm đến con số!

Cú sốc hàng tồn kho của TTF một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về đạo đức kinh doanh và tính minh bạch trên thị trường chứng khoán. Thông tin đầu tiên đưa ra thị trường là cổ đông lớn Tân Liên Phát sau khi phát hiện “sai lệch nghiêm trọng” giữa số liệu thực tế so với số liệu báo cáo, chủ yếu trong khoản mục hàng tồn kho, khoản phải thu của Công ty, với giá trị hàng tồn kho bị thiếu lên tới gần 1.000 tỉ đồng so với báo cáo đã quyết định tạm dừng chuyển đổi khoản vay của Gỗ Trường Thành trên 1.200 tỉ đồng thành cổ phiếu khiến giới đầu tư giật mình.

Tiếp theo đó, báo cáo tài chính quý II/2016 của TTF công bố số lỗ lên tới trên 1.100 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm, do giá vốn hàng bán tăng vọt khi điều chỉnh số dư hàng tồn kho theo báo cáo của đơn vị kiểm toán đã giáng mạnh vào cổ đông, nhà đầu tư của TTF.

Khoảng 1 năm qua, cổ phiếu ETF đã tăng giá liên tục, nhờ thông tin tích cực hơn về tình hình hoạt động của Công ty, đặc biệt là theo “sóng” M&A, với việc Tân Liên Phát thâu tóm doanh nghiệp. Có thời điểm, thị giá TTF lên tới trên 40.000 đồng/CP. Nhiều người thắng lớn nhờ mua từ sớm và chốt lời lúc giá tăng mạnh, nhưng hiện nay rất nhiều nhà đầu tư ngậm trái đắng vì trót “ôm” vào cổ phiếu TTF ở mức giá đỉnh. Với cổ đông lớn Tân Liên Phát cũng đã chi ra hơn 1.800 tỉ đồng để mua vào 72,16 triệu cổ phiếu TTF với mức giá trên 20.000 đồng/CP.

Câu chuyện của TTF chắc chắn sẽ còn được nhắc đến như một bài học, với cả lãnh đạo doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đó là chỉ minh bạch mới có thể tạo dựng được niềm tin của cổ đông, từ đó, tận dụng lợi thế từ chính các cổ đông của mình để huy động vốn, phát triển doanh nghiệp. Trên thị trường, hiện tượng lãnh đạo doanh nghiệp bất nhất, thiếu minh bạch không hiếm.

Mới đây, CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình (QBS) đã công bố lỗ hợp nhất hơn 22 tỉ đồng trong quý II/2016, trong khi chỉ vài ngày trước, QBS đã hai lần khẳng định sẽ lãi 28 tỉ đồng trong quý này. Cách công bố thông tin tạo cảm giác “lừa dối” như vậy đã và sẽ khiến QBS mất điểm nặng nề trong con mắt của giới đầu tư.

Với nhà đầu tư, bài học mà nhà đầu tư lừng danh Warren Buffett chia sẻ: “Chọn lãnh đạo để đầu tư” luôn có giá trị. Bên cạnh các con số về doanh thu, lợi nhuận, EPS hay triển vọng được vẽ ra bởi chính DN, nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp coi trọng đạo đức, tầm nhìn và sự minh bạch của ban lãnh đạo, như một yếu tố tiên quyết khi rót vốn. Tất nhiên, đây là yếu tố không dễ đánh giá và khẳng định, ngay cả với những nhà đầu tư “cáo già”.

Từ năm 2010 đến nay, TTF luôn sử dụng hàng tồn kho làm tài sản đảm bảo cho khoản vay ngắn hạn tại các ngân hàng. Vậy quy trình thẩm định, quản lý, giám sát tài sản đảm bảo là hàng tồn kho tại các ngân hàng được thực hiện như thế nào? Tài sản đảm bảo bị thiếu 980 tỉ đồng có được các ngân hàng biết đến trước khi doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý II/2016 có kiểm toán của E&Y?

Theo Ngọc Phú - Hằng Phương - Việt Dương (ĐTCK)

Viết bình luận


VIETBANK TRIỂN KHAI COMBO PHÍ CHUYỂN TIỀN QUỐC TẾ CHO DOANH NGHIỆP

VIETBANK TRIỂN KHAI COMBO PHÍ CHUYỂN TIỀN QUỐC TẾ CHO DOANH NGHIỆP

VnMoney 09:33

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) ưu đãi phí thanh toán quốc tế, tư vấn thủ tục chuyển tiền và nhiều ưu đãi khác nhằm tạo thêm các giá trị gia tăng cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh quốc tế.

Fintech và AI đưa tài chính số tới mọi người

Fintech và AI đưa tài chính số tới mọi người

Tài chính - Ngân hàng 14:44

Với niềm tin trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là yếu tố thay đổi "cuộc chơi", MoMo đã đầu tư mạnh mẽ, và hiện đội ngũ chuyên gia AI chiếm tới 1/3 nhân sự công nghệ, đem lại nhiều "quả ngọt" cho Fintech Việt này

VietinBank ra mắt gói tài chính xanh GREEN UP, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển bền vững

VietinBank ra mắt gói tài chính xanh GREEN UP, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển bền vững

Tài chính - Ngân hàng 18:01

Tiếp nối chuỗi hoạt động thúc đẩy tài chính bền vững sau COP28, VietinBank ra mắt gói tài chính xanh GREEN UP với lãi suất và phí ưu đãi dành cho các phương án, dự án mang lại lợi ích về môi trường và xã hội.

VPBank – hành trình từ thấu hiểu đến cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng

VPBank – hành trình từ thấu hiểu đến cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng

Tài chính - Ngân hàng 18:46

Sự gắn bó và niềm tin của khách hàng đối với thương hiệu không chỉ đến từ chất lượng sản phẩm, dịch vụ, mà còn xuất phát từ cách doanh nghiệp thấu hiểu khách hàng, xây dựng hành trình trải nghiệm để mang lại những giá trị tích cực.

VPBank và FE CREDIT hợp tác chiến lược với FPT Shop

VPBank và FE CREDIT hợp tác chiến lược với FPT Shop

Tài chính - Ngân hàng 19:01

Ngày 8-12-2023, VPBank và FE CREDIT đã cùng ký kết thỏa thuận hợp tác với FPT Shop - Chuỗi cửa hàng bán lẻ trực thuộc Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT nhằm đem đến cho khách hàng trải nghiệm mua sắm các thiết bị công nghệ, điện máy gia dụng dễ dàng, nhanh chóng với nhiều ưu đãi hơn.

VietinBank tiếp tục khẳng định vị thế “Ngân hàng cung cấp dịch vụ ngoại hối tốt nhất Việt Nam”

VietinBank tiếp tục khẳng định vị thế “Ngân hàng cung cấp dịch vụ ngoại hối tốt nhất Việt Nam”

Tài chính - Ngân hàng 10:50

Global Finance - Tạp chí uy tín hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tài chính lần thứ 6 liên tiếp gọi tên VietinBank ở hạng mục “Ngân hàng cung cấp dịch vụ ngoại hối tốt nhất Việt Nam” năm 2023. VietinBank đã xuất sắc vượt qua các ngân hàng trong nước để có mặt trong danh sách 88 ngân hàng tốt nhất quốc gia trên lĩnh vực này.

VIETBANK DIGITAL bổ sung thêm nhiều tính năng mới cho người dùng

VIETBANK DIGITAL bổ sung thêm nhiều tính năng mới cho người dùng

Tài chính - Ngân hàng 15:07

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank - VBB) hợp tác cùng Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPAY) triển khai hai tính năng mới là "Đặt sân Golf" và "Thể thao - Giải trí" trên ứng dụng Vietbank Digital nhằm giúp tiết kiệm thời gian và đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của khách hàng với nhiều ưu đãi đặc quyền.