xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bậc thầy về Vespa

Bài và ảnh: TRỰC NGÔN

Đam mê nghề nghiệp và tay nghề giỏi, chỉn chu đã giúp ông Hòa sớm thành danh

Nằm khiêm tốn gần Bến xe Miền Đông, tiệm sửa xe Hoàng Vespa (địa chỉ 224/5A Quốc lộ 13, phường 26, quận Bình Thạnh, TP HCM) nhiều năm nay là địa điểm dân chơi Vespa cổ thường lui tới. Chủ tiệm là ông Trần Ngọc Hòa, 46 tuổi, một chuyên gia độ Vespa cổ nức tiếng.

Chí thú học nghề

Cửa tiệm chật hẹp của ông Hòa chứa đầy phụ tùng và những chiếc xe đang được phục chế dang dở. Ông chủ tiệm với mái tóc ngả muối tiêu, khuôn mặt khắc khổ, chai sạn vì nắng cứ đi tới đi lui đôn đốc thợ làm việc không ngưng nghỉ. “Dân độ Vespa cổ ngoài kiến thức còn phải tỉ mỉ. Từng chi tiết máy, đặc biệt là dáng vẻ bề ngoài của xe phải được hoàn thiện đúng nguyên bản theo yêu cầu của khách nên người thợ càng kỹ tính càng tốt” - ông Hòa cho biết.

Ông Trần Ngọc Hòa bên một chiếc Vespa cổ vừa được độ lại
Ông Trần Ngọc Hòa bên một chiếc Vespa cổ vừa được độ lại

Bên tách trà nóng, rít thật sâu một hơi thuốc, ông Hòa trầm ngâm kể về thời thơ ấu đầy gian khó. Năm 1976, do hoàn cảnh khó khăn, ba mẹ ông Hòa dắt các con từ Huế vào vùng kinh tế mới ở gần lòng hồ Trị An, tỉnh Đồng Nai tìm kế sinh nhai. Làm lụng đủ cách nhưng cái nghèo vẫn cứ bủa vây. 15 tuổi, được một người quen giới thiệu, ông Hòa xin học nghề tại tiệm sửa xe Vespa của ông Trần Ẩn, một “phù thủy” độ Vespa cổ có tiếng ở Sài Gòn lúc đó.

“Khi ấy, tôi chỉ nghĩ đơn giản là học một cái nghề để nuôi sống bản thân. Thế nhưng, tiếng nổ phành phạch cùng những đường nét tinh tế, cổ điển của những chiếc Vespa khiến tôi như bị mê hoặc” - ông Hòa nhớ lại. Được thầy cho ở lại nhà, vừa học nghề vừa phụ giúp việc gia đình là một lợi thế không nhỏ của cậu thanh niên mới lớn như Hòa.

Ở vai trò thợ học việc, ông Hòa đặc biệt chú ý thao tác của thợ cả, bắt đầu từ chuyện đơn giản là mở ốc vít, sau đó tập sửa dần những hỏng hóc thông thường. Có lần tranh thủ thầy đi vắng, ông Hòa lén đóng cửa tiệm và rã bung một chiếc Vespa để tìm hiểu nguyên lý hoạt động, từ đó tìm ra cách khắc phục hỏng hóc nhanh và hiệu quả nhất. Đột ngột trở về nhà, thấy học trò ráp xe chưa hoàn chỉnh, ông Ẩn không la rầy một tiếng, trái lại còn chỉ vẽ thêm.

Thời điểm ấy, phụ tùng Vespa rất khan hiếm, chỉ cần thợ làm thất lạc hay hư hỏng là chủ tiệm sẽ phải đền bù cho khách. Không ít thợ vì làm hỏng phụ tùng nên bị ông Ẩn la mắng, thậm chí phạt roi. Ông Hòa cũng không ngoại lệ. Những cái liếc mắt, thậm chí roi vọt của thầy cũng không khiến ông Hòa nhụt chí; trái lại, ông quyết tâm học rành nghề.

Năm năm ở tiệm, ông Hòa chứng kiến cảnh hàng chục người thợ vì không trụ nổi đã bỏ nghề. Chỉ duy nhất ông Hòa với bản tính trầm, ít nói và chí thú được thầy giữ lại. Được thầy tận tình uốn nắn nên ông Hòa thạo nghề rất nhanh, sớm trở thành thợ cả của tiệm. “Tôi giỏi nghề nhờ được thầy thương, chịu đòn giỏi và... kỹ tính” - ông Hòa nhớ lại. Năm 1987, khi tay nghề đủ cứng, ông Hòa xin phép thầy mở tiệm riêng.

Hữu xạ tự nhiên hương

Dân chơi Vespa kết ông Hòa ở cách “bắt bệnh” xe bởi chỉ cần nghe tiếng máy nổ là ông có thể biết xe bị gì và đưa ra hướng khắc phục rất nhanh, nhờ đó khách hàng không phải chờ lâu. Kiến thức sâu về các dòng xe Vespa và tay nghề thuộc hàng “cao thủ” giúp ông Hòa nổi tiếng khắp cả nước.

Lúc chúng tôi trò chuyện thì có một người khách đem xe đến tiệm nhờ coi vì sao xe yếu. Nghe tiếng máy nổ một hồi, ông Hòa định bệnh ngay: “Nếu nhiên liệu được pha đúng tỉ lệ, pit-tông và xi-lanh hoạt động tốt mà xe vẫn bị yếu thì cần xem lại lửa”.

Để khách hàng tin, ông Hòa kêu thợ mở máy kiểm tra và đúng như lời ông nói, nguyên nhân gây lửa yếu là thợ canh điểm nổ (điểm đánh điện) không chuẩn dẫn đến hiện tượng đánh điện sớm hoặc quá muộn khi pit-tông hút hỗn hợp nhiên liệu vào buồng đốt. Sau đó, chỉ cần vài thao tác cân chỉnh hết sức điệu nghệ của ông Hòa, tiếng máy xe lại nổ ngọt xớt khiến vị khách nể phục.

Cách đây chưa lâu, ông Hòa đã khiến dân chơi Vespa cổ thán phục khi độ thành công gần như nguyên bản chiếc Vespa cổ dòng Prototype MP5 được hãng Piaggio sản xuất vào năm 1946. Từ hình ảnh do khách hàng cung cấp, ông Hòa mày mò hơn 3 tháng để làm đồng toàn bộ khung sườn xe.

Nhờ quan hệ rộng, lại chịu khó săn lùng phụ tùng nên chỉ sau 5 tháng kể từ khi bắt tay thực hiện, ông Hòa đã có được phiên bản tạm. Thêm 3 lần chỉnh sửa, chạy thử, cuối cùng ông Hòa đã phục chế gần như nguyên bản chiếc xe trong sự ngỡ ngàng của khách. “Khách chơi xe Vespa cổ số đông là người có thu nhập cao. Bỏ tiền ra để độ xe nên họ thường đòi hỏi rất cao tay nghề thợ. Do vậy, sản phẩm giao cho khách phải thật hoàn hảo đến từng chi tiết và đó cũng là cách để giữ uy tín của tiệm, danh dự của người thợ” - ông Hòa nói. Sau sự kiện này, tiếng tăm của ông Hòa nổi như cồn.

Không chỉ có khách hàng trong nước mà khách nước ngoài cũng tìm đến ông đặt hàng, chủ yếu ở Hàn Quốc, Úc, Canada. Chỉ tay vào 3 chiếc Vespa cổ dựng trước cửa tiệm, ông khoe: “Những chiếc xe này do khách hàng từ Hàn Quốc đặt, giá mỗi chiếc dao động từ 25 triệu đến 35 triệu đồng. Để giữ chữ tín, mỗi năm, tôi chỉ nhận độ từ 2-3 chiếc. Làm kỹ và bảo đảm chất lượng thì mới có thể làm ăn lâu dài” - ông Hòa bộc bạch.

Giao xe cho khách, ngoài chế độ bảo hành chu đáo, ông Hòa thường xuyên hỏi thăm, tư vấn kỹ cách bảo dưỡng. “Muốn làm ăn lâu dài, người thợ phải biết tạo dựng uy tín với khách. Xe chạy tốt nghĩa là mình làm ăn có uy tín, hữu xạ tự nhiên hương là vậy” - ông Hòa chia sẻ.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo