xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bảo đảm tiền lương, phúc lợi cho người lao động

Bài và ảnh: MAI CHI

Ngoài cải thiện tiền lương và chế độ phúc lợi thì cần có sự phối hợp giữa các địa phương trong kết nối cung cầu và hỗ trợ người lao động từ các tỉnh trở lại TP HCM làm việc

Theo công bố của Nhóm nghiên cứu chính sách lao động - việc làm thuộc Khoa Kinh tế Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước (Đại học Kinh tế TP HCM) tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Chính sách lao động - việc làm trong điều kiện bình thường mới" do Đại học Kinh tế TP HCM tổ chức sáng 17-12, trong quý IV/2021 chỉ có khoảng 377.000/1,3 triệu lao động rời TP HCM trong đợt dịch vừa qua quay lại làm việc (chiếm tỉ lệ khoảng 29%). Dự kiến, sau Tết Nguyên đán sẽ có khoảng 520.000 người quay lại (40,3%) thành phố và số lao động không quay lại là hơn 140.000 người.

Cung - cầu lệch pha

Cũng theo nghiên cứu của nhóm, hiện các ngành đứng đầu về khả năng hồi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh sau đợt dịch vừa qua tại TP HCM gồm công nghiệp chế biến - chế tạo, xây dựng… Các ngành này sử dụng khá nhiều lao động ngoại tỉnh (trên 30%) nên đang xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động. Trong khi đó, tại một số địa phương, chính quyền cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tạo công ăn việc làm cho lượng lao động lớn đột ngột đổ về.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Đắk Lắk, cho hay thời gian qua, tỉnh có hơn 160.000 người từ các tỉnh, thành phía Nam trở về để tránh dịch (riêng TP HCM gần 35.000 người). Qua khảo sát từ 40.000 người lao động (NLĐ) trở về tỉnh, có hơn 22.000 người có nguyện vọng quay lại các địa phương đã làm việc trước đó, 11.000 người có nguyện vọng làm việc trong tỉnh, khoảng 4.000 người không quay lại thị trường lao động, gần 3.000 người muốn học nghề, số còn lại đăng ký đi xuất khẩu lao động.

Bảo đảm tiền lương, phúc lợi cho người lao động - Ảnh 1.

Được cải thiện về lương và phúc lợi xã hội, nhiều người lao động sẽ quay lại thành phố làm việc

Để giải quyết việc làm cho NLĐ trở về, thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện nhiều giải pháp. Song hiện toàn tỉnh có hơn 10.000 doanh nghiệp (DN), chủ yếu là quy mô siêu nhỏ, sử dụng ít lao động nên việc đáp ứng nhu cầu việc làm của NLĐ gặp nhiều khó khăn.

Tương tự, trong đợt dịch vừa qua, tại tỉnh Sóc Trăng có khoảng 6.000 lao động trở về từ các tỉnh, thành khác nhưng DN tại địa phương vẫn gặp khó khăn trong việc tuyển người. Ông Trương Quốc Bình, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Thái Hòa, cho biết để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động sau dịch, công ty có rao tuyển công nhân sản xuất, chế biến thủy hải sản nhưng đến nay vẫn chưa tuyển đủ người. Nguyên nhân chủ yếu do NLĐ không thích làm việc trong lĩnh vực này.

Giúp người lao động tìm việc từ xa

Theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đắk Lắk, đa phần NLĐ khi được hỏi đều chọn thời gian trở lại các địa phương từng làm việc trước đó vào thời điểm sau Tết Nguyên đán. Lý do chưa muốn quay lại ngay là vì họ muốn đoàn tụ gia đình dịp Tết và vẫn e ngại tình hình dịch bệnh còn phức tạp. Thêm vào đó, thời điểm này Đắk Lắc đang vào mùa thu hoạch cà phê, NLĐ có thể tìm được việc làm với thu nhập cao nên chưa vội trở lại nơi làm việc cũ.

Do vậy, để giúp NLĐ trở lại thị trường lao động, ông Nguyễn Quang Thuân cho rằng các địa phương sử dụng nhiều lao động cần kiến nghị Chính phủ sớm có chính sách tăng lương tối thiểu cho NLĐ. Thu nhập hiện tại của NLĐ làm việc tại TP HCM và các tỉnh phía Nam chỉ đạt khoảng 6,5-7 triệu đồng, trừ các chi phí sinh hoạt, học phí cho con thì gần như họ không có tích lũy. Bên cạnh đó, chính quyền cần phối hợp với DN tổ chức đưa đón NLĐ trở lại; tạo điều kiện cho NLĐ tiêm đủ liều vắc-xin; hỗ trợ tiền nhà trọ, tiền ăn bước đầu để giảm bớt khó khăn cho NLĐ.

Về lâu dài, cần có chính sách hỗ trợ về nhà ở, xây dựng các nhà trọ, khu lưu trú đạt chuẩn cho NLĐ; bố trí nơi gửi trẻ, trường học cho con công nhân để họ an tâm làm việc. "Giữa các địa phương cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ để nắm bắt kịp thời cung cầu lao động nhằm quản lý chặt chẽ, hoạch định chính sách lao động - việc làm phù hợp và hỗ trợ NLĐ" - ông Thuân đề xuất.

Theo nhóm nghiên cứu chính sách lao động việc làm, các yếu tố có vai trò quyết định trong việc quay lại nơi làm việc của những lao động đã rời TP HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ là điều kiện làm việc và thu nhập, điều kiện y tế, điều kiện sống và sinh hoạt, điều kiện học tập của con cái và thói quen cộng đồng… TS Phạm Khánh Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước, thành viên nhóm nghiên cứu - khuyến nghị ngoài các giải pháp thu hút NLĐ trước mắt như: hỗ trợ giới thiệu việc làm, tạm ứng lương, tạo điều kiện về chỗ ở, tiêm vắc-xin, xét nghiệm, phương tiện di chuyển, đào tạo kỹ năng phù hợp công việc mới… thì trong dài hạn, cơ quan quản lý nhà nước nên đầu tư xây dựng nền tảng công nghệ kết nối việc làm, đặc biệt là nhóm lao động trình độ thấp, ít kỹ năng để giúp NLĐ có thể tìm việc từ xa. Khi đã xác định công việc chắc chắn, họ có thể lập kế hoạch di chuyển và sinh sống dễ dàng hơn. Qua đó cũng tạo ra cơ sở dữ liệu về thị trường lao động, giúp các cơ quan hoạch định chính sách có thông tin chính xác hơn về cung cầu lao động tại từng địa phương để có giải pháp phù hợp. 

Hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp

Từ kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu chính sách lao động việc làm cũng dự báo tình trạng thất nghiệp có khả năng gia tăng do tác động của đại dịch Covid-19. Để hạn chế tình trạng thất nghiệp, nhóm khuyến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ DN như: hoãn, gia hạn thời gian nộp thuế; hỗ trợ bảo lãnh tín dụng, thanh toán khoản vay, giảm lãi suất cho vay, tái cấu trúc nợ; hoãn hay giảm đóng BHXH cho NLĐ; hỗ trợ điện, nước và tiền thuê... nhằm giúp DN khôi phục hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, nên đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án có đặc tính đem lại lợi ích cộng đồng hoặc lợi ích xã hội, xây dựng các công trình hạ tầng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo