xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chia tay rồi, cắn đắng nhau chi!

Đào Loan (TBKTSG)

Nhiều công ty chỉ tập trung khâu tuyển dụng, săn tìm những người giỏi mà lơ là chuyện nhân viên nghỉ việc, trong khi lẽ ra nên coi hai việc này quan trọng ngang nhau

Tôi vừa chứng kiến một cuộc chia tay không êm đẹp. Một ông chủ bày tỏ sự thất vọng nặng nề khi người mà ông tốn công tốn của mời về từ một công ty nước ngoài đã không mang lại hiệu quả công việc như kỳ vọng. Thậm chí, ông còn nặng lời cho rằng, cô này "thùng rỗng kêu to", tưởng năng lực vượt trội nhưng thực tế chẳng làm nên trò trống gì ngoài việc lãnh lương và làm xáo trộn toàn bộ trật tự trong công ty, nơi ông đã tốn rất nhiều năm sắp xếp.

Chia tay rồi, cắn đắng nhau chi! - Ảnh 1.

Nhiều công ty chỉ tập trung khâu tuyển dụng, săn tìm những người giỏi mà lơ là chuyện nhân viên nghỉ việc, trong khi lẽ ra nên coi hai việc này quan trọng ngang nhau

Người nhân viên cũng bực bội không ít. Cô nhiều lần ca thán về chuyện công ty làm việc theo kiểu "nhà quê". Nhân viên đã ít người giỏi mà nhìn qua nhìn lại đều là người thân của ông chủ nên chẳng thể cho nghỉ việc. Bà chủ thì lại "dở người", muốn thương hiệu công ty mau chóng nổi tiếng nhưng lại tiếc tiền, không chịu đầu tư cho một chiến lược tiếp thị dài hơi, chưa kể muốn thể hiện quyền lực bằng cách can thiệp một cách duy ý chí vào kế hoạch do các chuyên viên đề ra.

Không bàn chuyện ai đúng ai sai nhưng một điều đáng đặt ra là họ đã có một kết thúc rất tệ và có thể sẽ mang lại những điều không hay cho cả hai bên. Cô nhân viên chắc sẽ gặp không ít khó khăn trong hành trình nghề nghiệp vì đã phạm vào điều cấm kỵ của một người làm việc chuyên nghiệp, đó là không bao giờ nói xấu chỗ làm cũ. Công ty nào cũng muốn tìm người làm được việc và có trước có sau, cho nên thái độ ứng xử có văn hóa khi chấm dứt công việc ở nơi cũ sẽ là một điểm cộng khi công ty mới xem xét tuyển dụng cũng như cất nhắc vào những vị trí quan trọng sau này.

Nhiều nơi không tuyển người như cô, không phải vì cho rằng cô xấu tính mà đánh giá ứng viên không đáp ứng được các kỹ năng của công việc, trong đó có kỹ năng thích ứng với môi trường làm việc và khả năng lan truyền năng lượng tích cực đến những người xung quanh. Người khó thích ứng, lại hay kêu ca thì sẽ mang lại tác động tiêu cực đến đồng nghiệp khiến hiệu quả công việc không cao.

Một doanh nhân kể, ông đã tuyển nhiều người có vấn đề ở chỗ cũ nhưng có cách hành xử chuyên nghiệp và văn minh. Khi được hỏi, những người này cho biết không tìm được sự đồng cảm, không thỏa mãn với cách xử lý của sếp cũ nhưng không đổ lỗi cho sếp hay công ty vì đã không đáp ứng được kỳ vọng về môi trường làm việc và cách quản lý hoàn hảo như ý muốn. Họ cho rằng, khi không hòa nhập được, không tìm được tiếng nói chung thì nên tìm môi trường khác để có thể cống hiến và chia sẻ. Có người cho biết, tuy đã nghỉ việc nhưng vẫn nhớ lúc mới bắt đầu, biết ơn những điều nhỏ bé nhận được từ nơi cũ nên không muốn nhắc đến những trục trặc.

Ông cũng từng quyết định chờ một ứng viên khi anh này từ chối vào làm ngay với mức lương cao để chờ công ty cũ tuyển được người thay thế và chuyển giao công việc lại cho người mới. Anh đề nghị, nếu công việc mới cần nhanh thì sau đó anh sẽ làm thêm giờ để giải quyết. Sự chu toàn và trách nhiệm, lúc nghỉ việc không chỉ biết đến cho bản thân mà còn nghĩ cho công ty khiến ông trân trọng.

Về phía ông chủ, việc chỉ trích nhân viên cũng không phải là cách xử sự hay. Có thể, sau vụ việc này, những người định kết mối làm ăn hay định sẽ đầu quân cho công ty sẽ phải cân nhắc hơn vì ngại, nếu lỡ "cơm không lành, canh không ngọt" thì biết đâu nhân vật bị rêu rao khắp nơi lại là mình.

Công ty nào cũng sẽ có biến động về nhân sự nhưng cả hai phía nên hiểu là do có những yêu cầu không khớp được để cho cuộc chia tay nhẹ nhàng hơn. Thực tế, có những công ty rất quan tâm đến nhân viên, phát hiện ý định nghỉ việc để tìm hiểu nguyên nhân và kịp thời chia sẻ, động viên. Tuy nhiên, cũng có những công ty chưa sát sao, dẫn đến có nhiều bức xúc có thể hóa giải nhưng đã bỏ qua, để mặc nhân viên ôm nỗi bức xúc ra đi.

Nhiều công ty chỉ tập trung khâu tuyển dụng, săn tìm những người giỏi mà lơ là chuyện nhân viên nghỉ việc, trong khi lẽ ra nên coi hai việc này quan trọng ngang nhau. Điều tệ nhất là để nhân viên ra đi với sự khó chịu trong đầu. Sự ấm ức đó có thể ảnh hưởng không tốt đến doanh nghiệp vì nhân viên đó có thể giải tỏa sự bức bối bằng cách kể với mọi người. Mỗi người lại hiểu và có cách kể tiếp câu chuyện khác nhau nên thông tin sẽ lan truyền không kiểm soát.

Không ai làm việc với nhau cả đời, có thể đến một lúc nào đó, chúng ta phải chia tay nhưng cả hai phía nên nỗ lực để cho cuộc chia tay đong đầy lưu luyến, để kết thúc rồi vẫn nghĩ về nhau đầy ấm áp mà quên đi những vết gợn trong lòng.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo