xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực số

MINH CHIẾN

Trong quá trình chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số, cần đặt con người trong trung tâm việc làm, công nghệ để phát triển các kỹ năng phù hợp

Ngày 17-11, tại Hà Nội, Ban Kinh tế trung ương đã tổ chức hội thảo chuyên đề về chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là sự kiện trong khuôn khổ Diễn đàn Cao cấp thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0.

Thiếu lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao

Ông Đỗ Ngọc An, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, cho biết cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cơ sở nền tảng, là điều kiện cơ bản để nền kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, dựa trên kinh tế tri thức, kinh tế số và lao động có trình độ công nghệ cao. Đồng thời tạo ra những thay đổi lớn trong cung - cầu của thị trường lao động. "Đối với nền kinh tế vẫn dựa nhiều vào các ngành sử dụng lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên, trình độ của người lao động còn hạn chế như ở nước ta, việc chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa vừa là cơ hội để thúc đẩy phát triển, đồng thời là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay" - ông An đánh giá.

Theo Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, trong những năm qua, nguồn nhân lực của đất nước được tăng cường cả về quy mô và chất lượng. Lực lượng lao động cả nước tăng từ 50,4 triệu người năm 2010 lên 56,2 triệu người năm 2020. Tỉ lệ lao động qua đào tạo từ 40% năm 2010 tăng lên khoảng 65% năm 2020. Nhân lực chất lượng cao tăng đáng kể, trong đó có một số ngành đạt trình độ khu vực và quốc tế như y tế, cơ khí, công nghệ, xây dựng. Tuy nhiên, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Tỉ lệ lao động chưa qua đào tạo còn lớn, chất lượng đào tạo thấp, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, thiếu lao động có trình độ, năng lực, kỹ năng tay nghề cao...

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực số - Ảnh 1.

Ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất may mặc tại Tổng Công ty CP Phong Phú (TP Thủ Đức, TP HCM) Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Hồng Hà, đại diện lâm thời Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, nhấn mạnh tỉ lệ lao động có kỹ năng cao của Việt Nam còn thấp hơn mức trung bình ASEAN, một số báo cáo của ILO cũng chỉ ra rằng Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ chịu tác động mạnh của tự động hóa. Theo bà Hà, thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp bách trong chuyển đổi, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, bởi phương thức làm việc và kinh doanh đang thay đổi. "Vài năm trước, tài xế Grab còn khá mới mẻ với chúng ta nhưng rất nhanh sau đó đã trở thành phổ biến. Dịch Covid-19 cũng gây nên những xáo trộn, thay đổi về việc làm" - bà Hà nói. Từ những khảo sát, nghiên cứu của ILO, bà Hà nhấn mạnh công nghệ, khoa học kỹ thuật có thể xóa bỏ những việc làm hiện hữu nhưng cũng tạo ra nhiều việc làm mới, cơ hội mới. Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, NLĐ cần phải thay đổi, sẵn sàng trước công nghệ, khoa học kỹ thuật. Việt Nam nhắc nhiều đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhưng đều mang tính tổng quát, chưa có sự phân tích rõ tác động đến từng ngành, từ đó đưa ra những khuyến cáo sát nhất cho lao động, việc làm.

Con người là trung tâm

Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TP HCM, khẳng định đào tạo nguồn nhân lực là yếu tố quyết định sự thành công của chiến lược chuyển đổi số. Chính vì vậy, ĐHQG TP HCM đã đưa ra chiến lược đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số của trường trong giai đoạn 2021-2030 với những mục tiêu rất cụ thể như đến năm 2030, trường nằm trong top 15 trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu về trí tuệ nhân tạo (AI) của ASEAN.

Trong chiến lược đào tạo, ông Quân cho biết trường triển khai các chương trình đồng đào tạo với doanh nghiệp (DN), đây là yếu tố vô cùng quan trọng. Bởi theo ông Quân, các kỹ năng để có thể thích nghi và làm việc nhanh nhất tại DN nếu riêng trường đại học đào tạo rất khó để đáp ứng, nên rất cần việc cùng tham gia đào tạo của DN với các trường. Theo PGS-TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, để phát triển nguồn nhân lực số, các kỹ năng của người lao động tham gia vào công cuộc chuyển đổi số phải thay đổi một cách sâu sắc. Từ đó, công tác đào tạo tại các trường đại học cũng phải từng bước thay đổi để đáp ứng yêu cầu mới, trong đó đề cao yếu tố kết hợp với DN trong đào tạo để có những kiến thức từ thực tiễn. Ông Vinh cho biết Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng từ năm 2018 đến nay đã thay đổi mạnh mẽ phương pháp giảng dạy trong việc thiết kế chương trình. Các sinh viên sẽ học tập theo dự án, bớt thời gian về lý thuyết. Các sinh viên nhận các dự án từ giảng viên và DN có hợp tác với trường, sau đó phát triển các dự án mang tính bao trùm kiến thức nhiều môn học.

Trong quá trình chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số, theo bà Nguyễn Hồng Hà, cần xác định con người là trung tâm. Đặt con người trong trung tâm việc làm, công nghệ để từ đó phát triển các kỹ năng phù hợp. Bà Hà chỉ ra thực tế hiện nay các DN vừa và nhỏ còn gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi số do nguồn lực hạn chế. Chính vì vậy, bà Hà khuyến nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần theo đuổi quá trình phát triển nguồn nhân lực trong chuyển đổi số theo hướng bao trùm, hỗ trợ cả DN nhỏ và vừa thay vì chỉ tập trung cho những DN lớn. Để đào tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, kinh tế số trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bà Hà nói không chỉ có vai trò Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, các trường đại học mà rất cần sự đồng hành của các DN, hiệp hội ngành hàng.

Nêu quan điểm của mình, theo PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, các ý kiến tại hội thảo đều đề cập kỹ năng, nâng cao trình độ nguồn nhân lực, đào tạo nhân lực nhưng chưa nhắc đến yếu tố tiền lương. Tiền lương là một trong những động lực quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu lao động cho chuyển đổi số, kinh tế số trong định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

Cần có dự báo về nguồn lao động

PGS-TS Vũ Hải Quân cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần có nghiên cứu, dự báo về chuyển đổi số, kinh tế số, từ đó cho thấy chúng ta cần bao nhiêu nhân lực, kỹ năng đến mức nào để có sự đầu tư phù hợp. Ngoài sự đầu tư của nhà nước, cần có cả đầu tư của DN và các nguồn lực khác trong xã hội.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo