xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Điều không dễ lãng quên...

NGUYỄN THỊ LỆ THỦY (nguyên Trưởng Ban Công đoàn)

"Làm báo rất cực", "nghề báo rất nguy hiểm" nhưng làm báo cũng rất vui và rất hạnh phúc khi ngòi bút của mình mang lại lợi ích cho xã hội, cho cộng đồng và nhất là cho đối tượng của báo mình

Đó là một ngày tháng 3 năm 1997. Sau khi tôi gửi đơn xin nghỉ việc vì "thấy mình không có khả năng làm báo" thì Tổng Biên tập Phan Hồng Chiến gọi vào. Ông không đả động gì đến lá đơn mà lại đưa cho tôi thư mời dự buổi tuyên dương "Gương sáng đảng viên" do LĐLĐ TP HCM tổ chức. Ông nói: "Em đi dự sự kiện này. Bài viết để đăng báo thì tòa soạn đã phân công chị Minh Hà, còn em đi dự và viết bài nộp cho anh". Tôi làm đúng như lời ông dặn. Đọc bài xong, ông nói: "Em làm được". Rồi ông phân công tôi về viết mảng Công đoàn và Lao động. Khi ấy chưa có trang Công đoàn, chỉ có anh Quốc Thể là phóng viên chuyên trách. Tôi đã "cày" trên mảnh đất ấy hơn 20 năm.

Vượt qua nỗi lo

Với vốn kiến thức gần như bằng không về lĩnh vực mình phụ trách, tôi vô cùng lo lắng. Nhưng sợ bị cười phóng viên Công đoàn mà dốt về Công đoàn nên tôi âm thầm tìm hiểu, truy đến tận cùng vấn đề chứ không chấp nhận biết lớt phớt, qua loa.

Điều "may mắn" cho tôi là những năm ấy, tình hình đình công rất sôi động. Hầu như ngày nào cũng có đình công. Đó là trường học lớn mà không đâu có được. Trong các cuộc đình công, chúng tôi đã học hỏi, phát hiện được thực tế phong phú trong đời sống công nhân và cả những bất cập của chính sách khi đi vào thực tiễn.

Điều không dễ lãng quên... - Ảnh 1.

Tác giả (X) trong chuyến công tác tại Mỹ theo lời mời của Chính phủ Mỹ

Các bài viết về những vấn đề sát sườn với đời sống công nhân và hoạt động Công đoàn đã có tác động sâu sắc đến cách nhìn nhận, đánh giá và quan điểm của các cấp chính quyền về việc phải quan tâm, chăm lo thích đáng cho đội ngũ công nhân. Chính từ các bài viết và đề xuất, kiến nghị của Báo Người Lao Động mà TP HCM đã có các chương trình như: Bán điện đúng giá cho công nhân ở trọ, Chuyến xe nghĩa tình, Cùng công nhân vượt khó, mang Tết đến cho công nhân nghèo, chăm lo cho lao động nữ mất việc...

Nhiều chính sách lớn của nhà nước liên quan đến người lao động cũng xuất phát từ các bài viết trên Báo Người Lao Động: Tăng lương tối thiểu cho người lao động khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, duy trì trợ cấp BHXH một lần; phục hồi chính sách nghỉ ngơi, dưỡng sức cho người lao động; bù lương hưu cho lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018...

Đó cũng chính là lý do lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam và lãnh đạo LĐLĐ TP mỗi khi có vấn đề liên quan đến công nhân, Công đoàn thường hỏi chúng tôi: "Quan điểm của Báo Người Lao Động về vấn đề này thế nào?". Sự tin tưởng đó chính là động lực để những phóng viên Công đoàn mạnh mẽ dấn thân.

Chuyên mục nhỏ, tác động lớn

Khoảng năm 1998, khi thiết kế trang Công đoàn, Ban Biên tập đã dành một phần trang báo cho mục "Đối thoại". Đây là chiếc cầu nối giữa người lao động với doanh nghiệp; là nơi những chính sách, chế độ của nhà nước được giải đáp cặn kẽ. Chúng tôi không ngờ chuyên mục phụ ấy của trang báo lại có sức hút rất mạnh mẽ, đến nỗi nhiều chủ doanh nghiệp sáng sớm mở Báo Người Lao Động ra trước tiên là xem mục "Đối thoại". Thậm chí, chỉ cần xem qua hộp thư, thấy đơn vị mình được nhắc đến, nhiều doanh nghiệp chủ động liên hệ để giải quyết khiếu nại của người lao động.

Chung quanh việc giải quyết đơn thư khiếu nại của người lao động cho mục "Đối thoại" tôi có vô vàn kỷ niệm. Hôm đó tôi được phân công đến Công ty CP Thủy Đặc sản Seaspimex để giải quyết đơn khiếu nại của công nhân về tiền lương. Đón tiếp tôi là ban giám đốc và gần 10 cán bộ các phòng, ban. Đặc biệt, ông N.H.T, tổng giám đốc, không giấu vẻ khó chịu như thể tôi đến để làm phiền. Rất nhẹ nhàng, tôi chỉ ra những việc làm chưa đúng của công ty. Tôi nói có sách, mách có chứng nên cả ban giám đốc đều "tâm phục, khẩu phục".

Khi tôi ra về, ông N.H.T dúi vào tay tôi chiếc phong bì "để đổ xăng". Tôi nghiêm mặt: "Cơ quan có tiêu chuẩn xăng cho phóng viên rồi. Cảm ơn anh". Từ đó về sau, bất cứ việc gì tôi cần, ông đều giúp tận tình, như huy động công nhân dự lễ trao Giải Mai Vàng của báo, hỗ trợ công tác xã hội từ thiện... Đặc biệt, nhiều công nhân nơi khác mất việc, tôi xin cho họ vào Seaspimex, ông đều nhận, có người làm việc đến tận bây giờ.

Điều không dễ lãng quên... - Ảnh 2.

Lãnh đạo Báo Người Lao Động cùng tác giả tại cuộc họp mặt “còm sĩ” của báo Ảnh: HỒNG VÂN

Lần khác, Công ty Phú Hà (trụ sở ở quận 1 nhưng nhà xưởng ở quận Tân Bình) bị công nhân khiếu nại vì tăng ca quá nhiều. Tổng giám đốc Đ.Q.T khi tiếp tôi đã gay gắt nói rằng mình tốt nghiệp nhiều trường đại học, từng đi du học ở nước ngoài nên không có chuyện làm sai luật. Trước thái độ thiếu cầu thị ấy, tôi mang khiếu nại của công nhân và trả lời của ông tổng giám đốc đặt lên bàn chánh Thanh tra Lao động TP.

Sau khi mục "Đối thoại" đăng thông tin phản hồi, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP đã lập đoàn kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại công ty. Đáng mừng là sau đó công ty đã nhận ra sai phạm, tích cực sửa đổi và trở thành điểm sáng trong quan hệ lao động của thành phố.

Đó là những kỷ niệm thật đẹp mà mỗi khi nhớ tới, tôi luôn thấy tự hào vì mình không chỉ bảo vệ được người lao động, đồng hành cùng doanh nghiệp mà còn tạo dựng hình ảnh đẹp về tờ báo của mình.

Hạnh phúc với nghề

Khi làm Trưởng Ban Công đoàn của báo, hằng năm tôi phải tổng kết, báo cáo công việc của ban. Những con số như bao nhiêu công nhân đòi được quyền lợi, bao nhiêu tỉ đồng được doanh nghiệp trả lại cho người lao động; bao nhiêu đề xuất của báo được lãnh đạo tiếp thu, thực hiện... đã lượng hóa hiệu quả truyền thông của báo trong thực hiện mục tiêu, tôn chỉ. Chúng tôi hạnh phúc vì điều đó. Song, để làm được như vậy, không phải tự thân mình mà làm được.

Hơn 20 năm làm báo, với tôi có biết bao vui buồn nhưng theo ngày tháng, mọi thứ dần bị lãng quên. Tuy vậy, vẫn có những điều khắc sâu trong ký ức. Năm đó, khi xảy ra vụ việc nữ công nhân Vũ Thị Lụa của Công ty Freetrend (KCX Linh Trung) bị điện giật nhưng lãnh đạo công ty cố tình giấu giếm, cho rằng Lụa bị động kinh, tôi đã quyết tâm tìm ra sự thật bằng loạt 3 bài điều tra công phu để khẳng định đó là tai nạn lao động, buộc công ty phải có trách nhiệm.

Khi bài thứ nhất lên trang thì 23 giờ đêm tôi nhận được điện thoại của Tổng Biên tập Phan Hồng Chiến. Ông cho biết có người ở Ban Quản lý các KCX-KCN TP đề nghị không đăng bài và hỏi tôi: "Ý em sao?". Tôi trả lời: "Em nghĩ nên đăng". Vậy là hôm sau, bài báo ra mắt bạn đọc và 2 bài tiếp theo vẫn ra đời mà không bị một cản ngại nào. Tôi cảm kích và biết ơn lãnh đạo của mình đã luôn đứng về phóng viên như vậy.

Kỷ niệm đáng nhớ khác là khi tôi thực hiện bài viết về an toàn lao động do tòa soạn yêu cầu. Tôi vừa nộp bài thì lát sau đã thấy ông Nguyễn Đăng Cương, biên tập viên của tòa soạn, cầm bài viết xuống trả lại. Ông nói: "Bài viết của em chưa đạt. Em nên xoáy sâu vào những vấn đề thế này... thế này...". Tôi hơi bất ngờ nhưng khi bình tĩnh, đọc kỹ lại thì thấy ông nói rất đúng. Tôi cất công tìm thêm tài liệu và viết lại. Kết quả, bài viết ấy đã được tòa soạn đề xuất Ban Biên tập khen thưởng.

Rất nhiều lần khi nhớ về điều này, tôi nghĩ bất cứ người lính nào khi ra trận mà có được hậu phương như thế thì họ sẵn sàng chiến đấu, hy sinh.

Yêu, ghét rạch ròi

Trong nhiều bài viết của tôi như "Đánh thuế bà đẻ", "Trường luật phạm luật", "Lên rừng, xuống biển họp tăng lương"..., những nhân vật tôi đề cập là các quan chức có tên tuổi. Những người này khi gặp tôi đều hỏi một câu gần giống nhau: "Sao nhìn mặt chị hiền vậy mà câu chữ chị viết như dao nhọn?". Tôi chỉ cười. Thật sự câu chữ của tôi không thiếu sự ấm áp, ngọt ngào như "Người cha quét đường nuôi con học tiến sĩ", "Từ đôi tay chị ánh sáng bừng lên", "Nghiệp đoàn Bốc xếp An Đông: Cuộc hành trình tìm lại những cái tên...". Trong tôi, yêu và ghét rất rạch ròi.

Khi viết những dòng này, trước mắt tôi hiện lên hình ảnh nữ công nhân Đặng Thị Yến (Công ty Hoằng Việt - KCX Tân Thuận) với khuôn mặt trắng trẻo, mái tóc dài đen mượt. Ấy vậy mà sau tai nạn, cánh tay bị cuốn vào máy dệt phải cắt cụt, em không bao giờ còn được tự tay mình chải tóc, gội đầu. Đó là Vũ Thị Lụa sau tai nạn điện giật phải sống đời sống thực vật khi mới bước sang tuổi mười tám. Đó là hàng ngàn công nhân phải chui rúc trong những căn nhà lụp xụp, ẩm ướt, mặt xanh dờn vì đói ăn, thiếu ngủ... Là hiện lên trong tôi những buổi chiều muộn, hối hả chạy xe từ Hóc Môn, Củ Chi về quận 5 đón con mà ứa nước mắt khi nghĩ đến cảnh đứa con gái bé bỏng đang một mình chờ mẹ trong sân trường...

Tôi không nhớ hết những giải thưởng đã có được nhưng bài học làm nghề từ các bậc đàn anh tôi không thể nào quên. Làm một nhà báo tử tế không dễ dàng trong bối cảnh có quá nhiều cám dỗ của mặt trái kinh tế thị trường. Dù vậy, tôi có thể tự hào nói với các con mình rằng "mẹ là một nhà báo tử tế".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo